10 thành phố hàng đầu về nạn buôn người 2022 năm 2022

20 tháng 7 2022

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Hoa Kỳ vừa thêm Việt Nam vào danh sách đen buôn người, cùng với một số nước khác, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Các quốc gia bị đưa vào danh sách đen - "Bậc ba" - phải chịu các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, mặc dù chính quyền Mỹ thường bỏ trừng phạt đối với các quốc gia thân thiện hứa hẹn cải thiện, theo AFP.

Việt Nam, quốc gia đang có mối quan hệ nồng ấm với Washington do cùng quan ngại về một Trung Quốc đang trỗi dậy, vẫn bị cho vào sách này.

Báo cáo buôn người hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ từ trước đến nay 'không tha' các đồng minh thân cận, đo dó thường gây bất đồng, mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng việc này đã khiến các chính phủ phải hành động, theo AFP.

Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng chính quyền Hà Nội đã giảm các vụ truy tố liên quan đến buôn người vào năm 2021.

Báo cáo đặc biệt này chỉ trích Hà Nội đã không có hành động nào để xử lý vụ việc một nhà ngoại giao và nhân viên đại sứ quán Việt Nam tại Ả Rập Saudi bị cáo buộc đồng lõa buôn bán một số công dân của họ.

Cùng được bổ sung vào danh sách đen buôn người đợt này còn có Campuchia, Brunei và Ma Cao, theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Danh sách này đã có tên Malaysia, Afghanistan, Cuba, Eritrea, Guinea-Bissau, Iran, Myanmar, Triều Tiên, Nicaragua, Nga, Nam Sudan, Syria, Turkmenistan và Venezuela.

Trong một báo cáo thường niên, Hoa Kỳ cũng đã thêm Belarus vào danh sách đen và trong một lần hiếm hoi chỉ trích một đồng minh phương Tây, đã đưa Bulgaria vào danh sách theo dõi vì lo ngại rằng nước này không thực sự để tâm giải quyết vấn nạn này, theo AFP.

"Nếu bạn nhìn vào bản báo cáo, bạn sẽ thấy một bức tranh tổng thể về sự tiến bộ," Ngoại trưởng Antony Blinken nói khi trình bày báo cáo.

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

"Hai mốt quốc gia đã được nâng cấp một bậc, bởi vì các chính phủ đó đã có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người trong nước cũng như đối với công dân của họ ở nước ngoài.

"Mười tám quốc gia đã bị hạ một bậc, cho thấy rằng họ không có những nỗ lực đáng kể để chống lại nạn buôn người - hoặc tệ hơn, rằng chính phủ của họ có chính sách hoặc mô hình buôn người do nhà nước bảo trợ.

Blinken nói rằng tham nhũng là một "công cụ hàng đầu" của những kẻ buôn người - vốn trông cậy vào sự làm ngơ của các chính phủ.

"Các quan chức chính phủ rõ ràng có thể làm ngơ trước các hoạt động bất hợp pháp, cung cấp giấy tờ giả cho người lao động, báo trước cho những kẻ buôn người về các cuộc đột kích sắp xảy ra.

"Tham nhũng cho phép những kẻ buôn người tiếp tục hành động mà không bị trừng phạt."

"Trong khi đó, tại 11 quốc gia, chính phủ khiến người dân của mình trở thành đối tượng bị buôn bán - ví dụ như để trả thù cho quan điểm chính trị của họ, hoặc thông qua lao động cưỡng bức trong các dự án vì lợi ích quốc gia.

"Các việc này có thể là ép người dân, bao gồm cả trẻ em, lao động cưỡng bức trong các lĩnh vực chủ chốt - khai thác mỏ, khai thác gỗ, sản xuất, nông nghiệp - hoặc đưa các thành viên của các nhóm dân tộc thiểu số đi "giáo dục" trong các trại."Hoặc cũng có thể là đưa người lao động đi mà không cho họ biết họ đang đi đâu hoặc làm gì, tịch thu hộ chiếu và tiền lương, buộc họ vào điều kiện làm việc nguy hiểm và liên tục theo dõi hoạt động của họ," Ngoại trưởng Antony Blinken nói.

"Khi chúng tôi giải quyết các vấn đề như khí hậu và tham nhũng trong suốt quá trình ngoại giao của mình, chúng tôi cũng đề cập tới cách chúng giao thoa với nạn buôn bán người," ông Antony Blinken nói thêm.

