Hiến máu ở đâu được nhiều tiền

Nhân viên điều dưỡng chăm sóc cho người “chạy” tiểu cầu - Ảnh: H.LY

8h sáng, tôi đến khu 25 - Trung tâm truyền máu Bệnh viện Chợ Rẫy [TP.HCM], tòa nhà sáu tầng bên cạnh điểm phát cơm miễn phí cho bệnh nhân. Trong số 25 người đang đợi để hiến máu, phân nửa là người trẻ, và đa số trong đó là sinh viên. Chưa tính thêm 15 người đã nằm trong phòng “chạy” tiểu cầu.

Thiếu tiền... lại đi

Tại TP.HCM có ba nơi để bán máu hoặc “chạy” tiểu cầu: Bệnh viện Truyền máu huyết học TP.HCM, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Quân y 175.

Hiện nhiều người kẹt tiền, đi “chạy” tiểu cầu phổ biến hơn đi hiến máu. Lý do đơn giản là vì nhiều tiền hơn và khoảng cách giữa các lần hiến ngắn hơn, khoảng 2-3 tuần.

Ngồi cạnh tôi là V.H.H. - sinh viên một trường ĐH tại quận 1 - vừa được lấy máu xét nghiệm. H. nói không nhớ rõ đây là lần thứ bao nhiêu đi bán tiểu cầu, chỉ biết khi cần tiền mà không biết xoay đâu ra H. lại đến đây.

“Mới lần đầu đến hả, cầm CMND đến đằng kia lấy phiếu điền vô, xong mang vào trong nộp lại để lấy máu xét nghiệm, được thì người ta lấy, không thì trả lại” - biết tôi là sinh viên, H. hướng dẫn tận tình.

“Bác sĩ cho máy hút máu trong người rồi qua máy chạy tiểu cầu, máy sẽ lọc và giữ lại mỗi tiểu cầu với một ít huyết tương thôi, rồi trả máu về lại nên không chóng mặt như bán máu đâu, yên tâm” - H. tư vấn.

Tôi làm y như H. hướng dẫn, điền thông tin vào phiếu rồi đi lấy máu, khám sức khỏe và ngồi đợi kết quả.

“Sau một tiếng mà không thấy họ gọi đến trả đơn thì coi như là qua rồi đó, uống trà đường để lát vào hiến” - H. đưa tôi ly trà đường vẫn còn ấm.

Nếu đậu, tôi sẽ có ít nhất 400.000 đồng [lấy đơn, 250ml tiểu cầu], nhiều hơn sẽ có 700.000 đồng [lấy đôi, tương ứng với 500ml]. Việc lấy bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ.

Theo một điều dưỡng tại đây: “Sinh viên đến bán ở đây khá nhiều, cứ khi nào cần tiền thì họ đến thôi, có một số quen đến mức tôi nhớ mặt”.

Hai tiếng sau, những người bán tiểu cầu được gọi tên, phòng “chạy” tiểu cầu của bệnh viện với hơn 15 giường, được trang bị máy móc hiện đại và luôn ở chế độ lạnh.

Mỗi lần máy hút gần 300ml máu để tiến hành lọc. Sau đó lại trả về cơ thể rồi lại tiến hành lượt khác.

Mỗi lượt như vậy mất 10-20 phút, lặp lại 6-10 vòng tùy thuộc thể trạng cơ thể người hiến và số lượng tiểu cầu cần lấy.

Khi máy tự động báo lấy đủ, máu trả về hết, người hiến sẽ dùng băng dán ven chích lại và ngồi tầm năm phút để cơ thể ổn định, như vậy là đã xong một lần đi bán tiểu cầu.

Bước từ trong phòng lấy tiểu cầu ra, Minh - quê ở Gia Lai, nam sinh viên - một tay giữ cho miếng gạc trên tay không bị tuột ra, tay kia xách balô và túi quà.

Ngoài tiền bán tiểu cầu, mỗi người đến hiến sẽ nhận được suất ăn với một gói bánh mì, ba hộp sữa tươi và một vỉ thuốc sắt.

