Chad le Clos - Vận động viên bơi lội Nam Phi

Từ khi mới xuất hiện trên đường đua xanh Olympic, Michael Phelps từ đội tuyển bơi lội Mỹ đã là cái tên được nhiều người trên thế giới nhắc tới hàng loạt danh hiệu: kình ngư trên đường đua xanh, huyền thoại của môn bơi lội mọi thời đại... Quả là không ngoa với những danh hiệu trên khi anh đã giành được huy chương vàng thứ 20 và 21 trong sự nghiệp thi đấu Olympic của mình.

Chàng trai 31 tuổi được mệnh danh là vận động viên Olympic huyền thoại nhất trong lịch sử của Thế vận hội mùa hè không chỉ khiến khán giả hâm mộ vì tài năng, mà còn bởi nỗ lực vượt bậc và sự kiên định trong từng phần thi đấu. Trong phần thi 200m bơi bướm ngày 10/8, Michael Phelps đã cán đích với vị trí thứ nhất và giành thêm 1 huy chương vàng cho mình.

Tuy nhiên, khi bức ảnh Michael Phelps cùng vận động viên Chad le Clos đang trong những mét cuối cùng của trận đấu được chia sẻ trên mạng, người ta có thêm lý do để cảm phục ý chí và nghị lực của kình ngư số 1 thế giới này.

Michael Phelps không màng đối thủ mà băng nhanh về đích.

Trên đường đua xanh, mỗi làn đua là 1 vận động viên đã nỗ lực hết mình để đại diện và mang vinh quang về cho đất nước mình. Để đến được với Olympic đã là một thử thách và sự nỗ lực lớn lao của họ, nhưng để chạm tới bục vinh quang, họ cần làm nhiều hơn thế: tin vào chính mình và cố gắng theo đuổi mục tiêu đã đặt ra.

Với Michael Phelps, mục tiêu của anh là đích đến, là giành chiến thắng và mang vinh quang cho nước Mỹ. Còn với vận động viên đại diện cho Nam Phi, Chad le Clos, phải chăng mục tiêu của anh chỉ là vượt qua kình ngư số 1 thế giới Michael Phelps?

Không ai nói rằng điều đó là không thể, nhưng chắc chắn, đó không phải là mục tiêu lớn nhất mà mỗi người đặt ra cho cuộc đời mình. Người dẫn đầu chỉ nhìn vào đích đến. Còn những kẻ đi sau thường chỉ nhìn thấy... cái lưng của họ. Chad le Clos không những không vượt qua được Michael Phelps mà còn thất bại trước chính bản thân mình khi nỗi sợ hãi luôn ám ảnh anh từ khi bắt đầu bài thi.

Michael Phelps đã trở thành huyền thoại của bơi lội thế giới.

Từ khi còn là một cậu bé 8 tuổi, Michael Phelps đã đặt ra mục tiêu cho cuộc đời mình: tới Olympic và giành lấy huy chương vàng danh giá. Mục tiêu của anh là đích đến và ước mơ của cả cuộc đời, chứ không phải những đối thủ bên cạnh mình. Chia sẻ trên tạp chí Fox Sports, Michael Phelps từng nói rằng:

"Những mục tiêu làm cho bạn sợ hãi, khích lệ bạn hay khiến bạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân là những điều sẽ thúc đẩy bạn và giúp bạn tỏa sáng".

Đây không phải là lần đầu tiên Michael Phelps chạm trán Chad le Clos khi năm 2012, trong Olympic London, anh đã thua cuộc cũng trên đường đua xanh 200m bơi bướm. Phelps đã học được từ thất bại của mình và nỗ lực không ngừng để giành lại chiếc huy chương vàng quý giá đó. 4 năm sau quay lại, không muốn phí thêm thời gian nào cả, anh chỉ có 1 quyết tâm là về đích sớm nhất, dù đối thủ là ai.

Còn Chad le Clos, có lẽ anh đã sai khi chỉ quan tâm đến việc đánh bại Michael Phelps một lần nữa.

"Tôi biết rằng tôi sẽ không là người thất bại, dù thế nào đi nữa. Việc thất bại không phải là điều quan trọng và việc bạn không đặt ra mục tiêu của bản thân không phải vấn đề quá to tát. Quan trọng là bạn đã dám làm điều đó", một câu nói của Michael Phelps trở thành động lực cho anh trong suốt cuộc đời của mình.

