Bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước ta tên là gì? * your answer

Bài thơ Nam quốc sơn hà năm 891

Theo các tư liệu lịch sử, Nam quốc sơn hà là bài thơ thần, do thần linh đọc giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981 và Lý Thường Kiệt chống quân Tống năm 1077. Bài thơ này được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà cầm quyền Đại Việt trên các vùng đất của mình

Nam quốc sơn hà vốn là một bài thơ Hán văn thất ngôn tứ tuyệt và không có tên. Tên gọi Nam quốc sơn hà là do những người biên soạn cuốn sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập 2 [sách do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1976] đặt ra, lấy từ bốn chữ đầu trong câu thơ đầu tiên của bài thơ này [Nam quốc sơn hà Nam đế cư].

Ảnh minh họa.

Bài thơ Nam quốc sơn hà có ít nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích. Thư tịch đầu tiên có chép bài thơ này là sách Việt điện u linh tập, song bản Nam quốc sơn hà trong Việt điện u linh tập không phải là bản được biết đến nhiều nhất, bản ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư mới là bản được nhiều người biết nhất. Đại Việt sử ký toàn thư là bộ chính sử đầu tiên có ghi chép bài thơ này.

Bình Ngô đại cáo năm 1428

Bình Ngô đại cáo là bài cáo do Nguyễn Trãi soạn thảo, viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, thay lời Bình Định Vương Lê Lợi để tuyên cáo kết thúc việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến với nhà Minh, khẳng định sự độc lập của nước Đại Việt. Đây được coi là bản Tuyên ngôn độc lập thứ hai của Việt Nam.

Tên gọi của Bình Ngô đại cáo nghĩa là bài tuyên cáo về việc dẹp yên giặc Ngô [Ngô ở đây vừa là tước hiệu của Chu Nguyên Chương, vừa là nguồn gốc, quê cha đất tổ của Chu Nguyên Chương - người sáng lập nhà Minh].

Về bối cảnh ra đời của tác phẩm, vào năm 1427, quân khởi nghĩa Lam Sơn đánh tan 2 đạo viện binh của quân Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạnh chỉ huy. Vương Thông đang cố thủ trong thành Đông Quan biết tin, hoảng sợ viết thư xin hòa.

Lê Thái Tổ chấp thuận, sai sứ mang tờ biểu và vật phẩm sang nhà Minh, vua Minh sai quan Lễ Bộ Thị Lang là Lý Kỳ đưa chiếu sang phong cho Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương, bỏ tòa Bố Chính và triệt quân về Tàu. Tháng chạp năm Đinh Mùi, Vương Thông theo lời ước với Bình Định Vương Lê Lợi, đem bộ binh qua sông Nhị Hà, còn thủy quân theo sau. Vì quân Minh tàn bạo, có người khuyên Lê Lợi đem quân mà giết hết đi, Lê Lợi không chấp thuận, cấp lương thảo và vật dụng cho quân Minh trở về. Năm 1428, Lê Lợi dẹp yên quân Minh, liền sai Nguyễn Trãi thay lời ngài làm tờ bá cáo cho thiên hạ biết.

Ảnh minh họa.

Giới nghiên cứu đánh giá, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo không chỉ tuyên bố độc lập, mà còn khẳng định sự bình đẳng của Đại Việt với Trung Quốc trong lịch sử từ trước đến nay và thể hiện nhiều ý tưởng về sự công bằng, vai trò của người dân trong lịch sử và cách giành chiến thắng của quân khởi nghĩa Lam Sơn. Ngoài ra, Nguyễn Trãi sử dụng Bình Ngô đại cáo để chứng minh tính chính nghĩa của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và trả lời câu hỏi tại sao quân khởi nghĩa Lam Sơn có thể chiến thắng quân đội nhà Minh đó là chính sách dựa vào nhân dân.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945

Bản Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc trước công chúng tại vườn hoa Ba Đình [nay là quảng trường Ba Đình] ngày 2/9/1945 được xem là bản tuyên ngôn độc lập thứ ba trong lịch sử Việt Nam.

Bản tuyên ngôn này ra đời cùng cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, Khi Việt Minh tận dụng thời cơ Nhật Bản đầu hàng quân Đồng Minh để tiến hành tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc từ ngày 14/8/1945.

 Bầu không khí Cách mạng tháng Tám sục sôi ở Hà Nội.