Ngồi xuống ghế, Minh thở một hơi rõ dài như vừa hoàn thành nhiệm vụ gì lớn lao lắm. Trên trán còn lấm tấm vài giọt mồ hôi, đi biết bao nhiêu lần rồi nhưng Minh vẫn sợ.

“Mỗi lần cắm kim vào là mình cứ cố gắng nghĩ sang chuyện khác để quên cái kim được đâm vào tay mình, không dám nhìn nữa” - Minh nói.

Mấy lần kia chạy thì không sao, nhưng thời gian này phải ôn thi nhiều nên Minh thấy hơi mệt. Thi xong, Minh cần tiền về quê nhưng không muốn xin bố mẹ nên lại vào đây.

“Đi học mình tự làm thêm để chi tiêu hết, chỉ lúc nào đóng học phí bố mẹ giúp thêm một ít chứ ở quê cũng làm gì có tiền” - vừa nói Minh vừa lấy tay chỉnh lại băng gạc.

Qua mặt bác sĩ

Một chiếc quần thể thao, áo thun xanh và đeo túi xách con con, đó là P.T.T.H. - sinh viên một trường ĐH ở Q.Thủ Đức - ngồi lặng lẽ, đợi gọi tên. Hỏi thăm mới biết cô gái này đã có “thâm niên” hơn 20 lần “chạy” tiểu cầu.

Tình cờ biết đến “dịch vụ” này khi tham gia một câu lạc bộ tình nguyện tại trường, H. đã đến thử và xem đây như một “nghề” làm thêm và có thể kiếm tiền. H. quê Bình Định, mang theo niềm vui đậu ĐH bước chân vào Sài Gòn.

Cuộc sống ở quê không khá giả nhưng cha mẹ đã cố gắng sắm cho H. một chiếc xe máy để tiện đi lại, học tập.

Nhưng rồi chiếc xe bị trộm lấy mất. H. sợ không dám nói với ba mẹ nên cố gắng vừa đi làm thêm vừa “chạy” tiểu cầu để kiếm đủ tiền mua lại chiếc xe mới.

Có những tháng H. “ghé thăm” bệnh viện đến ba lần chỉ để bán tiểu cầu. “Khoảng hai tuần là mình có thể bán lại được rồi.

Đầu tháng mình ghé Bệnh viện Chợ Rẫy, 10-12 ngày sau mình qua Bệnh viện Truyền máu - huyết học rồi cuối tháng lại quay về đây.

Quan trọng là trên tay mình có còn dấu ven hay không, nếu bác sĩ nhận ra là bị trả lại ngay” - H. thổ lộ về những “thủ thuật” để được hiến nhiều lần.

Nhiều lúc H. cũng thấy mình choáng, nhưng cố gắng tẩm bổ để phục hồi sức khỏe và chuẩn bị cho lần “chạy” kế tiếp.

Một tháng mới được “chạy” tiểu cầu một lần

Theo bác sĩ Phù Chí Dũng - giám đốc Bệnh viện Truyền máu - huyết học TP.HCM: tiểu cầu là những tế bào máu giống như hồng cầu, bạch cầu, có chức năng cầm máu bằng cách làm máu vón cục và đông lại, giúp chúng ta hàn kín vết thương.

“Chạy” tiểu cầu là quá trình máu đi vào máy lọc ly tâm để tách tiểu cầu ra khỏi các thành phần khác của máu.

Đời sống của tiểu cầu kéo dài 8-12 ngày nên nếu chúng ta không hiến tiểu cầu thì cơ thể sẽ đào thải để sản sinh lượng tiểu cầu mới.

Mỗi lần hiến, số lượng tiểu cầu mất khoảng 20% so với ban đầu. Nghĩa là khi hiến tiểu cầu bằng máy thì người hiến phải có số lượng tiểu cầu hơn 200.000 tiểu cầu/mm3.

