Bài hát xa khơi ca sĩ anh thơ là ai?

Dòng họ Nguyễn Tài có công khai phá lập nên làng Thượng Thọ, thuộc tổng Đại Đồng xưa. Thủy tổ của dòng họ là cụ Nguyễn Hiền, Trạng nguyên khoa Đinh Mùi, năm 1247. Cha của Nguyễn Tài Tuệ, cụ Nguyễn Tài Độ, một nhà nho thức thời cũng là thầy lang.

Mới chừng 5-6 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ đã được tiếp xúc âm nhạc dân gian qua những lần được cha đưa đi nghe ví, giặm trên sông Lam. “Khi đó, dù bé nhưng nghe câu ví, giặm tôi đã rất thích. Có những đoạn câu đối đượm buồn, tôi đã chảy nước mắt. Khi mẹ tôi biết, bà dặn bố tôi không được cho tôi đi nghe như vậy nữa. Nhưng bố tôi nói: Phải để cho con đi nghe, phải để con cảm nhận nền văn hóa, cái gốc dân gian của cha ông thì sau này con mới trưởng thành, đấy là điều hay. Khóc thế chứ, khóc 10 lần nữa cũng vẫn đưa nó đi”, ông từng kể.

Lên 5 tuổi, Nguyễn Tài Tuệ được gửi vào Sài Gòn học trường Pháp Chasseloup Laubat. Nhờ 4 năm học ở đây mà sau này ông tự học nhạc qua sách tiếng Pháp và viết những ca khúc đầu tiên như Hò dân công, Xuân ơi sao chưa về khi đang học cấp 3. Thời kỳ cải cách ruộng đất, gia đình ông lâm vào cảnh bĩ cực. Ông nghe lời cha ra Hà Nội phấn đấu tìm con đường học hành.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ và phu nhân Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Khi Đại hội Văn công Quân dân toàn quốc diễn ra tại Nhà hát Lớn, ông đến xem và tìm gặp người phụ trách xin thử làm ca sĩ. Sau khi được các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Nguyễn Văn Thương thẩm định giọng hát, Nguyễn Tài Tuệ trở thành diễn viên hát trong đoàn Đoàn văn công Nhân dân Trung ương từ 1955. Tuy nhiên ông vẫn nung nấu khát vọng sáng tác. Ông từng nói: “Âm nhạc với tôi là tất cả. Âm nhạc xâm chiếm tâm hồn tôi, đè nặng lên cuộc đời tôi. Âm nhạc là món nợ của tôi với quê hương, đất nước”.

Thời gian biệt phái lên Đoàn Ca múa Lao - Hà - Yên [Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái], ông viết Lời ca gửi noọng, hợp xướng Xuân về trên bản và Tiếng hát giữa rừng Pác Bó khi mới 23 tuổi.

Năm 1962, Nguyễn Tài Tuệ viết Xa khơi tiếp tục gây ấn tượng lớn qua sự thể hiện của Tân Nhân. Nhưng vẫn có những phê phán về lời ca không phù hợp với tình hình sản xuất và chiến đấu của hai miền lúc đó. Với bài hát này, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước khẳng định Nguyễn Tài Tuệ là nhạc sĩ phát triển ví giặm tốt nhất từ xưa đến giờ. Nhạc sĩ An Thuyên sau này chung nhận định: “Có đến vài chục nhạc sĩ đã kế thừa vốn ví giặm, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Nguyễn Tài Tuệ”.

Từ năm 1966 đến năm 1972, Nguyễn Tài Tuệ được đặc cách cử đi học đại học về sáng tác âm nhạc tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên, dù chưa qua đào tạo trung cấp. Ông tốt nghiệp hạng ưu sau 6 năm tu nghiệp. Nhờ du học mà ông gặp người bạn đời Vũ Thị Cẩm Tú - lúc đó là sinh viên Đại học [ĐH] Bách khoa Bình Nhưỡng. Họ có hai con trai đều theo nghiệp âm nhạc. Trước khi về hưu, ông công tác ở Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam trong vai trò sáng tác và chỉ đạo nghệ thuật.

