Chuyên đề 10 xây dựng văn hóa nhà trường năm 2024

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI

KHOA QUẢN LÍ GIÁO DỤC

CHUYÊN ĐỀ

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

NHÀ TRƯỜNG

Giảng viên: Th.s Nguyễn Thị Minh Nguyệt

Hà Nội, 2014

Chuyên đề 1:

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA

NHÀ TRƯỜNG

1. Những vấn đề cơ bản của văn hóa nhà trường

1.1. Sơ lược các nghiên cứu về văn hóa nhà trường

Văn hóa nhà trường (VHNT) là một nội dung quan trọng của quản lí và lãnh đạo nhà trường. Đã có nhiều công trình nghiên cứu của các tác giả nước ngoài đi sâu vào vấn đề này. Xuất phát điểm để nghiên cứu VHNT đó là xã hội học văn hóa và văn hóa tổ chức.

Theo Jerald, C.(2006), từ những năm 1930, xã hội học đã công nhận vai trò quan trọng của VHNT nhưng phải đến những năm 1970, các nghiên cứu về giáo dục mới bắt đầu đưa ra những mối liên hệ trực tiếp giữa không khí nhà trường với kết quả giáo dục của nhà trường đó [34].

Lí thuyết cấu trúc – chức năng của Talcott Parsons trong xã hội học văn hóa đã nhìn nhận văn hóa như một chỉnh thể toàn vẹn, có tính độc lập tương đối và có mối quan hệ chặt chẽ với các bộ phận khác trong hệ thống xã hội. Theo ông, bất kì một hệ thống nào trong xã hội đều có những nét nổi bật chung và nhằm hoạt động thành công như một hệ thống, những điều kiện tiên quyết nhất định phải được thực hiện theo thứ tự tầm quan trọng tăng dần: Thích nghi – Đạt được mục tiêu – Thống nhất – Duy trì kiểu mẫu. Trong đó, điều kiện cuối cùng chính là các giá trị làm nên nền văn hóa của hệ thống xã hội. Chính hệ thống văn hóa giữ vai trò kiểm soát các phương diện khác (Dẫn theo Mai Thị Kim Thanh) [21].

Dưới góc độ văn hóa tổ chức, tác giả Schein, E.H đã nghiên cứu một cách chi tiết về văn hóa tổ chức, các cấp độ cũng như biểu hiện của văn hóa tổ chức, sự hình thành và phát triển của văn hóa trong các loại hình tổ chức khác nhau. Đồng thời, nhà nghiên cứu cũng phân tích cụ thể vai trò lãnh đạo trong xây dựng, thay đổi nhằm phát triển, cải thiện văn hóa của tổ chức. Những nghiên cứu này của ông được sử dụng như một cơ sở quan trọng cho việc nghiên cứu VHNT – một tổ chức với những đặc trưng riêng biệt [38].

Một tác giả khác cũng có nhiều đóng góp trong nghiên cứu văn hóa tổ chức là Geert Hofstede. Tác giả đưa ra các chiều đo văn hóa tổ chức, trên cơ sở đó phân tích sự khác nhau giữa văn hóa của các tổ chức, các quốc gia. Năm chiều đo kích thước văn hóa Geert Hofstede đưa ra bao gồm: khoảng cách quyền lực (Power distance ); chủ nghĩa cá nhân (Individulism); nam tính hay nữ tính (Masculinity); sự không chắc chắn (Uncertainty Avoidance); định hướng dài hạn (Long-teem Orientation). Những nghiên cứu của ông cho đến nay vẫn là vấn đề được quan tâm tranh luận, đồng thời có những nghiên cứu trực tuyến sử dụng năm chiều đo kích thước văn hóa để đánh giá văn hóa của các quốc gia trên toàn cầu [33].

Với tính chất của một tổ chức, VHNT được nghiên cứu bởi nhiều tác giả. D. Kent E. Peterson và Terrence Deal là những người có nghiên cứu quan trọng về VHNT. Hai tác giả đã chỉ ra những biểu hiện cụ thể của VHNT, sự hình thành của VHNT, phân tích các yếu tố của VHNT tích cực cũng như chỉ ra các biểu hiện cụ thể của VHNT độc hại. Để khắc phục những yếu tố độc hại còn tồn tại trong VHNT và nuôi dưỡng những yếu tố của VHNT tích cực đòi hỏi phải có vai trò lãnh đạo của người HT. Trong cuốn “Shaping school culture fieldbook”, D. Kent E. Peterson và Terrence Deal đã đưa ra các chỉ dẫn cụ thể để đánh giá VHNT và định hình lại VHNT theo hướng tích cực [29].

Craig Jerald (2006) khẳng định VHNT chính là “chương trình đào tạo ẩn”, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình học tập của HS trong nhà trường. Đồng thời tác giả cũng chỉ ra các biện pháp để làm cho VHNT trở nên tích cực và có sức mạnh [34].

Ahmadi đại học Islamic Azad đã nghiên cứu chứng minh mối quan hệ giữa VHNT và hiệu quả của nhà trường. Tác giả chứng minh mối tương quan giữa mười đặc điểm của VHNT và bốn tiêu chí của hiệu quả trường học [27].

Nghiên cứu của các tác giả Nadine Engelsa, Gwendoline Hottona, Geert Devosb, Dave Bouckenoogheb và Antonia Aelterman đã chỉ ra năm chiều đo kích thước của văn hóa nhà trường, bao gồm:

  1. Sự định hướng mục tiêu: mức độ tầm nhìn của nhà trường được xây dựng rõ ràng và được chia sẻ bởi các thành viên trong nhóm.
  1. Sự tham gia trong việc ra quyết định: mức độ mà các giáo viên tham gia trong việc ra quyết định trong nhà trường;
  1. Sự đổi mới: mức độ mà giáo viên có một thái độ cởi mở đối với thay đổi;
  1. Lãnh đạo: mức độ mà giáo viên nhận thức về hiệu trưởng như người tham gia hỗ trợ hoặc định hướng hành vi;
  1. Hợp tác giữa các giáo viên: mức độ của các mối quan hệ chính thức và không chính thức.

Tác giả khẳng định một lần nữa các nghiên cứu chứng minh mối quan hệ giữa VHNT và kết quả giáo dục, mối quan hệ chặt chẽ giữa vai trò của Hiệu trưởng với một nền VHNT hỗ trợ cho việc học tập của học sinh. Nghiên cứu cũng đưa ra những biến chính của VHNT và vai trò của người Hiệu trưởng qua đó tiến hành điều tra để chứng minh mối quan hệ chặt chẽ này [30].

Ngoài ra, các tác giả khác như Christopher R. Wagner, Peter Smith, Gerald C.Ubben, Larry W.Hugies, Cynthia J.Norris... cũng đã nghiên cứu cụ thể về ảnh hưởng của VHNT đến chất lượng giáo dục, đồng thời đưa ra một số công cụ để đánh giá thực trạng VHNT, qua đó làm cơ sở cho việc nuôi dưỡng vun trồng những giá trị văn hóa tích cực, cải thiện những yếu tố độc hại còn tồn tại trong VHNT.

VHNT từ lâu đã được nghiên cứu ở nước ta nhưng là nghiên cứu ở một số khía cạnh, biểu hiện cụ thể đơn lẻ như văn hóa học đường, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp… trong nhà trường.

VHNT với tính trọn vẹn như văn hóa của một tổ chức chỉ được đề cập đến trong các nghiên cứu gần đây về quản lí, quản lí giáo dục, quản lí nhà trường. Tác giả Trần Kiểm nghiên cứu theo hướng áp dụng các vấn đề cơ bản của văn hóa tổ chức vào giáo dục và quản lí giáo dục. Tác giả chỉ ra bộ ba cấu thành nên văn hóa tổ chức đó là nhận thức – hành vi – thái độ và được xem xét trong mối quan hệ với các yếu tổ bên trong và với môi trường bên ngoài của tổ chức [11].

Tác giả Nguyễn Thị Mỹ Lộc trong tài liệu về quản lí VHNT của mình đã hệ thống lại các vấn đề cơ bản của văn hóa tổ chức cũng như VHNT, từ đó đưa ra những gợi ý và những hướng vận dụng trong xây dựng VHNT đối với các nhà trường ở Việt Nam [16].

Phạm Công Huân trong bài “Văn hóa tổ chức – Hình thái cốt lõi của VHNT” cũng tiếp tục khẳng định, VHNT là văn hóa của một tổ chức. Tác giả phân tích 7 biểu hiện trong hình thái và cấp độ biểu hiện của VHNT đồng thời đưa ra 5 lí do để khẳng định tầm quan trọng của VHNT đối với chất lượng giáo dục: văn hóa là tài sản lớn của bất kì một tổ chức nào, VHNT tạo động lực làm việc, VHNT hỗ trợ điều phối và kiểm soát, VHNT hạn chế tiêu cực và xung đột, văn hóa nâng cao chất lượng các hoạt động trong nhà trường [8].

Tóm lại, các nghiên cứu nói trên nhìn chung tập trung vào hai hướng cơ bản: thứ nhất, các vấn đề lí thuyết của VHNT (sự hình thành và phát triển của VHNT, cấu trúc, các cấp độ và biểu hiện của VHNT, vai trò của VHNT, vai trò của HT trong xây dựng VHNT...), thứ hai, nghiên cứu và xây dựng các công cụ, đưa ra các hướng dẫn để vận dụng vào thực tiễn nhằm đánh giá VHNT, định hình VHNT theo hướng tích cực; thực hiện những nghiên cứu cụ thể về đánh giá VHNT hay xây dựng các giá trị của trường học văn hóa như những gợi ý hay hướng dẫn để các nhà trường có thể áp dụng vào điều kiện thực tế của trường mình.

1.2. Khái niệm văn hóa nhà trường

1.2.1. Văn hóa

Đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về văn hóa (có khoảng hơn 400 định nghĩa khác nhau). Khái niệm văn hóa được lí giải theo hai nguồn gốc phương Đông và phương Tây. Trong tiếng Hán, “văn” nghĩa là đẹp, “hóa” nghĩa là thay đổi, biến đổi, từ đó “văn hóa” được hiểu là làm cho đẹp đẽ. Về sau, “văn hóa” được hiểu là dùng Thi, Thư, Lễ, Nhạc… để giáo hóa dân chúng, đối lập với dùng uy quyền, vũ lực, áp chế. Với phương Tây, văn hóa có nguồn gốc từ một từ tiếng La Tinh là Cultura, tiếng Pháp là Culture, tiếng Anh là Culture, tiếng Đức là Kultur. Cultura gốc Cultus nghĩa khởi nguyên là canh tác, vun trồng, vốn là một thuật ngữ trong lĩnh vực nông nghiệp, trồng trọt. Một hạt giống nếu được vun trồng, chăm sóc cẩn thận đúng cách sẽ lớn nhanh, ra hoa kết trái, phục vụ lợi ích con người. Ngược lại nếu không được chăm sóc sẽ lụi tàn, cằn cỗi, hoang dại. Sau đó người ta thấy sự chăm sóc này cũng cần thiết đối với quá trình trưởng thành của một con người. Do đó, cultura mang theo nét nghĩa mở rộng “giáo dục, rèn luyện để bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho con người” [22].

Theo định nghĩa của UNESCO, “Văn hóa là một bộ phận không thể tách rời của cuộc sống và nhận thức – một cách hữu thức cũng như vô thức – của các cá nhân và các cộng đồng. Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỉ, các hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên một hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu – những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc…” (Dẫn theo Trần Ngọc Thêm) [22].

Ở Việt Nam, định nghĩa của Trần Ngọc Thêm về văn hóa được coi là khá đầy đủ và toàn diện: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội” [22].

