Bao lâu thì hết nợ xấu

Tìm hiểu về nợ quá hạn

  • 1. Cơ sở pháp lý quy định về nợ quá hạn
  • 2. Nợ quá hạn là gì ?
  • 3. Quy định về chuyển nợ quá hạn
  • 3.1 Lãi suất nợ quá hạn, biện pháp chế tài vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc
  • 3.2 Các quy định pháp luật về chuyển nợ quá hạn trong hợp đồng cho vay
  • 4. Cách phân chia nợ quá hạn như thế nào ?
  • 5. Hậu quả khi nợ quá hạn là gì ?
  • 6. Quy trình thu hồi nợ của Ngân hàng như thế nào?
  • 6.1. Thu hồi nợ đối với nợ quá hạn có tài sản bảo đảm
  • 6.2. Thu hồi nợ đối với nợ quá hạn không có tài sản bảo đảm
  • 7. Cách xóa nợ quá hạn như thế nào ?
  • 8. Làm thế nào để tránh nợ quá hạn?
  • 9. Có nên đảo nợ để không rơi vào nợ xấu ?

Khi vay tiền tại Ngân hàng, công ty tài chính, điều mà bất kỳ ai cũng phải lưu ý đó là lịch trả nợ. Tuy nhiên, vì một số lý do nào đó, chúng ta đóng tiền chậm trễ và dẫn đến nợ quá hạn. Vậy nợ quá hạn là gì ? Cách xử lý nợ quá hạn như thế nào? Quy trình thu hồi nợ của Ngân hàng ra sao ?

Luật sư tư vấn:

1. Cơ sở pháp lý quy định về nợ quá hạn

- Nghị định 94/2018/NĐ-CPvềnghiệp vụ quản lý nợ công

- Thông tư 39/2016/TT-NHNNquy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng

2. Nợ quá hạn là gì ?

Nợ quá hạn là khoản nợ tổ chức tín dụng mà người đi vay [cá nhân hoặc tổ chức] khi đến ngày trả nợ theo hợp đồng nhưng lại không thể trả gốc và lãi đúng theo trên hợp đồng.

Điều 20 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về nợ quá hạn như sau:

Tổ chức tín dụng chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc mà khách hàng không trả được nợ đúng hạn theo thỏa thuận và không được tổ chức tín dụng chấp thuận cơ cấu lại thời hạn trả nợ; thông báo cho khách hàng về việc chuyển nợ quá hạn. Nội dung thông báo tối thiểu bao gồm số dư nợ gốc bị quá hạn, thời điểm chuyển nợ quá hạn và lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn.

Thông thường, các tổ chức tín dụng sẽ linh động thời gian đóng trễ từ 1 đến 3 ngày, tuy nhiên nếu vượt qua khoảng thời gian đó mà khách hàng vẫn chưa thanh toán thì sẽ phát sinh nợ quá hạn.

Tùy vào thời gian đóng trễ, nợ quá hạn sẽ được cập nhật trên CIC và phân chia vào các nhóm nợ xấu [lịch sử tín dụng] gây khó khăn khi khách hàng muốn vay ở nơi khác.

3. Quy định về chuyển nợ quá hạn

3.1 Lãi suất nợ quá hạn, biện pháp chế tài vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ gốc

Xét về bản chất, lãi suất đối với dư nợ gốc bị quá hạn [còn gọi là “lãi suất nợ quá hạn”] là hình thức chế tài do chậm thanh toán nợ [nợ phát sinh từ nghĩa vụ thanh toán tiền hàng trong quan hệ thương mại, hoàn trả tiền vay trong quan hệ ngân hàng]. Bên vi phạm phải trả số tiền lãi được tính trên số tiền gốc bị vi phạm tương ứng với thời hạn chậm trả theo một tỷ lệ lãi suất nhất định, cao hơn mức lãi suất khi cho vay.

Quy định chuyển nợ quá hạn chỉ áp dụng đối với dư nợ gốc cùng với quy định phạt chậm trả lãi theo pháp luật hiện nay, khắc phục tình trạng còn thiếu thống nhất trong quan điểm áp dụng luật về nợ quá hạn là nợ gốc hay bao gồm cả lãi; cùng một khoản nợ vừa bị chuyển nợ quá hạn, lại vừa chế tài phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại,... xảy ra khá phổ biến.

