Tiếng mõ là gì

Ý NGHĨA NGHI THỨC CHUÔNG MÕ

Tụng kinh là đọc lại lời Phật đã dạy với một tiết tấu riêng qua đó giúp ta hiểu ý nghĩa của lời dạy mà thực hành cho đúng, tụng kinh cũng giúp cho việc lưu truyền những lời dạy này trong không gian và thời gian và nhờ đó chúng ta tạo được quả lành. Tụng kinh cũng là pháp môn tu để cho tam nghiệp [thân, khẩu, ý] được thanh tịnh.
          Việc tụng kinh thường kèm theo 2 pháp khí quan trọng là Chuông và Mõ.  Chuông Mõ có mục đích giúp những người tham dự hành lễ, tụng kinh được nhịp nhàng tạo nên không khí chí thành, trang nghiêm.           Ở trong chùa, Chuông luôn luôn để bên tay trái của tượng Phật hay Bồ Tát, Mõ bên tay phải. [cũng nên lưu ý rằng khi nói nam tả nữ hữu là nói đến tả hữu của người ở phía  trên, của người điều khiển, hay đơn giản là từ trong nhìn ra] Tiếng chuông là những hiệu lệnh cần thiết để buổi lễ diễn ra nhịp nhàng đúng với trình tự buổi lễ, giúp mọi người tham dự lễ được hòa hợp, thanh tịnh và hướng đến nhất tâm. Vì vậy nguời thỉnh chuông còn có tên gọi là Duy Na, nghĩa là người điều hành buổi lễ theo đúng với ý hướng của vị chủ lễ. Tiếng mõ có tác dụng duy trì sự nhịp nhàng đều đặn, không lộn xộn đồng thời tạo ra cảm giác hân hoan, phấn chấn, giúp cho việc tụng niệm được hòa hợp, hân hoan và người tụng niệm khỏi bị rối trí loạn tâm, chuyên nhất vào tiếng kệ lời kinh. Do đó người đánh mõ gọi là Duyệt Chúng, nghĩa là làm cho đại chúng vui vẻ.

Ngoài ra, tiếng mõ nhằm cảnh tỉnh tâm trí những người tham gia tụng niệm khỏi bị buồn ngủ, dã dượi, và đó là lý do vì sao quai mõ, thân mõ thường được chạm trổ hình con cá để biểu thị cho sự tỉnh thức, vì cá được coi như loài không bao giờ nhắm mắt ngủ.

Sau khi bàn Phật đã chuẩn bị xong về nhang, đèn, hoa quả, người thỉnh chuông sẽ thỉnh 6 tiếng chuông, có nghĩa là giữ cho sáu căn thanh tịnh để tụng kinh. Vị chủ lễ niêm hương lễ bái theo nghi thức Mỗi lần vị chủ lễ xá, thỉnh một tiếng chuông, khi vị chủ lễ lạy xuống, thỉnh một tiếng chuông và khi trán vị chủ lễ chạm nền chánh điện thì dập chuông [dùng dùi gõ vào vành chuông rồi giữ dùi chuông lại trên vành chuông để âm thanh của chuông không vang ra]. Khi nghe dập chuông thì vị chủ lễ cũng như mọi người tham dự cùng đứng lên. Nên hướng dẫn việc này, tránh tình trạng người đứng trước người đứng sau không được trang nghiêm.

Sau khi xong phần niêm hương lễ bái thì  bắt đầu vào nghi thức chuông mõ như sau:

  Khi chuông và mõ nhập nhau ở tiếng mõ cuối cùng thì bắt đầu tụng kinh. Tiếng mõ đầu tiên sẽ rơi vào tiếng tụng thứ hai rồi đánh đều tay, thong thả, chỉ khi tụng các thần chú thì mới đánh nhanh và khi đến chữ thứ ba cuối bài tụng/thần chú thì dừng một nhịp rồi gõ dồn 2 nhịp ở chữ gần cuối và tiếng mõ cuối cùng chấm dứt ở chữ cuối cùng. Tiếng chuông được đánh khi có danh hiệu Phật, Bồ tát và những chỗ quy định trong một bài kinh. Thường tiếng chuông cũng sẽ báo hiệu cho đại chúng biết bài kinh/thần chú sắp chấm dứt bằng cách đánh cán dùi vào chuông 2, 3 tiếng trước khi đánh tiếng chuông dứt bài. Người thỉnh chuông còn có nhiệm vụ điều tiết buổi lễ khi tiếng mõ và lời tụng không được nhịp nhàng, lúc này người thỉnh chuông sẽ trở dùi chuông gõ nhẹ vào chuông thay cho tiếng mõ cho đến khi tiếng mõ và lời tụng ăn khớp nhau theo nhịp của chủ lễ.

