Văn học thiếu nhi là gì

Vanvn- Nhiều năm về trước, chúng tôi được mời viết tham luận cho hội thảo giới thiệu tuyển tập của một nhà thơ mới xuất bản. Tham luận có đoạn đề cao đóng góp của nhà thơ cho mảng thơ thiếu nhi.

Người phụ trách biên tập các tham luận đọc xong rồi lắc đầu: Khen gì không khen sao lại khen thơ thiếu nhi?. Câu nói đó cứ găm vào đầu chúng tôi mãi, sau này, nhiều lần trò chuyện với người trong văn giới mới nhận ra tâm lý không coi trọng văn học thiếu nhi hóa ra không phải là cá biệt.

Nhiều quan niệm xưa cũ từ thời phong kiến gán cho văn học nhiều chức năng cao cả để tải đạo, minh đạo. Đó đúng là những vấn đề đại tự sự của người lớn và đối tượng độc giả cũng đầu râu tóc bạc chứ không phải đám trẻ miệng còn hôi sữa. Tâm lý, tình cảm thì di truyền và bền lâu hơn hình thái kinh tế-xã hội, thế nên mới có nghịch lý đang tồn tại: Dân số Việt Nam dưới tuổi 15 đông đảo nhưng lại đói sách văn học; hàng trăm ngàn người viết văn chuyên nghiệp nhưng ít người viết cho thiếu nhi; các giải thưởng như giải thưởng sách quốc gia ưu ái có hẳn hạng mục sách thiếu nhi nhưng thường xuyên vắng bóng tác phẩm văn học

Khác với các mảng đề tài, dòng văn học khác, văn học thiếu nhi khó trông chờ vào chính những cây bút thiếu nhi bởi trình độ, sự trải nghiệm chưa nhiều để có thể viết tác phẩm văn học nghiêm chỉnh. Vậy nên suốt bao năm qua, Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn duy nhất có thể kiếm tiền tỷ bằng nghề viết bởi ông luôn có sản phẩm mới, không có đối thủ cạnh tranh, trong khi khách hàng có nhu cầu lớn. Trừ Nhà xuất bản Kim Đồng, đa phần các đơn vị làm sách không thích đầu tư in ấn các tác phẩm văn học thiếu nhi bằng sách kỹ năng sống, sách rèn luyện tư duy, sách lịch sử Đa phần sách thiếu nhi hiện nay đều dịch từ nước ngoài, một cách làm nhanh, dễ mà vẫn thu lợi nhuận khá. Những sách này tất nhiên tốt cho trẻ em nhưng không thể thay thế vị trí, lợi ích tác phẩm văn học trong việc giúp trẻ em bồi đắp trí tưởng tượng, khả năng cảm nhận ngôn từ, hình thành tư tưởng, hành động hướng thiện, có chiều sâu

Thực ra viết cho thiếu nhi có những khó khăn riêng khiến các nhà văn không mấy mặn mà. Dù các nhà văn cũng từng đi qua tuổi thơ nhưng mỗi thế hệ trẻ em lại có tâm lý, tính cách, nhu cầu, thị hiếu khác nhau. Nhiều nhà văn không hiểu được trẻ em thời nay suy nghĩ gì, từ đó lúng túng trong nội dung và hình thức câu chuyện để phù hợp với độc giả nhí. Rõ ràng, nhà văn cần phải là bạn của trẻ em trước khi muốn định hướng, còn nếu khăng khăng áp đặt các quan điểm của người lớn thì tác phẩm văn học sẽ khó được trẻ em đón nhận hào hứng.

Để tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam phục vụ tốt nhu cầu độc giả trẻ, các nhà văn cần gạt bỏ tâm lý xem nhẹ dòng văn học này; nỗ lực thấu hiểu, thấu cảm độc giả nhí để nâng bước các em trên con đường trưởng thành. Còn đối với các cơ quan chức năng cần có thể ưu đãi về hỗ trợ in ấn, xuất bản để kích thích nhu cầu các nhà văn viết cho thiếu nhi.

Văn học Việt Nam đã thành công trên bình diện quốc tế với Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài với chính câu nói của tác giả lúc sinh thời là ông đi nước ngoài nhiều so với các bạn văn, nhưng vẫn chưa bằng chú dế mèn. Bởi lẽ văn học thiếu nhi vốn không có biên giới, bởi trẻ em ở đâu cũng có nhiều điểm chung hơn so với người lớn. Thế nên các chuyên gia bản quyền xuất bản mới khuyên Việt Nam nên chọn đầu tư phát triển văn học thiếu nhi thì dễ xuất khẩu ra nước ngoài hơn. Viễn cảnh trong tương lai đó không phải là điều quá xa vời, bởi suy cho cùng cứ nhìn vào những trường hợp như nhà văn Tô Hoài hay Nguyễn Nhật Ánh, cứ viết bằng tài năng, tâm huyết, tình yêu cho con trẻ thì mãi nằm trong ký ức của bao thế hệ.

HOÀNG BÌNH PHƯƠNG

Xem thêm:
  • Những cánh hoa ngược gió Truyện ngắn Lê Nguyệt Minh
  • Vũ Thanh Hoa Hành trình thơ cô đơn và đầy tự tin
  • Quan niệm về quyền lực và hạnh phúc của Thiền sư Thích Nhất Hạnh
  • Gia đình nhà văn Lê Văn Nghĩa tặng hiện kim giải Cống hiến cho trường cũ Bình Tây
  • Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0

Video liên quan

Chủ Đề