Đặc trưng chủ yếu của công nghiệp hóa thời kỳ 1960 – 1985 ở nước ta là gì?

Phần I 
NHỮNG QUAN ĐIỂM CƠ BẢN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỀ CÔNG NGHIỆP HOÁ Ở VIỆT NAM

ở nước ta, thuật ngữ công nghiệp hóa nói chung, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa nói riêng đã xuất hiện trong lịch sử. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng những khái niệm đó và có những chỉ dẫn, đề xuất phương thức tiến hành công nghiệp hoá cụ thể ở Việt Nam. Những quan điểm, tư tưởng của Hồ Chí Minh về công nghiệp hoá đang góp phần soi sáng đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

I- Tính tất yếu và bản chất của công nghiệp hóa

Theo quan niệm của chủ nghĩa Mác - Lênin, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là vấn đề có tính quy luật phổ biến với tất cả các nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chính vì vậy, ngay sau khi Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười thành công, lần đầu tiên trong lịch sử thế giới và lịch sử phong trào công nhân quốc tế, V.I. Lênin đã soạn thảo một chương trình hành động xây dựng tiềm lực phát triển của chủ nghĩa xã hội trong phạm vi một nước với ba nội dung cơ bản: công nghiệp hoá đất nước, hợp tác hoá nông nghiệp và cách mạng vǎn hoá, tư tưởng. Cả ba nội dung này đan kết với nhau trong một chỉnh thể thống nhất và việc thực hiện chúng sẽ đem lại một diện mạo toàn vẹn của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong đó, V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò nền tảng của công nghiệp và công nghiệp hoá. Người xác định nó vừa như một tiền đề, vừa như một đặc trưng nổi bật của xã hội tương lai. Lênin cho rằng: "Chủ nghĩa cộng sản là Chính quyền Xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc... Chỉ khi nào nước ta đã điện khí hoá, chỉ khi nào công nghiệp, nông nghiệp và vận tải đã đứng vững trên cơ sở kỹ thuật của đại công nghiệp hiện đại, thì lúc đó, chúng ta mới có thể đạt được thắng lợi hoàn toàn"1 . Điều này có nghĩa là "cơ sở kinh tế duy nhất có thể có được của chủ nghĩa xã hội là nền đại công nghiệp cơ khí. Ai quên điều đó, người đó không phải là người cộng sản... Đại công nghiệp hiện đại có nghĩa là điện khí hoá toàn nước Nga"2 . ở đây, dưới góc độ khái quát hoá, Lênin đã đồng nhất điện khí hoá với công nghiệp hoá. Quá trình thực hiện công nghiệp hoá sẽ tạo ra "cơ sở vật chất duy nhất của chủ nghĩa xã hội chỉ có thể là nền đại công nghiệp cơ khí có khả nǎng cải tạo cả nông nghiệp"3.

Nắm bắt nội dung cốt lõi của quan niệm duy vật lịch sử về lịch sử, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ vai trò đòn bẩy của sản xuất công nghiệp trong quá trình vận động của xã hội loài người. Quan niệm của Người về công nghiệp hoá gắn chặt với quan niệm chung về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Từ những nǎm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh xác định con đường giải phóng dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là quy luật của cách mạng Việt Nam. Sau nǎm 1954, miền Bắc được giải phóng, tiến lên chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh đã nhiều lần khẳng định: miền Bắc nước ta đang từ chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên, được quy định bởi các nhân tố thời đại và quy luật vận động cách mạng của một nước do Đảng cộng sản - chính đảng của giai cấp công nhân, đội quân tiên phong của nhân dân lao động - lãnh đạo.

Nǎm 1946, khi trả lời các nhà báo nước ngoài về các đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội với tư cách một chế độ xã hội và một trình độ phát triển của nền vǎn minh hiện đại, Hồ Chí Minh đã nhận định ngắn gọn nhưng hết sức sáng rõ: "Muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện, cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả nǎng của mình. ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa đủ"4. Kỹ nghệ [thực chất là công nghiệp] được Hồ Chí Minh xem như là một trong ba điều kiện quyết định sự thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản. Do những đặc thù riêng, Việt Nam còn chưa hội đủ các tiền đề sẵn có, nhất là kỹ nghệ. Trong đó, đặc điểm lớn nhất, bao trùm nhất của nước ta khi bước vào thời kỳ quá độ, chi phối các đặc điểm khác và quyết định phương thức quá độ, phát triển gián tiếp theo kiểu "rút ngắn" là nước ta "từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa"5. Hồ Chí Minh giải thích rõ hơn đặc điểm lớn nhất này và biểu hiện của nó trong từng lĩnh vực cụ thể.