Sau khi hiến, số lượng tiểu cầu sẽ còn 160.000 - 170.000 tiểu cầu/mm3. Số lượng tiểu cầu này vẫn ở mức bình thường [150.000 - 300.000 tiểu cầu/mm3] nên không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Trên thế giới, người ta vẫn cho phép hai tuần thì có thể hiến lại nhưng tại Việt Nam, vì sức khỏe của người Việt không giống người nước ngoài, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo nên hiện tại ở bệnh viện vẫn quy định bốn tuần mới hiến lại để đảm bảo sức khỏe và tiểu cầu hồi phục.

Việc một số người vẫn cố gắng hiến nhiều lần trong thời gian ngắn ở nhiều trung tâm khác nhau, bệnh viện vẫn không kiểm soát được, chỉ trừ khi bác sĩ phát hiện dấu tích vẫn còn thì sẽ không chấp nhận.

“Vấn đề này cần có sự kết nối trên hệ thống giữa các trung tâm truyền máu ở TP để quản lý hồ sơ người hiến máu mới không có tình trạng người hiến nhiều lần nữa. Hiện tại chỉ có biện pháp khám sức khỏe và xét nghiệm máu trước khi hiến, nếu đạt yêu cầu chúng tôi vẫn cho hiến” - ông Dũng nói.

“Tiện hơn bán máu”

H. cho biết bán tiểu cầu tiện hơn nhiều so với bán máu. Mỗi lần lấy đôi được 700.000 đồng, trong khi lấy máu chỉ có 400.000 đồng. Thời gian bán lại được rút ngắn, chỉ 20 ngày có thể bán lại lần hai, còn hiến máu thì phải đợi đến ba tháng.

HỒNG LY

Chưa ai trên đời này lấy máu của mình làm cơm, nhưng những lúc túng thiếu, bán máu lấy tiền ăn, tiêu là chuyện bình thường, và càng bình thường hơn với sinh viên. Đó là khi “túi viêm màng”, đồ đạc không còn gì đáng giá để đi “cầm”… và “lương tháng” thì chưa đến kỳ.

Thật oan uổng cho những sinh viên có lòng hảo tâm vì người khác, vì cộng đồng đã hiến máu cứu người, nhưng phải nói rằng, có rất nhiều sinh viên đã đi hiến máu chỉ vì họ cần số tiền bồi dưỡng họ sẽ nhận được từ đơn vị tiếp nhận máu. Cũng chẳng vui vẻ gì, có khi còn phải lén lút vì sợ bạn bè nhìn thấy.

Nhìn những gương mặt xanh xao, vàng vọt, ai cũng biết họ chẳng dư giả gì thứ “nhựa sống” vô cùng quý giá ấy. Họ không có tội, cũng chẳng xấu. Nhờ có họ mà nhiều người đã được cứu sống. Nhưng “mục đích riêng” của họ đã vô tình làm biến tướng ý nghĩa cao đẹp của một hành động nhân đạo mà xã hội cần phải ngợi ca; lại càng thương cảm hơn cho cuộc sống khốn khó của họ, những người nắm giữ tương lai đất nước.

Trước khi bán máu, họ cũng đã xoay sở ngược xuôi, chạy vạy đủ kiểu, vay chỗ nọ, giật chỗ kia, cắm xe, cắm “cây” [máy tính], bằng lái hay bất cứ thứ gì có thể cắm.

Hiệu cầm đồ là cho sinh viên?

Lương Thế Vinh là một trong những phố sinh viên nhộn nhịp nhất ở Hà Nội. Ngoài các hàng Net, photocopy, đồ lưu niệm, tạp hoá, hàng ăn, quần áo, còn có cả những hiệu cầm đồ. Ngay cạnh đó, lui vào phía trong một chút, số hiệu cầm đồ, cho vay thế chấp nằm dọc đường làng [phố?] Phùng Khoang xem ra còn nhiều hơn. Tất cả, đều nhằm hướng đến sinh viên là khách hàng chủ yếu.