ĐỒNG NGHIỆP TRÂN QUÝ

NSƯT Thu Lan, nguyên Trưởng khoa Thanh nhạc, Học viện Âm nhạc Quốc gia, từng có thời gian dạy con trai của nhạc sĩ là Nguyễn Thiều Quang. Chị khẳng định, các sáng tác của Nguyễn Tài Tuệ có tầm học thuật cao, đa số được sử dụng trong giáo trình giảng dạy. Chị cho biết: “Bài Suối Mường Hum chảy mãi rất hay, nhiều cung quãng rất thuận cho học sinh thanh nhạc mới vào học. Học sinh trung cấp chuẩn bị lên ĐH hầu như em nào tôi cũng cho học bài đấy. Xa khơi tầm ĐH và trên ĐH mới sử dụng”.

Nhiều nghệ sĩ đều chung nhận định, trong chuyên môn, Nguyễn Tài Tuệ khắt khe đến “kinh khủng”. Như phải sau nửa thế kỷ ông mới tìm được từ “sóng liệng” thay cho “sóng chiều”, “sóng liền” hay “sóng lượn” trong bài Xa khơi. Bài Mơ quê từ khi đặt bút đến hoàn thành cũng chừng 15 năm. Ca sĩ muốn hát bài của ông đều phải được ông uốn nắn tỉ mỉ, đảm bảo không bỏ qua bất cứ dấu luyến, dấu lặng nào. “Bài Mơ quê gần giống như một aria, hát còn khó hơn Xa khơi. Câu cú đâu ra đấy, lời đẹp. Ai vượt qua bài đấy coi như tốt nghiệp xong ĐH”, nhà giáo Thu Lan nhận định.

Người đầu tiên hát Mơ quê là NSƯT Tố Uyên, cùng công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc với nhạc sĩ. Bản thu đầu tiên của Tố Uyên tại Đài Tiếng nói Việt Nam do con trai của nhạc sĩ là nhà chỉ huy Nguyễn Tài Tuấn phối. Sau đó Tố Uyên nhờ nhạc sĩ Quang Vinh phối lại có tính sân khấu hơn để phát hành trong album riêng. Chị cho hay cả hai lần thu âm, nhạc sĩ đều đến tận nơi nghe và chỉnh sửa. Tố Uyên nhận định Mơ quê “đỉnh cao vừa lời vừa nhạc”, “càng hát càng thấy khó”. “Xa khơi có dạo giữa, nghỉ lưu không lấy hơi, Mơ quê lại hối hả như tâm trạng của những người xa quê mà không về được nên ngóng trông da diết, phải trường hơi mới hát được. Bài hát có những quãng chuyển từ trung trầm lên cao để không bị hổng hơi rất khó. Tôi phải buông bỏ nhiều kỹ thuật để ngả sang dân gian mới truyền tải được bài hát này”. Do ưng ý nên Tết năm đó, nhạc sĩ và vợ đến hẳn nhà Tố Uyên để cảm ơn mà chị lại không có nhà. Sau đó, ca sĩ lại đến nhà nhạc sĩ đáp lễ và được ông đưa thêm bài nữa.

Ca sĩ Anh Thơ: "Khó mà nói hết lòng biết ơn tôi dành cho bác Nguyễn Tài Tuệ - người nhạc sĩ kính yêu đã có nhiều bài hát làm nên tên tuổi tôi, cho tôi một cuộc sống tốt đẹp.

Ca sĩ Anh Thơ khẳng định mình gặt hái quá nhiều thành công nhờ bài của Nguyễn Tài Tuệ. Cô nhận xét nhạc sĩ “liêm khiết đến mức phát ngại lên”: “Mình kiếm bao nhiêu tiền từ bài hát của bác mà đến tặng một chút quà Tết thôi bác cũng không nhận là không nhận”. Ông luôn nhắc các nghệ sĩ khi đến thăm mình cấm có được quà cáp, nếu trót mang đến thì ông cũng chỉ nhận hoa quả. “Bác có một sự cao thượng, khó tính, nghiêm khắc. Bác trân trọng người tài nhưng vẫn giữ cái kiêu hãnh của mình”, Anh Thơ cho hay.

