Chỉ thị về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở

Lập Thạch nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở

Thực hiện Kết luận số 120-KL/TW, ngày 7/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở [Kết luận 120-KL/TW], trong những năm qua, huyện Lập Thạch đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện gắn với nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và đạt được kết quả quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân với phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, đưa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vào chương trình công tác của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Hằng năm, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện ban hành Chương trình công tác, hướng dẫn tiêu chí đánh giá hoạt động; xây dựng kế hoạch và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ theo định kỳ. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo ban hành các văn bản cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, Chương trình hành động; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc phân công lãnh đạo các cơ quan nhà nước phụ trách công tác dân vận theo tinh thần Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 11/7/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các cơ quan Nhà nước và chính quyền các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở đã chủ động phối hợp tuyên truyền, thực hiện tốt quy chế dân chủ, tham gia giám sát, phản biện xã hội một cách hiệu quả, thiết thực. Nội dung giám sát chú trọng vào những lĩnh vực mà Nhân dân đang quan tâm, đẩy mạnh giám sát theo chuyên đề; quy trình giám sát từng bước được đổi mới, đảm bảo công khai, dân chủ, đúng pháp luật. Hoạt động phản biện xã hội đã trở thành trọng tâm và có tác động thực tế, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Trong 05 năm, Mặt trận Tổ quốc huyện đã phối hợp với HĐND huyện, Viện kiểm sát nhân dân huyện, các đoàn thể tổ chức được 51 cuộc giám sát; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền với 206 ý kiến. MTTQ các cấp tổ chức 470 hội nghị tiếp xúc cử tri cho đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp với 177.200 cử tri tham gia, trong đó có 5.465 lượt ý kiến của cử tri kiến nghị, phản ánh đến cấp ủy và chính quyền các cấp.

Việc thực hiện Quy chế dân chủ trong các loại hình được quan tâm chú trọng. Quy chế dân chủ ở các xã, thị trấn đã đi vào nền nếp, hiệu quả, phát huy được quyền làm chủ của Nhân dân. 100% các xã, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc việc công khai, thông báo để nhân dân biết các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, về thu - chi ngân sách, các khoản đóng góp của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình phúc lợi, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, quản lý và sử dụng đất đai... Thực hiện tốt việc Nhân dân được bàn và quyết định trực tiếp, không áp đặt hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của Nhân dân như: Việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi công cộng; việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước của thôn, TDP; quỹ khuyến học, quỹ vệ sinh môi trường, quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ ngày vì người nghèo; bình xét các danh hiệu văn hóa, hộ nghèo, việc thí điểm dồn thửa, đổi ruộng Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc việc cải cách hành chính, thực hiện chế độ "Một cửa", "Một cửa liên thông"; 100% hồ sơ giải quyết đúng hạn. Công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo được quan tâm thực hiện ngay từ cơ sở đã góp phần giảm thiểu tình trạng đơn thư, khiếu kiện vượt cấp của công dân. Ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng các xã, thị trấn luôn được củng cố, kiện toàn, hoạt động đúng luật định với tổng số 356 thành viên. Công tác hòa giải tại cơ sở luôn được quan tâm, chú trọng thực hiện. Toàn huyện có 189 tổ hòa giải ở cơ sở, tỷ lệ hòa giải thành công các vụ việc đạt 82,4%.

Việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện nghiêm túc, đã tác động tích cực đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, thay đổi tác phong, lề lối, phương pháp làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Ban Thường vụ Huyện ủy Lập Thạch đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, có lộ trình về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, Đề án số 01, 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết số 22, 31, 37 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Đã giảm 03 đầu mối cấp huyện, giảm 25 thôn, tổ dân phố; giảm 10 trường học. Tăng cường kiêm nhiệm và nhất thể hóa một số chức danh, thí điểm một số mô hình mới: Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện; Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện; Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở 02 xã, thị trấn; Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND ở 9 xã; Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ dân phố ở 60/189 thôn, tổ dân phố; Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận ở 109/189 thôn, tổ dân phố. Giảm 130 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giảm 1.834 cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn, đạt 100,32% [trong đó cấp xã 327/327, cấp thôn 1.507/1.501 người]. Việc thực hiện Quy chế dân chủ tại nơi làm việc có nhiều chuyển biến tích cực đã góp phần tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, phát huy quyền làm chủ, khả năng sáng tạo của người lao động, đảm bảo ổn định việc làm, xây dựng mối quan hệ hài hòa, từng bước nâng cao thu nhập cho người lao động.

Thời gian tới, huyện Lập Thạch tiếp tục tăng cường, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở với phương châm Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân được bàn và tham gia các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Gắn việc thực hiện Quy chế dân chủ với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI và nghị quyết đại hội đảng các cấp; các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Tập trung thực hiện tốt công tác cải cách hành chính trong các cơ quan nhà nước các cấp; tiếp tục đổi mới tác phong, lề lối làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công khai, minh bạch, dân chủ trong việc giải quyết các nội dung có liên quan đến công dân. Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực hiện quy chế dân chủ gắn với các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, nhất là phong trào thi đua Hoa tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 -2025 và nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Thanh Ngân

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề