Cảm xúc của sinh viên khi học trực tuyến

Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn Đại học Duy Tân

Trong tình hình dịch bệnh diễn biến khá phức tạp, để tiến độ học tập không bị gián đoạn nhưng đồng thời vẫn chú trọng vào sự an toàn cho sinh viên và cán bộ giảng viên, Trường Đại học Duy Tân đã đầu tư “cực khủng” cho hệ thống giảng dạy trực tuyến. Ngoài hệ thống phần mềm MyDTU - tài khoản không thể thiếu để tiếp nhận kịp thời mọi thông tin học tập - phầm mềm học liệu và làm bài trực tuyến Sakai link với hệ thống zoom bản quyền đang là sự kết hợp “hoàn hảo” không thể phủ nhận của sinh viên DTU khi tham gia học trực tuyến. Mỗi ngày học số sinh viên truy cập hệ thống lên tới gần 20.000, nhưng không có lớp học nào bị gián đoạn trong quá trình học tập. Đó là một điều tuyệt vời và làm cho sinh viên, lẫn phụ huynh vô cùng yên tâm.

 

       Chỉ vừa qua hai tuần học online cùng "mái ấm" Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, trường Đại học Duy Tân nhưng tôi đã được trải nghiệm rất nhiều điều thú vị, đặc biệt là tiếp cận với phương pháp học đại học mới mẻ, hiệu quả. Hầu hết các thầy cô trong Khoa, Trường rất tậm tâm, hỗ trợ hết mình cho tôi từ trong giờ học đến việc tư vấn tài liệu đọc thêm lẫn những bỡ ngỡ tâm lý khi bước vào đại học. Học trực tuyến nên nhiều trò chơi được lồng ghép vào mỗi giờ dạy để sinh viên tham gia vừa thay đổi không khí vừa lồng ghép chuyển tải kiến thức rất sinh động. Chỉ ngồi ở nhà nhưng tôi và các bạn đều cảm thấy có “cả một thế giới” sinh động bên mình.

Bên cạnh những buổi học, tôi và các bạn còn được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, các buổi talk show gặp gỡ nhiều chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khoa học xã hội. Phải nói là tôi cũng như nhiều sinh viên khác như được truyền thêm nhiều nguồn năng lượng tích cực để háo hức vạch ra chiến lược cuộc đời. Tôi thầm nghĩ trong dịch bệnh, trong mất mát nhưng nếu nỗ lực cả thầy và trò thì chúng tôi lại có nhiều trải nghiệm mới, thích ứng tốt hơn với tất cả những rủi ro ở cuộc đời này. Hình như từ khi là thành viên của Khoa Khoa học Xã hội & Nhân văn chúng tôi có cảm giác mình được đón nhận vào một mái nhà ấm áp, mái nhà mà ở đó mỗi thành viên đều được trân trọng và được yêu thương, được sẻ chia và được rèn luyện cả về tri thức lẫn nhân cách.

          Dẫu vẫn mong đợi ngày Đà Nẵng và cả nước khống chế được dịch bệnh để tôi cùng các bạn sẽ hạnh ngộ tay bắt mặt mừng tại giảng đường đại học nhưng hiện tại tôi luôn hài lòng nhận thấy rằng: HỌC ONLINE Ở DTU THÚ VỊ LẮM LUÔN!

Thứ Sáu, 12/11/2021 | 16:46

Một thời gian dài phải sống chung và chịu nhiều tác động từ dịch bệnh, ít nhiều cũng gây ra những cảm xúc không tốt trong lòng mỗi người. Với giáo viên, áp lực càng lớn hơn khi phải chuyển trạng thái từ dạy học trực tiếp sang trực tuyến trong điều kiện thiếu thốn đủ bề. Bởi vậy, nên khi đối diện với những tình huống sư phạm chưa từng có tiền lệ, nhiều giáo viên đã không kiểm soát được cảm xúc và phạm lỗi ứng xử.

Học sinh THCS ở huyện Vĩnh Lợi trong một buổi học trực tuyến. Ảnh minh họa: Anh Khoa

Khi cảm xúc tiêu cực lấn át sự tỉnh táo

Dịch bệnh kéo dài, nên để đảm bảo khung thời gian năm học, từ giữa tháng 8/2021, học sinh - sinh viên cả nước đã chuyển sang trạng thái học trực tuyến. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như không xảy ra một số tình huống sư phạm đáng buồn khi thầy và trò tương tác trên lớp học trực tuyến. Hậu quả là một số giáo viên, giảng viên đã có những lời lẽ chưa phù hợp với học sinh, thậm chí có người không kiểm soát được cảm xúc tiêu cực đến mức đuổi học sinh ra khỏi lớp học vì những chuyện không đáng.