Với Anh Thơ, ban đầu nhạc sĩ cũng uốn nắn chi tiết nhưng về sau ông chấp nhận khi cô sáng tạo thêm vào tác phẩm. Cô nói “Mình phiêu được những câu bác cũng thích nên bác mới để cho Thơ hát 3-4 bản Xa khơi mỗi bản một kiểu khác nhau”. Tất nhiên cũng có bản Anh Thơ nhờ nhạc sĩ Quang Vinh viết thêm câu phiêu chứ không phải lúc nào cũng ngẫu hứng. “Xa khơi và Mơ quê là hai bài khó nhất của bác và đều giúp tôi để lại ấn tượng đẹp trong lòng khán giả. Mơ quê tôi cũng vẫn phiêu nhưng khác kiểu Xa khơi”, Anh Thơ nói.

Xin nhạc sĩ cho biết một số thông tin về nhạc phẩm Xa khơi?

- Xa khơi là một ca khúc trong bộ 05 tác phẩm Giải thưởng Nhà nước đợt I [năm 2001] của tôi.

Ý tưởng ban đầu xây dựng kiệt tác này được hình thành như thế nào, thưa nhạc sĩ ?

Tôi động bút bắt đầu viết ca khúc này vào năm 1961 trong khi đang thực hiện một chuyến đi điền dã đầy gian nan tại một số huyện vùng cao thuộc tỉnh miền núi Hòa Bình. Lúc này, Đảng và Nhà nước mở một cuộc thi lớn về sáng tác ca khúc, nhằm cổ vũ, động viên tinh thần sản xuất, chiến đấu của tiền tuyến và hậu phương lớn. Tất nhiên, trước đó, vào năm 1958 tôi đã được trải nghiệm một đợt đi thực tế tại vùng giới tuyến Gio Linh, Quảng Trị, đã hình thành ý tưởng sáng tác một tác phẩm nếu có thể, đi xuyên qua không gian, thời gian.

Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ

Xa khơi rất bay bổng, trữ tình, thoang thoảng hồn “Ví”, “Giặm”. Điều gì đã làm nên “tấm thẻ căn cước” cho ca khúc này kể từ lúc vừa mới chào đời, thưa nhạc sĩ?

Hồn cốt của tác phẩm được tôi lựa chọn theo điệu thức của “Ví”, “Giặm”, một loại hình âm nhạc dân gian của Nghệ Tĩnh, đang ở dạng đơn sơ nhưng trong lòng nó đã chứa đựng một tiềm năng, khơi gợi cho những nhạc sĩ có thể đi sâu vào khai thác và phát triển thêm cái năng lượng của chính nó.

Việc phát triển “Ví”, “Giặm” ở đây dứt khoát phải đi xa hơn nữa, tuyệt đối không được bê nguyên xi vốn của cha ông vào tác phẩm.

Sức mạnh nào của ví, giặm đã gặp thời để “bùng nổ” nên một Xa khơi với tầm nhìn biển cả trong âm nhạc của ông, thưa nhạc sĩ?

Dòng âm nhạc dân gian này tuy đơn giản, điệu thức chỉ 5 nốt re fa sol la do, nhưng ẩn giấu một chiều sâu tiềm tàng, một nội lực như cốt cách tâm hồn của người dân xứ Nghệ. Vẻ ngoài tuy mộc mạc nhưng ý chí và sức mạnh trí tuệ lại to lớn trong Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du và sau này là Xuân Diệu, Huy Cận v.v.. Ta cũng không lấy làm lạ khi Nguyễn Huệ trên đường chinh phạt quân Thanh đã dừng chân chiêu mộ hàng vạn quân sĩ ở xứ Nghệ, phải chăng vì đó là ý chí quật cường của nông dân nơi đây, và về sau ta có thêm một nhân vật kiệt xuất khác, đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Mạch nguồn dân ca ấy đã gặp thời cơ để có thể bùng nổ trong hàng trăm tác phẩm âm nhạc của các nhạc sĩ đương đại. Trong dòng chảy ấy, Xa khơi của tôi đã có thể giương cánh buồm êm ả bay xa.

