Đánh giá đối thủ hàn quốc

Xuất khẩu của Hàn Quốc đang từng bước hồi phục sau một thời gian dài suy giảm. Thặng dư thương mại của Hàn Quốc 6 tháng đầu năm nay đạt kỷ lục 21,6 tỷ USD. Thặng dư thương mại lớn đã giúp tăng xếp hạng xuất khẩu của Hàn Quốc trên thế giới từ vị trí 12 năm ngoái lên vị trí thứ 10 năm nay. Làm thế nào mà Hàn Quốc lại có thể đạt được con số đầy ấn tượng như vậy trong khi nền kinh tế toàn cầu vẫn đang suy thoái? Hôm nay, Tiến sỹ Kang Jung-gu từ Viện nghiên cứu kinh tế LG sẽ giúp chúng ta phân tích tính cạnh tranh xuất khẩu của Hàn Quốc. Trước hết Tiến sỹ Kang cho biết về tình hình hoạt động của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc trên thị trường toàn cầu.

Kinh tế trì trệ! Nhưng ngược lại, thị trường xuất khẩu được mở rộng

Theo Bộ Kinh tế và tri thức, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 6 giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 25% so với cả năm ngoái. Mặc dù vậy, xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn khả quan hơn Nhật Bản và Đài Loan, những đối thủ cạnh tranh có cơ cấu xuất khẩu tương đồng. Ví dụ xuất khẩu của Nhật Bản giảm 40% còn Đài Loan là 35%. Việc xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ giảm ở mức 25% đã cho thấy rằng hàng hóa Hàn Quốc ngày nay đã có một thị phần lớn hơn. Trên thực tế, màn hình LCD, ôtô, điện thoại di động cũng như những thương hiệu nội địa khác, đã hiện diện ngày càng nhiều trên thị trường toàn cầu.

Các sản phẩm xa xỉ như bán dẫn, màn hình LCD, ôtô, thiết bị gia dụng, điện thoại di động chiếm tới hơn 60% tổng hàng hóa xuất khẩu của Hàn Quốc. Sự lệ thuộc cao vào một vài sản phẩm đã khiến Hàn Quốc dễ bị tổn thương do các biến động kinh tế. Lý do là khi kinh tế toàn cầu gặp khủng hoảng, việc đầu tiên người tiêu dùng các nước có xu hướng là cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng xa xỉ phẩm. Bất chấp khó khăn này, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 6 vẫn tăng 3% so với tháng trước đó. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc hiện diện nhiều hơn tại các thị trường trọng điểm, tiêu biểu là đạt 2,4% tại thị trường Trung Quốc, đạt tương ứng 14% và 11% tại Tây Âu và Mỹ. Tại sao Hàn Quốc vẫn có thể mở rộng thị phần của mình trong thời kỳ suy thoái kinh tế?

Hàn Quốc đã làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu?

Yếu tố đóng góp nhiều nhất chính là tỷ giá hối đoái. Bởi vì đồng won được định giá thấp, Hàn Quốc có được tính cạnh tranh về giá cao hơn. Tuy nhiên, giá cả thấp chỉ có lợi trong thương mại quốc tế. Các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đã thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển khác bằng việc liên tục phát triển công nghệ và nâng cao nhận thức về thương hiệu. Thêm vào đó, các đối thủ cạnh tranh của Hàn Quốc cũng chật vật để vượt qua suy thoái kinh tế bằng việc tái cơ cấu, thu hẹp quy mô sản xuất. Trong khi đó, rất nhiều công ty nội địa đã đầu tư mạnh vào marketing, nghiên cứu phát triển, và vào cơ sở vật chất bất chấp các khó khăn kinh tế. Bởi vậy mà các nỗ lực đó đã được đền đáp và tính cạnh tranh đã được nâng cao.

