Các dạng bài tập bảo hiểm xã hội

Câu 1: Phân tích nguyên tắc: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH.

Câu 2: Chị N [sinh năm 1973] có chồng là thương binh. Chị N là giáo viên của trường Trung học cơ sở TC từ năm 1997. Ngày 5/2/2019, trên đường từ trường về nhà chị bị tai nạn giao thông, phải vào bệnh viện diều trị 2 tháng. Sau khi ra viện, chị được giám định tổng hợp và xác định suy giảm 55% khả năng lao động. Do sức khỏe yếu không thể tiếp tục làm việc, chị N làm đơn xin nghỉ việc.

Hỏi: Chị N và chồng chị được hưởng những chế độ nào theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành?

Danh mục tài liệu tham khảo:

  • Luật bảo hiểm xã hội 2014
  • Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2005 sửa đổi, bổ sung 2012
  • Nghị định 31/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng

Câu 1:Phân tích nguyên tắc: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH

Bảo hiểm xã hội [BHXH] là 1 trong những chính sách an sinh hữu ích đối với người lao động. Con người muốn tồn tại và phát triển cần có hoạt động lao động do đó xuất hiện mối quan hệ giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Ngoài tiền lương hàng tháng thì đơn vị sử dụng lao động sẽ phải chi trả 1 khoản tiền khi người lao động ốm đau hay mất việc… Khi đó, xuất hiện quỹ tiền bảo hộ cho cuộc sống của người lao động và hiện nay được gọi là BHXH

Căn cứ theo Luật BHXH năm 2014 quy định khái niệm BHXH như sau: BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Các yếu tố cấu thành các chế độ BHXH

  • Đối tượng được hưởng BHXH;
  • Điều kiện được hưởng BHXH;
  • Mức hưởng và thời hạn hưởng trợ cấp BHXH.

Trên thực tế, nhiều người lao động băn khoăn và không muốn tham gia BHXH vì cho rằng mức đóng BHXH khá cao. Tuy nhiên, người lao động lại không nắm rõ được lợi ích mà BHXH mang lại cho người lao động. Vậy thực chất khi đóng BHXH để làm gì? BHXH sẽ giúp bảo đảm thay thế, bù đắp sự thiếu hụt về mặt tài chính cho người lao động và gia đình người lao động khi gặp phải những rủi ro trong cuộc sống như tai nạn, ốm đau, …

Tính bảo hiểm xã hội dựa trên mức lương cơ sở

Ngoài chức năng trên thì BHXH sẽ phân phối lại thu nhập cho người lao động. Chức năng này thể hiện ở việc người lao động san sẻ thu nhập theo thời gian. Tức là, người lao động sẽ đóng BHXH để dành hưởng trợ cấp khi gặp rủi ro hay có vấn đề khác như thai sản, thất nghiệp hay lương hưu sau này…

Là một loại hình bảo hiểm mang tính xã hội rộng lớn, BHXH vừa tuân thủ các nguyên tắc của bảo hiểm nói chung, vừa phải bảo đảm các nguyên tắc mang tính xã hội của mình. Nguyên tắc Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. có vai trò quan trọng trong BHXH.

Nguyên tắc này được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 5 Luật BHXH năm 2014: Người lao động khi tham gia quan hệ BHXH phải đóng góp BHXH trên cơ sở tiền lương và họ sẽ được hưởng BHXH khi có đủ điều kiện quy định. Mức trợ cấp được hưởng phụ thuộc vào mức đóng góp, thời gian đóng góp và sự kiện pháp lý kèm theo [tỷ lệ suy giảm hay mất khả năng lao động, thai sản, ốm đau, chết..] tỷ lệ đóng góp BHXH và mức trợ cấp của người lao động có mối liên hệ chặt chẽ với thu nhập của người được bảo hiểm. Nguyên tắc BHXH trên cơ sở phân phối theo lao động luôn đảm bảo yếu tố công bằng hợp lý. Người lao động phải tham gia đóng góp BHXH mới được hưởng trợ cấp BHXH . Nguyên tắc này thể hiện hai nội dung cơ bản:

Một là, Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng góp và thời gian đóng góp. Mức đóng góp và thời gian đóng góp được sử dụng làm căn cứ để đối tượng đóng bảo hiểm được hưởng BHXH, tức đóng góp đến đâu thì mức thụ hưởng tới đó. BHXH là một hình thức phân phối phổ biến tổng thu nhập quốc dân. BHXH phải dựa trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa cống hiến và hưởng thụ [ nguyên tắc phân phối theo lao động].

