Tóm tắt nắm vững nội dung nghệ thuật và ý nghĩa Chuyện người con gái Nam Xương

Để tóm tắt một văn bản tự sự hay một tác phẩm văn học sao cho ngắn gọn nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ ý không hề đơn giản. Dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết các em học sinh cách tóm tắt văn bản tự sự thông qua Chuyện người con gái Nam Xương.

Tóm tắt chuyện người con gái nam xương

Đôi điều về tóm tắt văn bản tự sự

Thế nào là tóm tắt văn bản tự sự? Hiểu một cách đơn giản, tóm tắt một tác phẩm là các em dùng chính ngôn từ, lời văn của mình để diễn tả, giới thiệu lại nội dung chính của tác phẩm. Lưu ý, bản tóm tắt phải trung thành và bám sát với tác phẩm gốc, không được tưởng tượng thêm thắt chi tiết và cũng không được làm thay đổi nội dung câu chuyện.

Vậy tại sao các em học sinh cần phải tóm tắt tác phẩm tự sự? Mục đích các em cần tóm tắt tác phẩm chính là để nắm chắc cốt truyện, là cơ sở để tìm hiểu chủ đề cũng như nắm được dễ dàng hơn giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chỉ khi các em tóm tắt được mới chứng tỏ các em hiểu tác phẩm, nhớ được tình tiết và nội dung tránh tình trạng phân tích sai về tác phẩm khi làm bài.

Tóm tắt tác phẩm đòi hỏi kỹ năng, có khả năng phân tích cũng như tổng hợp tốt mới có thể tóm tắt tác phẩm tốt. Và chỉ cần thực hiện theo các bước sau đây, các em học sinh có thể tóm tắt bất kỳ tác phẩm nào chứ không riêng Chuyện người con gái Nam Xương:

Bước 1: Đọc thật kỹ văn bản. Các em cần phải đọc văn bản nhiều lần mới dễ dàng tóm tắt. Việc đọc qua loa hay chỉ đọc 1, 2 lần không làm được điều này.

Bước 2: Xác định nhân vật chính của tác phẩm và những tình tiết xoay quanh nhân vật chính ấy. Bất kì một tác phẩm nào cũng có nhân vật chính và các chi tiết của câu chuyện đều xoay quanh nhân vật chính.

Bước 3: Sắp xếp lại các tình tiết theo diễn biến của câu chuyện, không được đảo lộn trật tự diễn biến đó tránh làm sai lệch nội dung.

Bước 4: Dùng chính lời văn của mình để diễn đạt lại câu chuyện thật ngắn gọn nhưng vẫn phải đảm bảo đúng và đầy đủ chi tiết chính, truyền tải được nội dung cho người khác đọc và hiểu nhé.

Cách tóm tắt một tác phẩm tự sự

Những bài tóm tắt văn bản chuyện Người con gái Nam Xương chọn lọc

Tóm tắt chuyện Người con gái Nam Xương số 01

Vũ Thị Thiết – một người con gái xinh đẹp, nết na ở Nam Xương. Trương Sinh cảm mến dung nhan và đức hạnh của nàng đã đem trăm lạng vàng đến hỏi cưới. Vợ chồng son sống hạnh phúc chưa được  bao lâu, Trương Sinh phải đi lính. Ngày từ biệt Vũ Nương chỉ mong chồng bình yên trở về. Lúc Trương Sinh ra trận nàng đang có mang. Một mình Vũ Nương ở nhà chăm sóc mẹ già và con nhỏ. Mẹ Trương Sinh vì thương nhớ con trai nên cũng sớm qua đời, Vũ Nương lo ma chay và tiếc thương chẳng khác nào mẹ ruột của mình. Qua ba năm sau, giặc tan và Trương Sinh trở về nhà. Do lời nói ngây ngô của đứa trẻ nên chàng hiểu lầm vợ mình đã phản bội mình những năm qua. Chàng chưa hỏi đầu đuôi câu chuyện liền đánh đuổi Vũ Nương đi. Vũ Nương ra sông Hoàng Giang nhảy tự vẫn với lời thề trong sạch sẽ trở thành ngọc trai hoặc cỏ Ngu Mỹ, ngược lại lừa chống dối con sẽ làm mồi cho cá tôm. Nàng chết và được Linh Phi cưu mang làm cung nữ dưới thủy cung. Sau khi vợ chết, Trương Sinh dù giận nhưng vẫn nhớ thương. Một lần trong đêm tối, đứa con trai chỉ vào bóng chàng trên vách và nhận làm cha, chàng mới hiểu nỗi oan của vợ mình thì đã quá muộn.