Trong lĩnh vực ngân hàng, biện pháp chế tài vi phạm hợp đồng bằng lãi suất nợ quá hạn được đặt ra là phù hợp thông lệ chung, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ hợp đồng của bên vay. Biện pháp này chỉ được áp dụng khi bên vay có lỗi [cố ý hoặc vô ý] vi phạm nghĩa vụ hoàn trả nợ gốc khi đến thời hạn hoàn trả như cam kết. Khi bị tổ chức tín dụng áp dụng nghiệp vụ chuyển nợ quá hạn, bên vay phải gánh chịu lãi suất cao hơn mức lãi suất vay thông thường được thỏa thuận trong hợp đồng. Pháp luật hiện nay khống chế tỷ lệ lãi suất phạt này không được vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn như một giới hạn bắt buộc, phòng tránh bị lạm dụng để hưởng lợi, bảo vệ quyền lợi của bên vay. Các bên có thể thỏa thuận một mức lãi suất phạt theo tỷ lệ thấp hơn quy định [từ trên 100% đến dưới 150% so với lãi suất cho vay trong hạn] tùy thuộc vào năng lực tài chính, điều kiện, nhân tố ảnh hưởng đến nghĩa vụ này.

Thực tiễn pháp lý vẫn còn tồn tại quan điểm, giải quyết hệ quả của thỏa thuận lãi suất vượt quá mức trần lãi suất quá hạn hoặc không đề cập lãi suất quá hạn trong hợp đồng cho vay [khoản 2, 3 Điều 5 Dự thảo lần 3 của Nghị quyết về lãi suất, phạt vi phạm]. Đây là vấn đề đã được tác giả trình bày về một cơ chế lãi suất thỏa thuận với những giới hạn về lãi suất, về chuyển nợ quá hạn đương nhiên khi đến hạn, các bên có nghĩa vụ tuân thủ. Việc đặt ra những điều kiện như dự thảo là không phù hợp [về điểm này, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm không đề cập].

Như vậy, lãi suất nợ quá hạn xét về bản chất là một biện pháp chế tài, khi bên vay không hoàn trả hoặc trả không đầy đủ nợ gốc. Biện pháp chế tài vi phạm này khác với chế tài chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn xuất phát từ sai phạm [lỗi] của bên vay đã vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin, vi phạm các cam kết trong hợp đồng cho vay.

3.2 Các quy định pháp luật về chuyển nợ quá hạn trong hợp đồng cho vay

Pháp luật cho phép tổ chức tín dụng áp dụng nghiệp vụ, pháp lý chuyển nợ quá hạn đối với số dư nợ gốc tại thời điểm bên vay có hành vi vi phạm [Điều 20 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN và Xem thêm: Công văn số 950/NHNN/CSTT ngày 03/9/2002 của Ngân hàng Nhà nước về chuyển nợ quá hạn đối với trường hợp chậm trả nợ gốc, lãi vốn vay], cho dù bên cho vay không nhắc nợ bằng văn bản. Quy định này tiếp tục kế thừa những ưu việt của biện pháp chế tài về lãi suất nợ quá hạn. Đồng thời khẳng định, làm minh bạch hơn số tiền để tính lãi phạt phải là nợ gốc [số tiền vay đến hạn thanh toán]. Điều này phù hợp với nguyên tắc xác định trách nhiệm pháp lý tại thời điểm vi phạm hợp đồng nếu giữa các bên không có thỏa thuận khác, tương tự như trong các quy định của pháp luật thương mại quốc tế [áp dụng đối với các hành vi vi phạm nghĩa vụ thanh toán trong thương mại - Chẳng hạn: Điều 9.508 Bộ quy tắc châu Âu về hợp đồng; Điều 7.4.9 Bộ nguyên tắc Unidroit].

Pháp luật hiện hành cho phép các bên tự thỏa thuận lãi phạt khi chuyển nợ quá hạn, nhưng mức phạt không vượt quá 150% lãi suất trong hạn được ghi trong hợp đồng vay. Hầu hết trong các hợp đồng cho vay, bên cho vay vẫn “áp đặt” thỏa thuận khung về mức lãi suất nợ quá hạn cố định bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn. Bên vay khó có cơ hội thỏa thuận mức lãi này theo hướng thấp hơn. Nguyên nhân là do các nhà làm luật không luật hóa tiêu chí cụ thể đối với từng mức lãi suất phạt, nên ý nghĩa của lãi suất nợ quá hạn theo thỏa thuận vẫn chưa đạt mục đích như mong muôn [Ví dụ: Hợp đồng tín dụng khách hàng cá nhân số 0078/2016/HĐTD-CN ngày 05/5/2016 ký giữa Ngân hàng thương mại cổ phần PhD - Chi nhánh quận 4 [Thành phố Hồ Chí Minh] với bà Nguyễn Thị Xuân Tr, tại khoản 1 Điều 7 quy định như sau: “...lãi suất quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn”].

