Anh chị hiểu thế nào về hai câu thơ đến thì gần mực, đỏ gần son, Học lấy cho hay con hỡi con

Nguyễn Khuyến [1835 – 1909] vốn tên là Nguyễn Văn Thắng, tự là Miễn Chi, hiệu Quế Sơn, người làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông là nhà thơ và là bậc khoa bảng nổi tiếng một thời, không chỉ bởi tài năng mà còn cả về ý chí, phẩm cách. Để có được điều đó, Nguyễn Khuyến đã khổ công rèn luyện, phấn đấu nỗ lực hết mình.


Năm Giáp Tý [1864] Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên kỳ thi Hương, đến năm Tân Mùi [1871] thi hội đỗ Hội Nguyên, vào thi Đình đỗ Đình nguyên, khi ấy ông 36 tuổi. Cả 3 cấp thi đều đỗ đầu, một điều mà trong lịch sử khoa cử Nho học ở nước ta ít người làm được, do đó người đời thường gọi ông là “Tam nguyên Yên Đổ” hoặc ông “Hoàng Và” [tức Hoàng giáp làng Và] còn vua Tự Đức vì mến tài đã đổi tên ông từ Thắng thành Khuyến, chữ Khuyến với nghĩa là đáng khuyến khích.


Nguyễn Khuyến
 

    Đạt được học vị cao, Nguyễn Khuyến được bổ vào làm việc ở Quốc sử quán. Năm Qúy Dậu [1873] giữ chức Đốc học rồi được thăng lên chức Án Sát tỉnh Thanh Hóa. Khi mẹ mất, ông trở về quê chịu tang 3 năm, sau đó trở về kinh làm Biện lý bộ Hộ. Năm Đinh Sửu [1877] làm Bố chính tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm Quý Mùi [1883] được cử giữ chức Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên [Sơn Tây, Hưng Hóa, Tuyên Quang], nhưng chỉ ít lâu sau chán ngán chốn quan trường, đau lòng trước cảnh đất nước rơi vào ách đô hộ của ngoại bang, năm Giáp Tuất [1884] Nguyễn Khuyến viện cớ bị bệnh xin cáo quan về quê, khước từ mọi thủ đoạn mua chuộc của thực dân Pháp để giữ trọn lòng “trung quân ái quốc”.

    Sau khi về quê, Nguyễn Khuyến mở trường dạy học, truyền bá tri thức, gửi gắm tâm sự, chí hướng của mình cho các lớp học trò. Từng làm chức quan lớn nhưng cho đến khi trở lại cuộc sống đời thường, Nguyễn Khuyến vẫn luôn giữ tư cách thanh cao, sống bình dị chan hòa với dân chúng, không hề tỏ vẻ là người có chức tước, địa vị hay kiêu mãn bởi danh tiếng, thậm chí ông còn tự cười chính mình:

“Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ

Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng”.

    Khâm phục tài năng và đạo đức của ông nên trong dân gian lưu truyền khá nhiều giai thoại. Những câu đối, bài thơ, chuyện đối đáp, ứng xử với bọn quan lại, thực dân và những kẻ hãnh tiến vẫn được dư luận nhắc tới nhiều. Đặc biệt với tài thơ, Nguyễn Khuyến đã viết lên nhiều tác phẩm lớn như: “Quế Sơn thi tập”, “Yên Đổ thi tập”, “Bách Liêu thi văn tập”, “Cẩm Ngữ”… Thơ của ông gồm nhiều thể loại, điêu luyện về ngôn ngữ, phong cách ung dung, phóng khoáng, nhuốm đậm tư tưởng và triết lý Lão Trang. Nội dung thơ văn của ông còn khuynh hướng trào phúng, châm biếm, giễu cợt thế thái nhân tình, những thói hư tật xấu của người đời và tố cáo hiện thực xã hội buổi giao thời đầy nhiễu nhương, bất ổn.

Trước thực trạng đó, Nguyễn Khuyến rất lo lắng cho con cái, ông đã dành nhiều tâm sức dạy dỗ, khuyên răn các con sống sao cho đúng với đạo đức để trở thành người hữu ích. Những mong muốn của ông còn được nhắn nhủ ngắn gọn mà sâu sắc, bình dị và thiết thực qua những câu từ trong 13 bài thơ chữ Hán, chữ Nôm mang nội dung dạy con.

