Ý thức chấp hành luật giao thông của học sinh

14:20, 21/01/2022

BHG - Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về an toàn giao thông [ATGT] cho học sinh [HS] là nhiệm vụ quan trọng của các trường học. Những năm qua, các ngành chức năng của huyện Vị Xuyên tích cực phối hợp với các nhà trường tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông cho HS, hướng dẫn HS tham gia giao thông an toàn.

Công an huyện Vị Xuyên tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn giao thông tại Trường Tiểu học 1-5 thị trấn Vị Xuyên. Ảnh: Ngọc Thơ

Huyện Vị Xuyên hiện có 77 trường học, với 27.818 HS, trong đó 26 trường mầm non; 28 trường tiểu học; 5 trường tiểu học và THCS; 17 trường THCS; 1 trường PTDT nội trú. Hầu hết các trường nằm ở trong khu dân cư hoặc nằm gần các tuyến đường quốc lộ, đường trục chính và luôn có mật độ xe tham gia giao thông đông. Để ngăn ngừa, hạn chế các vụ tai nạn giao thông và đảm bảo an toàn cho HS khi đến trường, những năm qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo [GD&ĐT] Vị Xuyên chỉ đạo các trường mầm non, tiểu học, THCS, triển khai việc “Thực hiện công tác giáo dục ATGT trong trường học”; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về giao thông đường bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức tự giác tuân thủ pháp luật về ATGT và thái độ ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông của HS.

Các trường tổ chức nói chuyện chuyên đề, tuyên truyền tại các buổi sinh hoạt lớp, chi đoàn, các tiết học về pháp luật ATGT chính khóa, qua các hoạt động ngoại khóa; tổ chức cho phụ huynh và HS ký cam kết không vi phạm các quy định về ATGT với nhà trường; thành lập Ban ATGT gồm thầy, cô giáo, nhân viên bảo vệ và HS tham gia, hàng ngày có nhiệm vụ hướng dẫn, tuyên truyền HS và phụ huynh chấp hành tốt quy định pháp luật về ATGT; duy trì hoạt động mô hình cổng trường ATGT.

Đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về Luật Giao thông đường bộ cho HS bằng nhiều hình thức, thông qua các buổi ngoại khóa, các tiết học trên lớp; phối hợp với Sở Giao thông vận tải rà soát các biển báo, gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường tại các trường học để đề xuất lắp đặt, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp nhằm bảo đảm trật tự ATGT.

Trường THCS Lý Tự Trọng Vị Xuyên, cho HS và phụ huynh ký cam kết về việc chấp hành nghiêm quy định về ATGT, phụ huynh không giao xe mô tô, xe gắn máy cho HS khi chưa đủ tuổi, chưa có Giấy phép lái xe; đưa việc chấp hành quy định về ATGT của HS các lớp vào thang điểm thi đua hàng tuần, tháng. Ngoài ra, phổ biến, tuyên truyền, giáo dục thông qua các hoạt động ngoại khóa về văn hóa giao thông, kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho HS; tổ chức các hội thi về ATGT cho HS. Từ đó, HS hình thành ý thức tốt, chấp hành đúng Luật Giao thông đường bộ. Kịp thời nhắc nhở, xử lý HS, phụ huynh vi phạm, nhất là các lỗi như dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định, tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người quy định...

Theo đồng chí Nguyễn Hải Quỳnh, Phó trưởng Phòng GD&ĐT Vị Xuyên, từ việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật Giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức, thời gian qua ý thức chấp hành của HS được nâng lên rõ rệt. Cuối tháng 12. 2021, Phòng tổ chức giao lưu “ATGT cho nụ cười trẻ thơ” năm học 2021-2022, nhằm giúp HS có đủ hiểu biết và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho bản thân và cộng đồng. Để đảm bảo ATGT cho HS đến trường, cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành thì sự phối hợp của gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục ATGT cho HS là rất quan trọng, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông và kỹ năng lái xe của HS, tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

KHÁNH HUYỀN

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an quận Ô Môn, các ban, ngành, đoàn thể quận phối hợp ban giám hiệu các trường học trên địa bàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông [ATGT] cho học sinh. Từ đó, giúp các em nâng cao ý thức, chấp hành tốt các quy định về an toàn giao thông. Hằng ngày, em Đặng Trần Chấn Hưng, học sinh lớp 8, Trường THCS Châu Văn Liêm, đến trường bằng xe đạp điện. Em Hưng cho biết: “Nhà em cách trường khoảng 5 cây số nên em đi học bằng xe đạp điện. Khi tham gia giao thông, em chấp hành đúng các quy định về trật tự, ATGT như: đội nón bảo hiểm, chạy xe đúng làn đường, phần đường, không phóng nhanh, vượt ẩu…”.