Cái tên đặt cho ca khúc vừa lãng mạn vừa quyến rũ công chúng, ông đã có dụng ý gì, thưa nhạc sĩ?

Đầu đề Xa khơi, tên ca khúc cũng mang một hàm nghĩa rất rộng, ý tại ngôn ngoại, chờ đón một cái gì đó vừa thực vừa hư ảo, không định vị về không gian, thời gian, khuyếch đại nhiều chiều để khơi gợi sức tưởng tượng bay bổng của người nghe.

Ông có thể “đọc chậm”, chia sẻ cho chúng tôi vài tần số rung động của ông theo cấu trúc của Xa khơi, thưa nhạc sĩ?

Khúc thức của Xa khơi là A, B, co-da. Đoạn A [Andante] là đoạn chậm [chậm rãi, trang trải], đoạn B nhanh, sinh động [Allegro con agitato], đoạn co-da lặp lại điệu thức của A, cũng chậm rãi, trang trải, đảm bảo tính thống nhất của tác phẩm.

Đoạn A [Andante] “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ anh ơi. Gió lộng buồm, mây ươm chân trời. Biển lặng sóng thuyền em giong khơi…” diễn tả một không gian bình yên đầy đặn, tưởng như vĩnh viễn và bất biến. Biển ở đây phẳng lặng đến vô tận, nắng mới ươm ở chân trời, nhưng trong êm ả ấy đã vang lên “giọng hò thương anh cách vời” để lộ ở đây cảm giác ly biệt thoáng qua rất nhẹ. Diễn tả cảm xúc của cô gái về sự chia ly một cách tinh tế. Biển được dùng để cấu trúc nên hình tượng nghệ thuật mô tả cảm xúc mênh mông, vô định của cuộc đời. Giai điệu và ca từ “Kìa biển rộng con nục con măng, lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng. Con chuồn còn bay nơi nơi. Con giang chiều gọi bạn đường khơi.” tạo nên tầng tầng lớp lớp những hình ảnh âm nhạc như những lớp sóng ruổi nhau, vừa hết sức tự nhiên, vừa gần gũi, gợi sức tưởng tượng sâu xa. Chuỗi sáng tạo ở đây luôn hướng về bản ngã, nhưng đôi khi cảm xúc thẩm mỹ phiêu diêu, sức tưởng tượng bay bổng sự vươn tới của khát vọng khiến tôi quên cả bản ngã, đạt đến vô ngã, vô thức. Điều đó mới nghe tưởng như phi lý nhưng lại là rất có lý trong sáng tạo nghệ thuật để đạt đến một giá trị thẩm mỹ như mong đợi, một thông điệp ý tại ngôn ngoại.

Sau đoạn chậm rãi thong thả, là tiết tấu nhanh, mạnh, mềm mại, đậm đà trữ tình biểu lộ một cá tính đặc biệt, một tài năng trong sáng tạo âm nhạc. Những tưởng đó là sự yên bình mãi mãi với câu hò trầm bổng, bát ngát, gợi cảm, lan tỏa mênh mang… Nhưng chính trong giai điệu âm nhạc ấy, đã cho thấy một cảm nhận sâu kín, ẩn dưới tầng sâu của biển cả, âm ỉ những đợt sóng ngầm chực chờ trỗi dậy. Giai điệu lời ca tha thiết, riết róng, mạnh mẽ và mềm mại, đồng thời mang mang một nỗi âu lo đẩy lên thành cao trào của đoạn I “Nắng tỏa chiều nay, thuyền về mái đọng chiều nay. Nhìn phương nam con nước vơi đầy thương nhớ, nhớ thương anh ơi”.