Khi chấm dứt buổi lễ, người đánh chuông sẽ thỉnh 1 hồi và 3 tiếng rời sau cùng, tượng trưng cho sự gìn giữ tam nghiệp luôn được thanh tịnh.

  1. Ý nghĩa của nghi thức chuông mõ:
- 3 tiếng chuông đầu tiên là để nhắc nhở chúng ta cần diệt tam độc Tham Sân Si để chứng ngộ tam đức là Pháp thân, Bát nhã và Giải thoát. - 7 tiếng mõ có ngụ ý cần tiêu trừ bảy chi phần tội lỗi là sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, nói thêu dệt, nói 2 lời và nói lời hung dữ để chứng được bảy chi phần giác ngộ là trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định và xã. - 3 tiếng chuông rời nhắc nhở tu tam học Giới Định Tuệ - 3 tiếng mõ rời nhắc cho ta tu tập chứng ba cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát. - 4 tiếng mõ sau cùng ý khuyên người tu hãy tiêu trừ tứ tướng là tướng Người, tướng Ta, tướng Chúng sanh và tướng Thọ giả mà đạt đến tứ trí là Thành sở tác trí, Diệu quan sát trí, Bình đẳng tánh trí và Đại viên cảnh trí.   *Giải thích vắn tắt về các danh từ riêng:

- Tam đức: là ba đức của Đại Niết Bàn.


1. Pháp thân đức: Là bốn thể của Phật, là thể tánh thanh tịnh bất biến thường trụ.
2. Bát nhã đức: Là cái pháp tướng chơn như giác ngộ trọn vẹn.
3. Giải thoát đức: Là sự xa lìa mọi ràng buộc, được tự tại giải thoát. Trong ba đức trên đều có bốn đức: Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.
 - 7 chi phần giác ngộ: là bảy pháp có khả năng làm trợ duyên trong việc triển khai trí tuệ giác ngộ cho người tu để đạt đến Niết-bàn an vui giải thoát, gồm có:
Trạch pháp giác chi: là sự phân tích, biết phân biệt đúng sai để lựa chọn pháp tu chơn chánh phù hợp căn cơ người tu để đạt đến giải thoát.
Tinh tấn giác chi: là nỗ lực kiên trì, để vượt qua mọi thử thách trên con đường tu tập. 
Hỷ giác chi: là sự khởi tâm hoan hỷ trong mọi hoàn cảnh để vượt qua chướng duyên trên đường tu tập.
Khinh an giác chi: là trạng thái nhẹ nhàng an lạc tỉnh giác trong đời sống do đạt được niềm hỷ lạc thanh tịnh của các pháp thiện, nhờ đó mà người tu tập có thể thong thả đi tới đích mà không gặp chướng ngại nào. 
Niệm giác chi: là sự chú tâm vào tu tập không để các vọng niệm phát khởi làm ngăn trở việc tu tập.
Định giác chi: là sự an định tỉnh giác, không bị chi phối bởi phiền não vọng tưởng và các duyên bên ngoài tác động vào tâm thức làm ngăn trở việc tu tập.
Xả giác chi: là sự lìa bỏ phóng dật, sự không vướng bận vào bất cứ điều gì  - Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát:

Thanh văn: người theo lời dạy của Phật mà chứng ngộ được lý Tứ đế, dứt trừ được Kiến hoặc và Tư hoặc, vào được tiểu quả Niết bàn của A La Hán.