1.2.2. Văn hóa tổ chức

Nhà trường là một tổ chức với những đặc trưng riêng gắn với chức năng, nhiệm vụ của mình. VHNT vì vậy có mối quan hệ chặt chẽ với văn hóa tổ chức. Định nghĩa văn hóa tổ chức được đưa ra bởi nhiều nhà nghiên cứu. Theo Shwartz và Davis, “văn hóa tổ chức là lối tư duy và lối làm việc đã thành thói quen và truyền thống, nó được chia sẻ ở mức độ nhiều hay ít giữa các tất cả các thành viên; những điều đó các thành viên mới phải học và ít nhất phải chấp nhận một phần để hòa đồng với các thành viên và tổ chức” (Dẫn theo Nguyễn Thu Linh, Hà Hoa Lý)[15]. Văn hóa tổ chức được hình thành khi các thành viên trong nhóm “học được cách thức giải quyết những vấn đề của thích ứng với môi trường bên ngoài và hội nhập bên trong – những giả định cơ bản đã vận hành tốt và được xem là có giá trị và vì vậy được dạy cho những thành viên mới như những cách thức đúng để nhận thức, suy nghĩ và cảm giác trong khi xem xét các vấn đề”( Edgar H. Schein) [38]. Mỗi tổ chức trong cùng một lĩnh vực bao giờ cũng có “một phẩm chất thuộc cái riêng biệt về tổ chức – nó thể hiện mình có những phẩm chất khác thường, nó làm cho khác với những tổ chức khác” (Gold) (Dẫn theo Nguyễn Thu Linh, Hà Hoa Lý)[15].

Như vậy, văn hóa tổ chức chính là những giá trị được tích lũy trong quá trình hình thành và phát triển của tổ chức, là những cách thức đúng định hướng cho các thành viên trong tổ chức nhận thức, suy nghĩ, hành động. Văn hóa tổ chức tạo nên nét riêng biệt của tổ chức đó so với các tổ chức khác.

1.2.3. Văn hóa nhà trường

Văn hoá nhà trường có đầy đủ đặc tính của văn hoá tổ chức song nó có những đặc trưng riêng. Theo Christopher R. Wagner, “VHNT là sự chia sẻ những kinh nghiệm cả trong và ngoài nhà trường (truyền thống và lễ kỉ niệm), tạo nên những cảm xúc về cộng đồng, gia đình và thành viên của một nhóm” [39]. Kent D. Peterson and Terrence E. Deal định nghĩa “VHNT là một dòng chảy ngầm của những chuẩn mực, giá trị, niềm tin, truyền thống và nghi lễ được hình thành theo thời gian do con người làm việc cùng nhau, giải quyết các vấn đề và đối mặt với các thách thức… định hình suy nghĩ, cảm xúc và hành động của con người trong nhà trường… tạo cho nhà trường sự khác biệt”[29]. Hai tác giả này nhấn mạnh: “trường học cũng là một nền văn hóa có cá tính độc đáo của riêng mình”. Định nghĩa của Joan Richardson nhấn mạnh vào sự hình thành của VHNT: “VHNT là sự tích lũy các giá trị và chuẩn mực của nhiều người. Đó là sự đồng thuận về những gì quan trọng. Đó là những kì vọng của tập thể chứ không phải những kì vọng của một cá nhân”[37]. Các tác giả Urben G.C., Hugies L.W., Noris C.J. đưa ra định nghĩa về văn hóa nhà trường gắn liền với chất lượng giáo dục: “Một nhà trường tốt có chuẩn chất lượng cao, có kì vọng cao đối với học sinh, có môi trường giảng dạy và học tập tốt, hay nói cách khác là có văn hóa nhà trường tốt” (Dẫn theo Nguyễn Thị Mĩ Lộc)[16].

Từ những định nghĩa trên có thể rút ra những vấn đề cơ bản trong định nghĩa VHNT đó là:

· VHNT là một tập hợp các chuẩn mực, các giá trị, niềm tin và hành vi ứng xử...

· VHNT là những nét đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự khác biệt của nhà trường với các tổ chức khác và sự khác biệt giữa trường này với trường khác.

· VHNT liên quan đến toàn bộ đời sống vật chất, tinh thần của một nhà trường.

· VHNT là những giá trị tốt đẹp được hình thành bởi một tập thể và được mỗi cá nhân trong nhà trường chấp nhận.

· VHNT tốt hướng tới chuẩn chất lượng cao.

1.3. Sự hình thành và phát triển của văn hóa nhà trường

Theo Schein E.H, văn hóa tổ chức hình thành theo hai cách: với nhóm không chính thức là sự tương tác của các thành viên dẫn đến sự hình thành các chuẩn mực và các kiểu cách ứng xử tạo thành văn hóa của nhóm người đó. Với nhóm chính thức thì do một người khởi xướng và hình thành các quy định, các chuẩn mực ứng xử trong tổ chức. Người này được gọi là người sáng nghiệp [38].

VHNT được khẳng định: không phải có ngay từ đầu mà là những giá trị được tích lũy theo thời gian, qua quá trình hoạt động và tương tác lẫn nhau giữa các thành viên trong nhà trường. Vì vậy, VHNT hoàn toàn có thể thay đổi và được điều chỉnh, tăng cường các yếu tố tích cực, loại bỏ những yếu tố tiêu cực để phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục trong nhà trường [38].

Có nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để nói về sự phát triển VHNT: định hình (shaping), nuôi dưỡng (nurturing), cải thiện (improving)… Vấn đề mấu chốt trong phát triển VHNT là loại bỏ, hạn chế những yếu tố tiêu cực, vun trồng, nuôi dưỡng những yếu tố tích cực. Vấn đề bản chất chính là sự kế thừa và phát triển trong văn hóa. Quá trình phát triển VHNT diễn ra liên tục trong suốt quá trình phát triển nhà trường đó. Việc lựa chọn các giá trị, các yếu tố tích cực phụ thuộc vào những mục đích cụ thể mà nhà trường hướng đến.

Theo Kent D. Peterson và Terrence E. Deal, “lãnh đạo nhà trường từ mọi cấp độ là chìa khóa để hình thành văn hóa trường học” [29]. Hiệu trưởng giao tiếp giá trị cốt lõi trong công việc hàng ngày của họ. Giáo viên củng cố các giá trị trong hành động và lời nói của họ.Phụ huynh củng cố tinh thần khi họ tới thăm trường học, tham gia quản trị, và kỉ niệm thành công. Trong các trường mạnh nhất, sự lãnh đạo đến từ nhiều đối tượng. Nói cách khác, để xây dựng VHNT đòi hỏi sự tham gia của tất cả các thành viên trong nhà trường: Hiệu trưởng, giáo viên, học sinh và cả sự ảnh hưởng từ bên ngoài nhà trường – phụ huynh học sinh.

Trong các đối tượng lãnh đạo VHNT nói trên, ảnh hưởng lớn nhất thuộc về người Hiệu trưởng. Người Hiệu trưởng thông qua các hoạt động cụ thể của mình quyết định đến sự phát triển và định hình cho diện mạo VHNT. Vai trò của người Hiệu trưởng trong việc xây dựng VHNT sẽ được đề cập cụ thể hơn ở phần sau.

1.4. Cấu trúc và biểu hiện của văn hóa nhà trường

1.4.1. Cấu trúc của văn hóa nhà trường

Hầu hết các nhà nghiên cứu khi bàn về cấu trúc VHNT đều nhất trí với một trong hai mô hình cấu trúc sau đây:

· Mô hình thứ nhất - Mô hình tảng băng (hai tầng bậc): Mô hình này được đưa ra bởi Frank Gonzales (1978). Theo ông, văn hóa tổ chức giống như một tảng băng, có văn hóa biểu hiện ở bề mặt và văn hóa ở chiều sâu. Trong đó, bề mặt văn hóa là những thành tố dễ nhìn thấy, dễ quan sát được và dễ thay đổi. Bề sâu của văn hóa là các giá trị, niềm tin và các ý nghĩ của con người mà chúng ta khó quan sát được hoặc khó thay đổi [32].

Đây là mô hình nhiều nhà nghiên cứu của Việt Nam sử dụng khi bàn về cấu trúc của VHNT. Theo mô hình này, VHNT giống như tảng băng, bao gồm phần nổi và phần chìm:

HiHình 1.2: Các tầng bậc của VHNT

· Mô hình thứ hai - Mô hình cấu trúc 3 tầng bậc:

Đây là mô hình của văn hóa tổ chức mà Edgar H. Schein đưa ra và được áp dụng vào VHNT. Theo mô hình này, VHNT bao gồm 3 tầng bậc:

- Tầng thứ nhất: Những yếu tố hữu hình – có thể quan sát được;

- Tầng thứ hai: Những giá trị được thể hiện, bao gồm niềm tin, thái độ, cách ứng xử;

- Tầng thứ ba: Những giả thiết cơ bản – bao gồm những yếu tố liên quan đến môi trường xung quanh, thực tế của tổ chức, đến hoạt động và mối quan hệ giữa con người trong tổ chức. [38]

Trong hai mô hình này, mô hình 3 cấp độ của VHNT phản ánh chặt chẽ và đầy đủ hơn về cấu trúc của VHNT. Trong đó, đặc biệt cần nhấn mạnh ở đây là những giả thiết cơ bản – tầng thứ ba trong cấu trúc văn hóa. Theo Edgar H. Schein, tầng giả định cơ bản bề sâu chính là những giả thiết ban đầu, được hỗ trợ bởi một linh cảm hay một giá trị nào đó, được sử dụng liên tục khi giải quyết một vấn đề, dần dần trở thành hiện thực. Tầng giả thiết cơ bản bề sâu này sẽ quyết định đến cách giải quyết, nhìn nhận, xem xét mọi vấn đề của tổ chức, nó chi phối việc lựa chọn phương án nào, giá trị nào. Ví dụ: nếu giả định là các thành viên có người tích cực, có người lười biếng, biện pháp tổ chức sử dụng là giám sát chặt chẽ việc chấp hành giờ giấc làm việc của mỗi cá nhân. Ngược lại, nếu giả định là tất cả các thành viên đều năng động và có trách nhiệm, tổ chức sẽ khuyến khích mọi người làm việc theo cách riêng và theo tốc độ riêng của mỗi người. Tầng giả định cơ bản này có mối quan hệ chặt chẽ, chi phối đến hai tầng còn lại là những yếu tố hữu hình và những giá trị được thể hiện.

Tuy nhiên để có thể xác định được tầng giả định trong cấu trúc VHNT đòi hỏi phải có thời gian dài tìm hiểu, thâm nhập vào thực tế nhà trường.

1.4.2. Biểu hiện của văn hóa nhà trường

Do VHNT là tập hợp tất cả những yếu tố làm nên đặc trưng riêng biệt của nhà trường này so với nhà trường khác và so với các tổ chức khác cho nên các biểu hiện của VHNT đặc biệt phong phú. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về VHNT, các biểu hiện cụ thể thường được đề cập đến đó là:

· Sứ mạng, tầm nhìn của nhà trường

· Các chuẩn mực, giá trị, niềm tin trong nhà trường

· Các truyền thống, nghi thức, nghi lễ của nhà trường

· Lịch sử và những câu chuyện được lưu truyền của nhà trường

· Con người và các mối quan hệ trong nhà trường

· Kiến trúc, hiện vật và các biểu tượng của nhà trường

(Kent D. Peterson và Terrence E. Deal) [29]

Tổng hợp nghiên cứu của các tác giả Peterson K.D., Deal T.E., Gonzales F., Jerald C., Richardson J. về các biểu hiện của VHNT, có thể thấy VHNT được biểu hiện cụ thể thành hai tầng bậc (các yếu tố bề nổi và các yếu tố bề sâu) như sau:

* Các yếu tố bề nổi của VHNT – là những yếu tố có thể quan sát được, bao gồm:

- Các yếu tố ngoại cảnh của nhà trường, như: tranh ảnh, khẩu hiệu, cây cảnh, cây xanh, nơi trưng bày sản phẩm của học sinh, phòng truyền thống, phòng sinh hoạt tập thể của giáo viên, phòng sinh hoạt tập thể của học sinh…

- Sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường.