Sheet nhạc bài Xa khơi

Đoạn B Allegro con agitato [nhanh, sinh động] “Ơi mênh mông sóng xô du thuyền ta xa bờ”. Âm nhạc từng đợt, từng đợt, như sóng xô vào bờ. Nhưng con người với bản lĩnh của mình đối diện với thử thách một cách bình tĩnh “Âm vang tiếng hò nhịp chèo ta mong chờ”. Sự thử thách đã vượt lên và bản ngã của con người, của tình yêu đã chiến thắng “Thuyền ra xa khơi đưa nhịp chèo nối liền”. Dẫu có phải trải qua muôn vàn khó khăn trắc trở vẫn tìm về một sự thống nhất hai miền “Đường đi muôn khơi mái chèo chung đôi miền”. Cơn cuồng phong bão tố không dập tắt nổi khát vọng của tình yêu đôi lứa cấu thành cao trào của đoạn B “Ơ! Mênh mông biển khơi câu hò thương nhớ…vang về miền Nam quê ta”. Tình yêu được thử thách trong bão tố và đã chiến thắng trước mọi bão táp của cuộc đời được thể hiện trong hạ trào của đoạn B “Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi…”.

Ông nói, đoạn coda là thay cho A’, trên thực tế, sức căng độ nén của cảm xúc người nghe đã đẩy mỹ cảm đến độ thăng hoa. Có phải kỹ thuật âm nhạc đã gây nên hiệu ứng đó không, thưa nhạc sĩ? 

Đoạn coda tuy chỉ có bảy nhịp, về mặt âm nhạc đã quay lại điệu thức chủ đạo của đoạn A, để nhắc lại tình cảm ban đầu, bảo đảm tính thống nhất của tác phẩm âm nhạc. Vì qua đoạn chậm I, đến đoạn II, âm nhạc đã đi rất xa, muốn trở về với cái gốc ban đầu, tôi đã sử dụng coda thay cho đoạn A’. Ca khúc có ba cao trào. Đoạn chậm có 1 cao trào, đoạn nhanh có 1 cao trào. Ngoài hai cao trào trên, ở đây ta bắt gặp cao trào lớn nhất của toàn bài. Ở cao trào lớn này tôi muốn diễn đạt mức độ dồn nén tình cảm đã được dâng lên ở mức mãnh liệt nhất, dồn nén nhất và kịch tính nhất “Biển nói lên lời bao ngày thương nhớ biển ơi…” và sau đó được giải tỏa ở đê trào “Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay” trong nhịp cuối cùng của toàn bài. Để người nghe có cảm giác thở phào nhẹ nhõm trước cái kết dài lặng dần của đê trào.

Trong điệp khúc, cá tính sáng tạo của nhạc sĩ tiếp tục được bộc lộ ở năng lực phát triển giai điệu đi đôi với lời ca. Thưa nhạc sĩ, xin ông chia sẻ bí quyết làm ca từ của ông trong kiệt tác này?

 “Ơi phong ba lướt xô mái chèo ta xa bờ. Phong ba sóng cồn lòng ta luôn mong chờ. Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn. Kề vai bên nhau em kề bên anh thương. Ơ! Em ơi lời ca câu hò thương nhớ vang về cùng anh không xa. Biển dập dìu, biển tâm tình, biển nói lên lời sóng cả ta chung lứa đôi”. Tôi lựa chọn một nét ngọc trong kho tàng tinh hoa văn học dân gian tích hợp vào ca khúc làm cho hồn cốt của ca từ thêm sức nặng “Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ Hỏi người bên ấy có buồn hay không”. Tú Xương cũng đã từng tự trào “Trời không chớp bể với mưa nguồn/Đêm nảo đêm nao tớ cũng buồn”. Nỗi buồn nhân gian ấy, thêm một lần nữa, lại được tôi trải nghiệm vào câu hát gan ruột của mình “Kề vai bên nhau chớp bể cùng mưa nguồn”.

Nghe nói, ông chăm nom Xa khơi rất chi chút, như một niềm say mê hướng tới một tác phẩm toàn bích. Sau gần nửa thế kỷ, ông vẫn sửa một từ trong lời ca của Xa khơi, việc ấy thực hư thế nào?

