Đề tài nghiên cứu về tình yêu sinh viên

Định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên trường Đại học Khoa học - Đại học Huế

TÓM TẮT

Bài viết này là một phần của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Cơ sở “Định hướng giá trị về tình yêu và hôn nhân của sinh viên trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hiện nay” được thực hiện trong năm 2018. Bài viết tập trung phân tích quan niệm của sinh viên về việc “có nên yêu khi đang là sinh viên”; lý do lựa chọn người yêu; thái độ của sinh viên về một số giá trị trong tình yêu và vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Kết quả nghiên cứu cho thấy, sinh viên trường Đại học Khoa học hiện nay đã có những định hướng khá rõ ràng về các giá trị trong việc lựa chọn người yêu, họ có cái nhìn “thoáng” hơn về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bên cạnh những nhận thức mới, quan điểm mới của thế hệ trẻ về tình yêu, bài viết cũng chỉ ra được một số giá trị truyền thống vẫn được duy trì cho tới hiện tại nhằm xây dựng một hệ tiêu chuẩn phù hợp với mỗi cá nhân sinh viên trong quan niệm về lựa chọn người yêu.

Từ khóa: định hướng giá trị, tình yêu, sinh viên

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Theo kết quả nghiên cứu của các nhà tâm lý học phát triển, tuổi sinh viên là thời kỳ mà con người phát triển tích cực các loại tình cảm cao cấp như tình cảm trí tuệ, tình cảm đạo đức và tình cảm thẩm mĩ. Họ bắt đầu khao khát và quan tâm đặc biệt đến sự thành đạt trong sự nghiệp, xác định vị thế xã hội, tình yêu và xây dựng cuộc sống gia đình trong tương lai. Do đó, những định hướng trong tình yêu, hôn nhân của lứa tuổi sinh viên có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng mạnh mẽ đến hạnh phúc gia đình sau này vì định hướng giá trị là sơ sở của hành vi, quyết định lối sống của con người. Do đó, việc tìm hiểu định hướng giá trị trong tình yêu và hôn nhân trên khách thể sinh viên - những công dân sắp bước vào đời sống gia đình là điều cần thiết, nó giúp gia đình, nhà trường và cộng đồng nhìn nhận đầy đủ hơn về cuộc sống của nhóm xã hội này, từ đó, có sự quan tâm đúng mức, góp phần giúp sinh viên có nhận thức, thái độ và hành vi phù hợp để đạt được hạnh phúc trong mối quan hệ cá nhân lẫn đời sống gia đình sau này và góp phần đạt được những thành công khác trong cuộc sống.

Dựa trên kết quả khảo sát của đề tài nghiên cứu khoa học cấp sơ sở “Định hướng giá trị trong tình yêu và hôn nhân của sinh viên trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hiện nay”được thực hiện từ tháng 12018 đến tháng 122018, bài viết này tập trung trình bày định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên ở một số khía cạnh sau quan niệm của sinh viên về việc ”có nên yêu khi đang là sinh viên” lý do lựa chọn người yêu của sinh viên; thái độ của sinh viên về một số giá trị trong tình yêu và vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân. Bằng phương pháp thu thập thông tin chính là phân tích tài liệu, phỏng vấn bán cấu trúc và phỏng vấn sâu trong nghiên cứu xã hội học, đề tài này đã tiến hành khảo sát trên 233 sinh viên của năm thứ 1 và năm thứ 4 thuộc 4 khoa Xã hội học, Công tác xã hội, Công nghệ thông tin và Khoa học môi trường.

2. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

2.1. Thái độ của sinh viên về vấn đề “có nên yêu khi đang là sinh viên”

Bước vào giảng đường đại học, sinh viên sẽ phải đối mặt với rất nhiều điều mới lạ, khác với những gì đã biết và trải qua trong 12 năm học trước đó. Bên cạnh mục đích chính là chuyên tâm vào học tập để có một công việc vững chắc sau khi ra trường thì những rung động, cảm xúc về mặt tình yêu, giới tính, những ước mơ, dự định về cuộc hôn nhân tương lai là điều tất yếu trong đời sống tình cảm của sinh viên. Rõ ràng, tình yêu thời sinh viên là một thực tế không thể lảng tránh. Cũng đã có nhiều bài viết, nghiên cứu về vấn đề này và cho nhiều lời khuyên. Người thì nói chưa nên, vì nghề nghiệp chưa có, ra trường mỗi người một ngả, biết bao trắc trở, hãy dành thời gian cho học tập. Người thì nói, tình yêu là lẽ tự nhiên, nó là một phần tất yếu của cuộc sống, hơn nữa, sinh viên đang trải quan thời thanh xuân tươi đẹp và rực rỡ của cuộc đời, vậy hãy để nó diễn ra theo lẽ tự nhiên để các bạn được trải nghiệm và sống đúng với cảm xúc của mình. Vậy, trên thực tế, sinh viên trường Đại học Khoa học có thái độ như thế nào về việc có nên yêu khi đang ngồi trên giảng đường

Biểu đồ 1. Thái độ của sinh viên về vấn đề “có nên yêu khi đang là sinh viên?"

[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát năm 2018]

Quan sát biểu đồ 1 cho thấy, có đến 89,3% các bạn sinh viên khi được hỏi đều cho rằng nên yêu khi đang là sinh viên, chỉ có 10,7% phản đối vấn đề này. Như vậy, có thể thấy, đa số sinh viên đều bày tỏ sự ủng hộ về việc nên có một tình yêu thời sinh viên.Theo các nhà tâm lý học, giai đoạn từ 18 đến 23 tuổi là thời điểm lý tưởng để con người thiết lập mối tương quan mật thiết với người khác giới để bắt đầu nảy sinh quan hệ tình cảm và nghĩ đến chuyện hôn nhân, xây dựng dựng gia đình [1]. Đối với sinh viên, đây là quãng thời gian tiếp tục học tập, nâng cao kiến thức và trong những năm tháng ấy, tình yêu là một thứ “gia vị” cho cuộc sống nơi giảng đường thăng hoa hơn, đẹp đẽ hơn. Do đó, đa số các bạn sinh viên đều mong muốn có một tình yêu đẹp trong độ tuổi thanh xuân này là điều dễ hiểu. Có 56 mẫu phỏng vấn sâu cũng đã thể hiện sự đồng ý với quan điểm này “Nên yêu, yêu thì ai cấm, yêu thì cuộc đời sinh viên có ý nghĩa, miễn sao không sao nhãng việc học, hai người cùng động viên nhau học thì nên yêu, đừng có đi quá giới hạn là được” [Sinh viên, nữ, năm 4, Công tác xã hội] “Vì nghe nói tình yêu sinh viên thường hay lãng mạn, nên muốn thử cảm giác yêu là thế nào, mặc dù biết có thể nó sẽ không lâu dài nhưng vẫn muốn yêu” [Sinh viên, nam, năm 1, Công nghệ thông tin]

Chị Chu Hồng Minh, Phó chủ tịch hội Sinh viên Việt Nam trong buổi giao lưu về chủ đề “Bí quyết học tốt ở bậc Đại học” do Hội sinh viên Hà Nội tổ chức cũng đã chia sẻ “Chị nghĩ rằng tình yêu sinh viên là nên có, chị đã có tình yêu sinh viên từ năm hai Đại học. Đối với chị, tình yêu sinh viên đẹp vô cùng! Chị nghĩ rằng đó là một kỉ niệm, mà sau này dù kết quả có ra sao thì đó vẫn là quãng thời gian đáng nhớ với mỗi người” [3].

2.2. Thái độ của sinh viên về một số giá trị trong tình yêu

Gía trị là cái đáng quý, cái cần thiết, có ích lợi, có ý nghĩa, thõa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người, nhóm xã hội nói chung. Với ý nghĩa đó, giá trị trong tình yêu của sinh viên là những cái được đánh giá là có ích, có ý nghĩa thiết thực và thõa mãn được nhu cầu của các bạn sinh viên trong mối quan hệ với người mình yêu. Bảng 1 dưới đây thể hiện sự đánh giá của sinh viên hiện nay về một số giá trị tình yêu được rút ra từ khảo sát thực tiễn.

