Dưới thời Đường nhà nước đặt chức Tiết độ sứ để

Tác giả bài viết: NGUYỄN THỊ BẰNG
[Trường Đại học Thủ ñô Hà Nội]

TÓM TẮT

     Xuất phát từ những yêu cầu thực tế của việc không ngừn mở rộng lãnh thổ và bảo vệ vùng biên cương, đảm bảo sự lưu thông của con đường buôn bán tơ lụa trên bộ qua các nước Tây vực, các vị vua nhà Đường [618-907] đã đặt ra một chức quan gọi là Tiết độ sứ. Nắm trong tay các quyền quân sự, hành chính, tài chính và giám sát, các Tiết độ sứ ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và thế lực, mang trong mình những mưu đồ chính trị riêng, tiêu biểu là An Lộc Sơn và cuộc nổi loạn An – Sử [755], đưa tới sự hình thành cục diện Phiên trấn, đánh dấu bước ngoặt từ thịnh trị đến suy vong của vương triều nhà Đường.

Từ khoá: Tiết độ sứ, thời Đường.

ABSTRACT

     Originally set up to expand territory, co Abstract unter external threats and ensure the flow of silk road trade routes via Western countries, Kings of Tang Dynasty [618-907] had ordained a title – named the Jiedushi [Tiet do su]. The Jiedushi had enormous power including the ability to maintain their own armies, collect taxes and supervise their subordinates. Gradually, the Jiedushi increased in both quantity and power aiming to prepare for their political intrigue. An Lushan and the An – Shi Rebellion [755] were famous early examples that abruptly ended the golden age of the Tang Dynasty.

Keywords: Jiedushi, Tang Dynasty.

x
x x

1. Mở đầu

    Trong lịch sử phát triển của chế độ phong kiến Trung Quốc, nhà Đường, cùng nhà Chu và nhà Hán, được coi là ba triều đại để lại nhiều dấu ấn nhất trong lịch sử. Thậm chí về nhiều mặt [lãnh thổ, tôn giáo…], nhà Đường còn vượt hơn hai triều đại trước. Nhắc tới nhà Đường, người ta biết đến “Thịnh trị thời Trinh Quán” [627 – 650] và “Thịnh trị thời Khai Nguyên” [713 – 742], biết đến những thi nhân như Lý Bạch, Đỗ Phủ, đến Vương Duy với lối vẽ tranh “thi trung hữu hoạ”…

     Là triều đại rực rỡ nhất trong lịch sử Trung Quốc, nhà Đường cũng đồng thời là triều đại hỗn loạn nhất trong lịch sử với bốn vấn nạn chính của chế độ phong kiến, diễn ra ở mức nghiêm trọng nhất, đó là: ngoại thích, hoạn quan, tiết độ sứ và khởi nghĩa nông dân. Trong đó, cuộc nổi loạn An – Sử [755 – 763] và khởi nghĩa nông dân Hoàng Sào [874-884] đã tàn phá hoàn toàn nguyên khí của nhà Đường, khiến triều đại này trượt dài trên con đường đi xuống và xa rời vũ đài chính trị vào năm 907, để lại sự tiếc nuối trong lòng mỗi người dân Trung Hoa khi nghĩ về những thời Trinh Quán, Khai Nguyên.

     Loạn An – Sử đã đánh dấu bước ngoặt đi từ thịnh trị đến suy vong của nhà nước phong kiến Trung ương; là biểu hiện cao nhất và dẫn chứng điển hình cho sự phát triển của chế độ Tiết độ sứ dưới thời Đường. Từ một chức quan trông coi việc quân sự vùng biên cương, Tiết độ sứ đã phát triển thành một chế độ với những cơ chế nhất định và có tác động to lớn đến tiến trình phát triển của lịch sử Trung Quốc.

2. Nội dung

     2.1. Cơ sở hình thành chế độ Tiết độ sứ thời Đường [618 – 907]

     Nhu cầu đảm bảo, kết hợp chặt chẽ giữa lợi ích chính trị với lợi ích kinh tế đã đưa đến cơ sở cho sự ra đời của chức quan Tiết độ sứ thời Đường.

     Thứ nhất: xuất phát từ nhu cầu mở rộng lãnh thổ và giữ gìn ổn định vùng biên cương.

     Tiếp nối những triều đại trước đó, đời nhà Đường, chủ nghĩa bành trướng tiếp tục phát triển. Trên cơ sở tình hình kinh tế – chính trị đất nước ổn định và phát triển, nhà Đường đã đẩy mạnh việc mở rộng đất đai. Người mở đầu cho việc xâm lấn các nước xung quanh là Đường Thái Tông. Sử Trung Quốc viết: “Sự nghiệp của Đường Thái Tông cũng to lớn như Hán Cao Tổ“[1]. Thành tích lớn nhất của Đường Thái Tông là việc đánh chiếm Đột Quyết ở phía Tây. Tiếp đó, các vị vua đầu nhà Đường đã áp dụng nhiều biện pháp bành trướng khác nhau bằng cả vũ lực và hoà bình, từng bước chinh phục các dân tộc thiểu số Hề, Khiết Đan, Tập ở phía Đông Bắc; các nước nhỏ Hồi Hột, Thổ Phiên, Tân La, Cao Ly, Nam Chiếu… Lãnh thổ của nhà Đường rất rộng lớn, lúc cực thịnh đạt gấp rưỡi lãnh thổ của nhà Hán.