Trong kinh tế, tính chất lạc hậu của nền kinh tế quốc dân thể hiện không chỉ ở trình độ lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội, mà còn ở quy mô tổ chức, cách thức quản lý sản xuất, cơ cấu ngành kinh tế... Sau khi rút đi, đế quốc Pháp để lại cho ta một nền kinh tế nghèo nàn. Trong nông nghiệp thì sản xuất nhỏ chiếm đại bộ phận, đất đai phân tán, manh mún, một bộ phận nông dân không có ruộng đất cày cấy, sản xuất tự cung tự cấp, kỹ thuật vô cùng lạc hậu, nǎng suất thấp. Công nghiệp thì rất nhỏ bé, lẻ tẻ, rời rạc, phân bố không đều, nhất là công nghiệp cơ khí, chế tạo máy - xương sống của toàn ngành công nghiệp nói chung. Sau gần một thế kỷ đô hộ, chính sách của chủ nghĩa thực dân ở Việt Nam chỉ nhằm mục đích khai thác, vơ vét, bóc lột; các cơ sở công nghiệp mà chúng để lại rất ít, lạc hậu về trình độ công nghệ. Công nghiệp và nông nghiệp lại bị tàn phá nặng nề trong nhiều nǎm chiến tranh.

Nền tảng kinh tế lạc hậu quy định một cơ cấu xã hội - giai cấp tương ứng. ở nước ta, giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo, đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ tiến trình cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ trong dân cư, đại bộ phận là nông dân, tiểu tư sản, người buôn bán nhỏ, tiềm lực kinh tế hạn chế.

Trong đời sống vǎn hoá tinh thần, tuyệt đại bộ phận nhân dân mù chữ, ý thức hệ phong kiến, tư tưởng thực dân còn nặng nề, phong tục tập quán lạc hậu còn chi phối suy nghĩ, đời sống tinh thần của nhiều người.

Chính cơ sở kinh tế-xã hội, vǎn hoá tinh thần lạc hậu đã làm xuất hiện trong xã hội ta một hệ thống mâu thuẫn đan cài, phức tạp, vừa mang tính đối kháng, vừa mang tính không đối kháng. Nét đặc trưng của hệ thống mâu thuẫn trong thời kỳ quá độ ở nước ta không phải là mâu thuẫn đối kháng trực tiếp giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản. Tính chất đối kháng chủ yếu tập trung ở những mâu thuẫn giữa nhân dân ta với kẻ thù bên ngoài và bọn tay sai phản động ở trong nước. Đối với một nước nông nghiệp lạc hậu, phổ biến còn là sản xuất nhỏ, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, đi lên chủ nghĩa xã hội thì mâu thuẫn cơ bản là chính là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển của đất nước theo xu nhướng lịch sử tiến bộ, hiện đại nhất [chủ nghĩa xã hội] với thực trạng xã hội quá thấp kém [tiền tư bản chủ nghĩa]. Trong nhiều tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh diễn đạt đó là "mâu thuẫn giữa hai con đường": con đường xã hội chủ nghĩa và con đường tự phát tư bản chủ nghĩa. Tất cả tính chất phức tạp, khó khǎn trong việc giải quyết mâu thuẫn cơ bản này là ở chỗ các mặt đối kháng và không đối kháng xâm nhập vào nhau, không thể sử dụng bạo lực mà chủ yếu là thuyết phục, giáo dục.

Xuất phát từ đặc điểm lớn nhất này, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ chức nǎng kinh tế - xã hội của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là phải tạo được những tiền đề kinh tế khách quan, làm nền tảng cho sự vận hành của chế độ xã hội mới. Vì thế nội dung cơ bản của toàn bộ thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Hồ Chí Minh khái quát như sau: "Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta. Chúng ta phải thay đổi triệt để những nếp sống, thói quen, ý nghĩ và thành kiến có gốc rễ sâu xa hàng ngàn nǎm. Chúng ta phải thay đổi quan hệ sản xuất cũ, xoá bỏ giai cấp bóc lột, xây dựng quan hệ sản xuất mới không có áp bức, bóc lột... Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước vǎn hoá cao, đời sống tươi vui, hạnh phúc"6.

Muốn đạt mục đích đó "Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có vǎn hoá và khoa học tiên tiến. Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài"7.

Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là một quá trình cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia, thống nhất và bao gồm hai mặt: cải tạo và xây dựng; hai mặt đó có quan hệ chặt chẽ và phải được tiến hành đồng thời, trong đó xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài. Người thường xuyên chỉ rõ: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta phải tiến hành đồng thời việc cải tạo và xây dựng trên tất cả các mặt: chính trị và kinh tế, kiến trúc thượng tầng và cơ sở hạ tầng, vǎn hoá và xã hội. Từ đó, Hồ Chí Minh đã xác định rõ vị trí, vai trò, tính tất yếu của công nghiệp hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Dựa vào kinh nghiệm công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu, phân tích mối quan hệ biện chứng giữa điểm xuất phát và mục đích cuối cùng, mục đích trước mắt và mục đích lâu dài, giữa thời kỳ quá độ với những bước quá độ nhỏ..., vào đầu nǎm 60, Hồ Chí Minh đã luận chứng một cách rõ ràng, khúc triết, ở tầm khái quát lý luận cao về tính tất yếu của công nghiệp hoá Việt Nam. Người cho rằng: "Nước ta vốn là một nước nông nghiệp lạc hậu. Đó là chỗ bắt đầu đi của chúng ta... Đời sống nhân dân chỉ có thể thật dồi dào, khi chúng ta dùng máy móc để sản xuất một cách rộng rãi: dùng máy móc cả trong công nghiệp và trong nông nghiệp. Máy sẽ chắp thêm tay cho người, làm cho sức người tǎng thêm gấp trǎm, nghìn lần và giúp người làm người việc phi thường.

Muốn có nhiều máy, thì phải mở mang các ngành công nghiệp làm ra máy, ra gang, thép than dấu... Đó là con đường phải đi của của chúng ta, con đường công nghiệp hoá nước nhà.

Hiện nay, chúng lấy sản xuất nông nghiệp làm chính. Vì muốn mở mang công nghiệp thì phải có đủ lương thực, nguyên liệu. Nhưng công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa vẫn là mục tiêu phấn đấu chung, là con đường no ấm thật sự của nhân dân ta"8.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về công nghiệp hoá hàm chứa những nội dung thật sự sâu sắc, định hướng chỉ đạo thực tiễn dài hạn. Hồ Chí Minh xác định công nghiệp hoá là một giai đoạn tất yếu, một nội dung bắt buộc của tiến trình đi tới chủ nghĩa xã hội - không tiến hành công nghiệp hoá, không thể có chủ nghĩa xã hội theo đúng nghĩa của nó. Cả chủ nghĩa xã hội, và công nghiệp hoá đều phản ánh, ở những mức độ khác nhau, một trình độ vǎn minh trong quá trình phát triển liên tục của nền sản xuất vật chất xã hội. Hồ Chí Minh còn chỉ rõ vai trò tiến bộ lịch sử của công nghiệp hoá - đó là quá trình thúc đẩy sản xuất xã hội phát triển, giải phóng sức lao động, giải phóng con người, tạo ra những bước đột khỏi trong khai thác tự nhiên. Nói một cách trực tiếp: "Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân"9. Hoặc "Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ǎn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xoá bỏ... Tóm lại, xã hội ngày càng tiến bộ, vật chất ngày càng tǎng, tinh thần ngày càng chưa tốt, đó là chủ nghĩa xã hội.

Một đặc điểm trong tư duy lý luận Hồ Chí Minh là tính hợp lý, lôgíc và nhất quán cao độ; Hồ Chí Minh xác định mục tiêu chủ yếu của công nghiệp hoá trong mối quan hệ hữu cơ với mục tiêu tổng quát của chủ nghĩa xã hội. Tách rời mối quan hệ cơ bản đó, công nghiệp hoá sẽ mất phương hướng cụ thể, giáo điều. Hồ Chí Minh xem mối liên hệ giữa mục đích công nghiệp hoá và mục đích của chủ nghĩa xã hội là vấn đề cơ bản mang tính nguyên tắc. Hồ Chí Minh nêu bật mục đích cuối cùng của công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa đem lại đời sống dồi dào, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân trong buổi nói chuyện với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội, Người chỉ rõ: "Muốn bảo đảm đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích luỹ. Cải thiện đời sống từng bước theo khả nǎng, đồng thời phải tích luỹ để kiến thiết"10. Đây chính là bản chất xã hội của quá trình công nghiệp hoá do giai cấp công nhân và Đảng Cộng sản lãnh đạo, là ranh giới để nhận diện công nghiệp hoá trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội với công nghiệp hoá diễn ra trong điều kiện chế độ tư bản chủ nghĩa. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Chí Minh sử dụng tính từ "xã hội chủ nghĩa" gắn liền với thuật ngữ "công nghiệp hoá". Trong quan niệm của Người, công nghiệp hoá bao giờ cũng có định hướng cụ thể, hàm chứa cả nội dung xã hội và giai cấp. Vì vậy, không có công nghiệp hoá chung chung, mà chỉ có thể; hoặc công nghiệp hoá tư bản chủ nghĩa, hoặc là công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa. Bản chất giai cấp sẽ chi phối nội dung, cách lựa chọn bước đi vào các động lực thực hiện quá trình công nghiệp hoá.