Bảng 1. Thái độ của sinh viên về một số giá trị trong tình yêu [đơn vị %]

[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát năm 2018]

Quan sát bảng 1 cho thấy, phần lớn sinh viên được hỏi đều rất đồng ý và đồng ý rằng “Sinh viên ngày nay được tự do trong tình yêu và lựa chọn người yêu” [92,2%], chỉ có tỉ lệ nhỏ [7,7%] ít và không đồng ý với nhận định này. Rõ ràng, xã hội phát triển, những rào cản định kiến và quan niệm đạo đức cũ đang dần được gỡ bỏ đã tạo điền kiện cho giới trẻ ngày càng được tự do yêu đương, được sống với cảm xúc thật của mình. Ngày nay, các bạn trẻ có nhiều cơ hội gặp gỡ và tìm hiểu, lựa chọn người mình yêu so với các thế hệ ông bà, cha mẹ bởi sự rộng mở của môi trường sống, sự đa dạng của các mối quan hệ đã tạo điều kiện thuận lợi cho sự nảy nở của những tình yêu lứa tuổi sinh viên. Bên cạnh đó, không giống như các cấp học dưới, việc yêu đương sẽ chịu nhiều cấm đoán từ phía gia đình, khi bước chân vào giảng đường đại học, chuyện tình yêu của sinh viên đã cởi mở hơn rất nhiều và đây cũng là một trải nghiệm tuyệt vời của các bạn sinh viên khi đang ngồi trên ghế giảng đường. Do đó, hầu hết sinh viên đều cảm thấy tự do và tự chủ hơn với những quyết định về tình yêu và lựa chọn người yêu cho mình.

Thời gian gần đây, nhiều bình luận trên mạng xã hội đã nêu quan điểm “Tiền không mua được tình cảm nhưng có thể khiến tình cảm trở nên tốt đẹp và tuyệt vời hơn. Đó là thực tế, không phải là thực dụng” và đã nhận được rất nhiều ý kiến phản hồi bày tỏ quan điểm của giới trẻ.Với suy nghĩ đó, trong nghiên cứu này, tác giả đưa ra nhận định “Sinh viên ngày càng đề cao và lựa chọn các giá trị vật chất trong tình yêu” để nhằm tìm hiểu quan điểm của sinh trường Đại học Khoa học về vấn đề này. Kết quả khảo sát cho thấy, có gần 60% sinh viên bày tỏ quan điểm rằng họ không đồng ý hoặc chỉ đồng ý một phần với nhận định này. Họ cho rằng tình yêu sinh viên thường lãng mạn, xuất phát từ tình cảm thật, từ những cảm xúc trong trẻo tinh khôi của tuổi trẻ, những rung động thật sự từ trái tim của hai phía chứ ít vì toan tính vật chất hay điều gì khác.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có đến 40,8% sinh viên đã đồng ý và rất đồng ý với nhận định “Sinh viên ngày càng đề cao và lựa chọn các giá trị vật chất trong tình yêu”. Như vậy, rõ ràng, có không ít ý kiến đã thừa nhận rằng, tình yêu tuổi sinh viên không hoàn toàn mơ mộng, trong sáng như thời còn học sinh mà ở thời kỳ này, bên cạnh những rung động thuần khiết xuất phát từ trái tim, tình yêu sinh viên còn hướng đến sự gắn kết và bộc lộ rõ hơn, họ bắt đầu có xu hướng nghĩ đến những giá trị vật chất, kinh tế trong tình yêu. Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học, tình yêu sinh viên là thời kỳ yêu đương thực sự của con người, đây là tình yêu khi con người đã ở tuổi trưởng thành, nó rất khác với tình yêu khi mới lớn, ở lứa tuổi học sinh bởi “tình yêu ở sinh viên nói riêng và ở người trưởng thành nói chung là dạng tình cảm tất yếu, cao cấp và rất phức tạp. Tình yêu liên quan, gắn bó mật thiết với đời sống tâm sinh lý của con người và chịu tác động của các yếu tố kinh tế, chính trị, văn hóa” [5]. Do đó, quan điểm trên cũng phản ánh phần nào tâm lý và sự lựa chọn các giá trị tình yêu của các bạn trẻ trong hoàn cảnh mới.