     Trên cơ sở đó, nhà Đường tổ chức lại hệ thống hành chính cai trị đất nước, chia cả nước thành 10 đạo. Ở 3 đạo phía Bắc, các vùng mới chinh phục được đặt thành 6 phủ đô hộ, mỗi phủ do một quan Đô hộ sứ cai trị, gồm có An Bắc Độ hộ phủ, An Đông Đô hộ phủ, Đan Vũ Đô hộ phủ, An Tây Đô hộ phủ, Côn Lăng đô hộ phủ, Mông Trì Đô hộ phủ. Dưới phủ đô hộ có các phủ đô đốc do các quan đô đốc cai trị. Năm 679, Đường Cao Tông nhập 2 phủ đô hộ Côn Lăng và Mông Trì thành Bắc Đình đô hộ phủ. Đặc biệt, Đường Cao Tông cũng đổi tên vùng Giao Châu ở phía Nam thành An Nam đô hộ phủ nằm trong đạo Lĩnh Nam.

     Tuy nhiên, dưới sự cai trị của các quan đô hộ nhà Đường, các dân tộc vùng biên giới đã nhiều lần nổi dậy. Ngay từ niên hiệu Vạn Tuế Thông Thương nguyên niên đời Võ Chu [năm 696], chúa nô lệ của Khiết Đan là Lý Tận Trung đã lợi dụng mối mâu thuẫn dân tộc, sách động bộ hạ của ông ta cử binh nổi loạn, đánh chiếm Doanh Châu, tiếp đó 12 thành do phủ Đô Đốc của Doanh Châu cai quản là Liên Xương, Sư, Tiên… lại nối tiếp nhau thất thủ. Võ Tắc Thiên từng phái Vương Hiếu Kiệt phản công, nhưng kết quả bị thất bại, Vương Hiếu Kiệt bị tử trận, toàn quân gần như bị tiêu diệt hoàn toàn. Từ đó trở đi, quý tộc Khiết Đan đã dựa trên địa vị có lợi qua những cuộc chiến thắng, thường xâm phạm nội địa Trung Quốc, sát hại các dân tộc.

     Tại vùng phía Bắc, quý tộc Đột Quyết vào năm Hoằng Đạo nguyên niên đời vua Đường Trung Tông [năm 683] cử binh tấn công Uý Châu [nay là huyện Uý, tỉnh Hà Bắc], Định Châu [nay là huyện Định, tỉnh Hà Bắc], một vùng đất rộng lớn ở phía Bắc Trường Thành cũng bị thất thủ.

     Vương triều nhà Đường vào niên hiệu Thuỷ Củng nguyên niên đời Võ Châu [năm 685] buộc phải tạm thời dời An Bắc Đô hộ phủ về Đồng Thành cho tới niên hiệu Khai Nguyên.

     Từ khi Đường Huyền Tông lên ngôi thì ở phía Bắc của Toái Diệp, Định Châu và phía Bắc cũng như phía Đông Bắc của Vân Châu gồm 12 châu thuộc vùng Liêu Tây đều bị Đột Quyết và Khiết Đan chiếm đóng. Nhân dân ở vùng Lũng Hữu và Hà Bắc thường xuyên bị quấy nhiễu cướp phá. Biên phòng của vương triều Đường không yên ổn, cục diện thống nhất cũng bị uy hiếp.

     Tình trạng bất ổn của khu vực biên cương đã đặt ra yêu cầu bức thiết cho nhà nước phong kiến lúc bấy giờ, đó là cần tăng cường hơn sự kiểm soát những nơi bị chinh phục và đề phòng sự tập kích của các nước láng giềng. Vì thế, nhà Đường đã đưa rất nhiều quân đội đồn thú gần biên giới. Thống soái của quân đội đó gọi là “Tiết độ sứ”.

     Thứ hai: yêu cầu đảm bảo sự thông suốt của việc buôn bán qua con đường tơ lụa

     Vào thời nhà Đường, thông thương trên con đường tơ lụa rất phát triển. Triều đình có quan hệ thân hữu với hơn 100 quốc gia lớn nhỏ ở khu vực Tây Vực, nhất là một số quốc gia nơi con đường tơ lụa đi qua có vị trí hết sức quan trọng trong chính sách đối ngoại của nhà Đường. Việc tiến hành những cuộc chiến tranh với các nước như Đột Quyết, Thổ Phiên không chỉ nhằm mở rộng lãnh thổ mà còn để tranh giành ảnh hưởng và đảm bảo sự thông suốt của con đường thương mại quan trọng này. Với việc thiết lập bốn trấn ở An Tây Đô hộ phủ gồm Quy Tư, Sơ Lặc, Vu Điền, Toái Diệp [ngày nay thuộc khu vực Trung Á] thành một đơn vị hành chính gọi là “An Tây tứ trấn” và lập Bắc Đình Đô hộ phủ ở Đình Châu [nay là phía Bắc huyện Cát Mộc Tát Nhĩ – Tân Cương] thì nhà Đường đã nắm toàn quyền kiểm soát hai ngả Bắc và Nam của con đường tơ lụa. Ngoài hai ngả đường Bắc và Nam đã khai thông, nhà Đường còn mở một con đường thông thương mới, từ An Tây Đô hộ phủ đến thành Toái Diệp.

