Chính sách can thiệp giá của Chính phủ nhằm bình ổn giá xăng dầu

[TBTCO] - Việc giảm mức thuế bảo vệ môi trường [BVMT] đối với xăng dầu có thể làm giảm nguồn thu ngân sách, nhưng nếu giữ được giá xăng dầu ổn định, hợp lý sẽ thúc đẩy được phát triển kinh tế, từ đó có được nguồn thu lớn hơn cho ngân sách nhà nước.

Nhân viên đổ xăng cho khách hàng tại cửa hàng dầu ở TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Gia Cư

Với đề xuất điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, dự kiến số thu thuế BVMT đối với các mặt hàng trên theo tính toán của Bộ Tài chính sẽ làm giảm thu ngân sách từ thuế BVMT khoảng 14.524 tỷ đồng/năm, làm giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng tương ứng khoảng 15.976 tỷ đồng/năm. Nếu áp dụng từ đầu tháng 4 đến hết năm 2022 như dự kiến, sẽ giảm thu ngân sách gần 12.000 tỷ đồng.

Có thể nói, nhìn vào bức tranh tổng thể, thuế BVMT là nguồn thu rất quan trọng để đảm bảo hoàn thành dự toán thu ngân sách. Năm 2022, Bộ Tài chính đưa ra mục tiêu thu nội địa tăng 6-8% so với năm 2021; thuế xuất nhập khẩu tăng bình quân khoảng 4-6%. Trong khi đó, năm 2022 dự báo dịch Covid-19 được kiểm soát khi vắc-xin được tiêm chủng rộng rãi, đạt được miễn dịch cộng đồng, nền kinh tế phục hồi trở lại, cùng với đó là khả năng phục hồi của các doanh nghiệp [DN], đặc biệt là các DN tư nhân, DN đầu tư trực tiếp nước ngoài là nguồn chính của thu nội địa.

Giá xăng dầu là yếu tố đầu vào, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Tổng cục Thống kê, chi phí từ xăng dầu chiếm 3,52% tổng chi phí sản xuất của toàn nền kinh tế, một số ngành có thể chiếm đến 30-40%. Giá xăng dầu tăng sẽ tác động đến chi phí vận tải và gián tiếp đẩy tất cả chi phí hàng hóa, dịch vụ tăng. Áp lực lên lạm phát sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân, tác động xấu đến tăng trưởng. Các ngành sản xuất sẽ bị ảnh hưởng rất lớn, từ nông nghiệp, đánh bắt nuôi trồng thủy, hải sản cho đến trồng trọt, cả ngành sản xuất chế biến, chế tạo. Một số ngành như vận tải ôtô, hàng không... sẽ chịu tác động lớn nhất, trong khi đây là những ngành vừa trải qua giai đoạn cực kỳ khó khăn, đang gắng gượng hồi phục.

Bên cạnh đó, giá cả đã rục rịch tăng theo giá xăng, tại các chợ dân sinh, giá rau xanh, hoa quả, thịt cá biến động nhẹ, do chi phí vận chuyển tăng. Các công ty xe công nghệ như Grab… cũng đã thông báo tăng giá để hỗ trợ tài xế kể từ khi giá xăng tăng. Xăng dầu chiếm đến 37% chi phí nên nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã tính đến các phương án tăng giá vận chuyển.

Giá xăng dầu tăng sẽ gây sức ép lên lạm phát, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân và mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Thực tế, Việt Nam xuất khẩu dầu thô, giá dầu tăng đã giúp tăng nguồn thu từ xuất khẩu và tăng ngân sách quốc gia. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước được Nhà nước can thiệp thông qua quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhưng khi quỹ cạn sẽ không còn phát huy tác dụng. Cần vận dụng linh hoạt các công cụ, chứ không riêng quỹ bình ổn. Giảm thuế sẽ làm thu ngân sách giảm, nhưng giảm thuế sẽ giúp chi phí nguyên liệu của nền kinh tế được kiểm soát, là cơ hội tăng GDP và kiểm soát lạm phát, cũng như hài hoà được lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Sử dụng tối đa các công cụ để bình ổn giá, đảm bảo nguồn thu

Giá xăng dầu trong nước đã tăng cao theo giá thế giới bởi nhiều nguyên nhân, khiến các loại dịch vụ hàng hóa cũng tăng, đời sống người dân vốn đã khó khăn do dịch bệnh lại càng khó khăn thêm vì giá cả hàng hóa tăng. Do đó, Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng can thiệp, bình ổn giá xăng dầu thông qua quỹ bình ổn, cắt giảm thuế phí để kéo giảm giá xăng dầu, hoặc không để giá xăng dầu trong nước tăng quá cao.

Để giảm bớt những cú sốc tăng giá, Chính phủ nên sử dụng tối đa công cụ quỹ bình ổn để điều tiết mức tăng.