Buổi tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT của Công an quận Ô Môn đến học sinh Trường THPT Lương Định Của.

Để giúp học sinh hình thành thói quen, nâng cao ý thức trong việc chấp hành quy định pháp luật về trật tự, ATGT, thông qua các buổi sinh hoạt dưới cờ, hay sinh hoạt ngoại khóa, ban giám hiệu các Trường THCS, THPT trên địa bàn đã phối hợp với lực lượng Công an quận tuyên truyền pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những lỗi mà học sinh thường vi phạm, như: điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi theo luật định, không đội mũ bảo hiểm, phóng nhanh vượt ẩu, vượt đèn đỏ… Qua đó, hầu hết học sinh đều nắm được kiến thức pháp luật và kỹ năng cơ bản khi tham gia giao thông. Đây là yếu tố quan trọng để các em hình thành ý thức thượng tôn pháp luật ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Em Nguyễn Giang Sơn học lớp 9, Trường THCS Thới Long, chia sẻ: “Kiến thức về ATGT rất hữu ích. Qua tuyên truyền, hướng dẫn của các chú Công an, em đã ý thức được trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông...”.

Thầy Nguyễn Văn Bướm, Hiệu trưởng Trường THCS Thới Long, cho biết: “Thời gian qua, không ít phụ huynh và học sinh đều hiểu chưa đúng về độ tuổi được đi xe máy nên nhiều em đã vi phạm. Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, tuổi được phép điều khiển xe gắn máy dưới 50 phân khối là từ 16 tuổi trở lên và tuổi được phép điều khiển mô tô trên 50 phân khối là từ 18 tuổi trở lên. Từ sự tuyên truyền, nhắc nhở của nhà trường, tình trạng học sinh vi phạm quy định này giảm nhiều”.

Bài, ảnh: CHẤN HƯNG

Giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông cho học sinh: Dễ mà khó

Lê Minh

08:20 30/07/2017

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], mỗi năm, trên thế giới có trên 186.000 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông, cứ 4 phút có một trẻ em mất đi mạng sống. Tại Việt Nam, theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.900 trẻ em tử vong vì tai nạn giao thông [TNGT], chiếm 25% tổng số trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích.

Ảnh minh họa.

Học sinh THPT liên quan tới 90% số vụ TNGT

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 6tháng vừa qua [tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/6/2017], cả nước xảy ra 9.593 vụ TNGT, làm chết 4.134 người, bị thương 7.935 người. Ngày 26/7, Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia cũng thông tin học sinh THPT đang là nhóm đối tượng chiếm số lượng lớn trong số các ca tử vong vì TNGT.

PGS.TS Chu Công Minh - chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghiên cứu về giao thông và các cộng sự đã thực hiện dự án nghiên “Nghiên cứu về tình hình tham gia giao thông của học sinh THPT tại Hà Nội và đề xuất giải pháp cải thiện” nhằm phân tích và tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Số liệu về tai nạn giao thông liên quan tới lứa tuổi học sinh cấp 3 cho thấy học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ TNGT của trẻ em và tỷ lệ tử vong do TNGT của nhóm này có xu hướng gia tăng trong hai năm gần đây.

Theo ông Chu Công Minh, ba nguyên nhân hàng đầu góp phần gây ra TNGT trẻ em bao gồm: đi sai phần đường, vi phạm tốc độ và thiếu quan sát.

Xét các mẫu điều tra dựa trên khảo sát phỏng vấn hành vi điều khiển phương tiện với 2.390 học sinh THPT, nếu như phần lớn học sinh tham gia giao thông ở độ tuổi 15 đều sử dụng các phương tiện phi cơ giới như xe đạp hay đi bộ tới trường [chiếm 67%], thì học sinh THPT lại lựa chọn xe đạp điện và xe máy điện là phương tiện di chuyển thông dụng, với tỷ lệ lên tới 52%. Dữ liệu của cảnh sát giao thông và điều tra phỏng vấn học sinh đều cho thấy “vi phạm tốc độ” là nguyên nhân hàng đầu gây ra TNGT ở lứa tuổi này.

Biện pháp nào hạn chế?

Tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường vào giờ tan học do học sinh tụ tập, học sinh chưa đủ tuổi, không giấy phép lái xe đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm, chở 3, đi hàng ngang,... là chuyện thường gặp hàng ngày ở nhiều tuyến đường trong thành phố.