     Con đường tơ lụa chính là sợi dây nối Trung Quốc với các quốc gia ở phía Tây. Việc đảm bảo sự lưu thông của con đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong khi đó, các bộ tộc thiểu số ở vùng biên cương lại không ngừng gây chiến tranh với nhà Đường. Niên hiệu Trường An năm thứ ba đời Võ Chu [năm 703], quý tộc của Đột Quyết ở phía Tây là Ô Chất Lặc tấn công chiếm được một số địa phương ở Bắc Đình, làm cho con đường An Tây và “con đường tơ lụa” bị gián đoạn. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho lưu thông hàng hoá và quản lý chặt chẽ chính quyền địa phương những nơi con đường đi qua, nhà Đường bố trí lực lượng quân sự ở các thành, trấn dọc theo hành lang Hà Tây, bắt đầu từ Lương Châu [Uy Vũ, Cam Túc ngày nay]. Thời Đường Huyền Tông, triều đình cắt đặt chức Tiết độ sứ thống lĩnh 7 vạn quân và 1900 ngựa ở Hà Tây [2].

     2.2. Sự thiết lập và phát triển của chế độ Tiết độ sứ thời Đường [618-907]

     2.2.1. Khái niệm “Tiết độ sứ” Lý giải về “Tiết độ sứ” đã có rất nhiều ý kiến đưa ra:

     − Theo Vương Văn Ngũ đại từ điển [tiếng Trung]: Tiết độ sứ là chức quan thời Đường – Tống nắm việc quân chính và dân chính ở địa phương [3].

     − Theo Từ điển Từ Hải [tiếng Trung]: “Tiết độ sứ là một chức quan. Khi nhà Đường bắt đầu đặt đất nước thành châu, huyện và vạch các đạo thì mỗi đạo đặt một chức quan trông coi, giữ gìn địa phương đó. Đặc biệt, ở vùng biên cương – vùng đất thường hay có giặc hoạt động thì cần phải có người trông coi nên đặt thêm gọi là Tiết độ sứ. Bắt đầu có từ năm Cảnh Vân thứ hai. Người đầu tiên tên là Hạ Bạt Diên Tự đang làm Đô Đốc Kinh Châu được phong thêm chức Hà Tây Tiết độ sứ. Sau này các đạo cũng dựa theo đó mà đặt” [4].

     − Theo Từ điển lịch sử Trung Hoa: Tiết độ sứ là tên chức quan. Năm 711 [Cảnh Vân thứ hai đời Đường Duệ Tông], triều Đường bắt đầu đặt chức quan Tiết độ sứ, lúc đầu chỉ có ở các khu vực biên giới hoặc nơi trọng yếu để tăng cường phòng ngự. Tiết độ sứ trông coi các châu trong trấn [5].

     − Theo Quan chế, binh chế và khoa cử chế qua các triều đại phong kiến Trung Quốc: Tiết độ sứ là khi nhận chức được triều đình ban cho cờ tiết nên gọi như vậy. Thời Đường Sơ, các châu biên cảnh đặt Tổng Quản, sau đổi gọi là Đô Đốc trông coi quân sự trong châu. Vĩnh Huy về sau, các Đô đốc có mang hàm “Sứ trì tiết” trên thực tế đã là Tiết độ sứ. Cảnh Vân năm thứ hai [711] bắt đầu dùng Hạ Bạt Diên Tự làm Tiết độ sứ Hà Tây [6].

     − Theo Dictionary of Chinese history [Từ điển lịch sử Trung Quốc]: Tiết độ sứ là một viên quan của nhà Đường thay mặt vua phụ trách công việc quân sự và dân sự ở vùng biên cương. Họ đã xây dựng và củng cố lực lượng của mình ngày càng mạnh và cuối cùng trở thành những ông vua độc lập có quyền lực rất lớn ở lãnh thổ mà họ kiểm soát, làm cho nhà Đường bị sụp đổ. Tiêu biểu trong số đó là An Lộc Sơn [7]. Như vậy, xung quanh khái niệm “Tiết độ sứ”, ta thấy có rất nhiều ý kiến, trong đó có những điểm tương đồng và những điểm khác nhau. Giải nghĩa cụm từ “Tiết độ sứ” ta thấy:

     + Tiết: nghĩa là “Cờ lệnh”.

     + Độ: nghĩa là “Điều động”.

     + Sứ: nghĩa là “Chức quan”.

     Kết hợp với những khái niệm nêu trên chúng ta có thể hiểu: Tiết độ sứ là chức quan được nhà vua giao cho cờ lệnh và điều động đến các vùng biên cương để thay mặt nhà vua bảo vệ, phòng thủ biên giới.