Ảnh 1: Tình yêu ở sinh viên cũng dạng tình cảm tất yếu, cao cấp và rất phức tạp

Một nhận định nữa được nghiên cứu đưa ra để khảo sát thái độ của sinh viên về tình yêu ở lứa tuổi này, đó là quan điểm “Sinh viên có xu hướng yêu theo phong trào”. Kết quả xử lý số liệu cho thấy, có 60,5% sinh viên không đồng ý và ít đồng ý với nhận định này, tỷ lệ đồng ý và rất đồng ý 39,5%. Như vậy, nhìn chung phần lớn sinh viên đã thể hiện thái độ nghiêm túc trong tình yêu, họ yêu vì xuất phát từ chính nhu cầu của bản thân và muốn tìm một tình yêu đích thực, gắn kết. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận không nhỏ sinh viên coi đây chỉ là một phong trào, yêu để không thua kém bạn bè “một số người bạn của em thích có người yêu đi chơi cho đỡ buồn, có người yêu đỡ mất mặt với bạn bè vì ngày nào tụi hắn cũng nói mi ế đồ rứa” [Sinh viên, nam, năm 4, Xã hội học]; hay vì “ghen tị với vài người bạn suốt ngày khoe “gấu” mà cứ kiếm đại một mối tình” [Sinh viên, nam, năm 1, Khoa học môi trường]. Lý lẽ yêu đương của một số sinh viên nhiều khi rất đơn giản, “chẳng lẽ nó có mà mình không có” nên dẫn đến không ít sinh viên đã nhắm mắt yêu đại, yêu vội, yêu gấp… cho bằng bạn, bằng bè. Tình yêu là một loại tình cảm cao cấp và hết sức đặc biệt của con người, có vai trò rất quan trọng trong đời sống của cá nhân và xã hội. Nó là điều kiện cần thiết cho sự phát triển nhân cách một cách toàn diện, hài hòa của con người. Nó chứa sức mạnh lớn lao thôi thúc con người hành động và vượt mọi khó khăn để thực hiện hành động. Tuy nhiên, tình yêu có thể gây nên những hậu quả nặng nề và để lại những nỗi bất hạnh lớn lao cho cả hai nếu nó phát triển theo hướng tiêu cực như yêu vì vụ lợi, yêu vội, yêu gấp hoặc tình yêu ngộ nhận…

Một điều khá thú vị trong nghiên cứu này là khi xử lý thông tin định lượng cho thấy, có đến 89,3% sinh viên cho rằng “nên yêu khi đang là sinh viên”[xem biểu đồ 1] nhưng lại có đến 82,4% ít đồng ý và không đồng ý với nhận định “tình yêu tuổi sinh viên thường hướng đến hôn nhân”. Tình yêu thời sinh viên có lẽ là tình yêu đẹp nhất trong đời người, nhưng trên thực tế, không nhiều đôi bạn trẻ có thể giữ vững được tình yêu của mình ngay sau ngày tốt nghiệp để đi đến hôn nhân. Vấn đề về khoảng cách địa lý, áp lực từ phía gia đình, khó khăn khi tìm việc, tất cả đã khiến cho không ít cặp đôi phải đặt dấu chấm hết cho tình yêu đẹp của mình. Do đó, mặc dù hầu hết các bạn đều ủng hộ tình yêu sinh viên nhưng cũng không ít người bày tỏ quan điểm hoài nghi về một cái kết có hậu cho tình yêu của giai đoạn này. Điều này cũng phần nào thể hiện cách nhìn rất thực tế về tình yêu của sinh viên trong bối cảnh hiện nay.

Tóm lại, gía trị trong tình yêu là yếu tố thường thiên về bình diện cá nhân. Nó là những cái được mỗi sinh viên lựa chọn và đánh giá cao trong mối quan hệ của mình nên vô cùng phong phú, bao gồm cả giá trị vật chất lẫn tinh thần. Đồng thời, sự lựa chọn các giá trị trong tình yêu của số đông sinh viên sẽ đóng vai trò là một yếu tố cấu thành nên và phản ánh được diện mạo xã hội của thời đại, của một nền văn hóa.