Phan Lang là người cùng quê với Vũ Nương. Một ngày gặp nhau dưới thủy cung, Vũ Nương đưa tín vật cho Phan Lang nhờ gửi cho Trương Sinh cùng lời nhắn lập đàn giải oan. Trương Sinh thấy cây trâm cài nhận ngay ra vợ mình liền cho lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang. Vũ Nương có hiện về gửi lời từ biệt cuối cùng rồi biến mất mãi mãi.

Tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương số 02

Vũ Thị Thiết – người con gái ở Nam Xương vừa xinh đẹp lại nết na được gả cho Trương Sinh nhà hào phú. Sau một thời gian, Trương Sinh phải đi ra trận đánh giặc. Một mình Vũ Nương ở nhà sinh con đầu lòng và chăm lo cho người mẹ già. Chẳng bao lâu do thương nhớ con trai, người mẹ già qua đời, Vũ Nương lo ma chay báo hiếu. Khi giặc tan, Trương Sinh về lúc con đã tập nói. Trong một lần dẫn con ra mộ thăm mẹ và nhận là cha đứa trẻ ngây ngô trả lời ông cũng là cha tôi ư, cha tôi thường đến buổi tối và chẳng bao giờ nói gì. Do tính tình ghen tuông lại ít học, Trương Sinh nghĩ vợ mình có tư tình với người khác. Chàng liền chửi um lên và đánh đuổi vợ ra khỏi nhà. Qúa đau khổ vì không thể giải thích, Vũ Nương ra sông Hoàng Giang đắm mình tự vẫn và được Linh Phi cứu giúp cho làm cung nữ dưới thủy cung. Sau khi vợ qua đời, trong đêm Trương Sinh bế con ngồi bên ngọn đèn, đứa trẻ liền hò reo chỉ vào bóng Trương Sinh kêu bố đã tới, lúc này Trương Sinh mới hiểu nỗi hàm oan của vợ thì đã quá muộn. Phan Lang là một người cùng làng với Vũ Nương, do có công cứu Linh Phi nên trong một lần gặp nạn được Linh Phi cứu giúp đền ơn. Ở dưới thủy cung, Phan Lang gặp Vũ Nương. Nàng liền gửi cho Phan Lang chiếc trâm cài tín vật nhờ đem về cho Trương Sinh. Trương Sinh nhận được tín vật liền nghe lời lập đàn giải oan trên sông. Theo làn khói mờ ảo, Vũ Nương hiện về nhưng sau đó biến mất mãi mãi. Nàng vẫn kịp gửi tới Trương Sinh lời từ biệt sau cùng, cảm tạ tình cảm của Trương Sinh nhưng nàng không thể về được nữa.

Tóm tắt văn bản chuyện người con gái Nam Xương số 03

Chuyện người con gái Nam Xương kể về cuộc đời của nàng Vũ Thị Thiết có dung hạnh vẹn toàn. Nàng kết duyện cùng Trương Sinh con nhà phú hào nhưng ít học và tính tình hay ghen. Vũ Nương mang thai con đầu lòng còn chưa sinh nở thì Trương Sinh bị gọi đi lính. Vũ Nương ở nhà sinh con, chăm sóc mẹ chồng vô cùng chu đáo. Mẹ chồng Vũ Nương vì tuổi già và nhớ thương con trai nên ốm nặng rồi mất. Nàng lo ma chay cho mẹ chồng chẳng khác nào mẹ đẻ. Hàng đêm dưới ngọn đèn dầu, Vũ Nương hay chỉ vào bóng của mình và nói đùa với con trai đó chính là cha Đản và nàng đâu biết vì câu nói đùa này sẽ trở thành bi kịch cuộc đời nàng. Ba năm sau, giặc tan Trương Sinh trở về nhà. Nhưng Đản không nhận cha mình và nói rằng cha mình cứ đêm mới tới, mẹ đi cũng đi, mẹ ngồi cũng ngồi, chẳng bao giờ nói gì và chẳng bao giờ bế Đản. Trương Sinh nghĩ vợ phản bội nên liền mắng chửi và đuổi vợ mình đi mặc làng xóm khuyên can cho Vũ Nương. Nàng oan ức ra sông Hoàng Giang nhảy xuống tự vẫn. Trước khi nhảy nàng có lời thề độc thể hiện sự trong sạch của mình: nếu chết đi trong sạch sẽ được làm ngọc trai hoặc cỏ Ngu Mỹ bằng không sẽ làm mồi cho cá cho tôm. Nàng được Linh Phi là vợ vua Nam Hải cưu mang làm cung nữ dưới thủy cung. Sau khi vợ chết, trong một lần bế con ngồi cạnh đèn dầu, Đản chỉ cái bóng và nhận cha mình, Trương Sinh mới hiểu vợ bị oan. Dưới thủy cung, Vũ Nương gặp được Phan Lang là người cùng làng. Nàng đã gửi Phang Lang chiếc trâm cài mang về cho chồng cùng lời nhắn lập đàn giải oan. Trương Sinh sau đó lập đàn trên sông Hoàng Giang. Vũ Nương có ngồi kiệu hoa hiện về nhưng trong sương khói mờ ảo và chỉ kịp nói lời từ biệt cuối cùng rồi biến mất và mãi mãi chẳng thể trở về dương gian được nữa.

Tóm tắt văn bản chuyện người con gái Nam Xương số 04

Vũ Nương tên thật là Vũ Thị Thiết quê ở Nam Xương, nàng nổi tiếng là người con gái vừa đẹp người lại đẹp nết. Nàng nên duyên vợ chồng cùng Trương Sinh là người có tính hay ghen. Biết chồng hay ghen, Vũ Nương luôn ăn ở đúng mực, giữ gìn khuôn phép. Đất nước có chiến tranh, Trương Sinh phải ra trận. Vũ Nương ở nhà sinh con đầu lòng và chăm sóc mẹ già. Mẹ Trương Sinh sau đó cũng qua đời được Vũ Nương tận tình lo ma chay chẳng khác nào mẹ đẻ. Sau 3 năm, Trương Sinh trở về, những tưởng sự hi sinh của nàng được đền đáp nhưng không… Trương Sinh bế con trai ra thăm mộ mẹ, nhưng đứa trẻ khóc lóc nhất quyết không nhận cha và nói rằng cha của mình đêm nào cũng mới đến và chẳng bao giờ nói gì, chẳng bao giờ bế Đản cả. Sẵn tính ghen trong người, Trương Sinh liền mắng chửi vợ và đuổi vợ đi chẳng nghe bất kỳ lời khuyên can của ai. Vũ Nương uất ức tự tử ở bến Hoàng Giang được Linh Phi – vợ vua Nam Hải cứu sống và đưa về ở trong động rùa. Ở nhà, đêm tối bóng Trương Sinh in trên vách thấy con gọi cha Trương Sinh mới vỡ lẽ ra nỗi oan của vợ thì quá muộn. Ở dưới thủy cung, Vũ Nương gặp được Phan Lang là người cùng làng đã từng có ơn cứu mạng Linh Phi nên giờ gặp nạn được Linh Phi cứu giúp và đón tiếp. Phan Lang nhận ra Vũ Nương dù nàng ở dưới thủy cung vẫn xinh đẹp và ăn mặc giản dị chẳng trang điểm như ngày nào. Khi Phan Lang sắp trở về nhân gian, Vũ Nương liền gửi chiếc trâm cài nhờ đưa đến chồng mình với lời nhắn hãy lập đàn giải oan nàng sẽ quay trở về. Trương Sinh nhận tín vật biết ngay của vợ mình và y lời lập đàn giải oan trên sông Hoàng Giang. Qủa đúng Vũ Nương có trở về như lời nói, nhưng sự trở về của nàng chỉ trong sương khói và chốc lát. Nàng nói lời từ biệt với Trương Sinh rồi dần biến mất và chẳng bao giờ trở về nhân gian nữa.

Trên đây là những bài tóm tắt Chuyện người con gái Nam Xương ngắn gọn và đầy đủ ý. Tùy vào giọng văn và ngôn từ của mỗi người các em sẽ tóm tắt văn bản theo cách riêng của mình.

Đặc sắc nội dung, giá trị nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương

Đọc bài Chuyện người con gái Nam Xương của tác giả Nguyễn Dữ và nêu lên giá trị nội dung cũng như giá trị nghệ thuật của Chuyện người con gái Nam Xương.Gợi ý để các em hiểu tác phẩm hơn.

1. Tác giả – Tác phẩm

Về tác giả Nguyễn Dữ, hiện chưa biết năm sinh năm mất, ông sống khoảng thế kỷ XVI, người huyện Trường Tân [thuộc tỉnh Hải Dương ngày nay]. Ông là học trò Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, với học thức cao rộng, làm quan dưới triều đình nhà Lê. Tuy nhiên chỉ làm quan một năm rồi ông về ở ẩn. Truyền kì mạn lục là tác phẩm nổi tiếng của ông được viết bằng tiếng Hán. Đây là tác phẩm ghi chép tản mạn lại những điều kì lạ vẫn được lưu truyền, thể hiện quan niệm sống và tấm lòng của ông trước cuộc đời.

Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm nằm trong tập truyện “Truyền kì mạn lục” của ông. Truyện kể về người con gái Vũ Nương với số phận bi kịch, thảm thương trong xã hội đương thời. Qua đó cũng thấy được sự đau xót và tiếc thương của tác giả cho số phận người con gái trong xã hội phong kiến xưa.