Những người lao động có thời gian và phí đóng như nhau thì được hưởng bảo hiểm như nhau. Nghĩa là phải đảm bảo hợp lý giữa đóng góp và hưởng thụ, tức là căn cứ vào mức đóng góp của người lao động cho xã hội thể hiện thông qua mức đóng, thời gian đóng góp vào quỹ xã hội… để từ đó quy định mức trợ cấp và độ dài thời gian hưởng trợ cấp phù hợp với sự đóng góp cho xã hội của người lao động.

“Đóng”, theo Điều 5 Luật BHXH, là một khoản đóng góp cụ thể vào quỹ BHXH trên cơ sở tiền công, tiền lương hằng tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động.

Ngoài ra, theo quan điểm của tác giả, đóng có thể không có định lượng, đó là sự cống hiến, hy sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh hoặc lao động đặc biệt, tiềm ẩn yếu tố nguy hiểm và yếu tố có hại có thể gây tổn thương, bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe, thậm chí tử vong đối với người lao động.

Đây không phải là vấn đề mới vì thực tế lịch sử quá trình hình thành và phát triển chính sách BHXH tại Việt Nam đã chứng minh sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với những đối tượng có cống hiến, đóng góp vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Và ngay tại các quy định về điều kiện hưởng các chế độ BHXH của pháp luật hiện hành cũng thể hiện tính nhân văn đó.

Ví dụ, quy định về điều kiện nghỉ hưu đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực 0,7 trở lên thì được giảm tuổi đời trong điều kiện hưởng chế độ hưu trí… Hay những quy định về điều kiện nghỉ hưu, mức hưởng đối với lực lượng vũ trang – lực lượng lao động đặc biệt, thì nguyên tắc đóng – hưởng cần được đặt trong sự linh hoạt của các yếu tố đặc thù và điều kiện lịch sử.

Vì vậy rất khó chấp nhận về mặt kinh tế khi một người lao động vừa tham gia BHXH trong thời gian ngắn lại được hưởng ngay mức BHXH cao hoặc hưởng chế độ ốm đau suốt đời nếu mắc các bệnh cần điều trị dài ngày, khi người lao động có thể mới tham gia BHXH trong thời gian ngắn.

Hai là, ở một khía cạnh khác nguyên tắc này thể hiện sự chia sẻ giữa những người tham gia BHXH, điều này có nghĩa là không phải bất kỳ người lao động nào tham gia đóng BHXH đều được hưởng BHXH. Người lao động cùng với người sử dụng lao động và nhà nước cùng tạo lập hình thành một quỹ BHXH độc lập và tập trung trong đó đa số những người đóng góp BHXH sẽ hỗ trợ cho số những người có đủ điều kiện để hưởng trợ cấp BHXH theo nguyên tắc “ lấy số đông bù số ít”.

Nghĩa là chỉ nhũng người rơi gặp phải những rủi ro đáp ứng đủ điều kiện mới được hưởng BHXH, thường là khi gặp phải những rủi ro sẽ mang lại những khó khăn lớn vượt xa so với khả năng kinh tế của người lao động, trên cơ sở chia sẻ rủi ro của những người cùng tham gia đóng BHXH thì khoản phí của những người tham gia BHXH mà không gặp phải rủi ro sẽ được bù đắp cho những người gặp rủi ro khác. Rủi ro, mất khả năng hay cơ hội lao động đối với người lao động là khó tránh khỏi.

Tuy nhiên trên thực tế, rủi ro xảy ra đối với mọi người lại không hoàn toàn giống nhau. Chính vì vậy số đông bù số ít thể hiện rõ nét tính xã hội của loại hình bảo hiểm phi lợi nhuận này. Khoản thu nhập thay thế nói chung cao hơn so với khoản phí BHXH mà họ đã đóng góp. Để làm được điều này, BHXH phải lấy số đông người tham gia đóng góp để bù đắp cho số ít người không may gặp rủi ro.

