Bất bình đẳng nguyên nhân khủng hoảng kinh tế 2008

Theo ông Scott R. Frey quá trình bất bình đẳng thu nhập đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia và có mô hình phát triển tương đối giống nhau, ban đầu khoảng cách chênh lệch này không quá lớn nhưng càng về sau cùng với sự phát triển kinh tế, hố sâu này ngày càng rõ rệt và tác động đến kinh tế, tài chính và xã hội của quốc gia đó.

Ở VN hiện tượng này cũng đang diễn ra mạnh mẽ đặc biệt giữa người dân thành thị và nông thôn, đây là mặt trái của quá trình phát triển kinh tế và khó có thể tránh khỏi.

Vì vậy, ông Scott R.Frey cho rằng để hạn chế những rủi ro phát sinh cho nền kinh tế, ngoài biện pháp đánh thuế vào người giàu mà nhiều quốc gia đang áp dụng, chính phủ cần có những biện pháp kiểm soát, giám sát thị trường, quá trình vận hành nền kinh tế, không để xuất hiện lợi ích nhóm hay hiện tượng chính sách bảo bọc quyền lợi người giàu, đồng thời tạo thêm việc làm cho người dân, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, lợi ích công cộng…

Năm 2008 là một trong những năm biến động nhất, khó lường nhất trong khoảng vài thập kỷ nay. Đó là năm có nhiều cuộc khủng hoảng mang tính toàn cầu về lương thực, năng lượng, tài chính và nhiều cuộc khủng hoảng trên lĩnh vực quân sự, chính trị, nhân đạo…, mang tính cục bộ, diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới. Bên cạnh đó, những nguy cơ mang tính toàn cầu, như tình trạng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường sinh thái, thiên tai, dịch bệnh, khủng bố…, dường như cũng tăng lên so với các năm trước. Tuy nhiên, nhân loại vẫn tiến lên những đỉnh cao của khoa học - công nghệ với hai điểm sáng là Trung Quốc, lần đầu tiên đưa người lên vũ trụ và Ấn Độ, đưa tàu thăm dò lên mặt trăng; xu thế hoà hoãn, hợp tác và phát triển vì một trật tự thế giới công bằng, dân chủ, văn minh, tiến bộ vẫn là ý nguyện chung của nhân loại và là dòng chính của thời đại. 

 Nhìn từ góc độ quân sự, chính trị, thế giới năm 2008 có nhiều vấn đề, bài viết này chỉ đề cập ba vấn đề nổi bật sau đây:

Xung đột quân sự Nga – Gru-di-a ở Nam Ô-xê-ti-a1 và sự đổi thay của trật tự thế giới mới.