Như trên đã xác định, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là vấn đề có tính quy luật phổ biến đối với tất cả các nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Nước ta từ một tiền sản xuất nhỏ đi lên nền sản xuất xã hội chủ nghĩa. Nước ta từ một nền sản xuất nhỏ đi lên nền sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa tất yếu phải xây dựng một nền công nghiệp giữ vai trò chủ nghĩa trong nền kinh tế quốc dân, mà theo quan niệm của Hồ Chí Minh lúc bấy giờ [vào những nǎm 50,60], đó là nền đại công nghiệp cơ khí và tự động hoá. Vì vậy, công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa được coi là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ. Cách đặt vấn đề của Hồ Chí Minh trở thành một nội dung trọng yếu của đường lối công nghiệp hoá được trình bày tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III [1960]: "Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ ở nước ta. Thực hiện công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhằm xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tạo điều kiện cơ bản cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Điểm mấu chốt trong công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và ưu tiên phát triển công nghiệp nặng. Công nghiệp nặng là nền tảng của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Có ưu tiên phát triển công nghiệp nặng mới có thể cung cấp những tư liệu sản xuất cho công nghiệp và nông nghiệp, bảo đảm thực hiện không ngừng tái sản xuất mở rộng xã hội chủ nghĩa, phát triển đến cao độ nền kinh tế quốc dân, cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân lao động"11.

Đáng chủ ý là để triển khai việc thực hiện Nghị quyết Đại hội III của Đảng, tháng 4-1962, Ban Chấp hành Trung ương khoá III đã họp Hội nghị lần thứ bảy, thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ và phương hướng xây dựng và phát triển công nghiệp. Đây là lần đầu tiên Đảng ta tập trung bàn về công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và có một nghị quyết Thông báo của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương viết: Nghị quyết lần thứ bảy có tác dụng rất quan trọng đối với công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân ta trong suốt thời kỳ quá độ tiến hành chủ nghĩa xã hội. Vì vậy trong nhiều tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Hồ Chí Minh đều đòi hỏi cán bộ, đảng viên và nhân dân phải quán triệt Nghị quyết bảy, khoá III.

Việc Hồ Chí Minh và Đảng Lao động Việt Nam xác định công nghiệp hoá là nhiệm vụ của trung tâm của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bắt nguồn từ nhận thức chung về chủ nghĩa xã hội. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, xây dựng chủ nghĩa xã hội, xét về thực chất, là một sự nghiệp mang tính kinh tế. Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Hiện nay miền Bắc đang tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Muốn vậy, trước hết mọi người phải ra sức xây dựng kinh tế cho vững mạnh"12. Mà công nghiệp hoá chính là một trong những nội dung kinh tế trọng yếu, nhằm cùng cố, xây dựng và tạo ra một lực lượng sản xuất mới, hiện đại. Nội dung của công nghiệp hoá nông nghiệp đã được Hồ Chí Minh đề cập đến trên một số bình diện.

Một là, công nghiệp hoá nông nghiệp là trang bị máy móc cho nông nghiệp, cơ khí hoá sản xuất, Hồ Chí Minh khẳng định. Muốn no thì phải sản xuất nhiều gạo. Muốn ấm thì phải xuất nhiều vải. Muốn có gạo, có vải thì nông nghiệp không thể để mãi như hiện nay mà phải có máy móc, phải có nhiều máy và máy tốt. Máy móc là do quá trình công nghiệp hoá đem lại 13.

Hai là, công nghiệp hoá tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất lớn, làm chủ trong việc phân công lại lao động nông thôn để sử dụng hết đất đai, rừng, biển và các tài nguyên khác.

Ba là, công nghiệp hoá nông nghiệp gắn liền với việc xây dựng từng bước cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật ở nông thôn, trong đó Hồ Chí Minh đặc biệt lưu ý đến xây dựng các công trình thuỷ lợi, đê điều, đường giao thông và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh, tǎng nhanh nǎng suất, sản lượng lúa và các loại hoa màu.