Theo nguyên tắc này, càng đông người tham gia BHXH, mở rộng nhiều nội dung BHXH thì gánh nặng đóng góp phí đối với từng người càng có cơ hội giảm xuống, sự san sẻ rủi ro càng được thực hiện dễ dàng hơn.

Nếu như nguyên tắc đóng – hưởng bảo đảm sự công bằng cho những người tham gia BHXH thì nguyên tắc chia sẻ rủi ro bảo đảm tính nhân văn. Tuy nhiên, BHXH trước hết phải mang đặc trưng của bảo hiểm nói chung nên không thể nằm ngoài sự chi phối của nguyên tắc đóng – hưởng. Vì vậy, cần sự hài hòa giữa hai nguyên tắc này để bản chất kinh tế và xã hội hay công bằng và nhân văn cùng song song tồn tại. Chính sự hài hòa này là điểm khác biệt cơ bản giữa BHXH và bảo hiểm thương mại.

Có thể nói, hình thức tham gia BHXH là một hình thức chia sẻ rủi ro trên cơ sở sự hỗ trợ của cộng đồng. Sự phối hợp chặt chẽ vừa thể hiện sự bình đẳng giữa những người tham gia BHXH, vừa thể hiện yếu tố nhân xã hội, vừa thể hiện yếu tố nhân văn của nhà nước ta trên cơ sở có sự hỗ trợ của cả cộng đồng.

Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đống, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH

Câu 2: Chị N và chồng chị được hưởng những chế độ nào theo quy định của pháp luật an sinh xã hội hiện hành?

Theo đề bài, chị N sinh năm 1970, là giáo viên từ năm 1997, đến năm 2019 thì bị tại nạn. Như vậy, chị N thuộc diện ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, thuộc diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, tính đến thời điểm chị N bị tai nạn đã đóng BHXH được 21 năm 1 tháng. Khi chị N bị tai nan lao động trên đường từ trường về nhà, có 2 trường hợp xảy ra:

Trường hợp 1: Tai nạn được xác định là tai nạn lao động [đáp ứng điều kiện tại điều 45 luật an toàn, vệ sinh lao động 2015] => Chị N được hưởng chế độ tai nạn lao động. Giải quyết quyền lợi TNLĐ bao gồm:

  • Giám định mức độ suy giảm khả năng lao động [ đã giám định suy giảm 55% khả năng lao động]. Người lao động là chị N không phải chịu chi phí giám định, chi phí do quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả [Điều 42 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015: “Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật này”]
  • Được hưởng trợ cấp hàng tháng [do suy giảm khả năng lao động 55%], mức trợ cấp được tính theo công thức sau:
Trợ cấp hàng tháng = Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động + Mức trợ cấp tính theo số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động
  = {0,3 x Lmin + [m-31] x 0,02 x Lmin} + {0,005 x L + [t-1] x 0,003 x L}

Trong đó:

  •  Lmin: Mức lương cơ sở tại thời điểm hưởng.
  • m: Mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động [lấy số tuyệt đối 31 ≤ m ≤ 100].
  • L: Mức lương tháng đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.
  • t: Tổng số năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động.

Được hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị [điều 54 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015]. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc [điều 57 Luật an toàn, vệ sinh lao động năm 2015]. Đây là quyền lợi của chị N. Trong tình huống đề bài, chị chủ động xin nghỉ việc, do vậy không tính quyền lợi này nữa.

Chế độ BHYT: Chị N thuộc diện tham gia BHYT bắt buộc [Nhóm 1 điều 1 NĐ 146/2018/NĐ-CP], được hưởng quyền lợi BHYT trong thời gian điều trị nếu các chi phí y tế thuộc danh mục KCB BHYT, tỷ lệ thanh toán BHYT phụ thuộc vào các trường hợp quy định tai điều 22 Luật BHYT 2008, sửa đổi 2014.

Được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động theo khoản 2 điều 39 và điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015: “Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng” . Tại khoản a] có quy định “Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%”.