Có thể nói, đây là sự kiện quân sự, chính trị nổi bật nhất trong năm 2008. Cuộc chiến tranh cục bộ này có quy mô nhỏ, nhưng gây tác động lớn đối với cả cục diện chiến lược ở khu vực Cáp-ca-dơ và thế giới. Đối với Gru-di-a, bên gây ra cuộc chiến, đã phải chịu thất bại và những hậu quả nặng nề, thể hiện ở: Thứ nhất,  việc sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề Nam Ô-xê-ti-a và áp-kha-di-a đã vi phạm Hiệp định mà họ đã ký với Nga và Nam Ô-xê-ti-a năm 1999. Nước này phát động cuộc chiến vào thời điểm diễn ra Thế vận hội Ô-lem-pích Bắc Kinh 2008, trong thế mà chuyên gia quân sự nhiều nước cho là "lấy trứng chọi đá" với Nga là sai lầm cả về chiến lược và chiến thuật, nên thất bại là tất yếu. Thứ hai, đường lối thân phương Tây và bài Nga của Tổng thống Sa-a-ka-svi-li không mang lại điều gì tốt đẹp cho Gru-di-a. Việc thân với Mỹ và phương Tây cũng là lẽ thường, tùy theo sự lựa chọn của mỗi người, mỗi quốc gia. Nhưng vì thế mà bài Nga, chống Nga – nước láng giềng gần gũi, đã từng một thời cùng trong Liên bang Xô Viết, và ngày nay vẫn còn nhiều mối liên hệ sống còn với Nga- thì quả thật là một đường lối sai lầm. Đối với Mỹ và phương Tây, như tạp chí Tấm Gương của Đức đã nêu, cuộc xung đột ở Nam Ô-xê-ti-a là “hệ quả của những thất bại trong chính sách đối ngoại của Oa-sinh-tơn”. Nó cho thấy, chính sách của Mỹ hòng biến Gru-di-a hay bất cứ nước nào trong “không gian hậu Xô- viết” thành lực lượng xung kích để chống lại Nga, phục vụ cho mưu đồ bá chủ khu vực Cáp-ca-dơ là phi thực tế và phản tác dụng. Bởi, nước Nga hiện đang trở lại vị thế cường quốc thế giới, có đủ sức mạnh và kiên quyết ngăn chặn các mưu đồ và tham vọng của Mỹ. Tạp chí Asia Times của Mỹ thì viết: “Cuộc xung đột ở Gru-di-a đánh dấu giao điểm nguy hiểm giữa chính sách mở rộng NATO sang phía Đông với đường lối bảo vệ khu vực Cáp-ca-dơ sân sau của Nga, có đông công dân Nga sinh sống. Thông qua cuộc chiến ở Gru-di-a, nước Nga muốn gửi thông điệp cho phương Tây về “giới hạn đỏ” mà NATO không được phép vượt qua”. Đối với nước Nga, hành động quân sự giáng trả Gru-di-a là việc làm “vạn bất đắc dĩ” vì an ninh quốc gia và “quốc thể”. Việc quân đội Gru-di-a bất ngờ tiến công vào lực lượng gìn giữ hoà bình của Nga, đánh chiếm thủ phủ Xkhin-va-li-a của Nam Ô-xê-ti-a, giết hại hàng nghìn thường dân vô tội [trong đó số đông là người Nga], bị Nga coi là “tội ác diệt chủng” không thể tha thứ. Tổng thống Nga Đ. Mét-vê-đép đã tuyên bố: “Những kẻ giết hại công dân Nga và xúc phạm danh dự người Nga sẽ phải bị trừng trị. Chưa có ai dám coi thường nước Nga ngay cả vào lúc nó suy yếu nhất, huống hồ lúc này Nga không còn là một quốc gia ở trong tình trạng rối ren dưới thời B.En-xin”. Nga đã huy động lực lượng quân sự ngay lập tức giáng trả, buộc quân đội Gru-di-a phải trở về vị trí cũ và ký hiệp định ngừng bắn. Đối với thế giới, dư luận cho rằng, cuộc xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a đã đặt dấu "chấm hết" cho trật tự thế giới đơn cực do Mỹ “lãnh đạo”, chuyển sang trật tự thế giới đa cực. Tại Hội nghị về chính sách quốc tế tổ chức tại thành phố Ơ-vi-an [Pháp], ngày 8-12-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã vạch rõ, việc Gru-di-a, một nước tương đối nhỏ, lại có khả năng gây nên tình hình bất ổn trên thế giới đã nói lên rằng: không thể chấp nhận hệ thống an ninh dựa trên trật tự thế giới đơn cực. Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di cũng thừa nhận, không một thực thể hành động nào, dù mạnh đến đâu, có thể "đơn thương độc mã" giải quyết các cuộc khủng hoảng. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Áp-đu-la Gun cho rằng, cuộc xung đột Gru-di-a chứng tỏ Mỹ không thể chỉ đạo chính trị toàn cầu theo ý riêng mà phải chia sẻ trách nhiệm trong một trật tự thế giới mới [đa cực]. Cựu Thủ tướng Đức G.Schoi-đơ thì cho rằng, thời kỳ quá độ thống trị của người Mỹ đã chấm dứt.

Các cuộc khủng hoảng về kinh tế và sức sống của chủ nghĩa Mác.