Là người xuất thân từ khoa bảng, Nguyễn Khuyến rất coi trọng kiến thức, chữ nghĩa, đó chính là tài sản quý giá nhất chứ không phải là tiền bạc, của cải. Trong bài thơ “Khuyên học”, ông viết:

“Đen thì gần mực, đỏ gần son.
Học lấy cho hay, con hỡi con!
Cái bút, cái nghiên là của quý,
Câu kinh, câu sử ấy mùi ngon!
Vàng mua chứa để, vàng hay hết,
Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn,
Nhờ Phật một mai nên đấng cả[1],
Bõ công cha mẹ mới là khôn”.

[1]    Đấng cả: là học hành thành tài, giữ địa vị cao, có tiếng tăm

Theo Nguyễn Khuyến, việc học phải tránh sự phù phiếm, học không phải là lấy danh để có quyền chức mà học để có kiến thức đem ra giúp đời; nếu quá trọng danh thì con người ta dễ làm mất đi khí tiết, chí khí và lòng mình để chạy theo cái hư ảo của danh vọng, trái với đạo của kẻ sĩ. Khi đã thành đạt, có địa vị cũng không được quên nền tảng, cái gốc vốn có của mình:

“Hoàn cư bất mãn cửu cao thổ,
Tố nghiệp thư tha nhất thúc thư.
Nhi tào hoặc khả thừa ngô chí,

Bút nghiêng vô hoang đạo, thúc, sơ”.

[Xuân nhật thị chư nhi ]

Nghĩa là:

“Nơi ta đang ở không đầy chín sào đất,
Nghiệp cũ chẳng có gì ngoài một bó sách
Các con nối chí cha nên biết
Bút nghiêng đừng quên lúa, đậu, cà”.

                         [Ngày xuân dặn các con ]

Từ kinh nghiệm bản thân nơi chốn quan trường, Nguyễn Khuyến cảnh báo: Danh cư quá mãn ưu tăng tiết [Danh tiếng nếu quá lừng lẫy dễ lấn át mất khí tiết] vì thế làm quan phải luôn cẩn thận, gìn giữ không để bị cuốn vào những chuyện ăn chơi, hưởng thụ kéo người đời chê cười, khinh thường. Cũng trong một bài thơ có tiêu đề: “Xuân nhật thị chư nhi” [Ngày xuân dặn các con ], Nguyễn Khuyến răn rằng:

“Đồi hồ mao phát tiệm tham tham
Bất giác nên đăng ngũ thập tam
Dương thế thi thư hà sở dụng
Lão lai quan đái thượng da tàm
Loạn ly xuân sắc chân vô lai
Ưu khổ nhân tình tống bất kham
Đối thử quang âm hà dĩ úy

Chư nhi do tự tửu ca hàm”.

“Tuổi thêm thêm được tóc râu phờ
Nay đã năm mươi có lẻ ba
Sách vở ích chi cho buổi ấy
Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già
Xuân về ngày loạn càng lơ láo
Người gặp khi cùng cũng ngất ngơ
Lẩn thẩn lẫy chi đến tấc bóng
Sao con đàn hát vẫn say sưa?”.

Nguyễn Khuyến là người có tâm hồn rộng mở, giàu cảm xúc với cuộc sống, gắn bó với thiên nhiên, với người dân, và đặc biệt ghét những thói hư tật xấu, hợm của, khoe mẽ, nhũng nhiễu, hống hách… Thuở nhỏ, Nguyễn Khuyến theo học cụ Nghè Võ Văn Lý ở làng Vĩnh Trụ  [nay là thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân, Hà Nam], con cụ Nghè là Vũ Văn Báo, sau này làm Án sát tỉnh Nam Định, hai bên có quan hệ thông gia, con cả của Nguyễn Khuyến là Nguyễn Hoan lấy con gái Vũ Văn Báo. Cũng nối chí cha, Nguyễn Hoan học tập phấn đấu theo đường khoa cử và được bổ làm quan Tri phủ Lý Nhân, người dân quen gọi là phủ Tiểu. Trước khi con trai nhậm chức, Nguyễn Khuyến làm thơ có tiêu đề là “Thị tử Hoan” [Dặn con là Hoan] như sau:

“Vị hữu quan thì dục tố quan,
Hữu quan thuỷ giác tố quan nan.
Hoạn đào chỉ dĩ khinh tâm trạo,
Lợi cục hà năng lãnh nhãn khan.
Lãng chú kim ngân nang dĩ khánh,
Bất tri hà đổ tịch tương tàn.
Ngô nhi tự tín thông minh tại,
Tằng phủ ngô ngôn yết toạ đoan”.