     Tiết độ sứ được bắt nguồn từ “Sứ trì tiết“: là chức quan trực tiếp thi hành quyền lực quân sự chính trị địa phương thay cho Hoàng đế thời Nguỵ Tấn, Nam Bắc Triều. “Tiết” là vật làm tin thường dùng ở Trung Quốc thời cổ. Sứ giả do Hoàng đế sai khiến được quy định phải giữ “Tinh tiết“, sau khi hoàn thành sứ mệnh mới được trở về. Tinh tiết gọi tắt là “Tiết” – làm bằng lông, trên dưới nặng như nhau, giống như mấu tre. Người giữ vật làm tin là Khâm sai, quyền lực rất lớn; triều đình phái tướng đi các địa phương cũng dùng Tiết làm tín vật, có thể chỉ huy quân đội. Tô Vũ cầm “tiết” đi sứ đến Hung Nô bị bắt giam, kiên trì ở lại Bắc Hải chăn dê 19 năm liền, vẫn cầm Tiết không khinh nhờn sứ mệnh.

     Tiết độ sứ ra đời năm 711: “Cảnh Vân năm thứ hai bắt đầu dùng Hạ Bạt Diên Tự đang làm Đô Đốc ở Kinh Châu phong thêm chức Hà Tây Tiết độ sứ” [8]. Thời Đường Duệ Tông bắt đầu có chức hàm Tiết độ sứ, trong khoảng các năm Khai Nguyên, Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông thì trở thành chế độ quy định.

     2.2.2. Nguồn gốc xuất thân của các Tiết độ sứ

     Mới đầu, Tiết độ sứ thường là các quan văn cao cấp người Hán đảm nhiệm do vương triều Đường xem trọng thông thương và chính sách đối với các ngoại tộc. Thời đầu vương triều, tướng soái ngoài biên cương đều do các danh thần trung hậu đảm đương. Họ thường không giữ chức vụ đó lâu dài vì sau một thời gian cầm quân tại vùng biên cương, những tướng lĩnh có danh vong và công trạng lớn thường được điều động trở về triều đình để làm Tể tướng, như: Lý Tịnh, Lý Tích, Lưu Nhân Quỹ, Lâu Sư Đức… Trong những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên, các Tể tướng như Tiết Nột, Quách Nguyên Chấn, Trương Gia Trinh, Vương Thoa, Trương Thuyết, Tiêu Khao… cũng đều là tướng soái đảm nhiệm Tiết độ sứ ngoài biên cương được điều động về triều đình.

     Cùng với việc sử dụng các quan lại người Hán trấn giữ vùng biên cương, các vua Đường đã bổ nhiệm những người có tài thuộc dân tộc ít người vào làm quan trong triều và nhiều người được cử làm tướng, thường được gọi là “Phiên tướng’’. Tuy nhiên, họ không được giao trách nhiệm thống soái. Đối với “Phiên tướng” [tức tướng lãnh thuộc người dân tộc thiểu số] mặc dù họ trung dũng song toàn như A Sử Na Đỗ Nhĩ, Khiết Mật Hà Lực… nhưng nói chung là không để cho họ “được giữ chức đại tướng“; khi họ đi viễn chinh, triều đình bao giờ cũng phái một đại thần đi kèm để giữ vai trò thống soái nhằm kiềm chế họ. Như lúc A Sử Na Đỗ Nhĩ kéo quân đánh Cao Xương thì Hầu Quân Tập được cử làm nguyên soái; khi Khiết Mật Hà Lực đánh Cao Ly thì Lý Tích được cử làm nguyên soái. Mục đích của việc làm này là nhằm hạn chế tình trạng quân phiệt cát cứ có thể xảy ra.

     Nhưng đến những năm sau niên hiệu Khai Nguyên, khi Lý Lâm Phủ lên làm Tể tướng, do muốn củng cố địa vị của mình nên đã đưa ra một chủ trương cho Đường Huyền Tông là dùng người Hồ để làm thống soái ngoài biên cương với lý do là “văn thần vi tướng dễ bị khiếp nhược” còn người Hồ dũng cảm thiện chiến, không có mối quan hệ xã hội phức tạp ở Trung nguyên, cô lập không bè cánh, không biết Hán văn, so với người Hán thì càng đáng tin cậy hơn.Nhưng dụng ý thực sự của Lý Lâm Phủ là cắt đứt con đường các tướng lĩnh ngoài biên cương trở về triều đình giữ chức Tể tướng. Vì các tướng người Hồ không có trình độ văn hoá cho nên không thể làm Tể tướng được. Trước khi Lý Lâm Phủ có kiến nghị trên đã có người vu cáo Tiết độ sứ bốn trấn ở Hà Tây là Vương Thừa Tự muốn dựa vào binh lực của mình để đưa Thái tử lên ngôi vị hoàng đế. Đường Huyền Tông vừa sợ hãi vừa tức giận, không cần tìm hiểu sự thật ra sao xuống lệnh xử tử Vương Thừa Tự và cảm thấy nếu Tiết độ sứ có mối liên hệ với các vương công đại thần thì rất nguy hiểm, cho nên khi nghe kiến nghị của Lý Lâm Phủ vua nhanh chóng tiếp nhận. Nhà vua đã lần lượt đề bạt An Lộc Sơn [bố là người Đột Quyết, mẹ là người Hồ] là Tiết độ sứ ở Phạm Dương, Bình Lư, Hà Đông; An Tư Thuận [người Hồ] là Tiết độ sứ ở Hà Tây, Sóc Phương; Ca Thư Hàn [bố là người Đột Quyết, mẹ là người Hồ] là Tiết độ sứ ở Lũng Hữu; Cao Tiên Chi [người Cao Ly] làm Tiết độ sứ ở An Tây… Vương triều Đường có truyền thống trọng dụng các tướng lĩnh người dân tộc thiểu số, việc sử dụng người Hồ làm tướng với vai trò thống soái ở ngoài biên cương thì đây là lần đầu tiên.