Hiếm có năm nào như năm 2008, kinh tế thế giới lại đồng thời phải chịu tới ba “cơn bão” khủng hoảng mang tính toàn cầu: lương thực, năng lượng và tài chính. Ba “cơn bão” này làm rung chuyển nền kinh tế thế giới, khiến người ta lo ngại về nguy cơ một cuộc “đại suy thoái” như những năm ba mươi của thế kỷ trước. Theo báo cáo của các cơ quan thuộc Liên hợp quốc [LHQ], khủng hoảng lương thực, năng lượng làm cho nỗ lực xoá đói, giảm nghèo trong “Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ” bị kéo lùi khoảng 7 năm. Từ năm ngoái đến nay, thế giới đã có thêm 75 triệu người bị đói, nâng tổng số người thiếu đói thường xuyên lên khoảng 956 triệu người. Do những nỗ lực không mệt mỏi của cộng đồng quốc tế và từng quốc gia, hiện nay, khủng hoảng lương thực, năng lượng đã cơ bản được khắc phục.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng bắt đầu từ nước Mỹ vẫn tiếp diễn, thậm chí có chiều hướng ngày càng trầm trọng. Tính đến giữa tháng 9-2008, đã có 12 ngân hàng "đại gia” của ngành tài chính Mỹ tuyên bố phá sản. Giới chuyên môn Mỹ thừa nhận “hệ thống tài chính Mỹ đang lung lay một cách nguy hiểm”. Tổng thống G.W.Bu-sơ phải thốt lên: “Chúng ta đang ở giữa một cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng”, “toàn bộ nền kinh tế Mỹ đang lâm nguy”. Tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma gọi cơn khủng hoảng tài chính này là “lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái năm 1930”. Cuộc khủng hoảng tài chính làm cho hơn 100.000 người Mỹ mất việc làm, tỷ lệ thất nghiệp tăng 6%, kinh tế Mỹ đứng bên bờ vực suy thoái.

Kinh tế Mỹ đóng vai trò đầu tầu của kinh tế thế giới, khủng hoảng ở Mỹ lập tức gây hiệu ứng Đô-mi-nô, lan toả khắp thế giới. Kinh tế 27 nước thuộc Liên minh châu Âu [EU] và Nhật Bản đều đứng bên bờ vực suy thoái; đi theo nó là lạm phát, thất nghiệp tăng cao. Mới đây, EU dự báo tăng trưởng kinh tế của khối này trong năm 2008 chỉ khoảng 1,4%. Còn IMF dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2008 chỉ khoảng 3,7% [so với 5% của năm 2007]. Cộng đồng quốc tế, tiêu biểu là LHQ, các tổ chức quốc tế, khu vực, như EU, nhóm G-7, G-20 và các quốc gia đều đã và đang tăng cường hợp tác, đưa ra nhiều biện pháp để đối phó với khủng hoảng. Biện pháp khẩn cấp và phổ biến nhất là “bơm tiền” để giải cứu hệ thống tài chính, ngân hàng [Mỹ quyết định chi 700 tỷ USD cho việc này]. Tuy nhiên, "bơm tiền" chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt có thể tạm thời ổn định thị trường tài chính, tín dụng, chứ chưa phải là biện pháp cơ bản lâu dài.

Như vậy, cùng với cuộc xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay ở Mỹ đã góp thêm một tiếng nói có trọng lượng để khẳng định rằng, trật tự thế giới đơn cực do Mỹ chi phối đang đặt dấu "chấm hết" và một trật tự thế giới mới đang hình thành.

Trong bối cảnh hiện nay, không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều người quan tâm đến học thuyết của Các Mác về kinh tế tư bản - học thuyết đã một thời bị không ít người lãng quên. Ông E-ríc Hốp-xpao – một trong những nhà sử học nổi tiếng thế giới, trong trả lời phỏng vấn báo “Sin Permisso” của ác-hen-ti-na, cho rằng: học thuyết của Các Mác về chủ nghĩa tư bản không chỉ trở lại như là yếu tố cổ vũ chính trị-tinh thần cho phong trào cánh tả ở Mỹ La-tinh, mà còn giúp thế giới tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn cầu hiện nay; bởi, Các Mác đã mô tả hoàn toàn chính xác các quy luật phát triển của chủ nghĩa tư bản. Các Mác đã từng rút ra kết luận rằng, một trong những đặc trưng không thể tách rời sự phát triển là quá trình quốc tế hoá nền kinh tế thế giới. Nhưng quá trình quốc tế hoá kinh tế thế giới cũng có mặt tiêu cực là dẫn đến những cuộc xung đột xã hội gay gắt, các cuộc khủng hoảng kinh tế và làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội.

Khủng hoảng tài chính nói riêng, khủng hoảng kinh tế – xã hội nói chung có mầm mống từ trong lòng chế độ xã hội tư bản. Dư luận báo chí ở Đức cho rằng, hậu quả của cuộc khủng hoảng này còn lớn hơn nhiều so với vụ tấn công tòa tháp đôi ở Mỹ ngày 11- 9- 2001, vì nó không phải do các thế lực bên ngoài tiến hành, mà chính từ trong lòng nước Mỹ, từ trong sâu thẳm của hệ thống chính trị và tài chính Mỹ. Chủ nghĩa tư bản Mỹ, vốn không thừa nhận sự kiểm soát của nhà nước, đã tự sản sinh ra những kẻ “đánh bom liều chết” vào chính hệ thống đó.

