Điểm thi tuyển sinh đại học 2023

Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo các trường ĐH loại bỏ các phương thức xét tuyển đại học không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây vướng mắc cho thí sinh.

Bộ GD-ĐT vừa có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về một số nội dung chính trong công tác tuyển sinh đại học và tuyển sinh cao đẳng ngành giáo dục mầm non năm 2022. 

Xem xét khuyến cáo không thực hiện việc xét tuyển sớm

Trong báo cáo này, Bộ GD-ĐT cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022, đồng thời tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo và hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình xét tuyển.

Bộ GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic. Đồng thời, Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ [không sử dụng] các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho thí sinh. 

Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường bỏ phương thức xét tuyển không phù hợp.

Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT sẽ rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, mà tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1.

Giảm điểm ưu tiên đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao

Cũng theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2023, Bộ áp dụng chính sách giảm điểm ưu tiên đối tượng và khu vực đối với thí sinh có kết quả điểm xét tuyển cao [từ 22,5 điểm trở lên khi quy đổi theo thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn] nhằm đảm bảo sự công bằng và khắc phục tình trạng có thí sinh đạt kết quả điểm xét tuyển là 30 điểm nhưng vẫn không trúng tuyển ĐH, CĐ.

Điều này xuất phát từ việc năm 2021, tỷ lệ thí sinh có điểm cao tăng lên; ở một số ngành/trường lấy điểm rất cao như công an, quân đội, y dược... thì tỷ lệ thí sinh ở khu vực không được ưu tiên trúng tuyển thấp; tỷ lệ thí sinh phải có điểm ưu tiên trúng tuyển cao dẫn đến dư luận cho rằng điểm ưu tiên trở lên thiếu công bằng. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến và việc rà soát  điểm ưu tiên năm 2020, 2021  nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên với các thí sinh không hưởng chính sách ưu tiên.

Theo đó, chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023 sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng 3 môn thi THPT để xét tuyển vào ĐH, CĐ theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên [khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30] được xác định theo công thức sau:

Điểm ưu tiên = [[30 – Tổng điểm đạt được]/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định tại khoản 1, 2 Điều 8 Quy chế.

Từ năm 2023, sẽ áp dụng chính sách cộng điểm ưu tiên mới trong xét tuyển đại học. Nguồn: TTXVN.

Bất cập từ chính sách cộng điểm ưu tiên

TS Nguyễn Phi Long - Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam chỉ ra thực tế tại nhiều trường ĐH, do chính sách cộng điểm ưu tiên, thí sinh có điểm xét tuyển cao nhất vào trường có thể không phải là thí sinh có điểm thi cao nhất.

Đơn cử như thủ khoa của Trường ĐH Y Hà Nội năm 2022 có tổng điểm xét tuyển 31,30/30 điểm [đến từ Vĩnh Phúc]. Thí sinh này đạt 8,8 điểm môn Toán, môn Hóa đạt 9,00, môn Sinh đạt 9,25 điểm và có điểm cộng khu vực 0,25 cùng 4 điểm cộng từ quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia. Trong khi đó, á khoa của trường này là thí sinh có điểm thi môn Toán 9,2 điểm; môn Hóa 9,75 điểm; môn Sinh 9,25 điểm. Do có hộ khẩu Hà Nội nên thí sinh này không được cộng điểm ưu tiên khu vực song em có thêm 3 điểm cộng khuyến khích khi quy đổi giải học sinh giỏi quốc gia.

Nhìn từ những ngành học có điểm chuẩn “kịch trần” năm 2022 có thể thấy, khi đăng ký xét tuyển vào ngành hot của các trường top trên, nếu thí sinh không có thêm điểm ưu tiên của khu vực hay các giải thưởng, giải học sinh giỏi quốc gia… thì cơ hội đỗ là cực kỳ hiếm hoi, thậm chí bằng 0.