Cùng với quan điểm chú trọng phát triển công nghiệp nặng, chế tạo ra tư liệu sản xuất, phục vụ trước hết cho nông nghiệp, ngay từ những nǎm 60, Hồ Chí Minh đã chú ý đến công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phục vụ trực tiếp đời sống của người dân lao động. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Trong một thời gian tương đối ngắn, chúng ta đang xây dựng một nền công nghiệp dân tộc tự chủ có khả nǎng cung cấp những hàng tiêu dùng và trang bị tư liệu sản xuất cho nền kinh tế quốc dân. Hồ Chí Minh, một mặt chú trọng tiến hành công nghiệp hoá nông nghiệp, đưa nông nghiệp từng bước lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, mặt khác khuyến khích xây dựng có trọng điểm một số ngành công nghiệp nặng nhằm phục vụ nông nghiệp và hàng tiêu dùng công nghiệp. Hai mặt của quá trình này quan hệ biện chứng với nhau, cùng hướng tới tạo ra lực lượng sản xuất mới trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Xét về lâu dài, nó tạo lập các tiền đề vật chất ngǎn chặn sản xuất nhỏ tự phát đi lên chủ nghĩa tư bản, xoá bỏ những điều kiện kinh tế - xã hội làm nảy sinh, phục hồi chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư sản.

Mặt khác, công nghiệp hoá được Hồ Chí Minh xác định với tư cách là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ còn gắn với vấn đề xây dựng, củng cố giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng. Giai cấp công nhân là lực lượng lãnh đạo, động lực chính của quá trình công nghiệp hoá đất nước, nhưng đồng thời nó lại là sản phẩm và thành quả trực tiếp của sự nghiệp công nghiệp hoá. Công nghiệp hoá thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân, tǎng cường nhận thức chính trị, nâng cao trình độ trí tuệ và nǎng lực lãnh đạo cách mạng. Trên cơ sở đó mà củng cố khối liên minh chiến đấu vững chắc giữa công nhân, nông dân và trí thức - nền tảng chính trị - xã hội cần thiết để công nghiệp hoá ở nước ta giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để.

Điều này càng thể hiện rõ nét tính hệ thống, chỉnh thể của tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, tiến hành công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa không thể tách rời việc thực hiện các cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng tư tưởng - vǎn hoá, cách mạng khoa học - kỹ thuật. Công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa tạo tiền đề để giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, cấu trúc lại toàn bộ các quan hệ xã hội, công nghiệp hoá hình thành và kiến tạo một nền vǎn hoá mới với các giá trị vượt trội trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống vǎn hoá nông nghiệp cổ truyền. Ngược lại, việc giải quyết các nhiệm vụ trong từng lĩnh vực cụ thể sẽ góp phần thực hiện và đẩy nhanh tiến độ, nhịp điệu công nghiệp hoá với tư cách là nhiệm vụ trung tâm của một thời kỳ lịch sử hết sức phức tạp và đặc thù.

Công nhân xã hội chủ nghĩa, từ cách nhìn của Hồ Chí Minh, là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ, nhưng thời kỳ quá độ lại phải trải qua những chặng đường quá độ nhỏ hơn. Vấn đề đặt ra là cần phải bắt đầu từ đâu và như thế nào, quá trình công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa trong điều kiện một nước nông nghiệp lạc hậu, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa như ở nước ta? Vấn đề lý luận rất khó này đã được Hồ Chí Minh giải đáp thoả đáng, có sức thuyết phục. Với sự nhạy cảm chính trị đặc biệt và tầm nhìn sâu rộng, Hồ Chí Minh đã đề xuất quan điểm lựa chọn độc đáo: Trong một nước công nghiệp như Việt Nam, cơ sở và tiền đề của công nghiệp hoá là nông nghiệp; phải bắt đầu từ nông dân và lấy nông nghiệp làm khâu đột phá.