Duyên giác [hoặc Bích Chi Phật, hoặc gọi Độc Giác Phật]: là người gặp thời có Phật, nhờ quán 12 nhân duyên mà giác ngộ. Thời không có Phật hoặc quán 12 nhân duyên hoặc quán theo ngoại duyên như nhìn mây bay, lá rụng mà liễu ngộ lý chơn thường.
Bồ tát: người trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh.
 - Tứ tướng: là 4 tướng mà người tu nếu chấp vào thì sẽ không thể hoàn toàn giải thoát đó là chấp có ta, chấp có người, chấp có chúng sanh và chấp có thọ nhận.
 - Tứ trí: là 4 loại trí tuệ có được sau khi đạt được giác ngộ; khi giác ngộ, các thức [8 thức] của hàng phàm phu được chuyển thành 4 trí trong đó 5 thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân chuyển thành Thành sở tác trí; Ý thức chuyển thành Diệu quan sát trí; Mạt na thức chuyển thành Bình đẳng tánh trí; A lại da thức chuyển thành Đại viên cảnh trí.
Thành sở tác trí: cái trí tuệ như thật không có phân biệt của ngũ quan; thí dụ con mắt thường    có đẹp xấu nhưng con mắt của người giác ngộ thì không thấy như vậy.
Diệu quan sát trí: ý thức hạn hẹp của chúng ta đầy rẫy sự sai lầm do những nhận thức hạn hẹp của ngũ quan, ngũ thức do đó khi đã giác ngộ, người tu không vướng vào cái thấy của ngũ quan, ngũ thức nên đạt được sự nhận thức, quan sát muôn vật hợp với bản chất của sự vật.
Bình đẳng tánh trí: mạt na thức là thức chấp ngã, cho rằng có ta, cái của ta …điều đó mang lại sự kỳ thị, so sánh ta với đối tượng khác; vậy khi đã giác ngộ thì không còn chấp ngã, sẽ thấy ta, người là tương đồng, đạt đến bình đẳng tánh.
Đại viên cảnh trí: A lại gia thức chấp tàng tất cả chủng tử từ muôn kiếp được hình thành từ sai lầm của ngũ thức, ý thức và mạt na thức; một khi giác ngộ thì tất cả đều là chân tánh thường hằng, là Phật tánh. Nói cách khác khi Ngũ thức, Ý thức, Mạt na thức đã thuần tịnh thì A lại gia thức cũng trở nên thuần tịnh, là chỗ phát sinh, biểu hiện hay hiện hành mọi công đức của thân và tâm, nhưng cũng đồng thời là chỗ thu nhiếp, cất giữ tất cả mọi hạt giống công đức thanh tịnh vô lậu. Trí này không bị gián đoạn, soi suốt tận cùng vị lai, giống như một tấm gương lớn, có khả năng phản chiếu mọi hình ảnh.

GN - Chuông và mõ là hai pháp khí quan trọng để hàng Phật tử tụng kinh, niệm Phật tại tư gia.

HỎI: Xin quý Báo hướng dẫn cho gia đình chúng tôi về ý nghĩa và cách thức sử dụng chuông mõ, nhất là cách thức tụng kinh, niệm Phật tại tư gia.

[NGUYÊN HẠNH, ]

ĐÁP: Bạn Nguyên Hạnh thân mến!

Chuông gia trì và mõ là hai pháp khí quan trọng để hàng Phật tử tụng kinh, niệm Phật tại tư gia. Chuông gia trì được đúc bằng chất liệu đồng, kích thước vừa và nhỏ, thường đặt phía bên tay phải người chủ lễ, khi thỉnh chuông tiếng ngân vang thanh thoát mà trầm hùng.

Chuông gia trì chủ yếu sử dụng trong khi làm lễ, tụng niệm. Tiếng chuông gia trì là những hiệu lệnh cần thiết để buổi lễ diễn ra nhịp nhàng đúng với trình tự của khoa nghi, giúp mọi người tham dự lễ hòa hợp, thanh tịnh và hướng đến nhất tâm.

Người thỉnh chuông gia trì gọi là duy-na. Trong buổi lễ, duy-na là người điều hành buổi lễ theo đúng với ý hướng của vị chủ lễ. Vì vậy, người thỉnh chuông gia trì phải am tường khoa nghi và chú tâm cao độ mới có thể làm tốt phận sự của mình.

Ngoài chuông gia trì, mõ cũng là một pháp khí rất quan trọng. Mõ được làm bằng gỗ, hình bầu dục, được đặt phía bên tay trái người chủ lễ, khi gõ mõ phát ra tiếng trầm hùng mà thanh thoát.

Trong khi tụng niệm, tiếng mõ có tác dụng duy trì sự nhịp nhàng đều đặn, không lộn xộn đồng thời tạo ra cảm giác hân hoan, phấn chấn, và nhờ đó, người tụng niệm khỏi bị rối trí loạn tâm, chuyên nhất vào tiếng kệ lời kinh. Ngoài ra, tiếng mõ nhằm cảnh tỉnh tâm trí những người tham gia tụng niệm khỏi bị buồn ngủ, dã dượi, và cũng chính vì ý này mà quai mõ, thân mõ thường chạm trổ hình cá, loài không bao giờ nhắm mắt ngủ để biểu thị cho sự luôn luôn tỉnh thức.