Trên đà thắng lợi của cuộc tổng khởi nghĩa, vào sáng 26/8/1945, tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập và chủ trì cuộc họp của Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong số các quyết định của cuộc họp này, Thường vụ nhất trí chuẩn bị Tuyên ngôn độc lập và tổ chức mít tinh lớn ở Hà Nội để Chính phủ Lâm thời ra mắt nhân dân, cũng là ngày nước Việt Nam chính thức công bố quyền độc lập và thiết lập chính thể Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 30/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh mời một số người đến góp ý cho bản Tuyên ngôn độc lập do Người soạn thảo. Ngày 31/8/1945, Người bổ sung thêm cho dự thảo Tuyên ngôn độc lập.

Ngày 2/9/1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc mít tinh trước hàng chục vạn quần chúng, tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trích lời tuyên ngôn khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: 

“Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập… Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

75 năm đã qua đi kể từ khi bản “Tuyên ngôn độc lập” của Chủ tịch Hồ Chí Minh được vang lên trên quảng trường Ba Đình đầy nắng, ngày nay, đất nước đã sang trang, đang từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới trong thế và lực mới. Một mùa thu nữa lại về gợi nhớ đến những ngày thu lịch sử của 75 năm về trước. Âm hưởng của bản tuyên ngôn lịch sử năm nào lại vọng vang khiến cho lòng người thêm náo nức!

Tổng hợp theo kienthuc.net

Hoàn cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập [Declaration of Independence 2/9/1945]? Nội dung chính của Bản Tuyên ngôn độc lập? Ý nghĩa của Bản Tuyên ngôn độc lập?

Việt Nam trải qua hàng nghìn năm lịch sử, một quá trình dài dựng nước và giữ nước, đặc biệt là cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản ”Tuyên ngôn Độc lập” lịch sử. Đây là bản tuyên ngôn khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, khẳng định quyền tự do, độc lập của nhân dân ta trước toàn thế giới.

1. Bối cảnh ra đời của Bản Tuyên ngôn độc lập

Bản Tuyên ngôn độc lập được ra đời thế giới và Việt Nam có nhiều biến động về chính trị.

Trong phạm vi thế giới, thì vào đầu tháng Tám năm 1945, phát xít Nhật bị Mỹ ném hai quả bom nguyên tử xuống thành phố Hirosima [ngày 06/8] và Nagasaki [ngày 09/8]; Liên Xô tuyên chiến với Nhật ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương [ngày 09/8] và nhanh chóng đánh bại đạo quân Quan Đông chủ lực của phát xít Nhật tại Mãn Châu, dẫn đến việc Nhật hoàng phải chấp nhận chính thức tuyên bố đầu hàng các lực lượng Đồng minh vào ngày 15/9/1945.

Tận dùng thời cơ đó, vào ngày 13/8/1945, khi được tin phát xít Nhật sẽ đầu hàng Đồng minh, Đảng ta đã gấp rút thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc và ra Quân lệnh số 1. Ngày 14/8, Hội nghị toàn quốc của Đảng được triệu tập để quyết định Tổng khởi nghĩa. Đại hội quốc dân [ngày 16/8] đã thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, cử ra Ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, định Quốc kỳ, Quốc ca.

Tối 25/8, Chủ tịch Hồ Chí Minh về đến Hà Nội, tạm thời ở tại số nhà 48 phố Hàng Ngang. Người cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định sẽ gấp rút chuẩn bị để tổ chức lễ tuyên bố độc lập vào ngày 02/9/1945. Mọi công việc cấp bách cần làm cho ngày 2/9, cần phải ổn định tình hình chính trị, xã hội, trật tự trị an ở Hà Nội; xúc tiến việc cải tổ Ủy ban Dân tộc giải phóng thành Chính phủ lâm thời và công bố danh sách thành viên Chính phủ lâm thời cho các cơ quan báo chí [ngày 28/8]; chuẩn bị dựng lễ đài và các công việc liên quan. Công việc quan trọng nhất là khởi thảo Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp đảm nhiệm.

2. Nội dung chính của Bản Tuyên ngôn độc lập

Bản Tuyên ngôn độc lập được phân làm ba nội dung chính đó là: phần một, cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn; phần 2 là cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn; phần ba là lời tuyên bố độc lập.

Cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn

Tại phần cơ sở pháp lý của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn chứng về Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791. Trong bản tuyên ngôn độc lập của Mĩ, Người trích: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được: trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.  Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Hồ Chí Minh tôn trọng và sử dụng hai bản tuyên ngôn có giá trị, được thế giới công nhận làm cơ sở pháp lí không thể chối cãi. Bác đã đặt ngang hàng cuộc cách mạng, giá trị bản tuyên ngôn của nước ta với hai cường quốc Mĩ và Pháp, thể hiện lòng tự tôn dân tộc. Đồng thời, ta nhận thất lập luận chặt chẽ, sáng tạo của người  từ quyền con người [tự do, bình dẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc], “suy rộng ra” là quyền tự do bình đẳng của mọi dân tộc trên thế giới.

Cơ sở pháp lý của Tuyên ngôn độc lập.

Trong bản Tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch trần bản chất công cuộc “khai hóa” của thực dân Pháp: thực chất chúng thi hành nhiều chính sách dã man về chính trị, văn hóa – xã hội – giáo dục và kinh tế.

Xem thêm: Nội dung, ý nghĩa tư tưởng về độc lập, tự do của Hồ Chí Minh

” Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.

Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu.

Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân.

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược…..

Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu.

Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảng và nhập cảng.

Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.

Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn….”

Xem thêm: Khái niệm hạch toán độc lập là gì? Hạch toán phụ thuộc là gì?

Đồng thời, Người vạch trần bản chất công cuộc “bảo hộ” của thực dân Pháp: hai lần bán nước ta cho Nhật [vào năm 1940, 1945], “Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”; “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”; khiến cho “hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói”, … Người cũng chỉ rõ luận điệu xảo trá, lên án tội ác của chúng: là kẻ phản bội Đồng minh, không hợp tác với Việt Minh mà còn thẳng tay khủng bố Việt Minh, …”  biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa.”

Người đã nêu luôn cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta:  Nhân dân ta đã chống ách nô lệ hơn 80 năm, đứng về phía Đồng minh chống phát xít, kêu gọi Pháp chống Nhật, lấy lại nước từ tay Nhật. Kết quả: cùng lúc phá tan 3 xiềng xích đang trói buộc dân tộc ta [Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị], thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa.”

Lời tuyên bố độc lập

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố thoát li hẳn với thực dân Pháp, xóa bỏ mọi hiệp ước đã kí kết, mọi đặc quyền của Pháp tại Việt Nam. “Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.”

Dựa vào điều khoản quy định về nguyên tắc dân tộc bình đẳng tại hội nghị Tê -hê – răng và Cựu Kim Sơn để kêu gọi cộng đồng quốc tế công nhận quyền độc lập tự do của dân tộc Việt Nam. “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam. Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”

Tuyên bố với thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam Thể hiện quyết tâm đoàn kết giữ vững chủ quyền, nên độc lập, tự do của dân tộc. “Vì những lẽ trên, chúng tôi, lâm thời chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Đây là lời văn đanh thép, rõ ràng như một lời thề cũng như một lời khích lệ tinh thần yêu nước nhân dân cả nước.

3. Ý nghĩa của Bản Tuyên ngôn độc lập

Bản Tuyên ngôn độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh là bản tuyên ngôn trong thời hiện đại, sau bản tuyên ngôn “Nam quốc sơn hà” thời Lý Thường Kiệt hay “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đánh dấu mốc trọng đại trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; chấm dứt ách thống trị của thế lực xâm lược từ phương Tây [thực dân Pháp] trong 87 năm [1858-1945]; sự chiếm đóng của phát xít Nhật [từ Đông Bắc Á] trong 5 năm [1940-1945]. Đồng thời, Tuyên ngôn Độc lập cũng đánh dấu sự kết thúc của chế độ phong kiến quân chủ  ở Việt Nam.

Xem thêm: So sánh người có quyền nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và người có quyền nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập

Tuyên ngôn Độc lập ngày 02/9/1945 là văn bản pháp lý đặt cơ sở cho việc khẳng định thiết lập Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam, với mục tiêu độc lập – tự do – hạnh phúc, khơi nguồn sáng tạo và soi sáng con đường cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Đây là văn bản báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng các dân tộc khỏi sự áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, giành lại quyền được sống trong độc lập, tự do. Mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam, giai đoạn xây dựng chế độ dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử, một văn bản pháp lý quan trọng bậc nhất của nước ta. Khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi và đồng thời là triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát hiện, khẳng định: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Với hệ thống lập luận chặt chẽ, lý lẽ sắc bén, giọng văn hùng hồn, một cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới, mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta trên con đường phát triển.

Video liên quan

Chủ Đề