Đơn cử là vụ việc của của giảng viên Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật [TP. Hồ Chí Minh] - L.M.T đã đuổi một nam sinh viên ra khỏi lớp học trực tuyến khi sinh viên này yêu cầu ông giảng lại bài do nơi đang học mưa to, không nghe rõ lời thầy giảng. Không chỉ tức giận, buông ra những lời lẽ không phù hợp, giảng viên này còn yêu cầu tất cả sinh viên trong lớp phải lặp lại nguyên văn câu: “Tôi tên…, có đủ miệng và tai, giác quan như người bình thường…” gây bức xúc trong sinh viên và dư luận khi đoạn clip về buổi học được lan truyền trên mạng xã hội.

Tương tự, một nữ giáo viên dạy Văn của Trường THPT Cam Lộ [tỉnh Quảng Trị] đã mắng học sinh mình là “quái thai về tâm hồn”, “một loại rác thải”… Để rồi khi nghe lại đoạn clip mắng học sinh của mình lan truyền trên mạng, cô cảm thấy xấu hổ và tự trách không hiểu sao bản thân mình lúc ấy lại tức giận và thiếu kiềm chế cảm xúc đến vậy.

Với thầy trò ở Bạc Liêu, việc tương tác trên lớp học trực tuyến cũng đã xảy ra nhiều tình huống chưa có tiền lệ, nhất là với những lớp tiểu học, THCS khi mà các em còn quá hiếu động. Có em vừa học vừa chơi đồ chơi; hay bật mic chọc phá bạn, bảo bạn này ngu, bạn kia dốt… khi giáo viên đang giảng bài. Có em đang học thì đứng dậy đi ra khỏi phòng khiến giáo viên gọi tên khản cả giọng, khi được hỏi sao đang học mà bỏ đi đâu thì các em không ngần ngại trả lời “con ra ngoài chơi vì cô dạy buồn ngủ quá!”. Đã có nhiều giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, phải dừng lại buổi học để “giáo huấn” học sinh; có người vào mỗi tiết học phải ra rả phổ biến lại “nội quy”, “dàn xếp phong trào”… hoặc đề nghị những học sinh “cá biệt” ở lại lớp học trực tuyến sau giờ học để chép phạt, nhưng may mắn là chưa có tình huống sư phạm đáng tiếc nào xảy ra.

Đâu là giải pháp để cân bằng?

Có thể nói, chính việc chịu áp lực lớn khi vừa phải đảm bảo tiết học đúng thời lượng, chuyển tải đủ nội dung theo cách tập trung cho vấn đề trọng tâm, vừa phải duy trì trạng thái vui tươi, hào hứng với buổi học cho học sinh - sinh viên, tạo không khí tốt để các em tương tác, trong khi đó thì nhiều em lại tắt camera, thiếu sự hợp tác… khiến nhiều giáo viên rơi vào tình trạng bị ức chế, dẫn đến cách hành xử thiếu chuẩn mực.

Một giáo viên của Trường THPT Gành Hào [huyện Đông Hải] bày tỏ: “Bất cứ công việc nào cũng đều tiềm ẩn áp lực và nghề giáo cũng không ngoại lệ. Đặc biệt hơn, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, gây khó khăn cho công tác dạy học thì việc phát sinh cảm xúc tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, với cái tâm và tầm của những người làm sư phạm, việc làm chủ cảm xúc, ứng xử khéo léo trong mọi tình huống sư phạm chính là bản lĩnh mà mỗi người thầy cần phải có”.

Để cân bằng cảm xúc của người thầy khi việc dạy - học trực tuyến chắc chắn sẽ còn kéo dài vì dịch bệnh, các chuyên gia tâm lý khuyến cáo rằng, giáo viên cần chăm sóc tốt bản thân trước khi lên lớp, nhất là sức khỏe tinh thần. Khi rơi vào trạng thái mệt mỏi, cảm xúc không tốt, giáo viên cần làm những điều khiến mình cảm thấy thoải mái và vui vẻ. Bởi chính điều đó sẽ giúp thầy cô khơi dậy được cảm hứng và giảng bài hay hơn. Đại dịch “đóng” chúng ta với thế giới bên ngoài nhưng lại là cơ hội để “mở” ra cái bên trong. Hãy dùng tình cảm, sự chân thành và kiến thức uyên bác của bản thân để giáo dục học trò.