Vì vậy, trong từng khoản vay cho các mục đích, đối tượng vay vốn đặc thù khác nhau, các quy định pháp luật cần có khung lãi suất nợ quá hạn linh hoạt hơn, theo từng biên độ, tỷ lệ nhất định để bảo vệ các quyền lợi chính đáng của bên vay. Theo tác giả, khoản vay vì mục tiêu chính sách của Nhà nước, cho vay hỗ trợ người nghèo, trường hợp khách hàng không hoàn trả tiền vay vì rủi ro khách quan [thiên tai, địch họa], pháp luật cần ấn định tỷ lệ phạt không vượt quá 130% lãi suất cho vay trong hạn, nhằm hỗ trợ tín dụng, thay vì bỏ ngỏ như hiện nay.

Đối với đối tượng vay mục đích tiêu dùng, lãi suất cho vay trên thực tế thường cao hơn nhiều so với lãi suất cho vay cùng kỳ hạn với mục đích khác. Khi bị chuyển nợ quá hạn, áp lực trả nợ đối với người vay tiêu dùng tăng lên rất cao, hậu quả là họ có tâm lý đối phó, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Chẳng hạn: Hợp đồng tín dụng số 3425317852, được các bên ký kết ngày 12/8/2014, lãi suất Công ty tài chính H cho ông H vay là 6,06%/tháng [Xem tại: Bản án số 396/2017/DS-ST ngày 07/9/2017 của Tòa án nhân dân quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh]. Trong khi đó, lãi suất trung bình cho vay năm 2014 và hiện nay đối với khu vực sản xuất, kinh doanh thông thường chỉ ở mức 6,8-11%/năm [Mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2014 từ 9,5-10%/ năm] . Với thực tế này, nếu áp dụng mức lãi suất phạt quá hạn cố định 150% lãi suất cho vay trong hạn do ngân hàng ấn định ban đầu, người vay tiêu dùng bị chèn ép, quyền lợi bị xâm hại nghiêm trọng.

Hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng còn tự ý đặt ra điều khoản cho phép chuyển nợ quá hạn đối với cả các khoản vay chưa đến hạn thanh toán có vi phạm hợp đồng [Ví dụ: Điều 6 tiết 6.2.1 Hợp đồng cấp tín dụng của một ngân hàng có ghi: “MB được quyết định chuyển các khoản nợ sang nợ quá hạn khi bên vay không thanh toán các khoản nợ đầy đủ, đúng thời hạn kể cả trường hợp MB thu hồi nợ trước hạn” - Hợp đồng cấp tín dụng kiêm khế ưốc nhận nợ của Ngân hàng thương mại cổ phần QĐMB]. Tình trạng này xảy ra từ lâu, được nhiều ngân hàng áp dụng như Hợp đồng tín dụng số HCM.RB101029.SHM1 ngày 25/11/2010 được ký kết giữa Ngân hàng thương mại cổ phần TP [Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh] với ông Lương Khải V và bà Nguyễn Thị Lệ Ch tại khoản 4.4, Điều 4 có đề cập. Nhưng hợp đồng này lại ấn định thời hạn là 30 ngày kể từ ngày ngân hàng có thông báo thu hồi nợ trước hạn mà bên vay không thanh toán đủ nợ vay, khi đó toàn bộ dư nợ gốc tự động chuyển sang nợ quá hạn [Hợp đồng tín dụng số HCM.RB101029.SHM1 ký ngày 25/11/2010 giữa Ngân hàng thương mại cổ phần TP - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh với ông Lương Khải V].

Điều khoản nêu trên cho phép bên cho vay được quyết định chuyển nợ quá hạn ngay khi có quyết định của tổ chức tín dụng chấm dứt cho vay. Song, như đã được phân tích, bản chất của quyết định chấm dứt cho vay thu hồi vốn trước hạn là để bảo đảm an toàn vay. Pháp luật trong lĩnh vực tín dụng ngân hàng trước đây cũng như hiện nay đều quy định, chỉ khi bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ đến hạn theo thỏa thuận [Điều 20 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN], khi đó tổ chức tín dụng mới được phép chuyển nợ quá hạn. Thỏa thuận chuyển nợ quá hạn khi chưa đến thời hạn trả nợ theo cam kết nêu trên là trái pháp luật, gây thiệt hại cho bên vay.