Năm nay, trong số hơn 11.000 vận động viên tham gia Olympic tại Rio, chỉ có một số cá nhân nổi bật như Simone Biles và Michael Phelps mang được về những chiếc huy chương danh giá. Phần đông còn lại chẳng để lại chút dấu ấn gì trên những chặng đua Olympic. Tất cả các vận động viên này đều bị đem ra so sánh với những người khác, theo những thang đánh giá nhất định trong bộ môn của họ. Thế nhưng những con người này vẫn giữ được tinh thần luyện tập và tranh đấu, sẵn sàng gắn bó lâu dài với sự nghiệp. Họ đã làm thế nào để giữ được động lực đó?

Theo chuyên gia tâm lý thể thao Jonathan Fader thì “một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của các vận động viên trong thi đấu thể thao hay của bất cứ ai trong chúng ta trong cuộc sống chính là sự tự tin, sự kỳ vọng rằng bạn sẽ thắng.”

Mức độ tự tin của bạn chính là tổng hòa các suy nghĩ của bạn về bản thân. Người thành công không bao giờ để sự đó kị hay máu tranh đua ảnh hưởng đến tinh thần của họ. Nói đơn giản là, đối với những vận động viên tốt nhất, ý nghĩ đầu tiên khi thấy ai đó làm tốt hơn họ là “Tôi học được gì từ đây?”. Trái lại, đối với hầu hết những người khác, thứ đầu tiên họ nghĩ đến là “Tôi không được như vậy.”

Tại Rio năm nay, vận động viên bơi lội đến từ Nam Phi Chad le Clos đã hiện thân cho nhóm những người thất bại như thế khi anh để mất sự tập trung của mình để ngó sang xem Michael Phelps đang thi đấu ra sao, trong khi đó Phelps chỉ tập trung vào đường đua của mình và giành được chiến thắng chung cuộc.

Việc so sánh bản thân bạn với thành công của người khác sẽ trở thành vật cản chính bạn trên con đường thành công – cho dù bạn có phải là một vận động viên hay không.

Fader chia sẻ: “So sánh chỉ tốt khi nó giúp bạn gia tăng động lực cho bản thân. Tuy việc phải giữ được vị thế cạnh tranh là rất quan trọng đối với các vận động viên nhưng chìa khóa ở đây là hãy cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của mình chứ đừng chỉ cố vượt hơn người khác."

Luyện tập, luyện tập và luyện tập

Fader cho rằng "những người thành công luôn nhìn nhận khó khăn như một sự thử thách chứ không phải một mối đe dọa." Đối với một số người, việc nhìn người khác xuất sắc hơn mình khiến họ trỗi dậy một cảm giác tự ti về bản thân. Đây không phải tâm thế của các vận động viên hay những người thành đạt, những người coi thành công của người khác là động lực để chính họ phải cố gắng.

Không phải ai cũng tự dưng có được tâm thế này, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học và luyện tập để trở nên như vậy. Fader gợi ý một phương pháp là hãy tập trung vào những việc ngay trong tay mình, hãy khoan nghĩ về bức tranh toàn cảnh một chút. Cứ nhìn vào thành công lớn của ai đó rồi cố gắng đạt được thứ gì đó ngang hàng sẽ nhanh chóng khiến bạn cảm thấy tê liệt. Hãy cân nhắc điều này: Thành công lớn thực chất là tổng hòa của những nhiệm vụ nhỏ được hoàn thành xuất sắc. Hãy coi mỗi nhiệm vụ này là một thử thách cho bản thân rồi làm hết sức với nó.

Một điều các vận động viên thường làm mà những người khác hiếm khi làm đủ đó là ráp nối tất cả những nỗ lực của họ vào một màn thi đấu duy nhất. Họ mường tượng ra nó, đặt mục tiêu và chiến lược cho nó, để rồi khi giây phút thi đấu trọng đại đến, họ không còn phải nghĩ nhiều về nó nữa – đơn giản là làm thôi.