- Logo, phù hiệu, biểu trưng, bài hát truyền thống của nhà trường.

- Các nghi lễ, nghi thức truyền thống của nhà trường.

- Không khí lớp học.

- Kỉ luật, nề nếp của nhà trường.

- Hoạt động của giáo viên trong nhà trường.

- Hoạt động tập thể của giáo viên, học sinh nhà trường.

- Những giao tiếp không chính thức giữa các nhóm người trong nhà trường.

- Thái độ, hành động liên quan đến quyền lợi cá nhân của cán bộ giáo viên.

- Thái độ, hành động liên quan đến trách nhiệm của cán bộ, giáo viên.

* Các yếu tố bề sâu của VHNT – là những yếu tố không trực tiếp quan sát được mà phải trực tiếp trải nghiệm ở trong nhà trường. Các yếu tố bề sâu của VHNT bao gồm:

- Mong muốn cá nhân của các thành viên nhà trường.

- Nhu cầu cá nhân của các thành viên trong nhà trường.

- Cảm xúc các thành viên khi đến trường.

- Sự phân bổ quyền lực trong nhà trường.

- Các giá trị được coi trọng của nhà trường: sự sáng tạo đổi mới, sự hợp tác…

- Các giá trị trong mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường: sự chân thật, sự cởi mở, sự tôn trọng, tin tưởng…

1.5. Vai trò của văn hóa nhà trường

1.5.1. Tầm quan trọng của văn hóa nhà trường

VHNT có ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động diễn ra trong nhà trường đó. Theo Deal và Peterson [29], văn hóa ảnh hưởng và định hình đến cách mà giáo viên, học sinh, cán bộ quản lí suy nghĩ, cảm nhận và hành động. Văn hóa là một mạng lưới mạnh mẽ của nghi lễ và truyền thống, chuẩn mực và giá trị có ảnh hưởng đến tất cả mọi góc cạnh của đời sống nhà trường. VHNT quyết định đến việc các thành viên trong nhà trường tập trung chú ý vào cái gì, họ cam kết như thế nào với nhà trường, họ nỗ lực làm việc đến đâu và mức độ họ đạt được mục tiêu đề ra. Cụ thể, VHNT định hướng sự tập trung của các thành viên nhà trường vào hành vi hàng ngày và tăng cường sự chú ý vào những gì quan trọng và có giá trị. Nếu các giá trị và chuẩn mực cơ bản củng cố cho việc học tập, nhà trường sẽ tập trung vào hoạt động học tập trong nhà trường. VHNT giúp xác định và xây dựng cam kết của nhà trường đối với các giá trị cốt lõi. Nếu những nghi lễ, truyền thống, lễ kỉ niệm tạo ra tình cảm cộng đồng, nhân viên, HS và cộng đồng đó sẽ xác định với nhà trường và cam kết với những giá trị cốt lõi và các mối quan hệ ở đây. Đồng thời, VHNT tích cực làm tăng động lực làm việc. Khi nhà trường công nhận những thành quả, giá trị của những nỗ lực và cổ vũ cho những cam kết, cán bộ nhân viên cảm thấy có thêm động lực để làm việc chăm chỉ, cải tiến và ủng hộ sự thay đổi. Nếu một nhà trường có bối cảnh không rõ ràng về mục đích, thiếu một tầm nhìn có khả năng truyền cảm hứng tới mọi người, ít các buổi lễ mừng thành quả, nhân viên sẽ biểu hiện thiếu năng lượng trong suốt quá trình làm việc. Ngoài ra, VHNT tích cực góp phần quan trọng cải thiện hiệu quả và năng suất làm việc trong nhà trường. Giáo viên và học sinh thành công hơn trong một môi trường văn hóa mà ở đó nuôi dưỡng sự nỗ lực làm việc, cam kết với những giá trị đến cuối cùng, chú ý giải quyết các vấn đề và tập trung vào việc học tập của tất cả học sinh.

Craig Jerald [34] cũng cho rằng, một VHNT tích cực có thể nhận ra ngay lập tức khi ta bước chân vào ngôi trường đó. Biểu hiện của nó là một bầu không khí yên ổn, trật tự, kỉ luật, thúc đẩy các hoạt động trong nhà trường bằng một cảm giác thú vị, sống động về những mục đích mà nhà trường hướng tới. Trong môi trường đó, học sinh cảm thấy tự tin và đĩnh đạc, giáo viên nói về công việc của họ với cường độ và tính chuyên nghiệp. Giáo viên, học sinh đều cảm thấy hạnh phúc, tự tin hơn là áp lực và căng thẳng. Tất cả mọi người đều biết rõ họ là ai và tại sao họ ở đây. Giáo viên – học sinh đối xử với nhau bằng sự tôn trọng như những đối tác. Theo Craig Jerald, để VHNT phục vụ hiệu quả cho kết quả giáo dục, cần phải làm cho nó trở nên tích cực thông qua tầm nhìn và giá trị của nhà trường, đồng thời phải làm cho nó trở nên mạnh mẽ thông qua tất cả các mối liên kết trong nhà trường.

Văn hóa có tác động rất lớn đến chất lượng giáo dục trong nhà trường thông qua những ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến người dạy và người học. Mặt khác, văn hóa nhà trưởng có ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục còn bởi bản thân VHNT cũng là một phần của chương trình đào tạo trong nhà trường. Khái niệm chương trình đào tạo được sử dụng ở đây là chương trình đào tạo ẩn (Craig Jerald). Chương trình đào tạo ẩn được giảng dạy thông qua nhà trường, chứ không phải thông qua bất cứ một giáo viên nào. Nó là những gì thâm nhập vào người học, nhưng có thể là những gì không bao giờ được giảng dạy trên lớp. Theo đó, chương trình đào tạo ẩn được tạo nên bởi sự kết hợp, phối hợp của tất cả các lực lượng trong và ngoài nhà trường. Nó bao gồm tất cả các yếu tố ảnh hưởng tới các phong trào, hoạt động của người dạy, người học trong nhà trường. Trên thực tế, chương trình đào tạo ẩn được thể hiện qua các dấu hiệu như: cảnh quan nhà trường, mối quan hệ thầy trò, bè bạn, các tổ chức đoàn thể, các phong trào, hoạt động... và cả những băng rôn, khẩu hiệu trong nhà trường. Giữa chương trình đào tạo ẩn và VHNT có sự liên quan chặt chẽ. Như vậy một nền VHNT tốt cũng chính là một phần của chương trình đào tạo tốt, có ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Hầu hết các nhà nghiên cứu đều thừa nhận sự ảnh hưởng của VHNT đến chất lượng giáo dục khi so sánh hai môi trường VHNT: môi trường VHNT tích cực và môi trường VHNT độc hại. Một môi trường văn hóa tích cực sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường. Ngược lại, môi trường VHNT có những yếu tố độc hại sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục trong nhà trường.

Theo Kent D. Peterson và Terrence E. Deal [29], VHNT tích cực được biểu hiện qua các tiêu chí cơ bản đó là: sứ mệnh của nhà trường tập trung vào việc học tập của giáo viên và học sinh; nhà trường tạo nên cảm giác về sự giàu có của lịch sử; các giá trị nòng cốt thể hiện sự chia sẻ quyền lực, quyền hạn; nhà trường có hiệu quả công việc cao và cải tiến thường xuyên tạo nên chất lượng, thành tích; tin tưởng vào tiềm năng của học sinh và giáo viên để khuyến khích họ học hỏi và phát triển; đội ngũ giáo viên mạnh về chuyên môn để sử dụng hiểu biết, kinh nghiệm và các nghiên cứu để cải thiện việc thực hành thông qua sự chia sẻ và tin tưởng lẫn nhau; cán bộ giáo viên cùng chia sẻ trách nhiệm về kết quả của học sinh; nhà trường có mạng lưới văn hóa giúp nuôi dưỡng dòng chảy của những thông tin tích cực; vai trò lãnh đạo của cán bộ, giáo viên được phát huy và liên tục cải thiện. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên có các nghi thức, nghi lễ giúp củng cố thêm cho các giá trị văn hóa cốt lõi; có những câu chuyện kỉ niệm sự thành công và ghi nhận các “anh hùng” có đóng góp to lớn cho nhà trường, có môi trường vật lí thể hiện cho niềm vui, sự tự hào. Các thành viên trong một nền VHNT tích cực luôn có ý thức chung về sự kết nỗi giữa các cá nhân, ý thức được chia sẻ rộng rãi về sự tôn trọng và chăm sóc cho mọi người.

Môi trường văn hóa ảnh hưởng xấu đến chất lượng giáo dục khi chứa đựng các yếu tố tiêu cực. Đó có thể là sự thiếu chia sẻ mục đích và tầm nhìn không thống nhất do dựa trên lợi ích cá nhân; cán bộ giáo viên không tìm thấy ý nghĩa trong công việc, có suy nghĩ tiêu cực hoặc không có tình cảm với học sinh; quan niệm về quá khứ của nhà trường như một câu chuyện của sự thất bại và thua cuộc; chủ nghĩa cá nhân cực đoan ảnh hưởng lớn; nhà trường chấp nhận những hạn chế tồn tại và tránh sự đổi mới. VHNT tiêu cực còn biểu hiện ở sự hạn chế của ý thức cộng đồng, tồn tại nhiều suy nghĩ không tốt về đồng nghiệp và sinh viên; nhà trường có ít truyền thống hoặc các nghi lễ tích cực giúp phát triển ý thức cộng đồng; mạng lưới văn hóa tạo điều kiện cho sự lan truyền của những thông tin tiêu cực, sai lệch; vai trò lãnh đạo của Hiệu trưởng trong nhà trường không được phát huy cũng như những hình mẫu có ảnh hưởng xấu phát triển mạnh trong nhà trường. Ngoài ra, sự phân tán và mâu thuẫn trong các mối quan hệ của cán bộ, giáo viên nhà trường; sự xuất hiện thường xuyên của những nghi ngờ và thù hằn cá nhân; cảm xúc thất vọng, chán nản xuất hiện trong cán bộ giáo viên cũng là những biểu hiện của VHNT tiêu cực.

VHNT ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục bởi nó ảnh hưởng đến tất cả các hoạt động trong nhà trường. Tuy nhiên, để nghiên cứu những ảnh hưởng của VHNT đến chất lượng giáo dục có thể chỉ thông qua một số tác động cụ thể của VHNT đến học sinh, đến giáo viên và đến các mối quan hệ của học sinh, cán bộ, giáo viên trong nhà trường. Theo tác giả Nguyễn Thị Mĩ Lộc [13], tác động của VHNT thể hiện cụ thể qua những ảnh hưởng đến GV, đến HS và đến mối quan hệ giữa GV – HS trong nhà trường.

1.5.2. Ảnh hưởng của văn hóa nhà trường đến học sinh

VHNT có ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh theo học trong nhà trường đó. Ảnh hưởng ở đây có thể theo cả hai hướng: tích cực và tiêu cực tùy theo thực trạng VHNT.

VHNT tích cực ảnh hưởng đến học sinh ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, VHNT tích cực tạo ra một môi trường học tập có lợi nhất cho học sinh. Môi trường này kích thích được sự chủ động, tạo động lực cho người học, khiến người học thực sự hứng thú và nỗ lực để đạt được kết quả học tập tốt nhất. Cụ thể, trong môi trường VHNT tích cực học sinh cảm thấy thoải mái, vui vẻ, ham học; học sinh được tôn trọng, được thừa nhận, và cảm thấy mình có giá trị; học sinh thấy rõ trách nhiệm của mình; tích cực khám phá, liên tục trải nghiệm và tích cực tương tác với GV, nhóm bạn và nỗ lực đạt thành tích học tập tốt nhất.