Về nguyên nhân của tình trạng này, theo tác giả là do các tổ chức tín dụng tự đặt ra các điều khoản khung [trái pháp luật], cho phép tổ chức tín dụng quyền được chuyển nợ quá hạn khi khách hàng vi phạm hợp đồng ký kết dẫn đến chấm dứt cho vay, cho dù các quy định không cho phép áp dụng. Vì vậy, khi giải quyết tranh chấp, các thẩm phán, trọng tài cần nhận diện những thỏa thuận trâi pháp luật để tuyên bác bỏ, thay vì chỉ đơn thuần chú ý vào các điều khoản được thống nhất.

4. Cách phân chia nợ quá hạn như thế nào ?

Nợ quá hạn có thể được hiểu trong hai trường hợp sau đây:

Nợ quá hạn có tài sản đảm bảo [vay thế chấp]: Là khoản nợ mà người đi vay thế chấp [nhà cửa, bất động sản, vàng.…] nhưng không trả được nợ và gốc khi đến hạn. Trong trường hợp này tuy ngân hàng chưa thu được tiền nhưng vẫn có thể thu hồi lại vốn dựa trên tài sản thế chấp.

Nợ quá hạn không có tài sản đảm bảo [vay tín chấp]: Là khoản nợ mà người đi vay không cần tài sản thế chấp và chưa trả được nợ và gốc khi đến hạn. Loại này ngân hàng có nguy cơ mất trắng vì không thể thu hồi tiền gốc.

5. Hậu quả khi nợ quá hạn là gì ?

Khi xảy ra tình trạng nợ quá hạn, chắc chắc một điều rằng điểm tín dụng của khách hàng trong mắt các tổ chức tín dụng sẽ bị giảm đi đáng kể và rất khó được hỗ trợ nếu có nhu cầu vay vốn kinh doanh hoặc vay tín chấp.

Tùy vào thời gian trễ hạn, khách hàng mắc nợ quá hạn sẽ được liệt kê vào các nhóm nợ xấu dưới đây:

+ Nợ nhóm 1: nợ quá hạn dưới 10 ngày

+ Nợ nhóm 2: nợ quá hạn từ 10 đến dưới 30 ngày [đây là nhóm nợ xấu vẫn còn được một số ngân hàng, tổ chức tín dụng hỗ trợ.

+ Nợ nhóm 3: nợ quá hạn từ 30 ngày đến dưới 90 ngày

+ Nợ nhóm 4: nợ quá hạn từ 90 ngày đến dưới 180 ngày

+ Nợ nhóm 5: nợ quá hạn từ 180 ngày trở lên

6. Quy trình thu hồi nợ của Ngân hàng như thế nào?

Tùy vào hình thức nợ quá hạn mà mỗi ngân hàng sẽ có các xử lý thu hồi nợ khác nhau. Thông tường sẽ áp dụng những nguyên tắc thu hồi nợ như sau:

+ Nguyên tắc thu hồi nợ được ban bố từ Ngân hàng nhà nước

+ Nguyên tắc thu hồi nợ được ban hành nội bộ trong mỗi ngân hàng

6.1. Thu hồi nợ đối với nợ quá hạn có tài sản bảo đảm

Đối với nợ quá hạn có tài sản bảo đảm thì sẽ tiến hàng xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.

Thứ nhất, thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm. Nội dung thông báo gồm:

+ Lý do xử lý tài sản.

+ Nghĩa vụ được bảo đảm.

+ Mô tả tài sản.

+ Phương thức, thời gian, địa điểm xử lý tài sản bảo đảm.

Thứ hai, giao tài sản bảo đảm để xử lý

Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tải sản bảo đảm tại Điều 299 Bộ luật dân sự năm2015.

Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Thứ ba, Xử lý tài sản bảo đảm

Tài sản bảo đảm được xử lý theo quy định của Điều 303 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

Bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm có quyền thỏa thuận một trong các phương thức xử lý tài sản sau đây:

  • Bán đấu giá tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
  • Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
  • Phương thức khác.

Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều này thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Cuối cùng, Thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều 307 BLDS 2015 quy định về việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản bảo đảm.