Do khủng hoảng tài chính toàn cầu mà cuốn sách “Tư bản luận” của Các Mác đang được tái bản với số lượng lớn ở Đức, Mỹ và nhiều nước tư bản khác để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Đặc biệt, các nhà chính trị cũng như các doanh nhân thành đạt nhất ở phương Tây, những người hoạt động trong lĩnh vực tài chính toàn cầu giờ đây đang quay trở lại nghiên cứu học thuyết của Các Mác và tìm thấy ở trong đó lời giải thích về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ hệ thống tài chính của thế giới đương đại.

Các nhà phân tích cũng cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay đã chứng minh rằng, chủ nghĩa tư bản hiện đại [hay chủ nghĩa tư bản tự điều chỉnh] cũng không tránh khỏi quy luật khủng hoảng kinh tế chu kỳ vốn có của nó mà các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê- nin đã phát hiện từ những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX2.. Thực tế hiện nay cho thấy, các nước tư bản phát triển, đứng đầu là Mỹ- nền kinh tế lớn nhất hành tinh, chiếm hơn 30% GDP thế giới- cũng không thể loại trừ, ngăn chặn, hạn chế được cuộc khủng hoảng đang diễn ra hiện nay, và chủ nghĩa tư bản hiện đại chỉ làm trầm trọng thêm tính chất của khủng hoảng kinh tế.

Vậy là “trong cái rủi lại có cái may”, trong bóng tối lại loé ra ánh sáng, trong cơn bão táp khủng hoảng kinh tế, tài chính, thế giới thấy rõ càng phải ra sức gắn bó, hợp tác với nhau mới có thể chống chọi, khắc phục được khủng hoảng. Chủ nghĩa đơn phương, đơn cực cả về chính trị và kinh tế, chưa bao giờ lại tỏ ra bất lực và phơi bày những hạn chế, tiêu cực của nó như trong lúc này. Điều quan trọng nữa là, trong bão táp khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu hiện nay, người ta lại thấy rõ sức sống và giá trị trường tồn của chủ nghĩa Mác trong việc chỉ lối, đưa đường để khắc phục khủng hoảng. Khó có thể phủ nhận rằng, chủ nghĩa xã hội khoa học mới là giải pháp cơ bản, tối ưu để thoát khỏi khủng hoảng tài chính nói riêng, khủng hoảng  kinh tế – xã hội nói chung trong xã hội loài người.

Bầu cử Tổng thống ở Mỹ và hy vọng về đổi thay ở Hoa Kỳ cũng như trên thế giới.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5-11- 2008 với thắng lợi vang dội thuộc về ứng cử viên Ba-rắc Ô-ba-ma là sự kiện chính trị nổi bật của năm 2008. Ông B. Ô-ba-ma đã làm nên lịch sử khi trở thành Tổng thống là người da màu đầu tiên của nước Mỹ. Đến ngày 20-1-2009, Ông sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống thứ 44 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Sự kiện này mang nhiều ý nghĩa to lớn trong đời sống chính trị nước Mỹ và thế giới. 

Điều mà dư luận quan tâm là sự thay đổi của nước Mỹ và thế giới sẽ diễn ra như thế nào. Bản thân việc nước Mỹ bầu ra một vị Tổng thống da màu đầu tiên đã là sự thay đổi lớn, chưa từng có trong lịch sử. Bốn mươi năm trước,  mục sư Mac-tin Lu-thơ King, lãnh tụ người Mỹ da màu đã phải hy sinh trong cuộc đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc ở Mỹ. Ngày nay, cử tri Mỹ đã bầu ra một vị Tổng thống da màu, đó thật sự là dấu hiệu của sự thay đổi. Phải chăng ước mơ bình đẳng của người da màu ở Mỹ đang trở thành sự thật? Thủ tướng Ô-xtrây-li-a K.Rát cho rằng, “chiến thắng của Ô-ba-ma là một bước ngoặt đối với công bằng xã hội ở Mỹ”. Còn Tổng thống Pháp N.Xác-cô-di trong thư chúc mừng ông B. Ô-ba-ma, viết rằng:" các cử tri Mỹ đã lựa chọn sự thay đổi với các chính sách cởi mở, đem đến nhưng hy vọng mới cho thế giới trong bối cảnh cơn bão kinh tế đang lan rộng ra toàn cầu”. Còn rất nhiều nhà lãnh đạo và dư luận trên thế giới đã bày tỏ niềm hy vọng mang lại sự đổi thay của vị Tổng thống Mỹ mới đắc cử. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi sau hai nhiệm kỳ, Tổng thống tiền nhiệm G.W. Bu-sơ đã để lại cho nước Mỹ và thế giới một di sản khá nặng nề. Đó là một nước Mỹ bị khủng hoảng, suy thoái về kinh tế; ngân sách tài khoá hiện tại [kết thúc vào ngày 30-9-2008] thâm hụt tới mức kỷ lục là 407 tỷ USD; tổng nợ quốc gia tính đến 9-2008 là 9.700 tỷ USD, tỷ lệ thất nghiệp lên 6,1% [ mức cao nhất trong vòng 5 năm qua]. Xã hội Mỹ bị chia rẽ sâu sắc bởi hai cuộc chiến tranh hao người, tốn của ở áp-ga-ni-xtan và I-rắc. Trước con mắt của thế giới, vị thế một nước Mỹ siêu cường đang dần mai một bởi chủ nghĩa đơn phương, đơn cực, chính sách áp đặt, can thiệp và chiến lược quân sự đánh đòn phủ đầu v.v, do Chính phủ của G.W. Bu-sơ tiến hành.