Người gõ mõ trong buổi lễ gọi là duyệt chúng, nghĩa là làm cho đại chúng đẹp lòng, tụng niệm một cách hòa hợp, hân hoan. Vì thế, gõ mõ làm cho vui lòng đại chúng trong khi tụng niệm nhằm giúp họ hướng đến nhất tâm là cả một nghệ thuật, phải học tập và rèn luyện thật nhiều mới có thể làm tròn phận sự.

Về cách thức sử dụng chuông mõ tại tư gia, trước khi làm lễ cần đốt hương đèn, kế đó chủ lễ mặc áo tràng trang nghiêm bước vào vị trí trước bàn kinh chuẩn bị quỳ niêm hương, thỉnh ba tiếng chuông [trước khi thỉnh chuông cần thức chuông, giập nhẹ dùi vào vành chuông]. Trong trường hợp không có người giúp chuông mõ hay tụng niệm một mình thì vị chủ lễ phải kiêm hết cả chuông lẫn mõ.

Kế đến vị chủ lễ xướng bài Quán tưởng, cuối bài xá Phật một xá, thỉnh một tiếng chuông. Rồi đến đảnh lễ Tam bảo, trước mỗi lạy thỉnh một tiếng chuông [khi vị chủ lễ lạy trán chạm đất thì giập chuông - dùng dùi chuông gõ vào vành chuông nhưng giữ lại, không cho âm thanh ngân lên].

Sau khi lễ Phật xong, mọi người ngồi xuống hướng về Tam bảo, chuẩn bị khai chuông mõ để tụng niệm. Ở đây, để tiện diễn đạt, tạm quy ước tiếng chuông là [c] và tiếng mõ là [m]. Trước, thỉnh ba tiếng chuông rời nhau - [c], [c], [c]. Sau ba tiếng chuông, gõ bảy tiếng mõ theo cách: bốn tiếng đầu rời, hai tiếng sau dính liền, một tiếng sau cùng rời - [m], [m], [m], [m], [m][m], [m]. Tiếp theo là thỉnh chuông và mõ đan xen nhau theo cách: chuông trước mõ sau, ba lần như vậy thì ngừng chuông, kế mõ gõ tiếng thứ tư, tiếng mõ thứ năm và sáu dính liền nhau, tiếng mõ thứ bảy rời - [c], [m], [c], [m], [c], [m], [m], [m][m], [m] - chấm dứt bằng tiếng giập chuông.

Khai chuông mõ xong thì bắt đầu tụng niệm, lệ thường mỗi chữ một tiếng mõ. Cần chú ý là khi tiếng kinh [kệ] đầu tiên cất lên, chưa gõ mõ, tiếng thứ hai mới đệm một tiếng mõ, tiếng thứ ba không gõ mõ, tiếng thứ tư, thứ năm về sau nhịp mõ đều đặn. Nếu tụng thần chú thì nhanh, tụng kinh sám thì chậm hoặc vừa; tụng kinh bộ thì nên gõ mõ theo lối “nhanh dần đều”. Đến khi chấm dứt bài kinh [kệ], muốn dừng lại, thì những tiếng mõ gần cuối gõ chậm lại, hai tiếng mõ áp chót dính liền và tiếng mõ cuối cùng gõ rời ra - [m], [m][m], [m].

Thỉnh chuông cũng vậy, thường thì cuối bài kệ hay cuối đoạn kinh điểm một tiếng chuông. Lúc niệm Phật, muốn chuyển qua danh hiệu khác, thỉnh một tiếng chuông. Khi muốn chấm dứt thì tiếng thứ năm [hoặc thứ ba] gần cuối bài kinh [kệ] thỉnh một tiếng chuông, tiếng cuối cùng thỉnh thêm một tiếng chuông nữa.

Về cách thức tụng niệm, bạn hãy thỉnh một cuốn kinh Nhật tụng bằng tiếng Việt [tránh dùng kinh Nhật tụng phiên âm Hán-Việt, vì phần nhiều không hiểu nghĩa]. Trong kinh, mỗi phần đều có hướng dẫn tụng niệm rất rõ ràng. Phối hợp với cách sử dụng chuông mõ như đã nêu, bạn có thể tụng kinh, niệm Phật, lễ Phật hàng ngày rất dễ dàng.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN
[]

Video liên quan

Chủ Đề