6.2. Thu hồi nợ đối với nợ quá hạn không có tài sản bảo đảm

Thứ nhất, liên hệ đến khách hàng để thông báo về khoản nợ quá hạn và yêu cầu khách hàng thanh toán nợ. Trong trường hợp khách hàng có khó khăn dẫn đến không thể trả nợ đúng hạn, có thể khai báo với ngân hàng để có biện pháp hỗ trợ.

Thứ hai, nếu sau khi liên hệ khách hàng không có thành ý trả nợ, hoặc cố ý không nghe máy thì bộ phận thu hồi nợ sẽ tiến hành liên hệ các số tham chiếu là người thân, hoặc công ty được ghi chú trong hồ sơ vay vốn để nhắc về khoản nợ quá hạn.

Một số ngân hàng, tổ chức tín dụng còn sử dụng biện pháp thu hồi nợ quá hạn bằng cách thuê công ty đòi nợ. [Hiện nay đã cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ]

+ Cuối cùng, trong trường hợp khách hàng tiếp tục không có thiện chí trả nợ, nợ quá hạn lên nhóm 5, thì các ngân hàng sẽ tiến hành thực hiện việc hoàn thành hồ sơ khởi kiện lên cơ quan có thẩm quyền để thu hồi nợ.

7. Cách xóa nợ quá hạn như thế nào ?

Như đã nói ở trên, đối với các khoản nợ quá hạn đã được cập nhật thành nợ xấu và lưu trữ trên trang thông tin tín dụng CIC. Khách hàng hầu như sẽ rất khó để vay vốn. Để được các ngân hàng xem xét hỗ trợ, khách hàng buộc phải xóa nợ quá hạn, nợ xấu theo từng bước sau:

Bước 1: kiểm tra tình trạng nhóm nợ của mình bằng các cách sau:

+ Kiểm tra CIC online.

+ Kiểm tra CIC cá nhân trực tiếp tại trung tâm thông tin tín dụng quốc gia tại hai địa chỉ Số 10 Quang Trung, Quận Hà Đông, Hà Nội, Việt Nam hoặc Tầng 1, số 68 Nguyễn Huệ, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam.

+ Kiểm tra trực tiếp tại ngân hàng nơi bạn đang mắc nợ quá hạn.

Bước 2: Thanh toán toàn bộ các khoản nợ tồn đọng, lãi và phí phạt phát sinh.

Bước 3: Đợi hệ thống CIC cập nhật lại lịch sử tín dụng

Thông thường, hệ thống CIC sẽ lưu trữ lịch sử tín dụng của các cá nhân, tổ chức trong 5 năm gần nhất. Đối với các nhóm nợ xấu 1 và 2, thường sẽ được các ngân hàng hỗ trợ sau khi tiến hành thanh toán hết dư nợ sau đó 12 tháng.

Đối với các nhóm nợ 3, 4 và 5 cần tới 5 năm để được các Ngân hàng có thể hỗ trợ lại bạn.

8. Làm thế nào để tránh nợ quá hạn?

Trước khi đăng ký vay tiền ngân hàng, công ty tài chính, nên xem xét khả năng kinh tế của bản thân, số tiền mong muốn được giải ngân cũng như lãi suất vay để cân đối thời gian trả nợ, số tiền đăng ký. Tránh các trường hợp bị áp lực về kinh tế đối với các khoản nợ phải đóng mỗi tháng.

Sau khi được giải ngân, cần lưu ý về thời gian trả nợ được quy định trong hợp đồng, nên đóng trước ngày đến hạn từ 3 đến 5 ngày để Ngân hàng có thể dễ dàng cập nhật lịch sử đóng tiền của bạn.

Nên có kế hoạch sử dụng số tiền được giải ngân một cách hiệu quả, phát sinh lời để có thể chi trả cho khoản vay.

Nếu có đủ điều kiện kinh tế, nên tất toán hồ sơ sớm để tiết kiệm được tiền lãi và tăng điểm tín dụng của bản thân. Tạo điều kiện thuận lợi đối với các khoản vay tiếp theo.

Nợ quá hạn là điều mà người đi vay nào cũng nên trách rơi vào. Vì khi nợ quá hạn sẽ kéo theo đó nhiều lãi suất hơn và khoản nợ sẽ ngày càng cao hơn. Đó là một điều không nên xảy ra đối với bất kỳ ai khi vay vốn ngân hàng. Hãy tạo cho mình kế hoạch vay vốn và sử dụng vốn hợp lý để tránh tình trạng nợ quá hạn.