2.Bố cục

Tác phẩm được chia thành ba phần:

Phần 1: từ đầu đến “như đối với cha mẹ đẻ mình” – Cuộc sống của Vũ Nương, phẩm hạnh người con gái khi chồng đi chiến đấu

Phần 2: tiếp đến “nhưng việc đã trót qua rồi” – Nỗi oan ức của nhân vật Vũ Nương

Phần 3: Còn lại – Sự thật phơi bày, nỗi oan được hóa giải.

Xem thêm >>> Giá trị nội dung và nghệ thuật văn bản Chuyện người con gái Nam Xương

3. Đặc sắc nội dung

Nhân vật Vũ Nương trongChuyện người con gái Nam Xương là người con gái đẹp người đẹp nết nhưng lại có số phận bi thảm, oan khuất. Tác giả đã thể hiện sự thương cảmđối với số phận người phụ nữ trong xã hội xưanhưng cũng lên tiếng khen ngợi vẻ đẹp truyền thống của họ.

Câu chuyện còn có nhiều yếu tố kì ảo, hoang đường nhưng đã phản ánh chân thực được xã hội thời phong kiến khắc nghiệt, cổ hủ đối với thân phận người phụ nữ.

4. Giá trị nghệ thuật

“Chuyện người con gái Nam Xương” là tác phẩm hay với những giá trị nghệ thuật đặc sắc.

– Trước hết phải kể đến nghệ thuật xây dựng cốt truyện: tác giả đã dựa vào cốt truyện có sẵn từ dân gian, sau đó thêm vào nhiều tình tiết giúp truyện trở nên hấp dẫn, kịch tính. Mặc dù có nhiều yếu tố kì lạ những truyện vẫn tự nhiên, lôi cuốn người đọc.

– Nghệ thuật xây dựng nhân vật: mỗi nhân vật trong truyện đều có những tính cách riêng thể hiện qua lời nói, đối thoại hoặc những đoạn độc thoại. Từ nhân vật người mẹ, đến cậu bé Đản đều mang đậm chất ngôn ngữ riêng thể hiện tính cách nhân vật, giúp câu chuyện thêm sinh động.

– Điều đặc biệt là tác giả đã sử dụng các yếu tố kỳ ảo: có một số yếu tố không đúng với sự thật nhưng yếu tố truyền kỳ này giúp truyện trở nên độc đáo, làm nổi bật chủ đề nhân đạo. Đoạn cuối có rất nhiều yếu tố kì ảo đan xen với yếu tố thực, điều này làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn. Song phần nào cũng hợp với nguyện vọng, khao khát, có chút gì đó đồng cảm cho thân phận người phụ nữ. Dù nàng không được sống một cuộc sống bình thường, hạnh phúc nơi trần gian thì chí ít nỗi oan khuất của nàng cũng đã được hóa giải.

– Dùng nhiều phương thức biểu đạt: truyện không chỉ là kể đơn thuần mà còn kết hợp cả yếu tố biểu cảm. Kể chuyện xen lẫn biểu cảm, đây là cách thức kể chuyện độc đáo giúp tác giả lôi cuốn người đọc vào các tình tiết mà không hề khô khan.

– Một nghệ thuật đặc sắc làm nên thành công cho tác phẩm phải kể đến là cách tác giả xây dựng tình tiết câu chuyện ly kì hấp dẫn. Hình ảnh “cái bóng” được cho là nút thắt giúp câu chuyện phát triển đến đỉnh điểm một cách hết sức tự nhiên.

-Giá trị hiện thực và nhân đạo được thể hiện sâu sắc qua câu chuyện:

Chuyện người con gái Nam Xương tác giả đã phê phán xã hội phong kiến cũ cổ hủ, hà khắc đã vùi dập thân phận người phụ nữ đồng thời đề cao những phẩm chất tốt đẹp của Vũ Nương đại diện cho người phụ nữ xưa thủy chung, đẹp người đẹp nết.

  • Xem thêm: Đặc sắc nội dung và giá trị nghệ thuật Chuyện người con gái Nam Xương
Lớp 9 -
  • Bố cục, tóm tắt Đấu tranh cho một thế giới hòa bình

  • Cảm nhận của em về nét đẹp trong phong cách Hồ Chí Minh

  • Cảm nhận về 4 câu thơ đầu bài Cảnh ngày xuân Lớp 9

  • Bố cục, tóm tắt văn bản Tôi và chúng ta của Lưu Quang Vũ

  • Tóm tắt truyện Bố của Xi-mông lớp 9

  • Suy nghĩ về nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

  • Tóm tắt Bến quê ngắn chương trình Lớp 9

Video liên quan

Chủ Đề