Do chị N suy giảm KNLĐ 55% nên sẽ được hưởng trợ cấp từ người sử dụng lao động ít nhất là 40% của 18 tháng tiền lương.

  • Được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại điều 49 Luật việc làm 2013.

Trường hợp 2: Tai nạn này không được xác định là TNLĐ [không đáp ứng được quy định tại điều 45 luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 => chị N hưởng chế độ ốm đau. Căn cứ theo Điều 5, 6 Thông tư 59/2015/TT-BLDTBXH quy định chi tiết về thời gian và mức hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động đóng BHXH và điều 25, 26, 28 Luật bảo hiểm xã hội 2014 như sau:

Người lao động làm việc trong điều kiện bình thường thì được hưởng:

  •  Tối đa 30 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH dưới 15 năm;
  •  Tối đa 40 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 15 năm đến dưới 30 năm;
  • Tối đa 60 ngày/năm, nếu đã đóng BHXH từ đủ 30 năm trở lên;
Mức hưởng chế độ ốm đau = Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x 75 [%] x Số ngày nghỉ việc được hưởng chế độ ốm đau
24 ngày

Đối với trường hợp ốm dài ngày

Thời gian hưởng:+ Theo danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày của Bộ Y Tế.

+ 180 ngày bao gồm nghỉ lễ, tết, nghỉ hàng tuần [75%].

+ Nếu quá 180 ngày thì chỉ tối đa bằng thời gian đóng BHXH

Mức hưởng:

Mức hưởng chế độ ốm đau đối với bệnh cần chữa trị dài ngày = Tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của tháng liền kề trước khi nghỉ việc x Tỷ lệ hưởng chế độ ốm đau [%] x

Số tháng nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau

  • 180 ngày đầu được tính theo tỷ lệ 75%/1 ngày nghỉ hưởng chế độ
  • Ốm dài ngày >180 ngày. Những ngày sau tính theo công thức:

+ 65% nếu đóng BHXH > 30 năm.

+ 55% nếu đóng BHXH 15 năm < t < 30 năm.

+ 50% nếu đóng BHXH < 15 năm.

Do chị N đã đóng BHXH được 21 năm 1 tháng [từ 1997 đến 2019] tính đến lúc chị bị tai nạn, do vậy nếu tiếp tục làm việc thì khi hưởng chế độ ốm đau, khi nghỉ quá 180 ngày thì mức hưởng của chị N sẽ nằm ở mức 55%/1 ngày.

Đối với chồng chị N: chồng chị là thương binh do vậy hưởng chế độ người có công với cách mạng và chị N được hưởng chế dộ thân nhân người có công như sau:

Chồng chị là thương binh, đủ điều kiện xác nhận theo điều 19 pháp lệnh ưu đãi người có công sửa đổi bổ sung 2012 và điều 27 nghị định 31/2013/NĐ-CP thì sẽ được hưởng ưu đãi quy định tại điều 20, 21, 22 pháp lệnh ưu đãi người có công 2012 và điều 30, 31, 32 nghị định 31/2013/NĐ-CP

Điều 20: Các chế độ ưu đãi đối với thương binh bao gồm:

  • Trợ cấp hàng tháng, phụ cấp hàng tháng căn cứ vào mức độ suy giảm khả năng lao động và loại thương binh;
  • Bảo hiểm y tế; cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình căn cứ vào thương tật của từng người và khả năng của Nhà nước;
  • Điều dưỡng phục hồi sức khỏe hai năm một lần; trường hợp thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được điều dưỡng phục hồi sức khỏe hàng năm;
  • Được hưởng chế độ ưu tiên, hỗ trợ quy định tại khoản 5 Điều 4 của Pháp lệnh này; căn cứ vào thương tật và trình độ nghề nghiệp được tạo điều kiện làm việc trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động;
  • Ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, mặt nước biển, vay vốn ưu đãi để sản xuất, được miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật; được hỗ trợ về nhà ở quy định tại khoản 4 Điều 4 của Pháp lệnh này.”

Điều 21 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên sống ở gia đình được trợ cấp người phục vụ.