Thứ hai, VHNT tích cực tạo ra một môi trường học tập thân thiện với học sinh. Trong môi trường nhà trường thân thiện, học sinh cảm thấy gắn bó với trường, lớp, thích thú với việc đến trường. Môi trường thân thiện đảm bảo được các yêu cầu cơ bản đó như an toàn với tất cả học sinh; cởi mở và chấp nhận các nhu cầu và hoàn cảnh khác nhau của học sinh; khuyến khích học sinh phát biểu/bày tỏ quan điểm cá nhân và xây dựng mối quan hệ ứng xử tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau, học hỏi lẫn nhau giữa thầy và trò.

Thứ ba, VHNT góp phần hình thành nên những nét phẩm chất, tính cách riêng, được đánh giá là phù hợp và có giá trị cho học sinh của nhà trường. Theo đó, học sinh ở các trường khác nhau sẽ có những đặc điểm khác nhau được hình thành do quá trình tiếp nhận các ảnh hưởng từ môi trường nhà trường các em theo học.

Mặt khác, các yếu tố độc hại còn tồn tại trong VHNT nếu không được cải thiện sẽ ảnh hưởng xấu đến người học. Trong một môi trường nhà trường nặng về truyền thụ, giáo điều, áp đặt, học sinh sẽ trở nên thụ động, thiếu sự tự tin vào bản thân. Môi trường nhà trường không thân thiện sẽ trở thành những rào cản khiến học sinh không bộc lộ và phát triển hết được những khả năng của mình, không thực sự hứng thú, có trách nhiệm tham gia vào các hoạt động học tập, vui chơi, lao động… trong nhà trường.

1.5.3. Ảnh hưởng của văn hóa nhà trường đến giáo viên

Vai trò của VHNT đối với GV cũng cần được nhìn nhận từ hai góc độ đối lập: ảnh hưởng của nền văn hóa tích cực và ảnh hưởng của nền văn hóa tiêu cực hay độc hại.

Trong tổ chức nhà trường, VHNT tích cực sẽ tác động rất lớn đến GV. Tác động đó thể hiện ở nhiều phương diện. Thứ nhất, khuyến khích mối quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau giữa các GV. Trong môi trường đó, GV cảm thấy thoải mái dễ dàng thảo luận về những vấn đề hay khó khăn mà họ đang gặp phải; sẵn sàng chia sẻ với nhau kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn; tích cực trao đổi phương pháp và kỹ năng giảng dạy; quan tâm đến công việc của nhau và cùng hợp tác với lãnh đạo nhà trường để thực hiện mục tiêu giáo dục đã đề ra.

Thứ hai, tạo bầu không khí tin cậy thúc đẩy GV quan tâm đến chất lượng và hiệu quả giảng dạy, học tập. Bầu không khí cởi mở, tin cậy, tôn trọng lẫn nhau tạo động lực để GV quan tâm cải tiến nâng cao chất lượng dạy và học đồng thời góp phần cải thiện thành tích giảng dạy và học tập của trường.

Tuy nhiên cũng có khi trong VHNT tồn tại những yếu tố độc hại hoặc những yếu tố theo thời gian không còn phù hợp, trở thành sự cảm trở đối với hiệu quả hoạt động của nhà trường. Đó là khi nhân viên bị phân tán, mục tiêu phục vụ người học bị thay thế bởi các mục tiêu khác, những cái không phải là giá trị và suy nghĩ tiêu cực tồn tại trong nhà trường.

1.5.4. Ảnh hưởng của văn hóa nhà trường đến mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh trong nhà trường

Một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nên VHNT là mối quan hệ giữa các thành viên trong nhà trường. Mối quan hệ giữa GV và HS trong nhà trường có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả giáo dục. Trong môi trường VHNT tích cực cho việc học tập, mối quan hệ giữa GV và HS là mối quan hệ hợp tác, khuyến khích, GV và HS tương tác tích cực lẫn nhau. Biểu hiện cụ thể ở các đặc điểm đó là: GV đặt ra các mong đợi cao và rõ ràng với HS; GV tôn trọng HS; GV giao tiếp trung thực, hiểu biết và có sự cảm thông với HS; GV có các khuyến khích tích cực với HS; GV đặt ra các chuẩn mực hành vi cho HS; GV, HS luôn ở trong bầu không khí hợp tác.

Trái lại, một bầu không khí tiêu cực trong mối quan hệ giữa GV và HS sẽ ảnh hưởng xấu đến kết quả giáo dục toàn diện. Đó có thể là sự áp đặt, thiếu tôn trọng, thiếu sự công bằng của GV với HS khiến HS mặc cảm, tự ti, thụ động.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa GV và HS trong nhà trường còn có ảnh hưởng rất lớn của những yếu tố thuộc về truyền thống văn hóa – giáo dục của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, trong mối quan hệ giữa GV – HS, truyền thống tôn sư trọng đạo, “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” rất được đề cao. HS với GV luôn đòi hỏi phải có sự lễ phép, tôn trọng. Đặc điểm này mang ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục HS, tuy nhiên cũng có thể có những tác động không như mong muốn nếu khiến cho HS không dám nói lên những suy nghĩ, cảm xúc thực của mình.

2. Xây dựng văn hóa nhà trường

2.1. Vai trò của Hiệu trưởng trong xây dựng văn hóa nhà trường

Người HT trong nhà trường giữ vai trò của một người lãnh đạo, giống như một thủ lĩnh trong nhà trường. Vai trò của người lãnh đạo được thể hiện rõ nhất khi tổ chức có sự thay đổi theo hướng phát triển hoặc khi tổ chức phải đối đầu với những bất ổn, thách thức, trở ngại cần phải vượt qua. Lãnh đạo theo John. C. Maxwell là khả năng thu phục lòng người, thu phục nhân tâm. Lãnh đạo là khả năng lôi cuốn những người đi theo mình, khả năng tác động đến con người và gây ảnh hưởng đến con người [6].

Cụ thể, trong một tổ chức, người lãnh đạo là người xác định tầm nhìn cho toàn tổ chức, dẫn dắt tổ chức để thực hiện tầm nhìn đó. Là người tổ chức lập kế hoạch chiến lược cho tổ chức. Người lãnh đạo phải là người có uy tín – được tạo nên bởi phong cách lãnh đạo, bởi việc tạo được ảnh hưởng và việc truyền đạt tầm nhìn đến mọi người. Người lãnh đạo cũng phải là người thực sự quan tâm đến việc xây dựng văn hoá của tổ chức, tạo cho tổ chức mình có được văn hoá riêng.

Như vậy, để xây dựng văn hóa nhà trường, người HT vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lí, vừa thực hiện vai trò của một người lãnh đạo. Trong đó, vai trò của người lãnh đạo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc định hình VHNT. Thực hiện vai trò lãnh đạo nhà trường, HT cần tác động vào suy nghĩ, hành vi của CB, GV, HS để họ hoạt động theo những mục tiêu chung của nhà trường. Với vai trò lãnh đạo nhà trường, HT chính là người định hướng VHNT, là tâm điểm thống nhất các giá trị trong nhà trường.

Hoạt động quản lí – lãnh đạo nhà trường của người HT như đã phân tích ở trên là một hoạt động mang tính toàn diện, quán xuyến tất cả các phương diện của một nhà trường, từ kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường, đội ngũ CB GV, hoạt động dạy học – giáo dục … cho đến cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, mối quan hệ nhà trường với cộng đồng. Do đó, xây dựng VHNT cũng là một nội dung quan trọng trong công tác quản lí, lãnh đạo nhà trường của người HT nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục của nhà trường.

VHNT là sản phẩm được tạo nên bởi tập thể CB, GV, nhân viên, HS – những thành viên của tổ chức nhà trường chứ không phải là sản phẩm mang tính cá nhân. Tuy nhiên, trong việc xây dựng và phát triển VHNT bao giờ cũng có ảnh hưởng quyết định của người đứng đầu nhà trường – người HT. HT giữ vai trò lãnh đạo phát triển VHNT, quyết định/chi phối sự phát triển VHNT.

Theo những tổng hợp của tác giả Nguyễn Thị Mĩ Lộc [16], HT có ảnh hưởng quyết định đến VHNT vì tư duy phát triển giáo dục của người HT ảnh hưởng đến VHNT; HT có vai trò quan trọng trong việc hình thành các chuẩn mực, các giá trị cốt lõi, niềm tin trong nhà trường; sự quan tâm, chú ý của HT vào các vấn đề sẽ ảnh hưởng chi phối VHNT; HT xác định, tập hợp tạo lập hệ thống giá trị cốt lõi của trường; HT xác định các đặc trưng và chia sẻ tầm nhìn đến CB, GV, HS nhà trường. Tác giả cũng cho rằng người HT có thể ảnh hưởng đến VHNT, chi phối sự phát triển của VHNT theo nhiều cách thức khác nhau:

1. Xây dựng bầu không khí dân chủ: cởi mở, hợp tác, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau; mọi người đều được tôn trọng, luôn được coi trọng và có cơ hội thể hiện, phát triển các khả năng của mình;

2. Xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, khen thưởng hợp lý thúc đẩy mọi người nỗ lực làm việc;

3. Mỗi CB quản lý, GV, nhân viên trong trường đều có bản mô tả công việc, rõ trách nhiệm, quyền hạn và nghĩa vụ;

4. HT tăng cường dự giờ, trao đổi chuyên môn với GV đứng lớp về cách dạy và học;

5. Làm cho HS biết là các em được yêu thương, được quan tâm chăm sóc;

6. Cố gắng bảo đảm cho HS có một tương lai xứng đáng với sự đầu tư của cha mẹ các em;

7. HT chia sẻ quyền lực, mạnh dạn trao quyền cho GV trong đó đề cao vai trò lãnh đạo hoạt động dạy và học của GV;

8. Cho mọi người thấy là bạn đang làm việc với cương vị là một HT, đầy nhiệt tâm, luôn trách nhiệm và đầy tình yêu thương học trò;

9. HT nên có mặt thường xuyên trong trường và trong lớp học; tham dự càng nhiều những sinh hoạt của HS thì càng tốt;

10. HT thường xuyên trau dồi kỹ năng giao tiếp; lắng nghe tất cả mọi người;

11. Khuyến khích phụ huynh HS tham gia vào các hoạt động giáo dục của trường và làm cho phụ huynh hiểu rõ vai trò của họ;

12. HT luôn suy nghĩ để học hỏi, để đổi mới và nâng cao uy tín của mình trong nhà trường.

Đề xây dựng VHNT đòi hỏi cần phải có thời gian và có những bước đi phù hợp. Theo hai tác giả Julie Heifetz & Richard Hagberg, người HT có thể áp dụng 11 bước để xây dựng văn hóa tổ chức dưới đây vào xây dựng VHNT:

  1. Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng tới chiến lược phát triển của nhà trường trong tương lai;
  1. Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở của nhà trường;
  1. Xây dựng tầm nhìn – một bức tranh lý tưởng trong tương lai – mà nhà trường sẽ vươn tới làm định hướng để xây dựng VHNT;
  1. Đánh giá VHNT hiện tại và xác định những yếu tố văn hóa nào cần thay đổi.
  1. Tập trung nghiên cứu, đề xuất giải pháp làm gì và làm thế nào để thu hẹp khoảng cách của những giá trị văn hóa hiện có và văn hóa tương lai của nhà trường;
  1. Xác định vai trò của lãnh đạo trong việc dẫn dắt thay đổi và phát triển VHNT.
  1. Soạn thảo kế hoạch, phương án hành động cụ thể, phù hợp để phát triển VHNT;
  1. Huy động sự tham gia của tất cả các thành viên vào xây dựng VHNT;
  1. Làm cho các thành viên thấy rõ những trở ngại của sự thay đổi một cách cụ thể, từ đó, động viên, khích lệ các cá nhân mạnh dạn thay đổi;
  1. Đảm bảo sự phát triển tiên tục của VHNT; chú trọng xây dựng và động các hình mẫu lý tưởng phù hợp với mô hình VHNT đang hướng tới. Động viên mọi người noi theo các hình mẫu lí tưởng và có chế độ khen thưởng kịp thời;
  1. Thường xuyên đánh giá VHNT, xây dựng các chuẩn mực, giá trị mới phù hợp với sự phát triển của xã hội kết hợp với việc củng cố và phát huy những yếu tố tích cực đã được xây dựng và sang lọc những yếu tố không còn phù hợp.