Algeria và quần đảo Ấn Độ Dương, Comoros đều đã được đưa ra khỏi danh sách đen trong năm nay sau khi có những tiến bộ.

Việt Nam và nạn buôn người

Tháng 11/2021, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc [OHCHR] ra thông cáo đề cập vụ một thiếu nữ Việt Nam 15 tuổi tử vong tại Ả Rập Saudi.

Sau khi bị chủ đánh đập, cô gái này không được ăn và chữa trị. Cô chết trước khi được đưa trở về Việt Nam. Vì hồ sơ của cô bị một đơn vị tuyển dụng lao động làm giả mạo nên gia đình không thể đưa thi hài cô về nước.

Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc [OHCHR] đã kêu gọi chính phủ Saudi Arabia và Việt Nam cùng truy quét nạn buôn người sau khi hồ sơ cho thấy có nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị lạm dụng tình dục, bị chủ đánh đập, hành hạ khi đến Ả Rập Saudi làm nghề giúp việc nhà.

OHCHR yêu cầu chính phủ Việt Nam và Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra độc lập và bất thiên vị đối với những cáo buộc vi phạm nhân quyền nhằm vào phụ nữ và trẻ em gái lao động ở nước ngoài, và cáo buộc có sự liên quan của giới chức nhà nước trong nạn buôn người, và đồng thời truy tố thủ phạm.

Trả lời BBC News Tiếng Việt vào thời điểm đó, Giáo sư Mullaly Siobhán, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc nói rằng điều quan trọng là Việt Nam phải gia tăng nhận thức về nạn buôn người.

Ả Rập Saudi chỉ là một trong nhiều nước mà nhiều người Việt bị buôn bán sang để bị bóc lột.

Theo báo cáo về tình hình buôn người ở Việt Nam do ĐSQ và Tổng Lãnh sự quán Mỹ công bố năm 2011, nhiều người Việt Nam bị đưa đi lao động cưỡng bức trong các ngành xây dựng, ngư nghiệp, nông nghiệp, khai thác mỏ, công nghiệp hàng hải, khai thác gỗ và công nghiệp chế tạo, chủ yếu ở Đài Loan, Malaysia, Hàn Quốc, Lào, Nhật Bản, và một số vùng ở châu Âu và Vương quốc Anh.

Phụ nữ và trẻ em Việt Nam là nạn nhân của tình trạng buôn bán nô lệ tình dục ra nước ngoài, chủ yếu ở vùng biên giới Trung Quốc, Campuchia, Lào Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Ả rập Saudi, Singapore, và Đài Loan.

Nguồn hình ảnh, HOANG DINH NAM/Getty Images

Đã được cảnh báo

Trong báo cáo tình hình buôn người năm 2021, chính phủ Mỹ đã cảnh báo Việt Nam - khi đó đang trong danh sách bị theo dõi - bậc hai - rằng nếu không có những cải thiện đáng kể, Việt Nam có nguy cơ rơi vào danh sách đen - bậc ba.

Báo cáo năm 2021 do chính phủ Mỹ công bố nói rằng trong năm thứ tư liên tiếp, báo cáo số vụ việc điều tra và kết án đối với bọn buôn người của chính phủ Việt Nam bị giảm xuống.

Bên cạnh một số cải thiện, báo cáo cho hay:

"Chính phủ không công bố bất cứ vụ điều tra, truy tố, kết án nào đối với các cán bộ nhà nước đồng lõa trong các vụ buôn người.

"Các quan chức chính phủ thừa nhận rằng yếu kém về thu thập và quản lý dữ liệu, giám sát các cơ sở kinh doanh tiếp tay cho hoạt động mại dâm, thu thập chứng cứ trong các vụ án buôn người xuyên quốc gia, và giám sát các vụ án buôn người và các xu hướng đang phát triển đã cản trở các nỗ lực của chính phủ trong việc chống nạn buôn người.

"Các quan sát viên quốc tế trước đây cho biết các quan chức chính phủ thường đổ lỗi cho công dân Việt Nam về tình trạng họ bị bóc lột ở nước ngoài hoặc cho rằng các nạn nhân đã thổi phồng việc họ bị lạm dụng để tránh bị truy cứu về các vi phạm pháp luật xuất nhập cảnh.

"Chính phủ không nỗ lực nhằm làm giảm nhu cầu mua dâm hoặc du lịch tình dục trẻ em.

"Chính phủ không thực hiện các biện pháp từ chối nhập cảnh đối với những người Mỹ đã từng phạm tội về tình dục."

Chủ Đề