Đánh giá sự đồng bộ trong luật tthc 2023 năm 2024

Về rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính [TTHC], Bộ Tài chính tiếp tục triển khai hiệu quả Quyết định số 285/QĐ-BTC ngày 29/12/2022 về Kế hoạch kiểm soát TTHC năm 2023 đáp ứng yêu cầu về cải cách TTHC tại các nghị quyết của Chính phủ, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt chẽ các TTHC thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý, nhằm mục tiêu cải cách TTHC một cách toàn diện. Việc kiểm soát chặt các thủ tục gắn với việc phát triển chính phủ điện tử và quá trình chuyển đổi số để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Bộ Tài chính thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC nhằm đề xuất bãi bỏ những TTHC không còn phù hợp hoặc sửa đổi theo hướng cụ thể, rõ ràng, đơn giản, tăng tính khả thi cho cá nhân, tổ chức thực hiện.

Lũy kế từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/6/2023, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính đã thực hiện đánh giá tác động đối với 30 TTHC tại các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý, đảm bảo theo đúng quy định tại Thông tư số 03/2022/TT-BTP ngày 10/2/2022 của Bộ Tư pháp. Trên cơ sở đó, đã lựa chọn các phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung TTHC thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính.

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật quy định về TTHC, từ ngày 15/12/2022 đến 14/6/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 8 quyết định, công bố bãi bỏ 10 TTHC; sửa đổi, bổ sung, thay thế 10 TTHC; công bố mới 3 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 794 TTHC, trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; lĩnh vực hải quan là 225 TTHC; lĩnh vực kho bạc nhà nước là 11 TTHC; lĩnh vực dự trữ là 7 TTHC; lĩnh vực chứng khoán là 104 TTHC; lĩnh vực tài chính chung là 212 TTHC.

Trên cơ sở Quyết định công bố, Bộ Tài chính đã công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Thông tin điện tử của Bộ và trụ sở cơ quan tiếp nhận, thực hiện TTHC theo đúng quy định.

Về triển khai cơ chế một cửa trong giải quyết TTHC, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tài chính tiếp tục vận hành mô hình tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại trụ sở cơ quan Bộ ổn định và đảm bảo hiệu quả. Lũy kế từ ngày 15/12/2022 đến hết ngày 14/6/2023, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã tiếp nhận 554 hồ sơ TTHC và trả kết quả cho cá nhân, tổ chức 372 hồ sơ, đảm bảo 100% đúng hạn; số hồ sơ đang giải quyết trong hạn là 182 hồ sơ, không có hồ sơ quá hạn.

Đã bãi bỏ 10 thủ tục hành chính

Từ 15/12/2022 đến 14/6/2023, Bộ Tài chính đã rà soát và ban hành 8 quyết định, công bố bãi bỏ 10 thủ tục hành chính [TTHC]; sửa đổi, bổ sung, thay thế 10 TTHC; công bố mới 3 TTHC trong các lĩnh vực quản lý. Đến nay, tổng số TTHC còn hiệu lực thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính là 794 TTHC, trong đó: lĩnh vực thuế là 235 TTHC; hải quan là 225 TTHC; kho bạc nhà nước là 11 TTHC; dự trữ là 7 TTHC; chứng khoán là 104 TTHC; tài chính chung là 212 TTHC.

Đồng thời, Bộ phận Một cửa của Bộ Tài chính đã thực hiện số hóa 554 hồ sơ tiếp nhận và kết quả 372 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị thuộc Bộ, đạt tỷ lệ 100%. Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành kho quản lý dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân tại Hệ thống thông tin giải quyết TTHC Bộ Tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình thực hiện TTHC.

Cải cách để phát triển đột phá

Đẩy mạnh cải cách hành chính [CCHC] trong đó có cải cách TTHC luôn được lãnh đạo Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những đột phá để phát triển. Ngay từ năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký quyết định ban hành kế hoạch CCHC giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Tài chính.

Theo đó, Bộ Tài chính xác định quán triệt chủ trương của Đảng về CCHC trong lĩnh vực tài chính là một trong những khâu đột phá, gắn CCHC đồng bộ với cải cách lập pháp, cải cách tư pháp và đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. CCHC trong lĩnh vực tài chính phải xuất phát từ lợi ích của người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá chất lượng phục vụ của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Một loạt các mục tiêu phấn đấu đã được đặt ra cho các năm, từ năm 2021 - 2025 với các chỉ tiêu hết sức cụ thể. Ví như, đến năm 2025, Bộ Tài chính phấn đấu tăng tỷ lệ số hóa, ký số và lưu trữ điện tử đối với hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được giải quyết thành công trong mỗi năm thêm 20% cho đến khi đạt tỷ lệ 100% để đảm bảo việc kết nối chia sẻ dữ liệu trong giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. 80% người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC không phải cung cấp lại các thông tin, giấy tờ, tài liệu đã được chấp nhận trước đó. 100% hồ sơ TTHC đã giải quyết thành công được số hóa, lưu trữ và có giá trị tái sử dụng. Giảm thời gian chờ đợi của người dân, doanh nghiệp xuống trung bình còn tối đa 15 phút/ lượt giao dịch; thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ tối thiểu 30 phút/ hồ sơ vào năm 2025. Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng cung cấp dịch vụ công đạt tối thiểu 95% vào năm 2025.

Đặt mục tiêu với những con số cụ thể và mốc thời gian vừa là động lực cũng là áp lực đối với ngành Tài chính. Quan điểm của Bộ Tài chính là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, thì dù áp lực, Bộ Tài chính vẫn không ngừng phấn đấu thực hiện các mục tiêu đó.

Thủ tục hành chính thuế, hải quan dễ tiếp cận, không chồng chéo

Những cải cách bộ máy, thủ tục của ngành Tài chính đã tạo ấn tượng đối với người dân và doanh nghiệp.

Có ý kiến cho rằng, bộ TTHC chỉ là phần xác, còn phần hồn là hành động tác động đến nó như thế nào, đó chính là ý chí con người. Do đó, Bộ Tài chính luôn coi trọng công tác sắp xếp lại và đầu tư cho con người, nâng cao chất lượng phục vụ.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam [VCCI], qua khảo sát của VCCI, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đánh giá khá tích cực công tác cải cách TTHC của cơ quan thuế, hải quan, nhiều chính sách và thủ tục dễ tiếp cận hơn. Một số cải cách lớn của cơ quan hải quan, thuế cũng được doanh nghiệp ghi nhận như giảm bớt sự chồng chéo, trùng lặp trong kiểm tra…

Có thể nói, về cơ bản, các TTHC lĩnh vực tài chính ngày càng được hoàn thiện theo hướng thống nhất, đồng bộ, đơn giản, công khai, minh bạch, tăng tính liên thông. Ngành Tài chính cũng ứng dụng tối đa công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và thực hiện TTHC.

Về hiện đại hóa hành chính, Bộ Tài chính đã chủ động, quyết liệt triển khai chủ trương xây dựng chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số và nền kinh tế số, từng bước đưa ứng dụng công nghệ thông tin trở thành một công cụ hỗ trợ đắc lực cho quá trình quản lý và điều hành ngân sách và tài chính.

Thời gian tới, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh CCHC nói chung và cải cách TTHC nói riêng, nhằm đạt được các mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu hội nhập./.

Chủ Đề