(Dẫn theo Phạm Công Huân) [8]

2.2. Nội dung và biện pháp xây dựng văn hóa nhà trường

Để xây dựng VHNT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục cần tính đến nhiều yếu tố. Trước hết cần xác định thế nào là một nhà trường có chất lượng giáo dục tốt, trên cơ sở đó xác định các giả thiết cơ bản làm cơ sở cho việc chọn lựa các giá trị, niềm tin trong nhà trường. Các giá trị, niềm tin sẽ quyết định đến việc xây dựng các chuẩn mực cũng như việc tổ chức các yếu tố bề mặt của VHNT.

Để làm căn cứ cho việc xây dựng VHNT nhằm nâng cao chất lượng giáo dục có thể lấy mô hình một nhà trường thành công làm cơ sở để xác lập các giả định và giá trị nền tảng của nhà trường. Một nhà trường thành công hiện nay cần đáp ứng được các tiêu chí cơ bản, đó là dạy học hướng vào HS, lấy HS làm trung tâm; chương trình học đảm bảo tính học thuật, tính khoa học; GV có phương pháp giảng dạy tích cực hoá người học, kích thích tự học và được huyến khích trao đổi chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Bên cạnh đó, nhà trường cần thúc đẩy, cổ vũ tinh thần hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm giữa các thành viên; đẩy mạnh bồi dưỡng, phát triển chuyên môn cho đội ngũ GV (HT có kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho GV; khuyến khích GV tích cực học hỏi, thường xuyên dự giờ, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn; thiết lập quy trình, công cụ giám sát, đánh giá khen thưởng hợp lý, nhằm thúc đẩy GV cải thiện, nâng cao chuyên môn). Mặt khác, HT cần chia sẻ vai trò lãnh đạo (HT và các GV phải cùng làm việc, cùng hoạt động với tinh thần hợp tác và cộng tác). Ngoài ra, nhà trường cần nuôi dưỡng năng lực giải quyết vấn đề một cách sáng tạo cho CB, GV, HS; xây dựng mối quan hệ thân thiện, hỗ trợ, gần gũi với cộng đồng (Nhà trường luôn luôn hỗ trợ cộng đồng, cung cấp các dịch vụ có chất lượng tốt về giáo dục cho cộng đồng và ngược lại cộng đồng luôn luôn hỗ trợ lại nhà trường).

Từ những phân tích trên có thể thấy, để xây dựng và lãnh đạo phát triển văn hóa nhà trường nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, người HT cần thực hiện các nội dung công việc cụ thể sau đây:

* Các biện pháp cụ thể tác động vào các yếu tố bề nổi của VHNT:

- Xây dựng và chia sẻ sứ mệnh, tầm nhìn của nhà trường tập trung vào việc dạy học và giáo dục.

- Xây dựng các chuẩn mực văn hóa trong nhà trường để luôn cải tiến và vươn tới.

- Tạo dựng lịch sử và truyền thống nhà trường.

- Tổ chức mạng lưới các kênh thông tin thông suốt trong nhà trường.

- Xây dựng kiến trúc, không gian văn hóa nhà trường.

- Nhà trường quan tâm, quan hệ hợp tác chặt chẽ, lôi kéo cộng đồng tham gia vào các vấn đề của nhà trường.

* Các biện pháp tác động vào các yếu tố bề sâu của VHNT:

- Xây dựng và chia sẻ các giá trị cốt lõi của nhà trường. Các giá trị cốt lõi hướng đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy của giáo viên và kết quả học tập của học sinh.

- Tạo giá trị tích cực cho các mối quan hệ trong nhà trường.

- Thúc đẩy làm việc hợp tác.

- Tạo dựng và duy trì uy tín thực sự, nêu gương cho GV,HS nhà trường.

- Coi trọng phát triển chuyên môn.

- Công nhận sự cống hiến của đội ngũ.

- Coi trọng sự liên tục cải tiến trong nhà trường.

- Giải quyết các mâu thuẫn, xung đột nội bộ kịp thời.

- Khuyến khích giáo viên tham gia đóng góp ý kiến.

2.3. Xây dựng văn hóa nhà trường Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa

2.3.1. Giáo dục Việt Nam trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa

Thế kỉ XXI với những bước phát triển mạnh mẽ của khoa học – công nghệ hiện đại đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ đến toàn thế giới. Quốc tế hóa, toàn cầu hóa trở thành xu thế chung đối với tất cả các nước. Các quốc gia muốn phát triển nền kinh tế - xã hội của mình thì không thể đứng ngoài xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Việt Nam cũng nằm trong xu thế này khi ra nhập AFTA và WTO.

Toàn cầu hóa là khái niệm miêu tả các thay đổi trong xã hội và trong nền kinh tế thế giới tạo ra bởi mối liên kết và trao đổi ngày càng tăng giữa các quốc gia, các tổ chức hay các cá nhân ở góc độ văn hoá, kinh tế... trên quy mô toàn cầu. (Wikipedia.org)

Đối với Việt Nam, toàn cầu hóa không mang tính áp đặt, cưỡng bức mà mang tính tất yếu. Toàn cầu hóa mang đến cho Việt Nam những cơ hội, đồng thời cũng đặt ra những thách thức và tiềm ẩn những nguy cơ. Về những cơ hội, toàn cầu hóa giúp nối kết Việt Nam với nền giáo dục thế giới; mở rộng tầm nhìn và bậc thang giá trị hướng tới chuẩn mực chung của toàn nhân loại; hình thành tư duy có tính chất toàn cầu; phát huy tinh thần dân chủ; hình thành khả năng hợp tác làm việc trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, các nguy cơ chúng ta phải đối mặt đó là bản sắc dân tộc có thể bị mất đi; các giá trị truyền thống tốt đẹp có thể bị mai một (“Tiên học lễ, hậu học văn”, “Tôn sư trọng đạo”…); giáo dục bị thương mại hóa. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã đi tìm hướng giải quyết cho các vấn đề trên và câu trả lời chính là văn hóa, như nhà văn người Nga đã nói: “Rốt cuộc thì không phải công nghệ sẽ cứu thế giới, mà tình yêu, cái đẹp sẽ cứu thế giới” (Fyodor Mikhaylovich Dostoyevsky). Văn hóa của mỗi dân tộc sẽ hình thành nên màng lọc để giúp học hỏi những giá trị của văn hóa nhân loại, hình thành nên những công dân toàn cầu nhưng vẫn mang bản sắc văn hóa riêng của mỗi quốc gia.

Trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa, công nghệ thông tin – cụ thể là mạng internet phát triển mạnh mẽ và có ảnh hưởng to lớn đến cuộc sống con người. Bên cạnh khái niệm văn hóa truyền thống, khái niệm văn hóa mạng ra đời và được thừa nhận. Văn hóa mạng được hiểu là “văn hoá sử dụng mạng máy tính và internet để giao tiếp, làm việc và giải trí giữa các cá nhân, các cộng đồng online, những người sử dụng email và các nhóm trò chơi” (American Heritage Dictionary). Con người có thể ra nhập văn hóa mạng theo nhiều cách: là thành viên tổ chức mạng (Facebook, Twitter); thể hiện sự sáng tạo qua các ấn phẩm nghệ thuật hay phim ảnh tự tạo trên mạng (Youtube, Myspace); cùng hợp tác giải quyết vấn đề (Forum, chat); trao đổi và phổ biến thông tin (Bulletin Board..). Văn hóa mạng phụ thuộc vào năng lực sử dụng công cụ và hoàn toàn mang tính ảo nhưng những tác động của nó lại rất thực và vô cùng to lớn. Văn hóa mạng cho phép lan truyền rộng rãi, kết nối nhiều người, trên nhiều vùng địa lý với nhau trong một thời gian ngắn. Văn hóa mạng góp phần hình thành nên những công dân toàn cầu. Đó là những công dân có khả năng tham gia các các trò chơi mang tính tập thể ; tìm kiếm, xử lý thông tin, phát tán thông tin; hợp tác, phát triển trí tuệ tập thể, sáng tạo; thiết lập networking để tổng hợp, trao đổi, truyền bá thông tin; thương thuyết, làm việc trong một cộng đồng đa văn hoá.

Văn hóa mạng có ảnh hưởng rất lớn đến nhà trường. Bên cạnh việc học tập ở NT, người học còn ra nhập vào một nền văn hóa khác có những tác động rất lớn. Họ có thể tìm thấy sự an ủi, sự tin tưởng, niềm vui và học hỏi được khối lượng tri thức khổng lồ từ nền văn hóa ấy. Mặt khác, họ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi những tác động tiêu cực từ những yếu tố không lành mạnh. Không thể cô lập, tách rời con người trong thời đại ngày nay khỏi mạng internet, vì vậy, cách duy nhất giải quyết vấn đề trên cũng giống như toàn cầu hóa là sử dụng văn hóa như một màng lọc để ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực, tiếp thu những ảnh hưởng tích cực.

Trong bối cảnh như vậy, nhà trường Việt Nam hiện nay cần có sự thay đổi phù hợp. Thay đổi có tính chất căn bản là từ chính người Hiệu trưởng. Người Hiệu trưởng trong thế kỉ XXI không chỉ có IQ cao mà quan trọng hơn là EQ cao, không phải là người hùng biện mà là người lắng nghe, không phải là người độc đoán mà là người trợ giúp, không phải chỉ là người quản lí mà phải là nhà lãnh đạo. [31]

2.3.2. Những thay đổi của văn hóa nhà trường

Trong bối cảnh kinh tế - xã hội nói trên, nhà trường nói chung và VHNT nói riêng đòi hỏi phải có những sự thay đổi để phù hợp với xu thế chung của thời đại. Toàn cầu hóa và hội nhập đặt ra hai yêu cầu trong việc phát triển VHNT. Một mặt phải giải quyết vấn đề làm thế nào để giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, mặt khác phải làm thể nào để hòa nhập với nền văn hóa chung của nhân loại.

VHNT trong bối cảnh hiện nay phải là văn hóa của một tổ chức học tập, phục vụ mục đích học tập suốt đời cho HS và GV. Tổ chức học tập là một tổ chức khuyến khích và tạo những điều kiện thuận lợi để mỗi cá nhân tự học tập phát triển bản thân, đồng thời các thành viên trong tổ chức học tập lẫn nhau để cùng phát triển. Quan niệm tổ chức học tập của Peter Senge, (1990) được sử dụng khá rộng rãi khi nói về tổ chức học tập: là tổ chức khi tất cả mọi người liên tục phát triển năng lực của mình để đạt được kết quả cộng việc mà họ mong muốn, nơi mà các tư duy mới được ủng hộ và nuôi dưỡng và các thành viên học tập cùng nhau. Theo ông, một tổ chức học tập đòi hỏi phải có tư duy hệ thống, mối quan hệ chặt chẽ giữa cá nhân; các cá nhân học tập và làm chủ việc học tập của mình; tập thể cùng xây dựng và chia sẻ viễn cảnh; các cá nhân tư duy cùng nhau; có các mô hình tinh thần hỗ trợ việc học tập từ phía lãnh đạo và cộng đồng; khẳng định giá trị của học tập, các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm với nhau; cung cấp cơ hội học tập suốt đời cho tất cả các cá nhân; kết nối và thống nhất hoạt động của từng cá nhân với hoạt động của tổ chức; đưa ra các quy định giúp các cá nhân dễ dàng chia sẻ tri thức; hỗ trợ và tiếp nhiên liệu cho các ý tưởng sáng tạo, đổi mới; học tập trong nhóm và có sự tương tác liên tục với môi trường (Dẫn theo Nguyễn Thị Mĩ Lộc) [16].