Người dân mua xăng dầu dự trữ trước thời điểm lên giá. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó là giảm, điều chỉnh ngay các loại thuế như: thuế BVMT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất nhập khẩu... Trong thời điểm hiện nay, có thể cân nhắc giảm thuế một cách linh hoạt, linh động hơn để kìm giá trong nước, khi giá thế giới ổn định sẽ điều chỉnh trở lại.

Bên cạnh đó cần lưu ý thuế BVMT là công cụ điều tiết, bảo vệ môi trường, nếu lạm dụng để điều chỉnh giá cả mà quên hoàn toàn vai trò BVMT sẽ tác động, ảnh hưởng đến mục tiêu của sắc thuế này, xa rời tôn chỉ mục đích. Vì vậy, khi áp dụng cần vận hành linh hoạt, thống nhất, có mức giảm với liều lượng phù hợp ở từng thời điểm. Phải căn cứ vào tình hình điều kiện thực tế trên cơ sở Chính phủ có hệ thống thông tin đánh giá đầy đủ toàn diện.

Ngoài việc giảm thuế, để đảm bảo cân đối thu - chi ngân sách, cần tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên. Trong đó, dự toán chi thường xuyên năm 2022 từ nguồn ngân sách nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể sẽ phải thực hiện tiết kiệm tối thiểu 10% [ngoài chi lương, các khoản đóng góp theo lương theo quy định, các khoản chi cho con người] so với dự toán năm 2021.

Để tiết kiệm chi, các cơ quan cần hạn chế tối đa mua sắm xe ô tô công, trang thiết bị đắt tiền, thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định, tiết giảm các nhiệm vụ chi không thực sự cấp bách như: đoàn ra, đoàn vào, khánh tiết, hội thảo, hội nghị... tăng chi từ nguồn thu sự nghiệp công; dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển, cải cách tiền lương, thực hiện chuẩn nghèo, chi trợ cấp xã hội.

Nhà nước phải tính tới các yếu tố như giá cả lạm phát, làm sao để giá xăng dầu trong nước không quá cao, cũng như không quá cách biệt với giá thế giới, tránh những nguy cơ như buôn lậu sang thị trường nước ngoài. Tính toán và cân đối khả năng chịu đựng của ngân sách, vì khi giảm thuế có thể giảm nguồn thu, làm mất cân đối thu chi, các yếu tố tác động đến ổn định vĩ mô; đảm bảo nguồn thu đáp ứng nhiệm vụ chi và bảo vệ môi trường.

Gia Cư - Trần Thị Mơ [Ths. Giảng viên Trường ĐHTC- Maketing]

Cường Ngô   -   Thứ hai, 14/03/2022 11:12 [GMT+7]

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.2022.

Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu;

Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.

Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu.

Chính phủ đề nghị làm rõ vai trò và sự cần thiết của Quỹ bình ổn xăng dầu. Ảnh: Hải Nguyễn 

Trao đổi với Lao Động, một thương nhân phân phối xăng dầu [đề nghị giấu tên] cho biết, theo quy định, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu 300 đồng. Việc trích lập quỹ thế này đang khiến người tiêu dùng thiệt thòi. Bởi bản chất của quỹ này chính là một khoản thu trước của người dân và doanh nghiệp.

Việc quản lý quỹ được thực hiện tại các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, khi đó các doanh nghiệp đầu mối có thị phần lớn sẽ có quỹ rất lớn, những doanh nghiệp có thị phần thấp thì số dư quỹ thường nhỏ. 

Điều này sẽ dẫn đến việc khi thực hiện xả quỹ lớn - có thể dẫn đến các doanh nghiệp đầu mối có mức quỹ thấp sẽ âm quỹ và phải sử dụng tạm thời nguồn vốn kinh doanh của doanh nghiệp, hoặc vay ngân hàng thương mại để bù quỹ, làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Trường hợp giá xăng dầu ổn định trong nhiều năm, vai trò của quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.

"Xuất phát từ góc độ của người tiêu dùng, người tiêu dùng phải ứng tiền ra trước cho doanh nghiệp, rồi sau đó bù lại cho người tiêu dùng thì hỏi rằng có lợi ở đâu. 

Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào quỹ âm [tiền của doanh nghiệp] thì họ than vãn. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán", thương nhân này nói.

"Đối với những doanh nghiệp phân phối xăng dầu như chúng tôi không thể phán đoán được doanh nghiệp đầu mối sẽ sử dụng quỹ như thế nào, doanh nghiệp trung gian không dám mua.

Ví dụ hôm nay, chúng tôi mua vào, nhưng ngày mai doanh nghiệp đầu mối lại sử dụng quỹ thì chúng tôi chết", thương nhân này cho hay, đồng thời cho biết, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện nay chưa đảm bảo tính minh bạch, công khai, dẫn đến có sự phản ứng rất lớn của người dân trong công tác điều hành giá và thực hiện bình ổn giá xăng dầu. 

Video liên quan

Chủ Đề