- Chà, chà! Việc ấy quả có thực! Cách đây ba, bốn năm gì đó. Anh Thơ chuẩn bị cho chuyến đi biểu diễn ở nước ngoài, có đến gặp tôi. Đang nghe cô ấy hát câu “Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng”…Tôi lập tức ra hiệu ngừng, nhắc “liệng” chứ không phải “liền”. Cô ngạc nhiên, mở to cặp mắt. Tôi mới từ tốn nói với Anh Thơ rằng, cái chữ “liệng” ấy mới được ta chọn để thay vào vị trí chữ “liền”. Và tôi đưa cho Anh Thơ cái bản mới ấy.

Cụ thể thế nào? Cái từ “liệng” ấy với ông chắc phải quan trọng lắm thì mới quyết tâm bắt kẻ hát, người nghe phải theo ý mình chứ nhỉ? Vì bài hát này, người ta đã hát mãi, nghe mãi quen với cái bản ban đầu rồi. Thưa, nhạc sĩ có thể cho biết điều gì khiến ông phải làm “cuộc cách mạng” để thay đổi chỉ có mỗi một từ sau gần nửa thế kỷ như vậy?

Cái việc sáng tác âm nhạc của tôi ấy mà, nó cứ như máu lưu thông trong huyết quản vậy. Rồi, các tác phẩm của tôi cũng như các con của chúng tôi, thậm chí còn hơn thế nữa! Tôi muốn chúng toàn bích, và sẽ mãi mãi làm cho chúng hoàn thiện và trở nên toàn bích chừng nào tôi có thể. Trong trường hợp này, tôi thay đổi lần thứ ba mới chọn được chữ “liệng”, “Lướt sóng liệng đôi bờ tung tăng”. Ban đầu là “liền”. Vì sao viết về biển mà phải nhọc công gắng sức, phải làm sao để hai chữ đôi bờ vang ngân, sức gợi lớn, bóng lồng bóng trập trùng, nhịp nối nhịp trẻ trung, khao khát yêu đời quấn quyện, phải làm sao để đôi bờ được hòa nhịp tự do phơi phới? Vì đó là Hiền Lương, là vĩ tuyến 17 của ngày Bắc đêm Nam, là đôi bờ nhạy cảm nhất lúc bấy giờ của lịch sử dân tộc. Viết được đến “liền đôi bờ” đã là sự diễn đạt ca từ ở mức độ tiến sát vào mỹ cảm rồi! Con nục con măng còn tung tăng liền được đôi bờ, tại sao con người lại bị đôi bờ chia cắt. Nhưng khi ngẫm nghĩ mãi, tôi lại thấy chữ “liền” tuy biểu đạt được sự phản ánh cao về nội dung, nhưng sức biểu đạt về nghệ thuật của hiệu ứng lời ca chưa thấu triệt, chưa tinh tế. Tôi cố tìm cho được cái từ phù hợp nhất để đặt vào câu ca này của toàn bộ lời ca. Và tôi đã quyết là làm, tôi buộc tôi phải tìm cho bằng được! Lời ấy phải đạt được ý tại ngôn ngoại, lời ấy mang biểu tượng nghệ thuật trữ tình, khác xa với lời mang tính chất chỉ thị, kiểu ngôn ngữ khẩu hiệu…Tôi tìm ra chữ “lượn”, thấy nó được hơn, bèn cho chữ “lượn” vào thế chỗ cho từ “liền”. Từ “lượn” biểu đạt được sự cụ thể, dễ liên tưởng sự vui vẻ, xem ra hợp với tung tăng, lại tránh được sự lộ ý. Các bậc thi nhân xưa rất chú ý câu “Ý kị lộ, mạch kị trực” mà! Những tưởng chữ “lượn” đã yên vị, có giá trị rồi, sau một khoảng thời gian lắng lại và chiêm nghiệm, tôi đã nhận ra từ “lượn” ở vào cái vị trí đó vẫn chưa phù hợp. Từ “lượn” tuy đã mang tính động từ, nhưng tính chất động của nó có cái gì đó còn yếu, còn mỏng mảnh, chưa đủ sức nặng điểm nhãn cho biểu tượng nghệ thuật biểu đạt khát vọng nối liền hai miền Nam Bắc. Cuộc tìm kiếm của tôi như vậy là chưa thể cán đích được. Tôi tiếp tục tìm kiếm, tuyển chọn trong đại ngàn Tiếng Việt tầng tầng, lớp lớp từ mang nghĩa để đưa vào vị trí ấy.