Theo các tác giả Gerald C.Ubben, Larry W.Hugies, Cynthia J.Norris (2004) , tổ chức học tập của nhà trường chỉ có thể phát triển trên nền tảng văn hóa của nhà trường, văn hóa chia sẻ và làm việc nhóm, có sự cộng tác và tinh thần trách nhiệm, tổ chức và thời gian linh hoạt. Tất cả các GV chia sẻ các thông tin, các hiểu biết về chương trình, phương pháp dạy học, tư liệu dạy học và các vấn đề của HS. Môi trường học tập phải bắt đầu từ lớp học và lớp học phải là môi trường tích cực cho việc học tập (hợp tác, khuyến khích, GV và HS tương tác tích cực lẫn nhau) (Dẫn theo Nguyễn Thị Mĩ Lộc) [16].

Để xây dựng nhà trường thành một tổ chức học tập, HT nhà trường là người có vai trò quyết định. HT là người lãnh đạo khởi xướng viễn cảnh và giúp các thành viên hiểu và chia sẻ cùng nhau viễn cảnh của tổ chức, tạo các điều kiện để các cá nhân được học tập: đưa ra các chế độ, chính sách, quy định các nguyên tắc học tập, làm việc, xây dựng các điều kiện học tập mà trước hết là trang bị các cơ sở vật chất, đặc biệt là công nghệ thông tin để tạo thuận lợi cho việc nâng cao tay nghề của đội ngũ. HT còn là người tư vấn, chỉ đẫn việc học tập, phát triển chuyên môn cho GV.Bản thân người lãnh đạo cũng phải tích cực học tập, thay đổi và cam kết thực hiện sự thay đổi của tổ chức.

Chuyên đề 2:

XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

CÁC MỐI QUAN HỆ CỦA NHÀ TRƯỜNG

1. Xã hội hóa giáo dục và xây dựng xã hội học tập

1.1. Xã hội hóa giáo dục

XHH GD là một xu hướng phát triển không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới.

Một trong những cơ sở nền tảng để xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục thế kỉ XXI (UNESCO) là “Giáo dục suốt đời, giáo dục bằng mọi cách, giáo dục cho mọi người, xây dựng một xã hội học tập” và một trong các nguyên tắc cơ bản đối với tất cả các lực lượng giáo dục là “Giáo dục là trách nhiệm của toàn xã hội, của tất cả mọi người” ( Phạm Minh Hạc - chủ biên – Giáo dục thế giới đi vào thế kỉ XXI- NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội)

Nghị quyết 90-CP của Chính phủ do Thủ tướng ký ngày 21-8-1997 đã xác định khái niệm XHHGD như sau: - Là vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào sự phát triển sự nghiệp giáo dục;

- Là xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân và đảng bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp đóng tại địa phương và của từng người dân đối với việc tạo lập và cải thiện môi trường kinh tế xã hội lành mạnh thuận lợi cho hoạt động giáo dục;

- Là mở rộng các nguồn đầu tư, khai thác các tiềm năng về nhân lực, vật lực và tài lực trong xã hội (kể cả từ nước ngoài ); phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực này.

Mục tiêu, nhiệm vụ công tác XHHGD

Dựa trên quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, công tác XHHGD nhằm đến việc xây dựng một xã hội mà trong đó mọi người dân đều được hưởng sự công bằng, bình đẳng, công khai, dân chủ thực sự trong học tập, thông qua XHH để xây dựng một xã hội học tập suốt đời, một nền giáo dục thực sự của dân, do dân và vì dân.

Các mục tiêu của công tác XHHGD ở nước ta được xác định:

- Huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp phát triển giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, làm cho mọi người, mọi tổ chức đều được đóng góp để phát triển giáo dục cũng như được hưởng thụ những thành quả giáo dục.

- Thống nhất nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức kinh tế, xã hội, mọi cá nhân, tập thể, cộng đồng về vị trí, vai trò quan trọng của XHHGD trong sự phát triển đất nước, xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ học tập và đóng góp sức người, sức của để phát triển sự nghiệp giáo dục.

- Tổ chức, phối hợp và quản lý tốt hơn các loại hình giáo dục chính quy, không chính quy, công lập, ngoài công lập, các nguồn tài chính từ Nhà nước và từ nhân dân để mở rộng hợp lý quy mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH.

- Xây dựng và ban hành một hệ thống đầy đủ và đồng bộ các văn bản pháp lý về XHHGD để các hoạt động này được tiến hành ổn định và phát triển.

Các nhiệm vụ chủ yếu của công tác XHH giáo dục:

- Phải huy động được nhiều nguồn lực (nhân lực, vật lực, tài lực) cho phát triển giáo dục.

- Không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục

- Hình thành được một xã hội học tập, tạo động lực cho thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

- Thực hiện tốt dân chủ hoá giáo dục và công bằng trong giáo dục.

- Làm cho giáo dục đáp ứng được yêu cầu phát triển KT-XH của địa phương.

1.2. Xây dựng xã hội học tập

1.2.1. Khái niệm

Quan điểm đầy đủ và đúng với bản chất của XHHT phải coi trọng cả 2 đặc trưng cơ bản sau:

- Thứ nhất, đó là xã hội trong đó hệ thống giáo dục đa dạng, linh hoạt, mềm dẻo tạo cơ hội cho mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trình độ đều có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu khi có nhu cầu và điều kiện, theo các phương thức khác nhau: chính quy, không chính quy và phi chính quy.

- Thứ hai, xã hội đó phải là xã hội mà trong đó mọi người, mọi tổ chức, mọi lực lượng xã hội đều tham gia cùng làm giáo dục, chức không chỉ đóng góp, hỗ trợ cho giáo dục

1.2.2. Xây dựng xã hội học tập

  1. XHHT là một xã hội trong đó mọi cá nhân đều phải học tập thường xuyên, học tập suốt đời, tận dụng triệt để các cơ hội học tập do xã hội cung cấp nhằm mục tiêu “học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người”; do đó, học tập phải trở thành nhu cầu tự than, là trách nhiệm của mỗi người và của toàn dân, nội dung này cần được thể chế hóa trong các văn bản pháp luật của Nhà nước. Xây dựng xã hội học tập, tạo điều kiện cho mọi người được học tập suốt đời là chìa khóa của phát triển kinh tế, xã hội, là mục tiêu cơ bản của chiến lược phát triển giáo dục.
  1. Xây dựng xã hội học tập là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Nhà nước có vai trò chủ yếu trong việc xây dựng XHHT, đồng thời huy động sự tham gia và đóng góp của toàn xã hội. Tất cả các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, các đơn vị sự nghiệp… đều có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để cung ứng các cơ hội học tập khác nhau, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời đa đạng của tất cả mọi người.
  1. Xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát triển, đồng thời gắn kết, liên thông của hai bộ phận cấu thành hệ thống giáo dục quốc dân là giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Giai đoạn 2012-2020 tập trung chủ yếu vào việc đẩy mạnh các hoạt động HTSĐ ở ngoài nhà trường chính quy; tập trung ưu tiên các nhóm đối tượng, các khu vực ít được tiếp cận với các cơ hội giáo dục thông qua những đề án cụ thể và thích hợp.

2. TĂNG CƯỜNG MỐI QUAN HỆ GIA ĐÌNH, NHÀ TRƯỜNG VÀ XÃ HỘI NHẰM THÚC ĐẨY XÃ HỘI HOÁ CÔNG TÁC GIÁO DỤC

Mối quan hệ gia đình, nhà trường và xã hội có tầm quan trọng lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển cộng đồng. Đây là mối quan hệ tác động qua lại. Trong xu thế xã hội hoá giáo dục hiện nay, xã hội, mà trước hết là gia đình và cộng đồng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của nhà trường.

(1) Truyền thống gia đình ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách học sinh. Gia đình là nơi hình thành, phát triển và bồi đắp nhân cách trẻ em. Việc giáo dục của gia đình bắt đầu từ lúc sinh ra cho đến cuối đời. Gia đình là chiếc cầu nối trẻ em với nhà trườ ng và xã hội, là nơi nuôi dưỡng, giáo dục, giúp các thành viên trong gia đình phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ, đặc biệt là trẻ em. Do đó, gia đình đóng vai trò quan trọng trong công tác giáo dục trẻ trở thành người hoàn thiện, có ích cho xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường là điều rất cần thiết. Thông qua mối quan hệ với nhà trường, các bậc cha mẹ có thể nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình, từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn, khắc phục điểm yếu với mục đích cuối cùng là giúp các em phát triển toàn diện.

(2) Nhà trường là môi trường giáo dục tốt nhất, có đủ điều kiện nhất trong việc thực hiện các mục tiêu giáo dục. Nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc truyền thụ kiến thức cho học sinh. Học sinh có thể tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn nhưng kiến thức ở nhà trường vẫn giữ vị trí quan trọng hàng đầu vì đó là kiến thức đã được chuẩn hóa, đạt độ chính xác cao. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức văn hóa, nhà trường còn có nhiệm vụ giáo dục rèn luyện học sinh về mặt phẩm chất đạo đức, đảm bảo sự phát triển toàn diện của học sinh.

(3) Cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng môi trường văn hoá, môi trường giáo dục. Mọi thành viên trong cộng đồng đều có thể tham gia vào quá trình giáo dục trẻ. Sự gương mẫu của từng người, mối quan hệ giữa mọi người với nhau từ gia đình tới cộng đồng và các phong trào văn hoá, phong trào xã hội như đền ơn đáp nghĩa, bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hương ước... đều có ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi học sinh. Trách nhiệm của cộng đồng là cung cấp nhân lực, vật lực, tài lực giúp nhà trường hoàn thành nhiệm vụ giáo dục học sinh.

Cộng đồng còn là lực lượng tham gia quản lí, giám sát các hoạt động giáo dục của nhà trường, quản lí học sinh ngoài nhà trường có hiệu quả. Tăng cường mối quan hệ gia đình, nhà trường và cộng đồng là yêu cầu khách quan của toàn xã hội. Việc tăng cường mối quan hệ này sẽ tạo điều kiện giúp học sinh có thể tiếp cận với sự đa dạng của đời sống cộng đồng

và xã hội, vận dụng kiến thức và kĩ năng đã học vào các tình huống thực tế của cuộc sống, gắn cuộc sống của học sinh với các hoạt động của cộng đồng.

2.1. Nhận định chung

– Hiện nay, mối quan hệ gia đình, nhà trường và cộng đồng còn chưa thật sự chặt chẽ nên gia đình, nhà trường, đặc biệt là cộng đồng chưa phát huy được hết vai trò của mình. Do đó, tăng cường sự phối hợp gia đì nh, nhà trường và cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh là thật sự cần thiết.

– Nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng chưa phù hợp với đặc điểm nhận thức của học sinh, của cộng đồng cũng như đặc điểm điều kiện của vùng miền.

– Các hoạt động phối hợp giữa gia đình, nhà trường và cộng đồng đã có tác động tốt đến học sinh cũng như người dân cả về mặt kiến thức, thái độ và hành vi. Tuy nhiên, các hoạt động này chưa được tổ chức thường xuyên và nhiều nội dung chưa thiết thực đối với cộng đồng và nhà trường.