Xe đạp là vật dụng được dùng để mang đi thế chấp nhiều nhất. Người đã phát minh ra chiếc xe đạp sẽ không bao giờ biết rằng, đến một ngày, xe đạp không chỉ giúp người ta di chuyển mà còn có thể làm rất nhiều việc khác. Cắm xe sẽ có tiền, có tiền sẽ giải quyết được nhiều việc, từ ăn, uống, mua sách vở, sinh nhật đến xem phim, du lịch…

Cho vào rồi lại lấy ra, lấy ra rồi lại đem vào. Chẳng biết chiếc xe đạp cào cào Nhật cũ đã theo Hưng [sinh viên ĐH KHXH&NV] ra vào các hiệu cầm đồ bao nhiêu lần. Hưng chẳng mấy khi dùng [để đi] đến chiếc xe đạp ấy. Thi thoảng mới thấy Hưng đạp dong dong trên đường, nhưng hoặc là từ nhà ra hiệu cầm đồ, hoặc từ hiệu cầm đồ về nhà.

Khách đã quen nên chủ tiệm cầm đồ chẳng cần hỏi cầm bao nhiêu. Mỗi lần mang xe ra, anh ta viết vào giấy biên nhận giống những lần trước: “Khách hàng…Hưng; địa chỉ…; số CMND…;… 200 nghìn;… 20 ngày; lãi 2000…”. Lần nào cũng thế, giao xe, nhận tiền và giấy biên nhận đút túi quần, Hưng ra về mặt tỉnh bơ.

Giá trị chiếc xe cũng giảm dần theo sự trượt giá của tiền và “hao mòn sử dụng”. Từ 200 nghìn, xuống 150 rồi 100 nghìn, và lần gần đây nhất, Hưng chỉ cắm được 70.000 cho chiếc xe của mình. Có lẽ cũng tại khách lạ [chả là Hưng ngại chạm mặt bạn bè nên không mang ra hàng quen như mọi khi [Hưng quen hai hàng, một ở Lương Thế Vinh và một trên đường Nguyễn Trãi, đoạn gần chợ xanh Thượng Đình] mà mang tận lên gần Ngã Tư Sở để cắm] nên Hưng bị bà chủ tiệm ép giá bèo. Vừa mừng vì có tiền tiêu, Hưng vừa lo không biết đây có phải hiệu “cầm lừa” rồi “xù” không mà trả hẻo đến thế?

Lo thế cũng phải vì có lần mượn xe của bạn để cắm, do quá hạn, chiếc xe đã bị thanh lý. “Khổ chủ” của chiếc xe không còn lời tử tế nào đề nói với Hưng. “Tin bạn mất của”, cô bạn cho Hưng mượn xe chỉ còn biết tự trách mình sau hai ngày “canh me” cánh cửa đóng cửa im ỉm của hiệu cầm đồ mà không chuộc được chiếc xe [vốn là chiếc xe bố cô tặng nhân đỗ đại học] về. Độ trơ lỳ của Hưng không để Hưng tỏ vẻ tiếc nuối, ân hận được lâu. Sau cái quay mặt bất cần với cô bạn, Hưng lúng búng trong miệng: "Bạn thì bạn, không bạn thì thôi, cần đ. gì!".

Sự thành thạo trong giao dịch “động sản” của Hưng cũng có giá. Một cô bạn cũng thuộc loại tay chơi, nhưng vẫn muốn được coi là con nhà lành, đã nhờ Hưng mang đồ đi cắm. Xong việc, Hưng được “lại quả” đôi chút gọi là… Kể cũng vui với Hưng, một việc mà lợi dăm ba đường.

“Bán máu nhân đạo”

Có lẽ dùng từ đó là hợp hơn vì trong cái nhu cầu trang trải cuộc sống ấy, khi cho máu, sinh viên hẳn cũng nghĩ đến những người bệnh đâu đó đang rất cần những giọt máu của mình. Hơn nữa, số tiền họ được nhận cũng chỉ là một khoản bồi dưỡng nho nhỏ để lấy lại sức, thấp hơn rất nhiều so với việc bán máu trực tiếp trong bệnh viện.