2.3. Lý do lựa chọn người yêu của sinh viên trường đại học Khoa học

Từ việc tìm hiểu thái độ của sinh viên về một số quan điểm trong tình yêu hiện nay, tác giả tiếp tục đi sâu tìm hiểu những lý do mà sinh viên đã [hoặc sẽ] lựa chọn cho mình một người yêu lí tưởng.

Biểu đồ 2. Lý do lựa chọn người yêu của sinh viên
[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát năm 2018]

Quan sát biểu đồ 2 cho thấy, trong 10 tiêu chí được đưa ra để tìm hiểu lý do vì sao sinh viên lựa chọn người yêu, có 3 tiêu chí được sinh viên lựa chọn nhiều nhất là “vì người đó biết chia sẻ, đồng cảm với bạn” [83,3%]; “vì người đó có phẩm chất đạo đức tốt” [78,1%] và “để có người chia sẻ buồn vui và giúp đỡ nhau trong lúc thiếu vắng tình cảm do xa gia đình” [61,4%], 3 tiêu chí được lựa chọn ít nhất lần lượt là “vì bố mẹbạn bèngười quen nhận xét tốt về người đó” [17,2%]; “để có được sự thõa mãn về tình dục” [14,6%] và để “có được sự an toàn về vật chất”. Những tiêu chí còn lại như “vì người đó giỏi, có tài năngnăng khiếu nào đó”, “vì người đó có ngoại hình đẹp, ưa nhìn”, “muốn trải nghiệm tình cảm giống bạn bè” chiếm tỷ lệ từ 44,2% đến 29,6%. Ngoài ra, có khoảng 13 sinh viên cho rằng yêu là “không có lý do nào hết, chỉ đơn giản là yêu”.

Qua số liệu trên cho thấy, phần lớn sinh viên trường Đại học Khoa học khi lựa chọn người yêu đã hướng đến những tiêu chuẩn nhất định chứ không phải yêu theo kiểu “nhắm mắt chọn đại”, trong đó sinh viên có xu hướng lựa chọn người yêu vì sự đồng điệu về tâm hồn, vì sự quan tâm, thấu hiểu và sẵn sàng sẻ chia vui buồn trong những ngày tháng sống xa gia đình, họ đề cao mối quan hệ tình cảm thân mật, chân thành, những giá trị đạo đức bên trong hơn là hướng tới theo đuổi những vấn đề liên quan đến vật chất hay vẻ bề ngoài.

Trên thực tế, thường sẽ tồn tại một khoảng cách nhất định giữa nhận thức và hành vi, nhưng khi biết được những giá trị mà số đông sinh viên đánh giá là có ích, có ý nghĩa tích cực, cần thiết và thõa mãn được các nhu cầu của họ trong mối quan hệ với người mình yêu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn tâm tư, thái độ, suy nghĩ của nhóm xã hội này. Nó chứng minh rằng các bạn sinh viên vẫn rất biết trân trọng tình yêu của mình, đây là một điểm tích cực và chứng tỏ rằng trong xã hội hiện đại, các bạn trẻ vẫn rất coi trọng tình cảm chứ không phải chỉ biết chạy theo những giá trị vật chất trong cuộc sống như nhiều người vẫn lo ngại.

2.4. Thái độ của sinh viên về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân

Tình yêu là dạng tình cảm mãnh liệt giữa hai cá nhân dẫn đến sự gắn kết về tâm hồn, thể xác và cuộc đời. Theo nhà tâm lý học Robert Sternberg, tình yêu được kết hợp từ 3 thành phần thân mật [gắn kết về tâm hồn, khiến tình yêu thêm sâu sắc], đam mê [gắn kết về thể xác] và cam kết [gắn kết lâu dàikết hôn] [5]. Do đó, khi nghiên cứu định hướng giá trị của sinh viên về tình yêu, tác giả cũng đồng thời muốn tìm hiểu quan niệm của sinh viên về vấn đề tình dục bởi đây là một thành phần quan trọng trong tình yêu.