 Sau niềm vui chiến thắng, B.Ô-ba-ma đã ý thức được những thách thức nặng nề đang chờ đợi ông và nước Mỹ. Phát biểu trước những người ủng hộ mình tại Công viên Lớn ở thành phố Chi-ca-gô, sau cuộc bầu cử 5-11, B.Ô-ba-ma đã nói: “ Cần phải mất một thời gian dài [để thay đổi nước Mỹ], nhưng với những gì chúng ta đã làm trong ngày hôm nay, trong cuộc bầu cử này, vào thời khắc quyết định này, nước Mỹ đang trên đường thay đổi”. Ông kêu gọi người dân Mỹ thể hiện tinh thần đoàn kết, chấm dứt chia rẽ để cùng nhau đương đầu với những thách thức ngày càng tăng với nước Mỹ. Ông nhấn mạnh: "Con đường ở phía trước sẽ rất dài và chúng ta sẽ phải vượt qua dốc đứng. Ngay cả khi chúng ta ăn mừng, chúng ta biết rằng những thách thức đến vào ngày mai sẽ là những thách thức lớn. Đó là hai cuộc chiến, một hành tinh đang lâm nguy và cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong hàng thế kỷ”. Ông B.Ô-ba-ma cũng gửi thông điệp tới các nước trên thế giới, trong đó bảo đảm rằng, chính quyền mới của Mỹ sẽ ủng hộ những gì mang lại hoà bình và an ninh cho toàn nhân loại. Dư luận thế giới đang trông chờ, hy vọng sự thay đổi của nước Mỹ theo hướng tích cực. Đó sẽ là một nước Mỹ có trách nhiệm, có thiện cảm hơn. 

Trong năm 2009, theo dự báo của nhiều chuyên gia, cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát từ Mỹ sẽ còn tiếp tục tàn phá Phố Uôn và làm suy giảm nền kinh tế thế giới hơn nữa. Còn Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Mai-cơn Mắc Côn-nen nhận định, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ gia tăng xung đột trong thời gian 20 – 30 năm tới, do nhu cầu ngày càng tăng các hàng hoá quý hiếm, như lương thực và nhiên liệu, sự cạnh tranh chiến lược về công nghệ và sự lan tràn vũ khí huỷ diệt. Bởi vậy, bên cạnh niềm hy vọng, các nước trên thế giới vẫn nâng cao cảnh giác, tiếp tục điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của đất nước, để đủ sức  bảo vệ vững chắc an ninh, lợi ích của quốc gia và an ninh, hòa bình của thế giới.

Nguyễn Trung

____________________

1- Xem “Xung đột quân sự ở Nam Ô-xê-ti-a và những tác động đến an ninh quốc tế”, Tạp chí QPTD, số 9/08, tr.49 ].

2- Các chu kỳ khủng hoảng của chủ nghĩa tư bản: đầu tiên là năm 1825 – 1828.  tiếp đó là các cuộc khủng hoảng với quy mô, tính chất khác nhau: năm 1914 – 1918; năm 1929 – 1933; năm 1939 –1945; năm 1974 –1975 và năm 1980 –1982… Và bây giờ là cuộc khủng hoảng kinh tế chu kỳ đầu tiên của thế kỷ XXI.

Chủ Đề