Và điều quan trọng hơn hết chính là mỗi thầy cô hãy giảm kỳ vọng về mức độ tiếp thu, kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với điều kiện thực tế của việc dạy - học trực tuyến. Hãy dùng “vắc-xin niềm vui” để tạo ra những liều thuốc tinh thần giúp thầy và trò giảm áp lực, duy trì sự hứng thú và tập trung cho mỗi giờ lên lớp.

Kim Trúc

Vừa mới rời xa tuổi học trò, bắt đầu chuẩn bị những bước những bước chân đầu tiên tới giảng đường Đại học, chắc hẳn các bạn Tân sinh viên Khoa Xuất bản, Phát hành nói riêng cũng như Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM nói chung ít nhiều đều mang trong mình những cảm xúc mới mẻ, những cảm nhận khác nhau về môi trường học tập mới sẽ như thế nào so với bậc học phổ thông, rồi lớp mới với những bạn bè mới… Điều đặc biệt trong mùa nhập học 2021-2022 này, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn còn đang diễn biến phức tạp, khó lường thì từ thủ tục nhập học cho đến những ngày gặp mặt nhập học đầu tiên của các bạn đều diễn ra trên môi trường internet. Chính vì vậy, những cảm xúc, sự ấn tượng về những buổi đầu nhập học online của tân sinh viên Khóa 15 Khoa Xuất bản, Phát hành năm nay thật là khác biệt mà các bạn không thể nào quên...

Chúng ta hãy cùng "lắng nghe" những cảm nhận của những tân sinh viên Khóa 15 Khoa Xuất bản, Phát hành chia sẻ ngày đầu nhập học trực tuyến nhé !

Cảm nhận của tân sinh viên Trần Ngọc Minh Châu lớp ĐH KDXBP 15: 

"Trong mỗi chúng ta ai cũng đều có những ước mơ và khát vọng của tuổi trẻ, ước mơ của em cũng như của biết bao người bạn ở lứa tuổi mười tám đôi mươi khác đó là được bước chân vào ngưỡng đại học. Ở nơi đó, chúng em được khẳng định sự trưởng thành, được khám phá những điều ấp ủ từ thời học phổ thông, được làm quen với một môi trường hoàn toàn mới, được học tập và rèn luyện ở nơi mà mình đã cân nhắc lựa chọn cho chính tương lai của mình. Em cùng với 34 bạn khác trên mọi miền cùng hội tụ về một mái nhà chung đó là khoa Xuất bản, Phát hành - Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM.
Lớp chúng em được nhập học trong một hoàn cảnh thật đặc biệt bởi dịch bệnh Covid 19. Có lẽ đây là lần đầu tiên tân sinh viên của Trường thực hiện các thủ tục nhập học bằng hình thức trực tuyến. Buổi gặp gỡ giữa thầy cô trong Khoa, các anh chị trong Đoàn, Hội khoa với Tân sinh viên cũng thông qua hình thức trực tuyến trên phần mềm Zoom.

Tuy không trực tiếp gặp gỡ thầy cô, các anh chị cùng các bạn, nhưng em cảm nhận sự nhiệt tâm và thân gần của mọi người dành cho nhau. Chúng em được  thầy cô giới thiệu về trường, về khoa, về ngành nghề mà chúng em sẽ gắn bó, được biết về chương trình học, được giải đáp thắc mắc về mọi điều mà chúng em còn bở ngỡ chưa hiểu hết. Trong đó em rất ấn tượng với nội dung công việc sau khi tốt nghiệp. Sinh viên ra trường sẽ được làm những công việc liên quan đến ngành sách như chúng em đã mong đợi khi chọn ngành học. 

Điều thật vui đó là cô phó trưởng khoa đồng thời là giáo viên chủ nhiệm của lớp. Trong buổi đầu gặp gỡ, cô đã phổ biến nhiều thông tin rất chi tiết, cô còn lập một group, gọi điện, nhắn tin từng bạn, dặn dò và chỉ dẫn dặn dò các bạn cách học trực tuyến trên zoom. Cô quan tâm, động viên đến hoàn cảnh gia đình của các bạn gặp khó khăn, điều này làm cho các bạn thực sự cảm động.

Trong 2 buổi giao lưu, em thật sự rất vui bởi thầy cô giáo và các anh chị Đoàn, Hội đã giải đáp thắc mắc của chúng em rất tận tình. Chính điều đó giúp chúng em đỡ bỡ ngỡ và thu nhận thêm rất nhiều thông tin về trường, về ký túc xá cũng như kinh nghiệm học tập và sinh hoạt. Các anh đã tạo cho chúng em những động lực muốn cống hiến sức trẻ cho các hoạt động phong trào mà các anh chị đang thực hiện. Dù chỉ là những buổi giao lưu trực tuyến, nhưng không vì thế mà không khí bớt sôi nổi, ngược lại các bạn còn mạnh dạn đặt những câu hỏi cho các anh chị, có bạn còn biểu diễn hát một đoạn ngắn để bày tỏ thông điệp sống tích cực, trân trọng từng phút giây, càng làm cho buổi giao thêm gần gũi hơn.