Biểu đồ 3. Mức độ đồng ý của sinh viên về nhận định “Sinh viên hiện nay đã “thoáng” hơn trong quan niệm về tình dục”

[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát năm 2018]

Kết quả xử lý số liệu ở biểu đồ 3 cho thấy, có đến 11,6% sinh viên rất đồng ý và 51,9% đồng ý rằng “sinh viên hiện nay đã “thoáng” hơn trong quan niệm về tình dục”; 27% sinh viên ít đồng ý và chỉ có 11,6% không đồng ý với ý kiến này. Bên cạnh đó, khi tác giả đưa ra câu hỏi để đo lường thái độ của sinh viên về vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân cũng đã thu được những kết quả tương đồng.

Biểu đồ 4. Thái độ của sinh viên về quan hệ tình dục trước hôn nhân

[Nguồn: Kết quả xử lý số liệu khảo sát năm 2018]

Số liệu ở biểu đồ 4 cho thấy, có đến 63,5% sinh viên cho rằng quan hệ tình dục trước hôn nhân là điều bình thường, 6% bày tỏ sự ủng hộ và chỉ có 30,5% sinh viên là phản đối quan điểm này.

Từ hai kết quả định lượng trên đã phản ánh một thực tế rằng, hiện nay, sinh viên đang xem xét tình dục như là một giá trị trong tình yêu. Nếu như trước đây, trinh tiết được xem là một giá trị được liên hệ với phẩm giá, lòng tự trọng, việc quan hệ trước hôn nhân là điều cấm kỵ, nhạy cảm, ít được nhắc tới thì hiện nay, chuyện tình dục lại được người trẻ nói chung và sinh viên nói riêng tiếp cận với cái nhìn cởi mở, bạo dạn và “thoáng” hơn. Điều này cũng đã có sự tương đồng với những số liệu điều tra về độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của giới trẻ trên thực tế ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu của Báo cáo Quốc gia về Thanh niên Việt Nam do Quỹ dân số Liên hợp quốc Việt Nam kết hợp với Bộ Nội vụ thực hiện vào năm 2015, tuổi quan hệ tình dục lần đầu trung bình của người trẻ là 18,1 tuổi [18,2 đối với nam giới và 18,0 với nữ giới]. Theo điều tra của Durex vào năm 2016, độ tuổi trung bình quan hệ tình dục lần đầu tại Việt Nam là 19,7, thấp hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc [22,1 tuổi], Thái Lan [20,5 tuổi], Singapore [22,8 tuổi], Malaysia [23 tuổi] [2].

Thái độ cởi mở và thoáng trong vấn đề tình dục của sinh viên hiện nay có thể được lý giải ở một số khía cạnh. Thứ nhất, nhiều sinh viên, khi bước vào môi trường mới, bối cảnh sinh hoạt thuận lợi, không chịu sự kiểm soát chặt chẽ của gia đình như thời học sinh, chẳng phải xin phép ai khi đi chơi đêm, cũng chẳng phải ngại ngần với bà con lối xóm như khi còn ở quê. Họ có môi trường giao tiếp mới mẻ, đa dạng, du lịch, hội hè, sinh nhật, họ sống cùng nhau, thường xuyên tương tác với nhau nên cũng vì thế mà khi yêu đương dễ dàng nảy sinh những vấn đề liên quan đến tình dục. Thứ hai, nhìn xa hơn, những chuyển mình của đời sống kinh tế, văn hóa trong xã hội Việt Nam có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống tình dục của người trẻ, trong đó có sinh viên. Tư duy về hôn nhân gia đình từ mang nặng ảnh hưởng của thế hệ ông cha thì ngày nay được tự do quyết định. Bên cạnh đó, ảnh hưởng của phương tiện truyền thông, nền giáo dục cởi mở khiến lối sống của thanh niên Việt Nam ngày càng gần với lối sống của thanh niên thế giới. Nó cho thấy một xu hướng về vấn đề tình dục trong tình yêu và tình dục trước hôn nhân tự do và thoải mái hơn, không chịu nhiều áp lực, định kiến như trước nữa.

