Dđiều kiện để thực hiện tự do hóa lãi suất năm 2024

Đại diện một số ngân hàng cho biết, quy định này có thể hiểu là trần lãi suất vay tại BLDS cũng được áp dụng đối với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng [TCTD]. Đây chính là vấn đề nan giải mà lâu nay các TCTD vẫn “ngơ ngác” không hiểu liệu hoạt động kinh doanh của mình có đúng pháp luật không? Bởi nếu theo quy định của BLDS hiện hành, việc cho vay của ngân hàng sẽ không được quá 150% lãi suất cơ bản, tức là không quá 13,5%/năm [căn cứ theo LSCB được NHNN công bố từ năm 2010 và chưa có thay đổi là 9%] thì hầu hết các TCTD đều vi phạm.

Trong khi đó, Luật các TCTD và Luật Ngân hàng lại quy định, trong điều kiện bình thường họ sẽ được thực hiện theo cơ chế tự thỏa thuận, không có trần lãi suất. Chỉ khi có diễn biến bất thường, NHNN mới quy định cơ chế xác định lãi suất trong quan hệ giữa TCTD và khách hàng. Sự “vênh” nhau 180 độ này đã gây khó khăn và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của các TCTD, theo đó hàng loạt hợp đồng cho vay của họ với khách hàng luôn nằm trong nguy cơ có thể bị vô hiệu do vượt trần lãi suất vay theo quy định của BLDS.

Thế nhưng, dự thảo BLDS sửa đổi hiện vẫn tiếp tục lấy cơ sở để xác định trần lãi suất vay là lãi suất cơ bản, cụ thể tại khoản 3 Điều 491 quy định “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 200% theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại vay tương ứng, trừ trường hợp luật có quy định khác”. Điểm thay đổi duy nhất của dự thảo BLDS so với BLDS năm 2005 là trần lãi suất vay trong quan hệ dân sự được nâng từ mức 150% lên thành 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Nút thắt lãi suất và kỳ vọng gỡ rối

Nhận xét về BLDS sửa đổi, nhiều lãnh đạo ngân hàng, tổ chức tín dụng đều tỏ ra ngao ngán bởi luật sửa đổi chưa giải quyết được những bất cập hiện tại. Thậm chí có một lãnh đạo ngân hàng lớn đã phân tích, đây là một bước lùi trong lộ trình tự do hóa lãi suất. Nếu trần lãi suất vay tại BLDS điều chỉnh đối với cả hoạt động ngân hàng thì luôn luôn có một mức lãi suất trần khống chế với hoạt động kinh doanh của các TCTD. Điều này không chỉ trái với quy định của Luật NHNN, Luật các TCTD mà còn đi ngược với chủ trương tự do hóa lãi suất của Đảng và Nhà nước ta.

Một lãnh đạo ngân hàng khác cũng cho rằng, con đường tự do hóa lãi suất để xây dựng một thị trường tài chính vững mạnh đã được NHNN thực hiện từ khi có Pháp lệnh Ngân hàng. Từ thời gian đầu NHNN quy định cụ thể lãi suất tiền gửi và cho vay, đến “nới lỏng” hơn: quy định sàn lãi suất tiền gửi, trần lãi suất cho vay, rồi đến lãi suất cơ bản cộng biên độ, và cuối cùng là bỏ biên độ. Hơn ai hết NHNN hiểu rõ những nỗ lực khó khăn để tiến đến tự do hóa lãi suất, việc phải từ bỏ một công cụ hành chính mang tính áp chế mạnh và dễ thực hiện đối với NHNN nhưng lại gây nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế không phải là dễ dàng, và vì nếu lợi ích và sự thuận tiện của mình trong thực thi chính sách thì NHNN đã không thúc đẩy quá trình này.

Nhiều chuyên gia tài chính-ngân hàng cũng cho rằng, NHNN nên chấm dứt những tranh cãi về việc không tuân thủ BLDS từ những năm trước bằng cách công bố chấm dứt sử dụng công cụ lãi suất cơ bản để điều hành lãi suất, đồng thời đưa ra giải pháp tình thế để tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật NHNN là: vẫn công bố lãi suất cơ bản, nhưng từ một công cụ điều hành lãi suất cơ bản sẽ trở thành một chỉ số về lãi suất, bằng việc thay đổi cách tính lãi suất cơ bản. Điều đó có nghĩa là lãi suất cơ bản sẽ được tính bằng bình quân lãi suất cho vay của các TCTD. Và như thế chính lãi suất cho vay của các TCTD quyết định lãi suất cơ bản, và mức lãi suất này được các cơ quan Tư pháp tham chiếu để xử lý các khoản cho vay “phi chính thức”. Bên cạnh đó, NHNN sẽ phát triển các công cụ điều hành lãi suất thay thế đủ mạnh để điều tiết thị trường. Nếu vấn đề này không được Quốc hội xem xét kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy tiêu cực cho thị trường tài chính nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Một số ý kiến cũng cho rằng, tại BLSD 1995 đã quy định “Lãi suất cho vay do các bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 50% của lãi suất cao nhất do NHNN Việt Nam quy định đối với loại cho vay tương ứng”. Thời điểm Bộ luật dân sự 1995 ra đời NHNN đang điều hành lãi suất theo cơ chế trần lãi suất cho vay: NHNN công bố mức trần lãi suất và các NHTM chỉ được cho vay tối đa bằng mức trần lãi suất công bố. Điều khó lý giải là tại sao Bộ luật Dân sự 1995 lại cho phép cho vay vượt qua 50% mức lãi suất cao nhất [tức lãi suất trần]? Đây chính là ý đồ của các nhà soạn thảo và cũng là tinh thần của Bộ luật Dân sự 1995, điều đó định rõ rằng Bộ luật Dân sự không điều chỉnh lãi suất cho vay của các NHTM mà chỉ là căn cứ để phán quyết các hoạt động cho vay “phi chính thức” để chống cho vay nặng lãi.

Trước thềm phiên thảo luận của Quốc hội về BLDS sửa đổi, nhiều ngân hàng thương mại kỳ vọng, nút thắt về lãi suất sẽ được gỡ rối, giúp mục tiêu tự doa hóa lãi suất sớm được thực hiện và mang lại “sức sống” mới cho nền kinh tế.

Chủ Đề