Ca sỹ Anh Thơ thể hiện ca khúc "Xa khơi" trong đêm nhạc Nguyễn Tài Tuệ

Cuối cùng, tôi cũng đã tìm thấy chữ “liệng”. Để cắt nghĩa cho việc điểm nhãn gọi là đến đích thành công này, có thể tóm gọn vào một chữ HỢP. Lời ca đã có từ “liệng” được đặt yên vị rồi, mới thấy nó lập tức phát huy tác dụng kép. “Liệng” vừa có sức nặng biểu cảm, mỹ cảm, vừa có đường nét mạnh mẽ hòa quyện với sông nước, lại hợp với ngôn ngữ miền Trung. Có “liệng”, trong câu, từ đã nối từ êm chắc, sóng của từ xô vào nhau như những lớp sóng biển, âm thanh đã vang lên ngay cả khi lời tách khỏi bản nhạc. Và tôi tin là từ đây, những xung động của tâm hồn nơi tôi gửi gắm trong ca khúc khiến những người yêu âm nhạc cảm nhận được. Hơn thế nữa, khi phát âm về thanh nhạc, âm của “liệng” không cạn như “liền”, không nâng mỏng như “lượn” mà sâu lắng và vang hơn. Người nghệ sĩ sáng tạo âm nhạc nhiều khi phải tính toán xem liệu người hát có hát được tới ý tưởng sáng tạo của mình hay không, phải tạo điều kiện cho họ thể hiện tốt nhất chất giọng và tài năng của họ, giúp nâng giá trị giọng ca của người nghệ sĩ biểu diễn.

Đến đây liệu ca từ trong bài đã được để yên chưa, thưa nhạc sĩ?

[Cười]. Có lẽ toàn bộ lời ca của Xa khơi đến nay thế là toàn bích rồi. Không cần phải thay chữ nào nữa cả!

Chi tiết về chữ liệng trong ca từ thật là một câu chuyện thú vị vô cùng về sự lao động miệt mài kiên trì của nhạc sĩ với chữ nghĩa. Vậy là, Xa khơi còn phát lộ cá tính sáng tạo văn chương trong âm nhạc Nguyễn Tài Tuệ. Nhân đây, xin anh cho biết rõ hơn về câu hát “Thuyền về mái đọng chiều nay”, “mái đọng”có phải là phương ngữ địa phương không?

Ồ! Câu hỏi khá bất ngờ đây! Cảm xúc đã cuốn lời ca quyện vào nét nhạc thành một thể thống nhất. “Ví”, “Giặm” thì rõ ràng của Nghệ Tĩnh bay lượn trong âm nhạc ở đây rồi, nhưng còn chữ nghĩa… Chữ nghĩa ở đây không hề mang tính vùng miền! Đơn giản là ca từ tôi sáng tạo ra buộc nó phải vậy mới gọi là HỢP. Vấn đề là chữ “đọng”. Chữ “đọng” để biểu thị một sự ngưng tụ. Chiều đến là điểm về của người Việt. Không hẳn là mái nhà, cũng không phải mái chèo. Một vời vợi không gian ngưng tụ để người ta ngóng đợi, để lắng lại, để níu giữ, để khao khát. Mái đọng chơi vơi giữa âm nhạc, ngôn ngữ và vô thường “Thuyền về mái đọng chiều nay. Nhìn phương Nam con nước vơi đầy…”, đó là chữ của ca từ, không phải chữ trong từ điển phổ thông.

Đã hơn 60 năm qua, Xa khơi được đưa vào Nhạc viện Hà Nội cho học sinh hát, thi cử trong các cuộc thi quốc gia cho dòng nhạc vừa mang tính dân gian, vừa thính phòng mang tính chuyên nghiệp. Trong các cuộc hội thảo về việc lấy “Ví” “Giặm” để viết các tác phẩm mới, Xa khơi luôn được biểu dương là một trong những tác phẩm thành công nhất. Nhận định của đồng nghiệp nào khiến ông tâm đắc nhất, thưa nhạc sĩ?  