Ảnh 2: Tình yêu của sinh viên ngày nay có phần trở nên" thoải mái" hơn ngày trước

Tuy nhiên, thực trạng này cũng đã gây nên không ít những xung đột về mặt giá trị xã hội bởi vì bên cạnh những người xem tình dục trước hôn nhân là điều bình thường nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ những người cao tuổi, bậc làm cha, làm mẹ hoặc thậm chí là các bạn trẻ vẫn còn đề cao giá trị trinh tiết hoặc coi tình dục trước hôn nhân là điều sai trái, xấu hổ, thấp kém, trái đạo đức…Bằng chứng là vẫn có khoảng 13 số sinh viên được hỏi đã bày tỏ quan điểm phản đối việc quan hệ tình dục trước khi kết hôn. Do đó, sự thật là dù có sẵn sàng quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng trên thực tế vẫn có sự giằng xé nội tâm của nam nữ sinh viên trước những gần gũi về thể xác trong quan hệ yêu đương. Một bên là sự cởi mở, phóng khoáng của văn hóa hiện đại, một bên là truyền thống với những niềm tin và giá trị truyền từ đời này sang đời khác. Những mâu thuẫn này cũng có tác dụng như sự kiểm soát xã hội đối với hành vi quan hệ tình dục trong tình yêu ở không ít sinh viên hiện nay.

Một điều cần bàn luận thêm ở đây là trong khi phần lớn ý kiến cho rằng, sinh viên hiện nay đã “thoáng” hơn trong tình dục và bày tỏ quan điểm khá thoải mái với vấn đề quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng lại cũng có đến gần 70% sinh viên đồng ý và rất đồng ý rằng “Sinh viên đang thiếu kiến thức về tình yêu, giới tính và sức khỏe sinh sản” và có đến 86,3% sinh viên đồng ý và rất đồng ý rằng “ sinh viêncần được học về các vấn đề tình yêu, giới tính và sức khỏe sinh sản để có định hướng đúng” [xem bảng 1]. Gần đây, một clip quay cảnh nam thanh niên một mực muốn bạn gái phá thai tại bệnh viện được đưa lên Facebook, ngay lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Nam thanh niên là sinh viên của một trường đại học và bạn gái sau một thời gian yêu nhau, cô gái có thai 10 tuần tuổi. Lấy lý do gia đình phản đối, chưa lo được cho tương lai, chưa thể kết hôn, người bạn trai không muốn nửa kia sinh con [4]. Hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận chê trách bạn trai kia vô trách nhiệm, nhẫn tâm với người phụ nữ mình từng yêu thương và đứa con chưa kịp thành hình. Bỏ qua chi tiết đúng - sai trong câu chuyện riêng tư của một đôi tình nhân, có thể nhìn thấy rõ sự bất cẩn của hai bạn sinh viên trong việc quan hệ trước hôn nhân, phòng tránh thai, cũng như thiếu các kiến thức tình dục mà có lẽ rất nhiều người trẻ, như đôi nam nữ sinh viên kia, chưa được trang bị. Cũng theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y Tế, tại Việt Nam, mỗi năm cả nước có khoảng 250.000-300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Trong đó, tổ chức Y tế thế giới [WHO] xếp Việt Nam vào danh sách một trong 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỷ lệ phá thai cao nhất châu Á [6]. Những phân tích trên đã khẳng định một thực tế là dù có tư tưởng thoáng về tình dục nhưng nhiều bạn trẻ, trong đó có sinh viên lại có kiến thức nửa vời về các biện pháp tránh thai và bảo vệ sức khỏe sinh sản và nhu cầu được tìm hiểu, được trang bị thêm kiến thức về những vấn đề này là rất lớn và thiết thực. Đây là một vấn đề cấp bách đang đặt ra cho các nhà quản lý trong việc trang bị kiến thức về sức khỏe sinh sản và định hướng giá trị về tình yêu, tình dục cho giới trẻ nói chung và sinh viên nói riêng hiện nay.