Lớp chúng em còn bất ngờ hơn nữa là được nhận thật nhiều quà tặng, em được biết đó là những món quà của các doanh nghiệp trong ngành Xuất bản hỗ trợ để động viên tân sinh viên chúng em bước vào ngưỡng đại học. Đó là 40 vib codes sách nói của Voiz FM; 80 cuốn sách tự chọn của Sbooks; 40 cuốn sách và 400 cuốn tập của công ty Hương Trang; 200 cây viết của công ty Danabook; 40 cuốn sách của công ty Trí Việt- First News. Chúng em rất cảm động bởi sự quan tâm của quí thầy cô, các anh chị sinh viên và tỏ lòng biết ơn vô cùng đến các doanh nghiệp trong ngành Xuất bản.

Với không khí tràn ngập vui tươi và phấn khởi đầu khoá học mới như vậy, em hy vọng mỗi ngày tháng tiếp theo thật sự sẽ để lại cho lớp Đại học Kinh doanh XBP 15 chúng em nhiều điều bổ ích và ý nghĩa với đầy ắp những kỷ niệm đẹp trong những ngày tháng thanh xuân của cuộc đời mình…"

Cảm nhận của tân sinh viên Lâm Bảo Hân lớp ĐH KDXBP 15:

“Mỗi sự khởi đầu mới đều bắt nguồn từ một sự kết thúc khác” – Semisonic “Closing Time”.  Sau khi kết thúc 12 năm đèn sách, giờ đây em lại bước sang một trang sách mới, một môi trường mới. Hôm nay là ngày đầu em bước vào ngôi trường đại học, được gặp những người bạn mới, thầy cô mới, mặc dù hình thức gặp mặt chỉ là trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19, nhưng em đã cảm thấy rất vui và hạnh phúc khi đi gặp gỡ và trò chuyện cùng thầy cô, anh chị và các bạn của khoa Xuất bản, Phát hành - Trường Đại học Văn hoá Tp. HCM. Những lời đầu tiên cô nói là những lời dạy bảo ân cần về ý thức trách nhiệm đối với bản thân, với trường, với lớp trong học tập cũng như rèn luyện trong những năm học, tiếp đến là các bạn cùng nhau giới thiệu bản thân và làm quen với nhau. Tuy vẫn còn ngại ngùng nhưng em tin rằng thời gian sẽ giúp lớp chúng em ngày một gắn bó hơn và học tập cùng sẽ tiến bộ hơn. Cảm ơn cô và các doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho chúng em bằng những phần quà ý nghĩa với những cuốn sách quí, những cây bút, là những cuốn sách nói nhưng đối với em nó như là nguồn động lực để em phải tự nhắc bản thân rằng phải cố gắng học tập và rèn luyện thật tốt. Em cũng rất biết ơn những anh chị khoá trên đã giải đáp những thắc mắc về trường, về lớp và cho chúng em, cho chúng em những lời khuyên về phương pháp học tập và rèn luyện.

Em chân thành cảm ơn trường, thầy cô, các doanh nghiệp và những anh chị đã cho em những buổi gặp gỡ đầu tiên thật ý nghĩa. Đối với em, nó sẽ là những ngày đáng nhớ, là những kỷ niệm ngọt ngào không thể nào quên. Em tin rằng đây sẽ là ngôi trường mà chúng em, những sinh viên của lớp Đại học Kinh doanh XBP 15 sẽ học tập và định hướng cho mình một tương lai thật tốt, đây cũng là một khởi đầu tốt cho bước đường của em sau này."

Với sự tâm huyết của lãnh đạo nhà trường, cán bộ giảng viên, môi trường học tập lí tưởng, đầy đủ tiện nghi dù trực tuyến hay trực tiếp, cùng với nhiều hoạt động Đoàn - Hội sôi nổi, thú vị, Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM sẽ thực sự là ngôi nhà chung để các bạn tân sinh viên học tập và rèn luyện trong suốt quãng đời sinh viên.

Chúc các bạn tân sinh viên khoá 15 Khoa Xuất bản, Phát hành sẽ có một tâm thế vững vàng, bước vào năm học mới 2021 – 2022 trong niềm vui hân hoan, học tập và rèn luyện tốt. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, thương hiệu, hình ảnh của Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM.

Bài, ảnh: N.Thanh 

Video liên quan

Chủ Đề