– Các điều kiện cần thiết để tổ chức các hoạt động phối hợp gia đình, nhà trường và cộng đồng như: kế hoạch phối hợp hoạt động, sự ủng hộ tích cực của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng, kinh phí, nguồn lực cho các hoạt động, văn bản chỉ đạo của các cơ quan quản lí nhà nước, kiểm tra đánh giá sau mỗi hoạt động chưa được triển khai đồng bộ.

2.2. Một số giải pháp nhằm tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Các giải pháp được trình bày thành các nhóm:

  1. Nâng cao nhận thức.
  1. Xây dựng và triển khai kế hoạch.
  1. Tăng cường sự phối hợp hoạt động giữa nhà trường và cộng đồng.

2.2.1. Nâng cao nhận thức cho gia đình, nhà trường và cộng đồng

  1. Mục tiêu

– Cung cấp cho cha mẹ, học sinh, giáo viên, CBQL các cấp, các tổ chức cộng đồng một số kiến thức cơ bản về nội dung, ý nghĩa và vai trò của mối quan hệ gia đình, nhà trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của học sinh;

– Hình thành ý thức sẵn sàng tham gia các hoạt động giáo dục học sinh của gia đình, cộng đồng và nhà trường.

  1. Nội dung và biện pháp thực hiện

* Nội dung

– Tuyên truyền vai trò và ý nghĩa của mối quan hệ gia đình, nhà trường và cộng đồng;

– Cung cấp thông tin về nhà trường và cộng đồng, vai trò ý nghĩa và trách nhiệm của nhà trường với cộng đồng và của cộng đồng với nhà trường.

* Biện pháp

– Tổ chức hội thảo tập huấn cho CBQL giáo dục, nhà trường, cha mẹ, thành viên của cộng đồng;

– Tổ chức các buổi truyền thông tại cộng đồng;

– Phát thanh trên loa đài truyền thanh của địa phương;

– Phát tờ rơi, tài liệu…

  1. Đối tượng thực hiện

– CBQL giáo dục các cấp;

– Gia đình: Cha mẹ học sinh;

– Cộng đồng: Các tổ chức Đảng, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị – xã hội…

  1. Điều kiện thực hiện

* Về công tác phối hợp

– Có sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở, Phòng GD&ĐT với Ban giám hiệu các trường;

– Có sự tích cực tham gia của các cơ sở giáo dục, cộng đồng, cơ quan tuyên truyền địa phương.

* Về kinh phí

– Cần có nguồn lực tài chính để chuẩn bị tài liệu tập huấn, văn phòng phẩm, tờ rơi, bài báo, bản tin cho các hoạt động tập huấn, in ấn tài liệu truyền thông.

* Về cơ sở vật chất

– Đối với hoạt động tập huấn cần địa điểm như phòng học, hội trường hoặc bàn ghế ...

– Đối với các buổi truyề thanh, tuyên truyền cần loa đài, bài phát thanh, tờ rơi,…

2.2.2. Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động

2.2.2.1. Xây dựng chương trình hành động của nhà trường tham gia vào hoạt động của cộng đồng

  1. Mục tiêu

– Nâng cao ý thức trách nhiệm của nhà trường khi tham gia vào các hoạt động hòa nhập và phát triển cộng đồng;

– Tăng cường khả năng của nhà trường trong việc xây dựng và triển khai một số hoạt động góp phần vào sự phát triển của cộng đồng;

– Phát triển kĩ năng làm việc với cộng đồng của cán bộ, giáo viên và học sinh.

  1. Nội dung và biện pháp thực hiện

* Nội dung 1: Nhà trường tham gia phổ biến kiến thức khoa học, kĩ thuật, văn hóa – xã hội, chính sách pháp luật ... cho cộng đồng

Những kiến thức về khoa học, kĩ thuật, văn hóa – xã hội mà nhà trường có thể tham gia phổ biến cho cộng đồng như:

– Khoa học – kĩ thuật: Dinh dưỡng và sức khỏe, sức khoẻ sinh sản, những thách thức môi trường hiện nay, rừng, nước, rác thải sinh hoạt, ma túy, HIV/AIDS và các bệnh hiểm nghèo…

– Văn hóa – xã hội: Phát triển bền vững (khái niệm phát triển bền vững, phát triển cộng đồng bền vững và sự tham gia của người dân,…), giáo dục di sản văn hóa, giáo dục trong gia đình, kĩ năng sống.....

– Chính sách, pháp luật của Nhà nước: Chính sách về dân số, dân tộc, tôn giáo, Chính sách đối ngoại, giáo dục pháp luật (Luật Giáo dục, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Lao động, Luật Nghĩa vụ quân sự, Quyền trẻ em...).

* Nội dung 2: Nhà trường tham gia vào một số hoạt động của địa phương

Các hoạt động phong trào (chính trị – xã hội, văn hóa – nghệ thuật, thể dục thể thao (TDTD) …) của địa phương rất đa dạng và phong phú mà nhà trường có thể tham gia. Ví dụ: tham gia mít tinh, chào mừng các hoạt động

chính trị – xã hội lớn tại địa phương; giáo dục, phòng chống các tệ nạn xã hội và bảo vệ trật tự, an ninh của địa phương, hoạt động nhân đạo (đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ đồng bào lũ lụt, ngày vì người nghèo,…), bảo vệ và giữ gìn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sống...

* Nội dung 3: Nhà trường hướng nghiệp cho học sinh

Để đáp ứng được sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương, nhà trường cần giáo dục hướng nghiệp cho học sinh với một số nội dung sau:

– Chuẩn bị tâm lí, ý thức sẵn sàng học nghề phổ thông (về tư tưởng, đạo đức, ý thức chọn nghề nghiệp,…);

– Tìm hiểu và xây dựng danh mục những ngành nghề phát triển tốt, có triển vọng ở địa phương;

– Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh;

– Tổ chức dạy một số nghề phổ thông, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương và phù hợp với nguyện vọng của học sinh;

– Tổ chức các buổi thảo luận, toạ đàm cho học sinh để tìm hiểu về các ngành nghề ở địa phương;

– Tổ chức các buổi giao lưu giữa học sinh với các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp ở địa phương;

– Tổ chức cho học sinh tìm hiểu tình hình nghề nghiệp thực tế ở địa phương, đến các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, các nông trường, lâm trường để học tập;

– Phối hợp với các cơ sở sản xuất, làng nghề truyền thống để dạy cho học sinh những kĩ thuật làm nghề;

– Có thể tổ chức một cơ sở sản xuất, dịch vụ ngay trong nhà trường để học sinh tham gia vào thực tế.

  1. Đối tượng thực hiện

* Đối tượng thực hiện chính: Ban giám hiệu, các thầy cô giáo

* Đối tượng phối hợp:

- Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp… ở địa phương.

- Người dân trong cộng đồng.

  1. Điều kiện thực hiện

* Về nhân lực

– Ban giám hiệu nhà trường và các giáo viên phải là những người đóng vai trò chủ chốt, chủ động, tích cực liên hệ với chính quyền địa phương, các ban ngành, đoàn thể để xây dựng một nội dung tổng thể và một chương trình hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể;

– Trong quá trình thực hiện, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành, các tổ chức chính trị – xã hội và người dân cần nhiệt tình phối hợp, tạo mọi điều kiện cho nhà trường triển khai chương trình hành động.

* Về kinh phí

– Nhà trường cần tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp,… ở địa phương để huy động nguồn kinh phí cho các hoạt động;

– Chính quyền địa phương tạo điều kiện về kinh phí cho các hoạt động nhà trường đề xuất.

* Về cơ sở vật chất

– Có thể sử dụng ngay cơ sở vật chất của nhà trường như: lớp học, sân trường, loa đài, tivi, trang thiết bị âm thanh,...

– Tận dụng những điều kiện về cơ sở vật chất có sẵn của địa phương như: nhà văn hóa, sân vận động, trung tâm học tập cộng đồng, các đơn vị sản xuất,…

2.2.2.2. Xây dựng và triển khai chương trình hành động của cộng đồng tham gia vào hoạt động giáo dục của nhà trường

  1. Mục tiêu

– Cộng đồng nâng cao ý thức trách nhiệm đối với các hoạt động giáo dục của nhà trường ở địa phương;

– Cộng đồng xây dựng và thực hiện chương trình hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục.

  1. Nội dung và biện pháp thực hiện

* Nội dung 1: Xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động giữa các cơ quan Nhà nước, các đoàn thể chính trị xã hội với Sở GD&ĐT để giúp nhà trường tổ chức các hoạt động dạy và học ngoài nhà trường

Ví dụ về các hoạt động phối hợp với ngành giáo dục mà cộng đồng có thể tham gia:

– Công an huyện, phường/xã giúp nhà trường giáo dục pháp luật cho học sinh, phòng chống tệ nạn xã hội;

– Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở NN &PTNT, doanh nghiệp nhà nước tham gia giáo dục hướng nghiệp cho học sinh;

– Trung tâm y tế phối hợp giáo dục về vệ sinh, chăm sóc sức khoẻ; giáo dục SKSS vị thành niên, phòng chống HIV/AIDS cho học sinh;

– Sở/Phòng Tài nguyên – Môi trường giúp nhà trường giáo dục bảo vệ tài nguyên, môi trường cho học sinh;

– Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, Bảo tàng, Thư viện tham gia giáo dục giữ gìn truyền thống dân tộc, bản sắc văn hoá của địa phương và giáo dục thể chất cho học sinh;

– Các tổ chức chính trị xã hội như Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Khuyến học, Hội LHPN, Hội Cựu chiến binh tham gia cùng với nhà trường thực hiện một số nội dung giáo dục: Giáo dục kĩ năng sống, giáo dục môi trường, giáo dục truyền thống nhân các ngày lễ lớn của đất nước, giáo dục dân số, sức khoẻ sinh sản...

* Nội dung 2: Tham gia quản lí, giám sát và đánh giá đối với một số hoạt động của nhà trường

Thành lập Tiểu ban kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện chương trình hành động của Hội đồng Giáo dục cơ sở thực hiện. Tiểu ban này sẽ thự c hiện xây dựng kế hoạch quản lí, giám sát của tiểu ban đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước và các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội với nhà trường. Kế hoạch này sẽ phân bổ theo tháng, theo quý, có rút kinh nghiệm, đánh giá và điều chỉnh.

* Nội dung 3: Tạo môi trường, hỗ trợ các điều kiện và nguồn lực cho các hoạt động giáo dục của nhà trường

– UBND các cấp và các cơ quan có liên quan có thể cung cấp thông tin giúp giáo viên giảng dạy những vấn đề ở địa phương, có thể miễn phí hoặc giảm giá cho học sinh khi tham quan các danh lam thắng cảnh, viện bảo tàng, xem phim phù hợp với lứa tuổi, vui chơi trong công viên, sân đá bóng, bể bơi,...

– Các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề tạo điều kiện cho học sinh được học tập, thực hành, tham quan, khảo sát…

– Các đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội sẽ:

+ Vận động các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp ở địa phương giúp đỡ và hỗ trợ nhà trường về tài chính;

+ Hỗ trợ đóng góp về cơ sở vật chất: thư viện nhà trường, CLB, trung tâm học tập cộng đồng...