Bên cạnh một vài đợt tổ chức hiến máu nhân đạo trên quy mô lớn trong năm, những ngày hiến máu định kỳ cũng được tổ chức thường xuyên ở các điểm trường đại học. Cố định vào một ngày nào đó trong tuần, Viện huyết học và truyền máu TW lại cử đội tiếp nhận máu về các trường để lấy máu của sinh viên, cùng với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên [cũng chính là sinh viên].

Sinh viên phải điền những thủ tục cần thiết vào tờ khai, nhưng quan trọng nhất, cán bộ tiếp nhận máu thường hỏi rất kỹ về lịch sử cho máu. Nếu thời gian cho máu trước đó quá gần, tất nhiên là sinh viên sẽ không thể cho máu tiếp được: “Em về nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho lại sức đã nhé… Đợi đợt sau”.

Lường trước điều đó vì nhu cầu chi tiêu đâu có theo hạn, theo kỳ, sinh viên thường nói dối là đã hiến rất lâu rồi hoặc chưa từng hiến lần nào. Một nội dung quan trọng khác sinh viên cũng cần điền vào tờ khai là địa chỉ liên lạc cá nhân để được thông báo những bất thường về máu, sức khoẻ hoặc bệnh tật nếu có. Tuy nhiên, phần lớn đều không muốn ghi địa chỉ lớp vì kiểu gì thì kiểu, một lá thư cảm ơn sẽ được gửi về theo địa chỉ đã để lại, mà điều đó thì có khác gì là báo cáo với cả lớp rằng “lạy ông tôi ở bụi này”.

Cô gái tên Hoa, dong dỏng cao và trông như một bệnh nhân suy kiệt cơ thể đang đợi trước cửa phòng khám chờ đến lượt. Nhưng đã vào đây, và ngồi ở đấy, ngay cửa trung tâm tiếp nhận máu, chắc chắn là cô đi hiến máu chứ không phải đi khám bệnh. Cả lớp đều biết Hoa có thể trạng yếu nên ai nấy đều ngạc nhiên khi biết cô đi… hiến máu nhân đạo. Mà không phải cô chỉ đi có một lần.

Cùng lớp với Hoa, có một bạn trai tên Huy. Cả hai đều nhiều lần hiến máu nhưng có một điều lạ lùng là họ chưa bao giờ gặp nhau ở bất cứ địa điểm lấy máu nào. Có lẽ do chu kỳ cần tiền của Hoa và Huy khác nhau.

Huy có một người bạn khác, cũng thường rơi vào hoàn cảnh túng quẫn nhưng lại sợ hiến máu. Cũng biết bạn tính lo xa và cẩn thận trong các vấn đề sức khoẻ, Huy chỉ rủ bạn đi cùng với mình cho vui, cho biết. Hiến xong, nhận tiền, Huy chia cho bạn một nửa số tiền đổi bằng máu của mình. Chắc cũng chỉ đủ tiêu vài ngày, đằng nào rồi cũng hết, Huy tặc lưỡi rồi rủ bạn vào quán.

Lần dưới đáy hòm cá nhân của những người hiến máu, kiểu gì cũng thấy một tập giấy chứng nhận đã hiến máu nhân đạo. Không biết những cảm xúc nào sẽ xuất hiện với người chứng kiến: Tự hào và khâm phục tấm lòng nhân đạo vì người khác, vì cộng đồng của thanh niên ngày nay? Thương cảm cho cuộc sống nhọc nhằn, túng thiếu của họ? Tò mò muốn biết họ giữ gìn sức khoẻ như thế nào trong điều kiện ấy để học tập? Hay nghĩ đến việc họ đã tiêu tiền như thế nào trước và sau khi hiến máu…?

Còn với tôi, lúc họ đi hiến máu cũng là lúc họ đang nghĩ đến một bữa cơm, bữa cơm được đổi bằng những giọt máu được lấy ra từ chính cơ thể họ

Video liên quan

Chủ Đề