Luận điểm này của Hồ Chí Minh thể hiện tính nhất quán trong nhận thức và cách thức tiến hành công nghiệp hoá, nắm bắt các mắt khâu then chốt để tập trung giải quyết từng bước nhiệm vụ trung tâm, có cơ sở lý luận, thực tiễn vững chắc. Về phương diện lý luận, V.I.Lênin là người đã đặt ra và giải quyết thành công vấn đề này. Đầu những nǎm 20 để đưa đất nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng, V.I.Lênin đã đề xuất tư tưởng táo bạo: Phải xây dựng chủ nghĩa xã hội bắt đầu tư nông dân, kinh tế nông nghiệp; coi đó là con đường duy nhất để có "bánh mỳ và nguyên liệu" nhằm cải thiện đời sống cả công nhân và nông dân, và như thế là không từ bỏ chuyên chính vô sản mà còn tạo ra tiềm lực kinh tế - xã hội để củng cố, tǎng cường hơn nữa chuyên chính vô sản.

Lý luận của V.I.Lênin được Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam trong thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh ở miền Bắc [1954-1960]. Người cho rằng, trước hết phải tập trung phát triển nông nghiệp, bảo đảm đủ lương thực để giải quyết vấn đề ǎn, sau đó là mặc và các vấn đề khác. Theo cách hiểu của người phương Đông: "Dân dĩ thực vi thiên", Hồ Chí Minh đã khẳng định thành chân lý có ý nghĩa chỉ đạo thực tiễn "Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh"14. Nông dân và nông nghiệp là khởi điểm của con đường đi tới chủ nghĩa xã hội.

Từ quan điểm "bắt đầu từ nông dân" của V.I.Lênin, đến quan điểm "nông dân giàu thì nước ta giàu" của Hồ Chí Minh là một sự kế tục lý luận, khái quát quy luật vận động cho những xã hội bắt đầu công nghiệp hoá từ một nền nông nghiệp lạc hậu. Theo Hồ Chí Minh, vai trò đột phá của nông nghiệp trong tiến trình công nghiệp hoá tập trung trên các mặt; cung cấp lương thực và nguyên liệu; giải phóng sức lao động nông nghiệp, cung cấp cho công nghiệp; tạo ra nguồn tích luỹ từ bản thân nền kinh tế; là thị trường lớn tiêu thụ sản phẩm công nghiệp, nâng cao sức mua của toàn xã hội... Nông nghiệp tạo ra tiền đề cần thiết để công nghiệp hoá, kích thích sản xuất hàng hoá công nghiệp. Với điều kiện tự nhiên và nguồn nhân lực sẵn có, lại có truyền thống sản xuất lâu đời, đúc rút được nhiều kinh nghiệm canh tác quý, mặc dầu hay gặp rủi ro, nhưng sản xuất nông nghiệp cần ít vốn mà đem lại hiệu quả kinh tế nhanh, đặc biệt là thoả mãn nhu cầu sống còn của xã hội. Vì thế, phải có một nền công nghiệp mạnh cả bề rộng và chiều sâu. Với ý nghĩa như vậy, Hồ Chí Minh đã đi đến một nhận định: "Trên cơ sở đó, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội có điều kiện tiến hành trên quy mô rộng rãi về mọi mặt, đưa miền Bắc từng bước tiến lên con đường công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa"15.

Tiếp tục tư duy lý luận này, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII, các Hội nghị Trung ương tiếp theo [nhất là Hội nghị Trung ương 4, Hội nghị Trung ương 6 lần thứ nhất], Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn khẳng định nội dung cơ bản của công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong những nǎm cuối của thập kỷ 90 là: đặc biệt coi trọng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, tập trung nhiều loại nguồn lực cho nông nghiệp ở giai đoạn đầu công nghiệp hoá. Từ đó thực hiện thuỷ lợi hoá, điện khí hoá, cơ giới hoá, sinh học hoá, thúc đẩy quá trình liên kết, hội nhập giữa thành thị và nông thôn, làm đòn bẩy cho sự phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước hình thành nông thôn mới vǎn minh, hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Quan điểm trên đây cho thấy, sự trung thành, sự vận dụng sáng tạo trong tư tưởng Hồ Chí Minh về công nghiệp hoá trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.

NXB. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000

1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.42, tr.195. 
2. Sđd, t.44, tr.60. 
3. Sdd, t.44, tr.11. 
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1955, t.4, tr. 272. 
5. Sđd., t.10, tr. 13. 
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.8, tr. 493-494. 
7. Sđd., t. 10, tr. 13. 
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr. 40-41. 
9. Sđd., tr. 159. 
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.10, tr. 159. 
11. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ ba của Đảng Lao động Việt Nam: Vǎn kiện Đại hội t.III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam xuất bản, 1960, t.I, tr. 65. 
12. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, t.9, tr.137. 
13. Sđd., t.10, tr. 298. 
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t.4, tr.215. 
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, t.11, tr.491.

Chủ Đề