     2.2.3. Số lượng và địa bàn hoạt động

      Nếu như năm Cảnh Vân thứ hai đời vua Đường Duệ Tông [711] bắt đầu dùng Hạ Bạt Diên Tự làm Tiết độ sứ Hà Tây và bắt đầu có chức hàm “Tiết độ sứ” thì các năm Khai Nguyên, Thiên Bảo thời Đường Huyền Tông thì “Tiết độ sứ” đã trở thành chế độ quy định.

     Những năm đầu niên hiệu Khai Nguyên [713-741] đã đặt 7 Tiết độ sứ Hà Tây, Lũng Tây, U Châu, Kiếm Nam, Sóc Phương, Hà Đông, Tĩnh Tây.

     Năm Khai Nguyên 29 [741] chia Tĩnh Tây thành 2 Tiết độ sứ là An Tây và Bắc Đình. Năm Thiên Bảo [742] chia U châu thành 2 Tiết độ sứ là Phạm Dương và Bình Lư. Đến lúc này đã lập tổng cộng 9 Tiết độ sứ: An Tây, Bắc Đình, Hà Tây, Lũng Hữu, Sóc Phương, Hà Đông, Phạm Dương, Bình Lư, Kiếm Nam.

     Đồng thời vùng duyên hải Đông Nam đặt 4 Kinh lược sứ là Lĩnh Nam [đời Túc Tông năm Chí Đức đầu tiên, tức năm 756 thăng làm Tiết độ sứ], Trường Lạc, Đông Mâu, Đông Lai. Như vậy, đến trước khi loạn An – Sử nổ ra, số Tiết độ sứ đã tăng lên 10 người, đóng quân ở các vùng biên trấn.

     1. Sóc Phương tiết độ sứ, trị sở ở Linh Châu, có 2 Độ hộ phủ là An Bắc và Thiền Vu, chế ngự Đột Quyết.

     2. Hà Tây tiết độ sứ, trị sở ở Lương Châu, chặn đường qua lại giữa Thổ Phiên và Đột Quyết.

     3. Hà Đông tiết độ sứ, trị sở ở Thái Nguyên với Sóc Phương tạo thành thế ỷ dốc, phòng ngự Đột Quyết và Hồi Hột.

     4. Lũng Hữu tiết độ sứ, trị sở ở Thiện Châu, khống chế Thổ Phiên.

     5. An Tây tiết độ sứ, trị sở ở An Tây Đô hộ phủ, cai quản các tiểu quốc ở Tây Vực.

     6. Bắc Đình tiết độ sứ, trị sở ở Bắc Đình Độ hộ phủ, phòng ngự các bộ lạc Đột Quyết.

     7. Phạm Dương tiết độ sứ, trị sở ở U Châu, khống chế các bộ lạc Hề, Khiết Đan.

     8. Bình Lư tiết độ sứ, trị sở ở Doanh Châu, gồm cả An Đông Đô hộ phủ, trấn ngự các bộ lạc Mạt Hạt.

     9. Kiếm Nam tiết độ sứ, trị sở ở Ích Châu, ngăn chặn Thổ Phiên ở phía Tây, phủ dụ Man Di ở phía Nam.

     10. Lĩnh Nam tiết độ sứ, trị sở ở Quảng Châu, gồm cả An Nam Đô hộ phủ, ràng buộc các tiểu quốc ở Nam Hải. Sau loạn An – Sử, số lượng Tiết độ sứ không ngừng tăng lên và phạm vi lúc này đã mở rộng hơn là cả trong nội địa. Ước tính thời kỳ này có khoảng 47 tiết độ sứ, hình thành nên cục diện Phiên trấn [9].

     2.2.4. Thế lực và cơ chế

     • Thế lực

     Tiết độ sứ đứng đầu trông coi các trấn có quy mô khác nhau: địa phương lớn có khoảng 10 châu, vùng nhỏ 2, 3 châu. Lúc đầu Tiết độ sứ nắm quân quyền, còn công việc tài chính các châu đều do triều đình cử quan khác đến quản lý. Nhưng sau đó, đặc biệt là khi sử dụng các phiên tướng người Hồ thì Tiết độ sứ lại có quyền lực rất lớn, nắm giữ cả công việc quân sự, dân sự và tài chính ở khu vực mà mình cai quản. Thứ sử của các châu cũng đều dưới quyền Tiết độ sứ. Từ sau loạn An – Sử, thế lực của các Tiết độ sứ càng lớn mạnh. Khu vực Tiết độ sứ cai quản, chính phủ Trung ương nhà Đường không thể bổ nhiệm, cách chức quan lại, không trưng thu nổi thuế má, cũng không điều động được quân đội. “Việc cử người trông coi và việc tài chính được tự chủ nên đã hình thành nên phiên trấn” [10].