Người phục vụ thương binh quy định tại khoản này được Nhà nước mua bảo hiểm y tế.

Thương binh suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua bảo hiểm y tế cho cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng

Khi thương binh chết thì người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí, thân nhân được hưởng một khoản trợ cấp.

Tại sao bảo hiểm xã hội được coi là trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội?

Trong những năm qua, chính sách bảo hiểm xã hội của Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện, hướng tới mở rộng phạm vi bao phủ, tạo cơ hội cho mọi người dân trong việc tiếp cận, tham gia, thụ hưởng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Trong hệ thống an sinh xã hội thì hệ thống bảo hiểm xã hội [BHXH] giữ vai trò trụ cột, bền vững nhất. Phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Một là, người lao động khi có việc làm và khỏe mạnh sẽ đóng góp một phần tiền lương, thu nhập để hỗ trợ bản thân hoặc người khác khi ốm đau, tai nạn, lúc sinh đẻ và chăm sóc con cái, lúc tuổi già để duy trì và ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình

Đòi hỏi tính trách nhiệm cao của từng người lao động đối với bản thân mình, với gia đình và cộng đồng, xã hội theo phương châm “mình vì mọi người, mọi người vì mình” thông qua quyền và nghĩa vụ, mặt khác nó thể hiện sự gắn kết trách nhiệm giữa các thành viên trong xã hội, tạo thành một khối đoàn kết thống nhất về quyền lợi trong một thể chế chính trị – xã hội bền vững.

Thông qua đó người sử dụng lao động cũng có trách nhiệm đóng góp BHXH cho người lao động, góp phần trách nhiệm bảo vệ người lao động khi gặp phải rủi ro.

Hai là, thực hiện chính sách BHXH đảm bảo sự bình đẳng về vị trí xã hội của người lao động trong các thành phần kinh tế khác nhau, thúc đẩy sản xuất phát triển. Xóa bỏ nhận thức trước đây cho rằng chỉ có làm việc trong khu vực nhà nước, là công nhân viên chức nhà nước mới được gọi là có việc làm và được hưởng các chính sách BHXH.

Ba là, thực hiện chính sách BHXH nhằm ổn định cuộc sống người lao động, trợ giúp người lao động khi gặp rủi ro, khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp sẽ nhận được phần trợ cấp do giảm khả năng lao động do tai nạn, bệnh nghề nghiệp gây ra; được nghỉ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau, sinh đẻ hay điều trị thương tật; được hưởng trợ cấp thất nghiệp và được giới thiệu việc làm hoặc được học nghề để có cơ hội tìm kiếm việc làm mới.

Với tâm lý của mọi người, luôn tin tưởng vào các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước, vì vậy khi làm việc được tham gia BHXH và nhất là sau này sẽ được hưởng lương hưu đã tạo sự phấn khởi, tâm lý ổn định, an tâm làm việc. Và thực tế nhiều doanh nghiệp, khi tuyển dụng lao động, thì tiêu thức được tham gia BHXH cũng là một quyền lợi quan trọng để thu hút được nhiều lao động.

Bốn là, BHXH là một công cụ đắc lực của Nhà nước, góp phần vào việc phân phối lại thu nhập một cách công bằng, hợp lý giữa các tầng lớp dân cư, đồng thời giảm chi cho ngân sách Nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Năm là, quyền lợi của các chế độ BHXH không ngừng được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện và mức sống chung toàn xã hội tại từng thời điểm, đảm bảo cuộc sống của người tham gia BHXH và đặc biệt là người hưởng lương hưu sau cả cuộc đời lao động cực nhọc.

Chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam, gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội; tập trung đổi mới mô hình, xây dựng hệ thống hiện đại, đa tầng, đa dạng các hình thức chế độ, linh hoạt trong thiết kế, chuyên nghiệp trong vận hành gắn với nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội.

Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi về vấn đề: Mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH và có chia sẻ giữa những người tham gia BHXH. Nếu trong quá trình giải quyết còn gì thắc mắc bạn có thể liên hệ chúng tôi qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua HOTLINE 19006588 của Luật Quang Huy để được giải đáp.

Trân trọng./.

Video liên quan

Chủ Đề