Nói cách khác, thay vì chờ đợi cảm hứng đến để làm việc gì đó, bạn hãy cứ bắt tay vào thực hiện luôn đi đã. Phương châm ở đây, theo Fader, là “hành động trước, cảm hứng sau.” Hãy cứ tập trung vào công việc của mình, nỗ lực làm tốt nhất có thể, rồi động lực sẽ đến – cũng như khi bạn chẳng muốn đến dự một bữa tiệc, nhưng cuối cùng cứ đến và rồi bạn lại chẳng muốn rời nó nữa.

Hãy tận hưởng những gì bạn đang làm

Fader cho rằng nhiều người trong chúng ta đang thực sự quên mất cách tận hưởng những gì chúng ta đang làm. Thế nhưng một cách để giữ bản thân không bị nản lòng là hãy coi sự tận hưởng như một kỹ năng có thể luyện tập được.

Điều này có nghĩa là bạn hãy nhắc nhở bản thân hãy tận hưởng những gì bạn đang làm – rằng bạn làm là bởi bạn thực sự thấy vui với nó chứ không phải làm vì chẳng còn con đường nào khác.

Không phải ai cũng có may mắn được làm công việc mình yêu thích, nhưng kể cả có vậy thì bạn cũng vẫn có thể hành động như thể bạn yêu công việc đó bằng cách ngừng phàn nàn [với bản thân cũng như với những người khác] hay suy nghĩ tiêu cực vì nó. Làm được điều này, ít nhất bạn cũng sẽ bớt ghét nó hơn. “Hãy hành động với tâm thế bạn muốn trở thành, và rồi cảm giác dễ chịu đó sẽ đến.”

Nói với bản thân

Bất cứ ai - ngay cả những vận động viên hàng đầu – cũng dễ rơi vào cảm giác nản chí trước thất bại hay việc bị đem ra so sánh. Theo Fader, các vận động viên thường dùng 3 phương pháp nói với bản thân này để đối mặt với những cảm giác tồi tệ:

- Tìm ra những điểm tiêu cực về mình [không cần dựa trên bằng chứng gì hết] rồi thay thế bằng những nhận định tích cực. Chẳng hạn như việc thay thế suy nghĩ “Cô ta làm tốt hơn tôi” bằng “Tôi mới là tốt nhất. Phần thuyết trình của tôi thực sự rất tuyệt.”

- Tạm thời quên đi những thành công dài hạn để tập trung vào những việc trước mắt. Đây là một cách hiệu quả để gạt bỏ đi những suy nghĩ khiến bạn mất tập trung. Cuối cùng thì chính những tác vụ nhỏ được hoàn thành tốt mới quyết định thành công của bạn, phải không?

- Nhắc đi nhắc lại những khẩu hiệu ngắn với bản thân về lý do tại sao họ lại chọn con đường này, chẳng hạn như mang về niềm tự hào về cho đất nước, cho gia đình, trở thành cảm hứng cho thế hệ sau,… - thường lý do này sẽ sâu sắc hơn nhiều việc đơn thuần chỉ là đánh bại ai đó ở những cuộc thi.

Chiến thắng thực sự

Nghiên cứu chỉ ra rằng những hành động được thực hiện chỉ vì những thành quả vật chất hiện hữu thường sẽ sớm trở nên kém hấp dẫn. Điều này cũng không hoàn toàn có nghĩa là việc giành chiến thắng chẳng mang lại cho bạn chút giá trị tinh thần nào mà quan trọng là cách bạn định nghĩa cuộc đấu đó ra sao. Nếu huy chương vàng Olympic là thứ bạn có thể đạt được thì đây sẽ là mục tiêu của bạn. Nếu không phải thì đó là những thứ khác – chẳng hạn như trải nghiệm. Đối với đội tuyển lặn Philippine, nguyên việc có mặt tại Olympic đã là một thứ đáng thưởng thức như chính việc giành chiến thắng rồi.

Hãy nghĩ đơn giản thế này: Ngay khi bạn đang ghen tị với thành công của ai đó, rất có thể một ai đó khác cũng đang nhìn bạn với con mắt đầy ngưỡng mộ. Cuối cùng thì những vận động viên tốt nhất là những người luôn thèm khát đánh bại chính họ chứ không phải là họ so với những người khác.

Chủ Đề