3. KẾT LUẬN

Tóm lại, học và yêu – đó là hai mặt thống nhất trong mỗi sinh viên. Bước vào giảng đường đại học, mỗi sinh viên được tự do vẫy vùng trong cuộc sống tự lập của riêng mình mà không bị bó buộc nhiều bởi gia đình. Khác với những rung động tuổi “teen”, tuổi sinh viên là thời điểm bắt đầu mối tình ở một giai đoạn mới, tình yêu sinh viên thường hướng đến gắn kết và bộc lộ rõ hơn. Phần lớn sinh viên cho rằng, tuổi sinh viên là thời điểm thích hợp để xây dựng một tình yêu đẹp. Khi lựa chọn người yêu, hầu hết sinh viên vẫn hướng đến những tiêu chuẩn từ chính bản chất của đối tượng đó là sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm và ở phẩm chất đạo đức của người đó. Bên cạnh đó, sinh viên trường Đại học Khoa học hiện nay cũng thể hiện quan niệm “thoáng” hơn về vấn đề tình dục trước hôn nhân.

Rõ ràng, dưới tác động mạnh mẽ của bối cảnh mới, trong xu thế tự chủ, quan niệm của thanh niên - sinh viên về tình yêu, hôn nhân đã có sự thay đổi theo hướng tích cực, chủ động và tự chịu trách nhiệm, đặc điểm cá nhân ngày càng được quan tâm hơn trong các lựa chọn. Tuy nhiên, một số những quan niệm hôn nhân truyền thống vẫn còn được bảo lưu và ảnh hưởng đến những định hướng về tình yêu của sinh viên. Điều này cũng đã cho thấy những điểm hợp lý, đúng mức, gắn với lối sống và bối cảnh xã hội nước ta hiện nay
---

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Nguyễn Văn Đồng [2012], Tâm lí học phát triển, Nxb Chính trị Quốc gia

[2]. Ngân Giang [2017], Tình yêu của giới trẻ ngày nay phải đồng hành với tình dục, Website httpsnews.zing.vntinh-yeu-cua-gioi-tre-thoi-nay-phai-dong-hanh-voi-tinh-duc-post791935.html

[3]. Hồng Minh [2015] “Tình yêu thuở sinh viên đẹp vô cùng”. Website httpsdantri.com.vnnhip-song-tretinh-yeu-thuo-sinh-vien-dep-vo-cung-0151018090729774.htm

[4]. Đăng Nguyễn [2017], Clip chàng trai ép bạn gái phá thai khiến dân mạng sửng sốt và phẫn nộ, Website httpdanviet.vngia-dinhclip-chang-trai-ep-ban-gai-pha-thai-khien-dan-mang-sung-sot-va-phan-no-817564.html

[5]. Lê Nguyễn Anh Như [2013], “Định hướng giá trị trong tình yêu của sinh viên một số trường đại học tại thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn thạc sĩ Tâm lý học, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh

[6]. Trần Phương [2017], Việt Nam Mỗi năm hơn 250.000 ca phá thai, Website httpsdantri.com.vnsuc-khoeviet-nam-moi-nam-hon-250000-ca-pha-thai-20170926104838848.htm

[7]. Võ Nữ Hải Yến [2018], Định hướng giá trị trong tình yêu và hôn nhân của sinh viên trường Đại học Khoa học, Đại học Huế hiện nay, Đề tài NCKH cấp cơ sở, Trường Đại học Khoa học, Đại học Huế.

---

Nguồn ảnh:

Ảnh bìa: //hahoatien.edu.vn/wp-content/uploads/2019/06/tinh-yeu-tuoi-hoc-duong-198471-730x430.jpg

Ảnh 1: //kenh14cdn.com/thumb_w/640/2016/img20160221230548204-1471966062474-120-0-953-1333-crop-1471966097300.jpg

Ảnh 2: //lh3.googleusercontent.com/proxy/5cfRWIzuEjjgxlB4ppZrcAQnSSnLByrIUCFCSEE7yXlRxBJVGVqYcDm5si8yskmeNnFznOGqpx8UsbXvutQjxgeRl7jaE6k6YYZ-XyYl1tBNkJyVfqLmGd5joV

---

Media Team, Sociology Hue - HUSC

Editor: Hồng Thảo |

Video liên quan

Chủ Đề