Cụ thể:

– Mặt trận Tổ quốc: có thể thu thập nhu cầu, nguyện vọng của người dân tại cộng đồng, bàn bạc, thảo luận, đề xuất những chủ trương, những chương trình, kế hoạch hoạt động; kiến nghị các chính sách chế độ với các cấp địa phương nhằm thực hiện xã hội hoá giáo dục

– Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Đội Thiếu niên Tiền phong: Là lực lượng xung kích góp phần giải quyết những khó khăn của giáo dục. Ví dụ: Huy động khích lệ trẻ đi học, cù ng tham gia giải quyết nạn bỏ học hoặc lưu ban của học sinh; tham gia xoá nạn mù chữ, phổ cập giáo dục, vận động giáo viên trẻ đến dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tổ chức những lớp học tình thương cho trẻ em lang thang; gây quỹ hỗ trợ tài năng trong thanh niên; tổ chức và thực hiện các hoạt động ngoại khoá, giáo

dục ngoài nhà trường: Đoàn, Đội sẽ đóng vai trò chính trong việc tổ chức thực hiện các hoạt động này như tham quan, du lịch, vui chơi giải trí; TDTT, sinh hoạt CLB...

– Hội LHPN: Khuyến khích thế hệ trẻ và mọi tầng lớp trong xã hội đi học; tổ chức việc học tập của trẻ em ở gia đình; xây dựng và duy trì môi trường giáo dục gia đình, góp phần tích cực trong việc khôi phục truyền thống hiếu học, nâng cao dân trí của gia đình và dòng tộc; tham gia giáo dục ở địa bàn dân cư và các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường; lồng ghép các chủ đề hỗ trợ giáo dục trong hệ thống CLB tại địa phương bao gồm CLB “Giáo dục và Đời sống”

– Hội Cựu Chiến binh: Tư vấn cho cộng đồng về công tác giáo dục thế hệ trẻ như tham gia giáo dục truyền thống (truyền thống lịch sử cách mạng, truyền thống bảo vệ Tổ quốc; tham gia xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, cải tạo phong tục tập quán cũ, xây dựng lối sống mới,...).

  1. Đối tượng thực hiện

– Đối tượng thực hiện chính:

+ UBND cấp tỉnh, huyện.

+ Các cơ quan nhà nước: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Công an; Sở Tư pháp; Sở NN & PTNT; Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh; Chi cụ c Dân số – Kế hoạch hóa gia đình; Sở Y tế; Sở Tài nguyên – Môi trường; Sở Văn hoá, Thông tin và Du lịch,... các ban ngành; nhà văn hoá; đài phát thanh và truyền hình; rạp chiếu bóng; thư viện; bảo tàng...

– Đối tượng phối hợp:

+ Sở GD&ĐT;

+ Ban Giám hiệu các trường;

+ Cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường;

+ Các tổ chức đoàn thể;

+ Một số thành viên của Hội đồng Giáo dục cơ sở;

+ Người dân ở cộng đồng.

  1. Điều kiện thực hiện

* Về công tác phối hợp

– Có sự chỉ đạo, quản lí sát sao của UBND cấp tỉnh, huyện và Sở GD&ĐT

– Các cơ quan nhà nước ý thức được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình trong việc tham gia hỗ trợ cho các hoạt động nhà trường thực hiện nhiệm vụ giáo dục;

– Chương trình hoạt động phối hợp giữa cơ quan Nhà nước và nhà trường trên địa bàn phải cụ thể tới từng hoạt động và có tính khả thi;

– Các đoàn thể và tổ chức chính trị - xã hội phải là những người đóng vai trò chủ chốt, chủ động, tích cực liên hệ với nhà trường để xây dựng một nội dung tổng thể và một chương trình hành động phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của địa phương;

– Trong khi thực hiện nhà trường phải nhiệt tình phối hợp, tạo mọi điều kiện cho các tổ chức được tham gia vào các hoạt động của nhà trường.

* Về kinh phí

– Các tổ chức đoàn thể địa phương cần có kế hoạch, dự trù kinh phí cho các hoạt động mà nhà trường đề xuất.

* Về cơ sở vật chất

– Tận dụng trụ sở của nhà trường hoặc của các tổ chức ở địa phương để triển khai các hoạt động như nhà văn hoá, sân vận động, trung tâm học tập cộng đồng...

2.2.2.3. Xây dựng và triển khai chương trình hành động của gia đình với nhà trường và cộng đồng

  1. Mục tiêu

– Gia đình biết được những nội dung giáo dục của nhà trường và các hoạt động của cộng đồng có liên quan đến giáo dục con em;

– Nâng cao hiểu biết cho cha mẹ về tâm sinh lí lứa tuổi học đường và các phương pháp giáo dục con hiệu quả ;

– Gia đình có kĩ năng giao tiếp với con, kĩ năng giúp con đặt mục tiêu, lập kế hoạch học tập và rèn luyện, kĩ năng làm bạn cùng con;

– Nâng cao ý thức trách nhiệm của gia đình trong việc liên lạc với nhà trường và cộng đồng để giáo dục con em đạt hiệu quả.

  1. Nội dung và biện pháp thự c hiệ n

* Nội dung 1: Các bậc cha mẹ thường xuyên liên hệ, trao đổi với nhà trường về nội dung, phương phá p, kết quả giáo dục học sinh

Gia đình cần thường xuyên giữ liên lạc, liên hệ , trao đổi với nhà trường về các vấn đề giáo dục học sinh như nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và kết quả giáo dục. Để giữ mối liên lạc hiện nay có thể có nhiều cách:

– Thông qua sổ liên lạc: Thông báo hàng tuần, hàng tháng, nửa học kì,... với các nội dung như nhận xét về kết quả học tập, ý thức kỉ luật và những vấn đề, đề nghị của giáo viên đối với học sinh mà cha mẹ cần quan tâm. Cha mẹ hồi đáp lại, bày tỏ ý kiến, nêu thắc mắc…

– Gọi điện thoại: Nghe thông báo nhanh về những vụ việc vừa xảy ra trong ngày (nên gọi được trực tiếp là tốt nhất vì nếu không nói chuyện được trực tiếp thì thông tin thường sai lệch).

– Xây dựng mạng tin nhắn: Có thể dùng trong một số trường hợp gia đình có điều kiện.

– Trực tiếp đến trường, đến nhà gặp giáo viên để trao đổi.

* Nội dung 2: Tham gia đầy đủ các cuộc họp của cha mẹ học sinh, các hội thảo của nhà trường dành cho cha mẹ về “Dạy con nên người”, “Làm bạn cùng con”, “Các biện pháp giáo dục kỉ luật tích cực” ...

Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, gia đình nên lắng nghe và biết được nhà trường đã và đang dạy con mình như thế nào, có biện pháp gì giúp đỡ từng đối tượng học sinh, có những cách nào giúp con họ thành người, mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh có tốt không... Đồng thời, gia đình cần cung cấp cho nhà trường thông tin về hoàn cảnh sống của học sinh, mức độ quan tâm đến học sinh của các bậc cha mẹ, đặc biệt quan tâm đến chuyện học hành và nghề nghiệp tương lai của con cái, cách dạy dỗ của gia đình và những điều phải góp ý, trao đổi...

Tại buổi họp này, giáo viên chủ nhiệm nên dành thời gian để trao đổi với cha mẹ những quan điểm, phương pháp mới về giáo dục, những điều họ nên làm và không nên làm, nên trao đổi với ai khi họ gặp những biểu hiện,

hành vi, những lỗi lầm mà con họ đang mắc, ai sẽ giúp họ hạn chế những sai lầm trong việc giáo dục con cái và bằng cách nào để giúp con học tậ p, rèn luyệ n tốt hơn. Nhà trường và gia đình học sinh sẽ luôn gắn bó, thấu hiểu và giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề giáo dục học sinh nếu phụ huynh học sinh được trao đổi những vấn đề trên với nhà trường.

– Nhà trường nên tổ chức các buổi hội thảo, sinh hoạt chuyên đề, hợp tác với gia đình dành cho người lớn nhằm thống nhất nội dung, hình thức giáo dục, biện pháp giải quyết các vấn đề vướng mắc của lớp của trường;

– Thành phần tham dự: Hội đồng giáo dục nhà trường, đại diện Hội cha mẹ học sinh, đại diện Hội đồng giáo dục địa phương, các ban ngành đoàn thể… trong đó, nhà trường giữ vai trò chủ đạo;

– Nội dung cần chuẩn bị chu đáo, ngắn gọn, cụ thể, có phân công cụ thể cho từng đối tượng, chú ý thời gian phù hợp;

– Hình thức: Trao đổi ý kiến cá nhân, nhóm, xem phim…

– Cha mẹ học sinh cùng nhà trường có thể tổ chức các cuộc toạ đàm để họ được thảo luận về các ý tưởng và quan niệm giáo dục, những việc mà họ có thể tham gia cùng nhà trường... Cần đảm bảo cuộc tọa đàm mang tính xây dựng trên cơ sở hợp tác và không mang tính phán xét. Nếu cha mẹ học sinh bị phê bình hay chỉ trích họ sẽ khó lòng tham gia đóng góp vào những hoạt động của nhà trường một cách hữu ích.

* Nội dung 3: Tham gia đóng góp ý kiến và tham dự các hoạt động của nhà trường và cộng đồng

Cha mẹ học sinh cần tham gia đóng góp ý kiến và tham dự vào các hoạt động ngoại khóa của nhà trường để gắn kết mối quan hệ thân thiện giữa nhà trường và gia đình. Việc thu hút sự tham gia của cha mẹ học sinh là một việc rất quan trọng đối với các hoạt động của nhà trường. Những gợi ý sau có thể giúp ích để cha mẹ tham gia vào các hoạt động:

– Đóng góp ý kiến cho nội quy lớp học: Có thể được đưa ra trong cuộc họp phụ huynh học sinh vào đầu năm học và đề nghị cha mẹ đóng góp ý kiến của mình vào bản nội quy lớp học. Hoặc giáo viên có thể gửi bản nội quy đó về nhà và yêu cầu cha mẹ bổ sung thêm ý kiến. Sau đó, bố hoặc mẹ kí xác nhận là họ đã thảo luận với con em mình về bản nội quy ấy;

– Cùng tham dự các hoạt động ngoại khóa củ a nhà trường như: Tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính, tình bạ n, tì nh yêu; giao lưu với người trong cuộc; tham gia tọa đàm về định hướ ng nghề nghiệ p tương lai hoặc tham dự các hoạt động tham quan, dã ngoại,...;

– Tham gia tích cực các hoạt động của cộng đồng để có thêm kiến thức, phương pháp và kĩ năng giáo dục con: Các buổi họp, các buổi truyền thông, sinh hoạt CLB với chủ đề liên quan đến giáo dục…

  1. Đối tượng thực hiện

– Ban đại diệ n cha mẹ học sinh;

– Tất cả các bậc cha mẹ học sinh;

– Ban Giám hiệu và các giáo viên trong trườ ng.

  1. Điều kiện thực hiện

* Về nhân lực

– Cha mẹ phải thật sự nhiệt tình, chủ động và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động phối hợ p;

– Ban Giám hiệu và giáo viên thật sự cởi mở và sẵn sàng lắng nghe ý kiến của phụ huynh.

* Về kinh phí và cơ sở vật chất

– Tùy thuộc vào từng hoạt động mà huy động nguồn kinh phí .

– Các cuộc họp, hội thảo, tọa đàm... nên tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của nhà trường để tránh lãng phi.́

2.2.3. Tăng cường sự phối hợp giữa các bên liên quan

  1. Mục tiêu

– Tăng cường nhận thức sâu sắc của cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và các thành viên của cộng đồng về sự cần thiết phải có tổ chức liên kết, phối hợp giữa nhà trường và cộng đồng;

– Phát triển kĩ năng hợp tác hiệu quả giữa nhà trường và cộng đồng.

  1. Nội dung và biện pháp thực hiện

– Đưa công tác phối hợp giữa nhà trường và cộng đồng thành nhiệm vụ chính trị trong nghị quyết, chỉ thị thành kế hoạch hoạt động của các cơ quan đơn vị, các tổ chức chính trị – x