Tỷ giá hối đoái giữa đồng won–USD đã tăng vọt hơn 50% trong vòng 4 tháng kể từ tháng 11 năm ngoái tới tháng 2 năm nay. Đồng won được định giá thấp đã làm lợi cho các nhà xuất khẩu Hàn Quốc. Nhưng, như Tiến sỹ Kang nói, chỉ có giá thấp thôi thì không đủ để làm nên chuyện ở thị trường toàn cầu. Ngày nay, khách hàng muốn lựa chọn những sản phẩm chất lượng tốt, đáng giá với đồng tiền họ bỏ ra. Trong khi những đối thủ cạnh tranh cắt giảm đầu tư và chờ đợi khủng hoảng đi qua, các công ty của Hàn Quốc đã đầu tư mạnh mẽ, phát triển các công nghệ tiên tiến và nâng cao giá trị gia tăng trên các sản phẩm nhằm chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Các chuyên gia kinh tế quốc tế nhận ra rằng chất lượng và công nghệ tốt hơn từ các sản phẩm của Hàn Quốc đã tận dụng cái gọi là hiện tượng bánh sandwich để làm lợi thế cho mình.

Năng lực cạnh tranh của Hàn Quốc – hiện tượng bánh sandwich

Tôi thừa nhận là thị phần toàn cầu của hàng hóa xuất khẩu Hàn Quốc đã bắt đầu giảm từ giữa thập niên này. Hàn Quốc đã phải trải qua cái gọi là hiện tượng bánh sandwich, có nghĩa là một quốc gia bị kẹp giữa một bên là các nước đang phát triển với các hàng hóa giá rẻ, một bên là các nước phát triển có công nghệ tiên tiến. Nhưng hiện nay thì tình hình đã đảo ngược. Ví dụ như việc các hãng sản xuất điện thoại di động của Hàn Quốc đang chiếm dần thị phần của Nokia, nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, và đồng thời mở rộng thị phần hiện có của mình. Các nhà sản xuất tivi Hàn Quốc cũng đang làm những điều tương tự đối với các đối thủ đến từ Nhật Bản. Điều này có nghĩa là Hàn Quốc đã thu hẹp được khoảng cách công nghệ. Sự phát triển các sản phẩm giá trị cao và các thương hiệu chất lượng cao đã tăng cường sức mạnh cho các công ty Hàn Quốc trên con đường chiếm lĩnh thị phần, trở thành các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

11 năm trước, Hàn Quốc bị kẹp giữa một bên là hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc với một bên là các sản phẩm công nghệ cao tinh vi của Nhật Bản. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng, các nhà xuất khẩu Hàn Quốc đã quyết định nâng cao chất lượng của sản phẩm. Đồng won của Hàn Quốc, vốn được định giá thấp bắt đầu từ nửa cuối năm 2008, đã giúp cho hàng hóa của Hàn Quốc hấp dẫn hơn về chất lượng so với hàng Trung Quốc và rẻ hơn so với hàng của Nhật Bản. Trên thực tế, khách hàng từ 64 quốc gia tham gia Hội chợ xuất khẩu được tổ chức vào tháng Giêng vừa qua, đã chỉ ra rằng tính ưu việt về công nghệ và tính cạnh tranh về giá của các sản phẩm của Hàn Quốc là thế mạnh chủ chốt. Rõ ràng là Hàn Quốc đã tiến những bước dài từ một thập kỷ qua. Tuy nhiên, Tiến sỹ Kang Jung-gu cảnh báo về sự tự mãn.

Không được mất cảnh giác!

Các công ty cạnh tranh với Hàn Quốc chắc chắn sẽ thực hiện việc cơ cấu lại và tăng cường tính cạnh tranh của mình. Nếu các công ty Hàn Quốc tự thỏa mãn với bản thân, ngừng tái cấu trúc và các nỗ lực đổi mới trong khi các đối thủ làm việc nỗ lực để bắt kịp, họ sẽ tự đánh mất lợi thế mà họ đã rất cố gắng để có được. Bởi vậy mà nhằm tiếp tục giữ vững các lợi thế, các công ty của Hàn Quốc nên phát triển các hàng hóa có giá trị gia tăng cao với công nghệ mới, đồng thời đầu tư khi cần thiết.

Các đối thủ cạnh tranh của Hàn Quốc đang tập hợp lại và tỷ giá hối đoái, điều đã đưa lại lợi thế cho các nhà xuất khẩu của Hàn Quốc, đang đi theo hướng ngược lại. Đây là thời kỳ phải duy trì, nếu chưa nói là nâng cao bàn đạp tạo đà phát triển cho Hàn Quốc trong tương lai.

Chủ Đề