Vết thương có mủ phải làm sao

Vết thương bị nhiễm trùng mưng mủ sẽ dẫn đến những hậu quả rất không tốt như lâu lành thương, sẹo xấu hoặc nhiễm trùng lan tỏa ảnh hưởng đến cơ quan khác. Việc xử lý vết thương nhiễm trùng mưng mủ đúng cách là vô cùng cần thiết để hạn chế những hậu quả này.

  1. Những dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng và cách điều trị
  2. Khi bị vết thương không nên ăn những loại thực phẩm gì?
  3. Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?
  4. Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu
  5. Cách điều trị sẹo sau phẫu thuật
  6. Vết thương hở nên kiêng ăn gì?

2. Những dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng

Dấu hiệu tại chỗ

Vết thương đau tăng dần: Vết thương bình thường sẽ giảm và hết đau sau khoảng từ 2 đến 3 ngày đầu. Ngược lại, sau khoảng thời gian này, vết thương vẫn đau tăng dần, đó là dấu hiệu của sự nhiễm trùng.

Vết thương sưng, nóng, đỏ: Dấu hiệu này xuất hiện do phản ứng miễn dịch của cơ thể khi có sự xâm nhập của tác nhân lạ tại vết thương.

Vùng da xung quanh phù nề căng mọng, tụ dịch dưới miệng vết thương. Vết thương tiết nhiều dịch, rỉ mủ tanh hôi. Đây là những dấu hiệu rất rõ ràng của một vết thương đã bị nhiễm trùng nặng.

Dấu hiệu toàn thân

Khi nhiễm trùng nặng có thể có các dấu hiệu toàn thân như sốt, người mệt mỏi. Ngoài ra có thể nổi hạch gần vết thương như hạch nách, hạch cổ, hạch bẹn.

2. Cách xử lý vết thương nhiễm trùng mưng mủ

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, vị trí và khu vực vết thương ảnh hưởng tới mà cách xử lý, chăm sóc sẽ khác nhau. Bên cạnh đó sức khoẻ của người bệnh, thời gian bị thương cũng là một trong những điều cần lưu ý khi xử lý vết thương bị nhiễm trùng.

Loại bỏ vi khuẩn, mô hoại tử

Loại bỏ dịch mủ, vi khuẩn, mô hoại tử chính là loại bỏ nguyên nhân gây nhiễm trùng. Điều này tránh để tình trạng nhiễm trùng lan rộng. Đây cũng là khâu quan trọng nhất trong xử lý vết thương nhiễm trùng mưng mủ.

Phương pháp thực hiện bằng các thủ thuật cắt bỏ phần hoại tử, chích rạch rộng vết thương để tháo mủ. Nếu phần hoại tử quá lớn và sâu có thể cần can thiệp bằng phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Sau đó có thể phải đặt dẫn lưu để dễ dàng đào thải dịch mủ mới phát sinh ra ngoài.

Rửa sạch vết thương nhiễm trùng và thay băng hằng ngày

Khi bị nhiễm trùng vết thương bạn cần rửa sạch vết thương hằng ngày. Tốt nhất nên sử dụng dung dịch sát khuẩn như cồn i-ốt hoặc nước muối sinh lý.

Vết thương có mủ phải làm sao
Sát khuẩn vết thương hằng ngày bằng cồn i-ốt sau khi đã chích rạch rộng

Oxy già có tính chất sát khẩu mạnh. Ngoài tiêu diệt vi khuẩn chúng còn phá hủy cả các tế bào lành. Việc sử dụng oxy già phải thận trọng, tránh lạm dụng. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Băng bó vết thương sẽ tạo hàng rào bảo vệ các tổ chức mô bên dưới. Việc thay băng hằng ngày là vô cùng quan trọng giúp vết thương nhiễm trùng mau phục hồi.

Sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng

Vết thương đã nhiễm trùng mưng mủ thì việc sử dụng kháng sinh là bắt buộc.

Có thể sử dụng kháng sinh uống. Nếu đã nhiễm trùng nặng thì phải sử dụng thuốc tiêm.

Với nhiều loại kháng sinh trên thị trường, việc lựa chọn thuốc nào chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của người thầy thuốc điều trị. Nếu nuôi cấy được vi khuẩn để chọn thuốc theo kháng sinh đồ là điều tốt nhất.

Các phương pháp khác điều trị nhiễm trùng vết thương

Các phương pháp có thể áp dụng như hút chân không, liệu pháp oxy hyperbaric, chiếu đèn plasma lạnh

Tùy từng trường hợp, điều trị phối hợp kiểm soát đường huyết, nâng đỡ thể trạng, xem xét lộ trình dừng thuốc ức chế miễn dịch, điều trị tái lưu thông máu

Chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt

Ăn uống và bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng đặc biệt là protein và các vitamin. Điều này giúp cơ thể luôn đầy đủ nguyên liệu để hình thành các tổ chức mô mới.

Hạn chế vận động tại khu vực có vết thương ảnh hưởng

3. Những việc tuyệt đối không được làm khi vết thương bị nhiễm trùng!

Rắc thuốc bột, đắp thuốc lá lên vết khâu

Dịch rỉ ra từ vết thương trộn với bột hay lá đắp lên tạo thành môi trường lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Chưa rõ hiệu quả của việc rắc thuốc bột hay đắp thuốc lá đến đâu. Việc này chắc chắn sẽ dễ gây nhiễm trùng vết thương hơn.

Ngâm vết thương vào nước trầu không hay các dung dịch dân gian khác

Khi vết thương của bạn bị ngâm trong nước, biểu bì da có khuynh hướng mềm ra. Điều này tạo thuận lợi cho sự xâm nhập của vi khuẩn. Để vết thương luôn khô ráo là tốt nhất.

Rửa vết thương nhiều lần bằng oxy già

Đây là sai lầm nhiều người gặp phải. Bản chất của oxy già là một chất sát khuẩn cực mạnh. Ngoài việc tiêu diệt vi khuẩn chúng còn phá hủy ngay cả các tế bào lành. Chất này chỉ được các bác sĩ sử dụng một lần duy nhất vào lúc làm sạch ngày đầu. Những ngày sau, nếu dùng lại oxy già sẽ phá hủy các mô liên kết mới hình thành. Vết thương sẽ lâu lành. Sử dụng cồn i-ốt pha loãng để rửa vết thương là tốt nhất.

Quý bệnh nhân có nhu cầu tư vấn về chăm sóc vết thương, xin hãy liên hệ vớiBác sĩ Luân, Số điện thoại /Zalo 0395621593 hoặc FanpageBác sĩ Luân Bệnh viện Yên Lạc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Luân

  1. Những dấu hiệu vết thương bị nhiễm trùng và cách điều trị
  2. Khi bị vết thương không nên ăn những loại thực phẩm gì?
  3. Vết thương đã khâu sau mấy ngày có thể cắt chỉ được?
  4. Các loại chỉ phẫu thuật tự tiêu và không tiêu
  5. Cách điều trị sẹo sau phẫu thuật
  6. Vết thương hở nên kiêng ăn gì?