Truyện bác sĩ zhivago đánh giá

Bác sĩ Zhivago được Pasternak viết xong năm 1956, nhưng do nội dung không thích hợp với đời sống văn học, chính trị Liên Xô lúc bấy giờ, nên đã bị Viện Văn học Moskva và Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt phản đối, các nhà xuất bản ở Liên Xô từ chối xuất bản, còn bản thân Pasternak bị Hội Nhà văn Liên Xô kịch liệt lên án, đả kích.

Dù không được xuất bản trong nước và bị lên án dữ dội, nhưng tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago vẫn tìm được đường đến với độc giả các nước phương Tây. Năm 1957, bản thảo truyện được in thành sách tiếng Nga tại Ý. Năm sau có ấn bản tiếng Ý và tiếng Anh. Pasternak nhờ đó mà được đề nghị nhận giải Nobel văn chương năm 1958, nhưng chính quyền Xô viết bấy giờ ép ông phải từ chối nhận giải thưởng này. Mãi đến 1988, tiểu thuyết Bác sĩ Zhivago mới được cho in và xuất bản tại Nga.

Cho đến tận ngày nay, Bác sĩ Zhivago vẫn được xem là cuốn tiểu thuyết gây sóng gió bậc nhất, là tác phẩm văn học điển hình nhất của cuộc chiến tư tưởng giữa hai siêu cường thời Chiến tranh lạnh.

Là bộ tiểu thuyết sử thi vĩ đại bởi nó đặt ra vấn đề số phận con người - tình yêu trong những dòng xoáy của lịch sử, sự dằn vặt của lương tri về tính thiện của con người. Đằng thằng ra nó là như thế. Nhưng trong số đông người đọc,Bác sĩ Zhivagotrước tiên là một chuyện tình đau đớn, những người tình như những con tàu được đặt trên cùng một tuyến ray đối đầu nhau. Nếu hình dung nội dung của Bác sĩ Zhivago là tổng hòa của những lát cắt thì lát cắt này chính là lát cắt người nhất của bộ tiểu thuyết.

Yurri Zhivago là nhân vật chính. Nhưng Lara lại được người đời nhắc nhớ đến nhiều hơn. Nàng đẹp. Nhưng tình yêu đầy bi kịch của nàng còn đẹp hơn. Yuri là kẻ đã có gia đình, một gia đình hạnh phúc, chàng yêu vợ mình - Tonya, yêu con - Sasha. Cũng như Yuri, Lara yêu chồng - Pasha Antipov [tức Strelnikov], yêu con - Katenca. Sẽ chẳng có gì xảy ra cả nếu định mệnh không đưa họ đến với nhau. Họ - dường như là những kẻ đã lạc nhau trong kiếp trước, chỉ một thoáng chạm vào nhau trong kiếp này, khoảng cách thời gian, không gian đã bị xóa nhòa để họ có nhau. Nhưng nói như Shakespeare là “trong sổ đoạn trường tên chúng tôi cùng ghi ở một dòng” [Romeo và Juliette]. Định mệnh trớ trêu là thế.

Gặp Lara, yêu và được yêu, sau khi bay lên đến những tầng cao chất ngất yêu đương, chuyện dan díu lại khiến Yury bị dằn vặt. Và chàng đã thú nhận với Tonya. Thế rồi họ lại lạc nhau để khắc khoải gọi nhau. Trong cô đơn cùng quẫn, Yurri bương qua họng súng, lội tuyết chỉ để tìm một bóng cây thanh lương trà - hình ảnh để chàng có thể hình dung rõ ràng hơn về người tình Lara của mình. “Cây thanh lương trà bị ngập tuyết đến lưng chừng, còn nửa ở trên thì bị đông cứng vì băng. Chàng chợt nhớ đến hai cánh tay mập mạp, trắng nõn của Lara, hai cánh tay tròn lẳn và hào phóng của nàng. Chàng bèn ôm lấy hai cành thanh lương trà, kéo cả cái cây lại với mình. Như đáp lại tấm lòng của chàng, cây rũ tuyết rơi lả tả xuống khắp người chàng. Chàng lắp bắp mà không hiểu mình nói gì và chẳng còn nhớ mình là ai nữa. Ta sẽ gặp lại em, người đẹp của ta, nữ hoàng của ta, thanh lương trà yêu dấu của ta, máu thịt của ta”… Ngay sau đó Zhivago đã trốn khỏi trại lính để lên đường tìm Lara. Trong tâm trí của Zhivago, chàng bị giằng xé giữa Tonya và Lara nhưng chàng cũng biết mình thương nhớ Lara nhiều hơn vợ con mình. Có nhạc sĩ đã viết “tình yêu vô tội…” “tình yêu như trái phá con tim mù lòa…” đấy thôi.

“Để em nói anh nghe. Giả dụ Strelnikov lại trở thành Pasha Antipov. Giả dụ anh ấy điên cuồng và nổi loạn. Giả dụ thời gian quay ngược lại. Giả dụ ở một nơi xa xăm nào đó, tận cùng trời cuối đất, nhờ một phép lạ, chợt le lói ánh đèn của sổ nhà em soi xuống các cuốn sách trên bàn viết của Pasha, thì có lẽ em sẽ tới đó, dù phải bò lết bằng hai đầu gối. Tình xưa nghĩa cũ sẽ lại trỗi dậy trong lòng em. Em sẽ đi theo tiếng gọi của dĩ vãng và lòng chung thủy. Em sẽ hy sinh tất cả. Ngay cả điều quý giá nhất. Cả anh. Cả sự gần gũi của em đối với anh, một sự gần gũi nhẹ nhàng, tự nhiên… Ôi nhưng em yêu anh…”.

Sự giằng xé giữa bổn phận và tình yêu luôn dày vò Zhivago. Nó khiến Zhivago như bị tách ra thành những mảnh nhỏ, rồi lại nhập vào… tách ra trong đớn đau. Zhivago quen với nó như quen với vết thương không thể nào khép miệng. Khi Zhivago thuyết phục mẹ con Lara ra đi để được sống, để được hạnh phúc và trong chừng mực nào đó còn là để nàng tìm thấy Pasha là lúc anh hy vọng rằng cách xa sẽ làm nhạt nhòa dần. Cho anh và cho cả Lara. Khi nghĩ về bổn phận, Zhivago tin rằng lời điều mình làm là đúng. Khi nhớ Lara anh lại quay quắt với thương yêu.

Yêu ai và không yêu ai đó hóa ra thật sự không hoàn toàn do ta quyết. Có những sự thật buộc phải chôn chặt vĩnh viễn trong tim óc. Những sự thật ấy khiến người ta như con lắc đong đưa chứ không thể lệch hẳn về một phía. Những tình yêu như Zhivago - Lara, như Lara - Pasha là những tình yêu của định mệnh, nằm ngoài ý muốn của logic lý trí, nó chạy theo những vệt mờ của con tim và không ai nhìn thấy phía trước là gì.

Chủ Đề