Điều này có thể thấy với các thí sinh trúng tuyển bằng tổ hợp C00 vào một số ngành hot của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn [ĐH Quốc gia Hà Nội] năm nay có điểm chuẩn lên tới trên 29,9-29,95, nếu các em không có thêm điểm ưu tiên thì không thể đỗ. Tương tự, hai năm trở lại đây, Trường ĐH Hồng Đức [Thanh Hóa] ở một số ngành chất lượng cao đều có mức điểm chuẩn “chạm trần”. Ông Bùi Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, theo danh sách thí sinh trúng tuyển vào trường, không có em nào đạt 3 điểm 10, nhưng do có cả các điểm cộng ưu tiên nên điểm chuẩn trúng tuyển lên tới 39,92, tức trung bình 9,98 điểm/môn mới đỗ.

Điều này có nghĩa, ngay cả những thủ khoa, á khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT tính theo tổ hợp 3 môn xét tuyển vào ĐH cũng có nguy cơ… trượt ĐH nếu em đó không sở hữu bất kỳ điểm ưu tiên nào. Rõ ràng đây là một bất cập ai cũng nhìn thấy và cần phải thay đổi để không còn tình trạng điểm thi cao vẫn trượt ĐH vào ngành yêu thích.

PGS.TS Dương Bá Vũ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục [ĐH Sư phạm TPHCM] chỉ ra, với trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Tuy nhiên, với trường top trên, chỉ 0,01 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt nên việc cộng điểm ưu tiên dù đã được điều chỉnh trong những năm qua vẫn cần tiếp tục điều chỉnh vì quyền lợi, công bằng của thí sinh.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo [GDĐT] Hoàng Minh Sơn cho rằng, việc điểm chuẩn cao đến mức vượt trên cả mức điểm thủ khoa các khối đạt được đã được Bộ GDĐT phân tích và cảnh báo từ trước. Một trong những lý do đó là chính sách cộng điểm ưu tiên chưa thực sự công bằng đối với những ngành có tính cạnh tranh cao. Những ngành có nhiều thí sinh đăng ký nhưng chỉ tiêu ít thì khi điểm chuẩn bị đẩy lên cao như vậy rõ ràng điểm cộng ưu tiên dù là 0,1-0,2 đã rất quan trọng, chưa nói tới việc có thể được cộng tối đa tới 2,75 điểm/thí sinh.

“Bộ GDĐT đã dự thảo điều chỉnh việc cộng điểm ưu tiên và nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Sau khi tính toán có sự thống nhất là sự điều chỉnh này cần có một độ trễ nhất định nên việc áp dụng sẽ từ năm 2023. Nếu áp dụng ngay từ năm 2022 chắc chắn sẽ không có hiện tượng điểm chuẩn cao đến vậy” - ông Sơn nói.

Chất lượng khác biệt

Từ năm 2023, Bộ GDĐT sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên [trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10], sau đó sẽ giảm tuyến tính [tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0]. Điều này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như mặc định không đỗ vào các ngành hot của trường top trên.

Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT hàng năm. Việc áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.

PGS.TS Dương Bá Vũ đề xuất, bên cạnh việc thay đổi chính sách ưu tiên có thể tính toán lại những ngành đặc thù hạn chế cộng điểm. Chẳng hạn, với các ngành khối Y Dược, thay vì cộng điểm, có thể sử dụng chính sách ưu tiên đào tạo riêng.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng, với những ngành có tính cạnh tranh cao, đòi hỏi năng lực chuyên biệt, Bộ GDĐT khuyến khích các trường tổ chức kỳ thi bổ sung hay có phương pháp, phương thức xét tuyển đảm bảo tính phân loại cao hơn, đánh giá năng lực chuyên biệt tốt hơn. Hiện nay, một số trường ĐH đã xét tuyển dựa trên những kỳ thi đánh giá năng lực; xét tuyển kết hợp phỏng vấn…

Chủ Đề