Hiệu quả sử dụng đất là gì

Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp [Tiếp theo và hết] [*]

Người dân huyện Đông Anh [Hà Nội] ứng dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: MỸ HÀ

Bài 2: Nhanh chóng đổi mới, hoàn thiện các cơ chế, chính sách -

Luật Đất đai năm 2013 đã góp phần tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất. Tuy nhiên, một số quy định pháp luật về đất nông nghiệp còn bất cập, chưa phù hợp thực tiễn, khó thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bất cập trong sử dụng đất

Một trong những nguyên nhân khiến việc sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả, là chính sách hạn điền. Cụ thể, Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha. Trong khi đó, muốn nông sản đạt năng suất, chất lượng cao thì bắt buộc phải sản xuất lớn, áp dụng công nghệ và xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ cho sản phẩm. Bên cạnh đó, Luật Đất đai quy định trường hợp nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp không được vượt quá 10 lần hạn mức.

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ ra nhiều khó khăn, hạn chế trong chính sách đất đai. Đáng chú ý, với đất công ích, UBND cấp xã hiện chỉ được cho thuê nhiều nhất 5 năm; đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa phải là người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; chỉ cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp đối với các hộ gia đình, cá nhân trong cùng xã, phường

Theo Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Hồng Diên, ở Thái Bình, đất nông nghiệp chiếm phần lớn, trong khi việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang mục đích khác là rất chặt chẽ, rất khó. Nếu làm đúng thủ tục, từ xóm, thôn lên đến bộ, phải mất tới hai năm. Với khoảng thời gian vừa dài, vừa phức tạp về thủ tục như vậy, rất khó tích tụ tập trung đất đai, nhất là việc kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Theo luật gia Nguyễn Văn Khôi - Trung tâm Tư vấn pháp luật TP Hồ Chí Minh [Hội Luật gia Việt Nam], thực tiễn đã cho thấy, rất có thể, chính sách hạn điền theo quy định như hiện nay là chưa hợp lý và đang là một trong những yếu tố hạn chế sự phát triển của dự án nông nghiệp quy mô lớn, hiện đại, có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, do khó khăn về chuyển nhượng cho nên đang có hàng triệu lao động nông thôn bỏ ruộng, bỏ vườn đi làm công việc khác, nhưng lại không chuyển quyền sử dụng đất cho các doanh nghiệp sản xuất lớn

Riêng về lĩnh vực quy hoạch đất nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho rằng, những năm qua, từ trung ương đến địa phương có rất nhiều quy hoạch, nhưng chất lượng thấp, vì vậy nhiều quy hoạch bị vỡ sau thời gian ngắn. Còn thiếu quy hoạch dài hạn để tạo những vùng nguyên liệu bền vững; thiếu các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ đi kèm làm tăng giá thành; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, ảnh hưởng quá trình cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ và hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn Nhiều địa phương muốn tìm một quỹ đất đủ lớn, liền vùng khoảng 250 đến 500 ha để thu hút các doanh nghiệp đầu tư, nhưng gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, mất nhiều thời gian và chi phí, do vậy phần nào đã làm nản lòng nhà đầu tư. Do đó, Nhà nước cần nâng cao chất lượng quy hoạch, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư chiến lược trong việc tạo quỹ đất sạch tập trung, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Để nông nghiệp phát triển bền vững

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam đang trên đà suy giảm, từ 4,3%/năm [giai đoạn 1994 - 2000] xuống còn 3,7%/năm [giai đoạn 2001 - 2007], 3,1%/năm [giai đoạn 2008 - 2015]. Tốc độ tăng năng suất đang chậm lại và chậm hơn so với hầu hết các nước có cùng trình độ phát triển trong khu vực. Nguyên nhân chính của sự suy giảm là do sản xuất manh mún, dựa trên quy mô hộ nhỏ lẻ là chính, trong khi nông nghiệp đang phải đối mặt những thách thức lớn như quỹ đất giảm, sự cạnh tranh gay gắt do hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu

Hiện nay, Luật Đất đai đã quy định người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, hoạt động trên thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn yếu ớt, nhất là thị trường cho thuê quyền sử dụng đất. Để thúc đẩy tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, cần tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển. Trong đó, cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp; giải quyết dứt điểm việc cấp giấy chứng nhận sau khi dồn điền, đổi thửa; rà soát, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hợp pháp gắn liền với đất; bổ sung cơ chế để giải quyết đối với trường hợp người sử dụng đất không đồng thuận chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung; sớm ban hành các chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tổ chức thực hiện; thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn.

Cùng với việc bỏ quy định hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân [bao gồm cả hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp và không trực tiếp sản xuất nông nghiệp] thì phải ban hành đồng bộ chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp để kiểm soát tình trạng đầu cơ, tình trạng bao chiếm đất nhưng không đưa đất vào sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả. Để thực hiện bỏ hạn mức nhận chuyển quyền đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, cần cân nhắc kỹ lưỡng các tác động của chính sách này về khía cạnh xã hội, nhất là vấn đề bảo vệ lợi ích của người nông dân.

Thực tế ngành nông nghiệp tại các địa phương trên cả nước cho thấy, việc nhanh chóng đổi mới, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai là cần thiết và khá cấp bách. Giải quyết tốt vấn đề này sẽ góp phần quan trọng trong việc đáp ứng đòi hỏi về tính hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện để thực hiện thành công công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn hiện nay.

* Bài 1: Khai thác nguồn lực đất đai, thúc đẩy nông nghiệp phát triển

--------------

[*] Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 2-8-2018.

VŨ THÀNH và MAI VĂN BẢO

Video liên quan

Chủ Đề