     Thông thường, một người kiêm nhiệm Tiết độ sứ hai, ba trấn.An Lộc Sơn dựa vào bản thân làm Tiết độ sứ ba trấn để làm loạn. An Lộc Sơn đã được kiêm nhiệm Tiết độ sứ của cả ba vùng Bình Lư [nay là Triều Dương, tỉnh Liêu Ninh], Phạm Dương [nay là Bắc Kinh], Hà Đông [nay là vùng Tây Nam thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây] và chức Thái Phỏng Sứ Trí Sứ đạo Hà Bắc, thống lĩnh 18 vạn đại binh trong tổng số hơn 40 vạn quân cả nước, khống chế cả một vùng đất rộng lớn, bao gồm các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Bắc Kinh, Thiên Tân và miền Tây tỉnh Liêu Ninh ngày nay.

     Sau “loạn An – Sử”, để đề phòng quân phản loạn tấn công, chế độ Tiết độ sứ mở rộng về nội địa, ở những châu quan trọng lập Tiết độ sứ chỉ huy quân sự cả mấy châu. Các châu không quan trọng lắm thì lập Phòng ngự sứ hoặc Đoàn luyện sứ để giữ những nơi hiểm yếu.

     − Về mặt kinh tế, các Tiết độ sứ nắm quyền thu tô thuế ở vùng mình cai quản, “việc tài chính được tự chủ“, bóc lột nặng nề sức lao dịch của binh lính và nhân dân vùng mình cai quản và ngày càng trở nên giàu có. Hàng năm, các Tiết độ sứ thường dâng lên triều đình nhiều tù binh, những loài thú quý hiếm và đồ chơi đắt giá…

     Các Tiết độ sứ còn tăng cường mối liên hệ với những địa chủ, cường hào tại địa phương mình cai quản để ngày càng giàu có. Các chủ điền trang các nơi cũng tìm cách dựa vào các phiên trấn để củng cố quyền thống trị phong kiến của họ ở điền trang, vì thế thế lực của các Tiết độ sứ ngày càng mở rộng.

     − Về quân sự: các Tiết độ sứ tìm mọi cách để củng cố lực lượng quân sự của mình ngày càng mạnh. Đặc biệt khi chính sách mộ binh được thi hành rộng rãi thì binh lực của các Tiết độ sứ ngoài biên trấn luôn luôn được tăng cường, trong khi quân đội chung quanh kinh đô thì lại ngày càng giảm bớt. Có người thống kê vào những năm niên hiệu Thiên Bảo, binh lực ở vùng biên trấn có khoảng 49 vạn, còn Quắc Kỵ [lính mộ chuyên nghiệp] do triều đình Trung ương của nhà Đường trực tiếp khống chế tại kinh thành và ở các châu chỉ có hơn 8 vạn người.

     • Cơ chế

     Tiết độ sứ là một chức quan do vua lập ra và đã trở thành một chế độ nhất định trong chế độ chính trị của Trung Quốc thời Đường. Lúc đầu, chức quan này do nhà vua đặt ra và cắt cử người đến kiêm nhiệm.

     Sau loạn An – Sử, các Tiết độ sứ mạnh lên và hình thành cục diện Phiên trấn. Lúc này, các Tiết độ sứ “mặc dù xưng là phiên thần, nhưng thật ra không phải là bề tôi của vua, về các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, họ còn nắm thực quyền rất lớn, hơn nữa, ngôi vị của họ lại được cha truyền con nối, hoặc truyền giữa anh em với nhau; cũng có những người được bộ hạ đề cử tự xưng là “Lưu Hậu”, sau đó, họ rúng ép vương triều nhà Đường phải nhìn nhận“[11].

     Như vậy, các Tiết độ sứ cũng áp dụng chế độ “cha truyền con nối”. Họ chết đi, đất đai truyền lại cho con cháu, cha chết con nắm binh quyền, tướng chết bộ hạ lên thay, gọi là Tiết Độ Lưu Hậu, cũng tự xưng là Quan Sát Lưu Hậu, công việc xong phần nhiều do triều đình Trung ương công nhận.

     An Khánh Tự, Sử Tư Minh vốn là con và bộ tướng của An Lộc Sơn nhưng sau đó cũng đều đã nắm quyền Tiết độ sứ.

     Hay như Lý Chính đại tướng trấn Tri Thanh [còn gọi là Bình Lư, nay là Ích Đô, Sơn Đông] đã đuổi Tiết độ sứ Hầu Hy Dật. Nhà Đường lại phong cho làm Tiết độ sứ Thương Trị khu Sơn Đông, cha truyền con nối bốn người đến ba đời.

     Năm 809, Vương Sĩ Trân, Tiết độ sứ Thành Đức chết, con là Thừa Tông tự giữ chức. Hiến Tông cử hoạn quan Thổ Đột Thừa Thôi đưa quân đánh nhưng không thắng, đành phải thoả hiệp thừa nhận Thừa Tông làm chức vụ đó.