Ý kiến thứ nhất của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước đưa ra trong cuộc bảo vệ Xa khơi trước Ban Giám khảo của một cuộc thi sáng tác âm nhạc để ca ngợi và cổ vũ tiền tuyến lớn và hậu phương lớn năm 1962 vào thời kỳ miền Nam đồng khởi, do bốn cơ quan: Bộ Văn hóa, Ban Thống nhất Trung ương, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam cùng tổ chức, khẳng định: “Cho đến bây giờ, chưa có ai phát triển “Ví” “Giặm” Nghệ Tĩnh mà thành công như Nguyễn Tài Tuệ”.

Gần đây, nhạc sĩ An Thuyên, người có công trong công việc sưu tầm vốn dân ca xứ Nghệ và là người kế thừa “Ví”, “Giặm” để viết các tác phẩm mới, đã nói, đại ý, có đến vài chục nhạc sĩ đã thừa kế vốn “Ví” “Giặm” để viết, nhưng nếu cho chọn một, thì đó là Xa khơi của Nguyễn Tài Tuệ. Thật đáng tiếc, An Thuyên vừa mới từ giã chúng ta để về với thế giới người hiền miền cực lạc rồi!.

Xa khơi cũng đã theo các đoàn đi biểu diễn ở nước ngoài nhiều lần, đã mang lại nhiều thành công và cũng đã gây khó cho nhiều ca sĩ. Theo ông thì những ca sĩ nào đã hát thành công Xa khơi?

Cách đây trên 60 năm có Nghệ sĩ ưu tú Tân Nhân, người Quảng Trị, bên kia giới tuyến, xa cha mẹ, xa họ hàng bà con. Chị đã dồn nén tâm trạng của đồng bào đôi bờ con sông Bến Hải, mang nặng nỗi nhớ da diết của những người con bên kia giới tuyến vào bài hát. Với Xa khơi, chị hát hay bởi nỗi đau chia cắt ấy.

Tác giả và nhạc sỹ Nguyễn Tài Tuệ

Tiếp đến là NSND Tường Vi với giọng soprano trữ tình đã làm rung động biết bao trái tim, NSND Thanh Huyền lại hát bên kia trời Tây, vang vọng trên mặt nước của thành phố Vơ-ni-dơ, NSND Lê Dung hát Xa khơi giữa những tiếng vỗ tay tưởng như không dứt của công chúng Sài Gòn. Rồi sau đó là lớp lớp các giọng hát: Tân Nhàn, Quỳnh Vân, Anh Thơ cùng rất nhiều nghệ sĩ khác, bây giờ có nhiều ca sĩ hát Xa khơi rất tốt…

Hiện nay nghệ sĩ nào hát Xa khơi hay nhất, thưa nhạc sĩ?

Hai mươi năm nay, Anh Thơ là người hát Xa khơi hay nhất, và tới đây cũng khó có ai vượt qua được. Giọng hát Anh Thơ với âm sắc dân gian đặc biệt, với sự rung động sâu xa, thăm thẳm, với một giọng hát khoa học, đốt cháy mình trên sân khấu toàn quốc, ăn đậm trong lòng đại công chúng của một nghệ sĩ đích thực, đứng hàng đầu về tầm cỡ. Anh Thơ trong biểu diễn Xa khơi phát âm rất rõ từng câu, từng chữ, khi to khi nhỏ, khi xa khi gần cộng với phần vocal do chị sáng tác thêm cho tốp ca nữ trình bày, rất ăn nhập và quấn quýt với giai điệu, đã nâng tính lãng mạn, tính cảm xúc lên một tầm cao giàu chất thơ của lời ca, nhờ đó đã góp phần nâng giá trị thẩm mỹ và cảm xúc Tiếng Việt của bài hát.

Xin trân trọng cảm ơn Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ! Kính chúc nhạc sĩ một năm mới dồi dào sức khỏe và niềm vui sáng tạo!

Bùi Tuyết Mai thực hiện

Video liên quan

Chủ Đề