Nhằm thúc đẩy việc thực hiện quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em, Sở GD&ĐTHà Nội 2năm trước đã ban hành quy định: Học sinh vi phạm lần 1 sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm tháng mắc lỗi, phê bình trước lớp, trước trường, kiểm điểm và mời gia đình đến cam kết. Học sinh đã biết lỗi nhưng vẫn vi phạm lần 2, sẽ hạ một bậc hạnh kiểm của học kỳ, trả về gia đình giáo dục trong 3 ngày để tự kiểm điểm, thông báo tới địa phương nơi cư trú.

Học sinh đã được giáo dục ý thức chấp hành an toàn giao thông [ATGT] nhưng vẫn tái phạm nhiều lần sẽ bị xếp loại hạnh kiểm yếu, cảnh cáo trước toàn trường, ghi học bạ và buộc thôi học 1 tuần để gia đình và địa phương quản lý, giáo dục, răn đe. Việc tổ chức, kiểm tra và giám sát xử lý vi phạm được thực hiện hàng tháng.

Hàng năm, Sở GD&ĐTHà Nội cũng yêu cầu 100% các trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ điều kiện, thực hiện đội mũ bảo hiểm có chất lượng và đúng cách cho học sinh khi tham gia giao thông bằng xe môtô, xe gắn máy và xe đạp điện.

Quy định là vậy, tuy nhiên, nhiều phụ huynh cho biết, ký vậy nhưng thực hiện hay không cũng còn tùy. Còn bản thân các học sinh thì nhiều em cho rằng chuyện buộc thôi học hay đình chỉ học chỉ có tác dụng với các bạn chăm học còn với các bạn vốn ham chơi thì chẳng là vấn đề.

Theo cô Lại Nguyệt Hằng – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc việc giáo dục ý thức chấp hành ATGT cho học sinh tưởng dễ mà khó. Dễ là chúng ta có thể bố trí thời gian và giảng viên dạy cho nhiều học sinh cùng lúc nhưng khó là cách các em tiếp nhận và thực hiện thế nào. Không phải cứ chuyện gì giáo viên nói học sinh cũng nghe, và không phải lúc nào học sinh vâng dạ cũng là nghe lời. Vấn đề này phải để các em tiếp nhận và ứng dụng thực sự thoải mái.

Ở góc nhìn của chuyên gia, TSVũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học – Đại học Sư phạm Hà Nội cho biết, siết chặt kỷ luật, đặc biệt là trong chấp hành các biện pháp an toàn khi tham gia giao thông cho học sinh nhằm giúp các em bảo vệ cho chính mình và cộng đồng là việc nên làm, nếu không muốn nói là cấp thiết. Chấp hành luật giao thông chính là chấp hành luật pháp và học sinh cần được rèn luyện ý thức này ngay từ khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Dạy văn hóa giao thông từ mầm non

Đánh giá về công tác giáo dục ATGT, theo kết quả điều tra trong khuôn khổ nghiên cứu của PGS.TS Chu Công Minh, 33% học sinh đi bộ trả lời rằng chưa được học cách đi bộ an toàn, 27% học sinh sử dụng phương tiện cho biết chưa được học về kỹ năng điều khiển phương tiện đúng cách vì các chủ đề này chưa có trong giáo dục ATGTtại trường học.

Và cũng trong khảo sát này, có tới gần 90% học sinh và cha mẹ đồng thuận với mong muốn học sinh THPT cần học về kỹ năng điều khiển phương tiện. Những con số này cho thấy sự cần thiết của việc thực hiện các khoá huấn luyện vềATGT và kỹ năng lái xe an toàn cơ bản ngay trong trường học.

Mới đây, ngày 26/7, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có chỉ đạo các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong thời gian tới. Trong đó, Chính phủ có yêu cầu Bộ GD&ĐT khẩn trương phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia xây dựng nội dung và ban hành bộ tài liệu “Văn hóa giao thông” cho học sinh trung học cơ sở ngay trong quý III-2017, để triển khai từ năm học 2017-2018.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT có văn bản chỉ đạo các Sở GD&ĐT tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục kiến thức ATGT năm học 2017-2018; nghiên cứu đưa nội dung giảng dạy ý thức chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa giao thông vào các cấp học từ mầm non, tiểu học... tạo nên thế hệ mới có ý thức chấp hành luật lệ giao thông, có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự.

Cũng trong giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa giao thông, Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tập trung tuyên truyền vào các đối tượng có nguy cơ gây TNGT cao như lái xe khách, thanh thiếu niên trên địa bàn nông thôn; phát huy hiệu quả hệ thống đài truyền thanh tại các xã, phường, thị trấn.

Chủ đề: giao thông an toàn giáo dục học sinh ý thức dễ mà khó

Video liên quan

Chủ Đề