     Năm 812, Diên Lý An, Tiết độ sứ Nguỵ Bạo chết, con là Tùng Luyện còn nhỏ lên kế vị, quân đội lập Điền Hưng làm đại tướng.

     Đặc biệt là trong và sau loạn An – Sử, các Tiết độ sứ đã áp dụng triệt để chế độ Tiết Độ Lưu Hậu, dẫn đến cục diện con giết cha, bộ hạ giết tướng để tranh giành quyền lực, gây mâu thuẫn trầm trọng trong hàng ngũ các thế lực phiên trấn cát cứ.

     2.3. Tác động của chế độ Tiết độ sứ đối với nhà Đường

     Ra đời xuất phát từ nhu cầu đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như chính trị của chính quyền phong kiến Trung ương, sự hình thành, phát triển của chế độ Tiết độ sứ đã tác động nhiều mặt đến quá trình phát triển cũng như suy vong của triều đại nhà Đường.

     Thứ nhất, các viên quan Tiết độ sứ trấn giữ các châu, nắm giữ binh mã đại quyền, cai quản chung một vùng đã góp phần gìn giữ sự ổn định ở vùng biên cương, ngăn chặn sự quấy phá của các dân tộc thiểu số và những nước nhỏ xung quanh. Binh uy của nhà Đường lại vang lừng khắp trong ngoài. Chẳng hạn, Huyền Tông đặt U Châu Tiết độ sứ, thống lĩnh cả 6 châu U, Dịch, Bình, Quy, Đán, Yên, khống chế mạn Tây Bắc. Đột Quyết, Thổ Phiên, Khiết Đan tuy mấy lần quấy rối vùng biên nhưng rốt cuộc không dám thâm nhập, lại thường bị Tiết độ sứ đánh lui.

     Sự ổn định về chính trị là tiền đề quan trọng góp phần giúp cho sự phát triển kinh tế, giao lưu buôn bán trên con đường tơ lụa được thông suốt, đem lại những lợi ích kinh tế to lớn cho triều đại nhà Đường. Thành Trường An vốn là nơi xuất phát của con đường tơ lụa, “được xem là khu vực giàu có nhất thiên hạ, không đâu sánh bằng” [12]. Trên con đường thương mại quốc tế đó, người ta không chỉ buôn bán vải lụa, gấm vóc, hương liệu của Trung Quốc đến với các nước phương Tây mà còn diễn ra sự giao lưu văn hoá giữa các quốc gia với nhau.

     Cũng có những viên quan Tiết độ sứ trong quá trình đóng quân tại vùng biên cương chú trọng chăm lo đời sống cho nhân dân, phát triển kinh tế tại địa phương. Thời Đường Huyền Tông, Tiết độ sứ Lũng Tả “lâu nay giàu có đứng đầu thiên hạ, cai trị một khoảng đất từ An Viễn đến tận Đường Cảnh dài 12 ngàn dặm, xóm làng nối tiếp, nông nghiệp phát triển” [13].

     Thứ hai, bên cạnh những tác động tích cực, sự tồn tại, phát triển của chế độ Tiết độ sứ đã từng bước trở thành mối nguy cơ đe doạ đến cục diện chính trị của vương triều nhà Đường. Điều này được lý giải bởi sự lớn mạnh không ngừng của các Tiết độ sứ cả về thế lực kinh tế lẫn quân sự.

     Đời Hiến Tông, Tiết độ sứ Tuyên Vũ quân [huyện Khai Phong, Hà Nam] là Hàn Hoằng vào triều, dâng ngựa 3000 con, lụa 5000 tấm, hàng lụa vặt 3 vạn tấm, các đồ vật bằng vàng bạc 1000 cái. Lại còn dâng lụa 25 vạn tấm, trồi 3 vạn tấm, đồ vật bằng bạc 270 cái. Chuồng ngựa và kho nhà Tuyên Vũ hãy còn lại hơn 100 vạn quan tiền, hơn 100 vạn tấm lụa, 7000 ngựa, 300 vạn hộc lương [14].

     Thời Đường Huyền Tông, quan Tiết độ sứ Sóc Phương là Ngưu Tiên Khách khai man các công lao “tiêu dùng có tiết độ, chăm chỉ làm việc, kho đụn đầy, khí giới sáng và sắc” được phong làm Tể tướng trong triều. Các Tiết độ sứ khác cũng bắt chước lối Ngưu Tiên Khách, cưỡng bắt các thú tốt đem nộp tài vật của mình, gửi vào kho quân, ban ngày thì làm việc lao khổ như trâu ngựa, đêm đến bị nhốt vào chỗ kín, lối ấy làm cho quân lính đi thú bị bệnh chết, tiền của tịch thu làm của công, chỉ có một hay hai phần mười các lính thú được sống sót về nhà.

     Với thế lực ngày càng mạnh, các Tiết độ sứ dần trở thành những “ông vua bán độc lập”, hình thành các Phiên trấn, có âm mưu và hành động chống đối lại triều đình Trung ương. Đặc biệt, khi họ có những mối quan hệ mật thiết với những thế lực khác trong bàn cờ chính trị thời đó, cụ thể là sự liên hệ giữa Tiết độ sứ và các hoạn quan trong triều đình nhà Đường thời Đường Huyền Tông. Tiêu biểu nhất phải kể đến An Lộc Sơn tiết độ sứ có các mối quan hệ với Lý Lâm Phủ, Dương Quốc Trung, Cao Lực Sĩ. Dựa vào ưu thế nắm giữ ba trấn, An Lộc Sơn và Sử Tư Minh đã nổi dậy bạo loạn, gây nên cuộc loạn An – Sử, để lại những tác động mạnh mẽ đối với sự thống trị và tồn tại của vương triều nhà Đường.

     Để đàn áp cuộc nổi dậy của An Lộc Sơn, triều đình huy động sự tham gia của các Tiết độ sứ khác. Bởi vậy, sau loạn An – Sử, Tiết độ sứ ngày càng tăng mạnh cả về số lượng và thế lực. Chính các Tiết độ sứ với những âm mưu chính trị của mình đã làm cho tình hình chính trị – xã hội cuối thời Đường trở nên hỗn loạn, như: hoạn quan chuyên quyền, quan lại mâu thuẫn, kinh tế miền Bắc bị tàn phá nặng nề, đưa tới sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế xuống phía Nam; nội chiến giữa triều đình Trung ương và phiên trấn; khởi nghĩa nông dân diễn ra mạnh mẽ; sự chống đối của các bộ tộc xung quanh và các vùng đất phiên thuộc… Tất cả đã làm cho sự thống trị của nhà Đường lung lay đến tận gốc rễ. Nguyên nhân của những vấn đề trên chính là từ sự lỏng lẻo trong chính sách cai trị của chính quyền Trung ương, là hệ quả tất yếu khi các vị vua lơ là việc triều chính đi vào con đường ăn chơi sa đoạ.

3. Kết luận

     Trung Quốc là một quốc gia phong kiến điển hình về việc tổ chức hệ thống chính trị quy củ, chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, trở thành khuôn mẫu cho các nước khác noi theo trong một thời kỳ lịch sử nhất định. Song bản thân mỗi cách thức tổ chức chính quyền lại chứa đựng những điều hạn chế nhất định và hiện thực lịch sử đã minh chứng cho điều này.

     Tiết độ sứ không chỉ làm cho ánh hào quang của nhà Đường phải lụi tắt mà còn làm cho một quốc gia thống nhất phải chia năm, xẻ mười. Để rồi, theo lẽ tự nhiên, chia rẽ rồi lại thống nhất, với sự ra đời của một vương triều mới – Bắc Tống, đánh dấu một bước phát triển mới của lịch sử phong kiến Trung Quốc cùng với sự dịch chuyển trung tâm kinh tế, văn hoá của đất nước xuống phía Nam.

     Những tác động của chế độ Tiết độ sứ đối với chính quyền phong kiến Trung ương thời Đường đã để lại những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các vương triều sau đó về việc tổ chức phòng thủ, cai quản vùng biên cương đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

     1. Học viện quân sự cấp cao [1992], Lịch sử Trung Quốc tóm tắt từ thượng cổ đến thời kỳ Năm đời Mười nước, Hà Nội, tr. 141.

     2. Nguyễn Minh Mẫn, Hoàng Văn Việt [2007], Con đường tơ lụa – quá khứ và tương lai, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr. 80.

     3. Vương Vân Ngũ đại từ điển, Wei Tung Book Store, 106, Wellington st. 3RD FL, Hong Kong, 1968, tr. 1332.

     4. Từ điển Từ Hải, xuất bản năm Dân quốc thứ 36, tr. 1018.

     5. Trần Văn Chánh, Nguyễn Hữu Tài, Huỳnh Quang Vinh, [2006], Từ điển lịch sử Trung Hoa, Nxb Thanh niên, Hà Nội, tr. 130.

     6. Thái Hoàng [1983], Quan chế – Binh chế – Khoa cử các triều đại Trung Quốc, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội, tr. 66.

     7. Michael Dilon [1979], Dictionary of Chinese history, Frank Cass, London, tr. 173.

     8. Từ điển Từ Hải, sđd, tr. 1018.

     9. Chu Phát Tăng, Trần Long Đào, Lê Cát Tường [2001], Từ điển lịch sử chế độ chính trị Trung Quốc, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr. 291.

     10. Từ điển Từ Hải, sđd, tr. 1018.

     11. Cát Kiếm Hùng [chủ biên] [2005], Bước đầu thịnh suy của các triều đại phong kiến Trung Quốc, [Tập 2: Nhà Đường, Lưỡng Tống, Nguyên], Nxb Văn hoá Thông tin, Hà Nội, tr. 218.

     12. Con đường tơ lụa – quá khứ và tương lai, sđd, tr. 80.

     13. Ngô Nguyên Phi [1997], Nhân vật Tuỳ – Đường, Tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội, tr. 219.

     14. Trần Văn Giáp [1955], Lịch sử Trung Quốc từ thượng cổ đến trước Nha phiến chiến tranh, Khu học xá Trung ương, Hà Nội, tr. 37.

Nguồn: Tạp chí Khoa học Trường Đại học Thủ đô Hà Nội − số 5/2016

Thánh Địa Việt Nam Học
[//thanhdiavietnamhoc.com]

Video liên quan

Chủ Đề