Nghĩa là:



“Chửa được làm quan những ước quan,
Được làm mới thấy khó vô vàn.
Thuyền chèo bể hoạn lòng nên nhẹ,
Lợi bén hơi đồng mắt chớ tham!
Dốc hết bạc vàng nay túi rỗng,
Hòng chi đen đỏ lúc canh tàn!
Con dù vẫn cậy thông minh đấy,
Hãy chép lời cha dán trước bàn!”.

Mặc dù được dạy dỗ, chỉ bảo như vậy, nhưng có lúc Nguyễn Hoan khiến cha mình phiền lòng và rồi ông đã nhận thêm một bài học khác khiến cả đời mãi không thể nào quên. Giai thoại kể rằng, một lần phủ Tiểu Nguyễn Hoan về thăm bố vợ ở làng Vĩnh Trụ, huyện Thanh Liêm, khi cờ quạt của quan tri phủ về đến đầu làng mà không thấy Hương lý, dân làng ra nghênh tiếp, Nguyễn Hoan liền sai lính gọi Lý trưởng đến cảnh cáo và đánh cho một trận dù ông này lại là chú vợ của quan.

Câu chuyện đó truyền đến tai Nguyễn Khuyến làm ông rất tức giận, vì con mình cậy quyền ỷ thế hống hách. Ít lâu sau, Nguyễn Hoan đi làm việc quan, cờ trống nghênh ngang, đi qua làm liền rẽ về về thăm gia đình. Được tin, Hương lý và dân làng Yên Đổ tề tựu để nghênh tiếp. Vừa đến đầu làng, phỉ Tiểu thấy trong đám người đứng đón, có một cụ già khăn áo chỉnh tề, bước ra trước võng quan, cung kính chắp tay vái mà nói: “Lạy quan lớn ạ!”. Nguyễn Hoan trông thấy giật nẩy mình vội vàng ra khỏi võng sụp lạy : “Con lạy cha, sao cha lại làm thế, làm con thấy rất có tội với cha ?”. Nguyễn Khuyến tảng lờ như không, lễ độ nói: “Nghe tin quan lớn về, tôi tuy già yếu nhưng vẫn là một người dân của làng nên phải thân hành ra đón, kẻo quan lại trách tôi vô lễ mà cho mấy roi như Lý trưởng làng Vĩnh Trụ, thì tôi chịu sao nổi”. Nguyễn Hoan lạy rạp xuống khóc mà nói: “Con đã không làm theo lời cha dạy, con xin tạ tội và hứa từ nay xin chừa”.

Lúc này, Nguyễn Khuyến mới bỏ 2 tay xuống, đưa mắt nhìn phủ Tiểu, nhìn chức dịch và bà con đang tề tựu tại cổng làng, chậm rãi nói: “Về thăm nhà là chuyện riêng tư, đừng cậy làm quan có chức, có quyền mà hạch sách, bắt dân đón rước”. Nguyễn Hoan cúi đầu im lặng, len lén theo cha đi bộ về nhà, nhận một bài học nhớ đời bởi thói hống hách nghênh ngang. Qua câu chuyện có thể thấy, cụ Tam nguyên Yên Đổ không những “dạy con từ thuở còn thơ” mà còn dạy con khi đã khôn lớn, uốn nắn kịp thời những thói hư tật xấu của con một cách nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc, sâu sắc vô cùng.

Ngày 5/2/1909 nhà thơ lớn, con người đầy khí tiết đã trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà.. Trước khi mất, ông dặn con cháu làm lễ tống táng đơn giản, tiết kiệm; đến lúc cải táng thì đưa mộ lên núi Phượng Hoàng, đào đến khi thấy đất trắng tinh như phấn thì mới đặt hài cốt xuống. Ông nói rằng, muốn con cháu sau này hun đúc tài năng và sống thật trong sạch nên mới đặt mộ vào mạch đất trắng đó. Và cho đến lúc cuối của cuộc đời, Nguyễn Khuyến vẫn giữ được sự hóm hỉnh nhưng rất tinh tế, sâu sắc khi dặn các con:

“…Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Mua cho thầy một ít rượu, hoa
Và đề mấy chữ trên bia
Rằng: “Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu”.


Video liên quan

Chủ Đề