9. Có nên đảo nợ để không rơi vào nợ xấu ?

Mặc dù là một công việc vi phạm pháp luật nhưng đảo nợ ngân hàng cũng mang đến nhiều ưu điểm tích cực như:

+ Đối với ngân hàng: giảm trích lập dự phòng rủi ro, tăng lợi nhuận, giảm nợ xấu và các khoản nợ quá hạn.

+ Đối với khách hàng: Gia hạn được thời hạn thanh toán nợ, giảm thiểu áp lực, giảm thiểu số lãi suất phát sinh do quá hạn, không bị chuyển thành nợ xấu và giúp doanh nghiệp có thêm chi phí để duy trì hoạt động kinh doanh.

Các doanh nghiệp có thể thực hiện công việc đảo nợ từ các ngân hàng khi chắc chắn rằng hợp đồng vay vốn mới sẽ thành công, nếu cảm thấy xác suất vay được tiền từ hợp đồng vay vốn mới quá mong manh thì tốt nhất là không nên thực hiện công việc đảo nợ ngân hàng bởi rủi ro tiềm ẩn từ công việc này là rất lớn.

Trước khi tham gia đảo nợ, doanh nghiêp nên cân nhắc, suy xét thận trọng các rủi ro pháp lý. Nếu công ty gặp khó khăn, không trả được nợ, hãy thẳng thắn chấp nhận tình trạng đó và cùng ngân hàng cân nhắc biện pháp giải quyết, có thể là xử lý tài sản bảo đảm, để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Tuy vậy, một hành vi mà pháp luật nghiêm cấm thì chắc chắn nó sẽ có những rủi ro nhất định và ảnh hưởng tới an toàn hoạt động ngân hàng trong lĩnh vực cấp tín dụng. Do đó, cũng cần tính đến các rủi ro gặp phải khi thực hiện đáo nợ sau đây:

Hợp động vay tiền mới không được ngân hàng chấp nhận

Một doanh nghiệp A vay tiền tại Ngân Hàng nhưng đến thời hạn vẫn chưa có đủ tiền để thanh toán, nghĩ đến việc đảo nợ ngân hàng nên doanh nghiệp A quyết định đi vay tiền từ tín dụng đen với lãi suất cực kỳ cao do suy nghĩ là khi thực hiện được khoản vay mới sẽ dùng nó để thanh toán cho các tổ chức tín dụng đen nên không lo về mặt lãi suất.

Sau khi vay tiền từ tín dụng đen để thanh toán cho Ngân Hàng đồng thời thực hiện hợp đồng vay vốn mới để thanh toán cho tổ chức tín dụng đen nhưng hợp đồng này lại không được ngân hàng chấp nhận và doanh nghiệp A không có khả năng chi trả nợ cho tổ chức tín dụng đen, lãi suất phát sinh ngày càng nhiều khiến cho doanh nghiệp A bị phá sản và mang một khoản nợ rất lớn.

Rủi ro về trách nhiệm dân sự và hình sự

Đây chắc chắn là rủi ro lớn nhất khi một cá nhân hoặc doanh nghiệp quyết định thực hiện hành vi đảo nợ tại các ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng bởi đơn giản đây là hành vi vi phạm pháp luật mà chính phủ đã đề cập rất rõ trong nghị định.

Rủi ro từ việc làm hồ sơ giả

Một số doanh nghiệp do không có tiền trả nợ ngân hàng nên đã quyết định làm một hồ sơ vay vốn mới với một lý do khác nhưng thực chất là dùng số tiền đó để thực hiện hành vi đảo nợ ngân hàng, khi mọi chuyện vỡ lẽ thì doanh nghiệp đó sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự cho hành vi làm giả giấy tờ, hồ sơ vay vốn.

Rủi ro từ nợ xấu

Một doanh nghiệp không thể nào thực hiện liên tục hành vi đảo nợ của mình và khoản vay đảo nợ có khả năng trở thành nợ xấu nếu doanh nghiệp đó tiếp tục làm ăn thua lỗ và không có tiền thanh toán khoản nợ đảo nợ vừa mới vay.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về nội dung "nợ quá hạn là gì? Có nên đảo nợ để không bị nợ xấu".

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với Luật sư tư vấn pháp luật ngân hàng trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Ngân hàng - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề