Giải pháp nào để phát triển kinh tế việt nam năm 2024

Nguyên Tổng cục trưởng, Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm: Chính sách kích cầu nhằm đẩy mạnh chi tiêu của người dân sẽ là giải pháp nhanh nhất, hiệu quả nhất thúc đẩy tăng trưởng và tháo gỡ khó khăn về đầu ra cho doanh nghiệp.

Nhận diện bức tranh kinh tế Việt Nam

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã đi được hơn nửa chặng đường với nét thăng trầm đậm nét. Tăng trưởng kinh tế 6 tháng chỉ đạt 3,72%, mức tăng thấp đáng kể so với tốc độ tăng bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2016-2022.

Sản xuất công nghiệp tăng thấp. Đặc biệt, trong quý II/2023, khối lượng sản xuất của ngành công nghiệp chế biến chế tạo - Ngành đóng vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm qua, giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đến tháng 6/2023, Chỉ số Quản trị Nhà mua hàng sản xuất Việt Nam giảm dưới ngưỡng 50 điểm ở tháng thứ tư liên tiếp. Trong quý II/2023, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh; việc làm cùng với hoạt động mua hàng và niềm tin kinh doanh tiếp tục giảm. Đây là nguyên nhân dẫn đến khả năng ngành công nghiệp chế biến chế tạo có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 6 tháng giảm 12,1%, kim ngạch của một số nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta, là hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có giá trị thấp trong chi tiêu của hộ gia đình nước ngoài giảm mạnh, ở mức 2 con số: Giày dép các loại giảm 15,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ giảm 26,8%; Hải sản giảm 27,4%; Dệt may giảm 15,3%.

Tổng cầu tiêu dùng trong nước 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 2,68%, thấp hơn 3,38 điểm phần trăm so với mức tăng 6,06% của cùng kỳ năm 2022. Tổng cầu đầu tư chỉ tăng 1,15%, thấp hơn 2,77 điểm phần trăm so với mức tăng 3,92% của cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn có những điểm sáng đáng tự hào, đó là khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp vẫn phát triển như thể nền kinh tế không hề có khó khăn. Xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm sản ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 6,1%. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, hàng rau quả đạt kim ngạch trên 2,7 tỷ USD, tăng 64,2%; xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD, tăng 34,7%.

Vốn đầu tư thực hiện nhằm nâng cao năng lực của nền kinh tế trong 6 tháng tăng 4,7%; trong đó vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 10 tỷ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước là điểm sáng trong thúc đẩy tổng cầu đầu tư của nền kinh tế.

Nhìn chung, trong 6 tháng đầu năm 2023, kinh tế nước ta vẫn giữ được ổn định vĩ mô; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định; giảm lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Tuy vậy khu vực doanh nghiệp đang ở thời kỳ vô cùng khó khăn, không gánh vác được vai trò phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế nếu không có giải pháp đột phá hỗ trợ doanh nghiệp.

Tác động của kinh tế thế giới tới kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Hoạt động kinh tế nước ta trong 6 tháng cuối năm 2023 và các quý tiếp theo diễn ra trong bối cảnh mới, với cơ hội và thách thức đan xen, nhưng thách thức nhiều hơn, lớn hơn.

Hiện nay, phục hồi của kinh tế thế giới đang chững lại, kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục tiến triển rất chậm. Áp lực lạm phát dai dẳng, Fed và ECB tiếp tục giữ lãi suất ở mức cao để đưa lạm phát dần về mức lạm phát mục tiêu. Các vấn đề về tài chính của Mỹ và châu Âu đang gây thêm bất ổn cho nền kinh tế thế giới vốn đã phức tạp.

Bên cạnh đó, nợ công tăng cao và chi phí lãi vay tăng đòi hỏi chính phủ các nước phải tiếp tục củng cố tài khóa. Điều này làm giảm tổng cầu thế giới, tác động tiêu cực tới các nền kinh tế có chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong thời gian tới

Trong 6 tháng cuối năm nay và năm sau, kinh tế nước ta diễn ra trong bối cảnh bất định của kinh tế thế giới, phải đối mặt với những rủi ro tiêu cực ngày càng tăng. Trước thực tế đó, chúng ta cần nhận định, dự báo đúng, đầy đủ những thách thức, từ đó đưa ra các giải pháp, đồng thời phát huy tối đa năng lực vượt qua thách thức, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Kinh tế nước ta có độ mở lớn, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu ngày càng cao, để thu được lợi nhuận tối đa, giảm nhập siêu dịch vụ vận tải, Chính phủ cần ban hành chính sách ưu đãi, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, vốn để phát triển đội tàu vận tải biển, đặc biệt là đội tàu vận tải biển container để Việt Nam chủ động vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu đáp ứng nhu cầu của đất nước, loại trừ rủi ro khi thuê các hãng vận tải quốc tế; đồng thời tham gia phân khúc vận tải đường dài, vươn ra các châu lục, xử lý vấn đề nhập siêu dịch vụ vận tải, phù hợp với xu hướng vận tải biển quốc tế./.

Giấy phép xuất bản số 110/GP - BTTTT cấp ngày 24.3.2020 © 2003-2024 Bản quyền thuộc về Báo Thanh Niên. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.