Hinh lịch sử kiến trúc văn hóa thời trần năm 2024

VHO - Qua công tác khai quật, đã xác định được 19 di tích và hàng nghìn di vật phản ánh trung thực lịch sử tồn tại và phát triển của chùa Am Các (xã Định Hải, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hoá) từ thời Trần, thế kỷ XIV đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII - XVIII. Đây là thông tin được các nhà khoa học công bố tại Hội nghị báo cáo kết quả thăm dò, khai quật khảo cổ học di tích chùa Am Các năm 2023, vừa được tổ chức tại thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Các di vật được phát hiện sau khi khai quật khảo cổ học

Đây là cuộc khai quật lần thứ hai di tích chùa Am Các, tập trung trong phạm vi kiến trúc Nội tự (tường bao) với diện tích trên 3.000m2. Trước đó, năm 2018 của Trường Đại học VHTTDL Thanh Hóa phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh Thành khai quật di tích chùa Am Các đã phát hiện một số dấu tích nền móng di tích kiến trúc thời Trần, thế kỷ XIII – XIV, thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII - XVIII cùng hàng nghìn di vật các thời kỳ như khu lò gạch ngói và kiến trúc bó nền khu vực tảng đá khắc hình tượng Phật. Những phát hiện khảo cổ học này, đã minh chứng lịch sử di tích chùa Am Các có từ thời Trần và tồn tại đến đầu thời Nguyễn. Tuy nhiên, do diện tích khai quật quy mô nhỏ, các di tích nền móng kiến trúc ở khu vực chùa Am Các mới chỉ xuất lộ một phần nên chưa đủ cơ sở khoa học để xác định tổng thể mặt bằng, quy mô, kết cấu của các công trình kiến trúc dưới lòng đất, đặc biệt là di tích kiến trúc thời Trần, có niên đại sớm nhất, lần đầu tiên được phát hiện ở đây.

Thực hiện Quyết định số 1187/QĐ-BVHTTDL ngày 9.5.2023 của Bộ trưởng Bộ VHTTDL về việc khai quật khảo cổ học và văn bản số 2550/UBND-VX ngày 2.3.2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 19.5 đến 16.8.2023, Viện Nghiên cứu Kinh thành (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) đã phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thanh Hóa tiến hành khai quật di tích chùa Am Các. Trong quá trình khai quật, các nhà khoa học đã phát hiện nhiều di vật, hiện vật liên quan đến hoạt động tôn giáo thời Trần.

Theo Viện Nghiên cứu Kinh thành, trong thời gian gần ba tháng tiến hành khai quật, đã xác định được 19 di tích, bao gồm 14 di tích nền móng kiến trúc, hai di tích tường bao, hai di tích tường ngăn và một di tích rãnh nước, hàng nghìn di vật có chất liệu và chức năng khác nhau, như: Vật liệu, trang trí kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc đá (hình khắc và tượng Phật, chân tảng, bệ tượng, bàn đá trang trí hoa sen) là bằng chứng chân thực để xác định niên đại di tích chùa Am Các từ thời Trần, thế kỷ XIV đến thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII - XVIII. Ở thời kỳ này, chùa Am Các có thể vừa là trung tâm tôn giáo lớn, vừa là vị trí phòng thủ quân sự ven biển quan trọng, tồn tại lâu dài trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam.

Khu vực đã khai quật khảo cổ học

Cụ thể, căn cứ vào những hiện vật còn lại trong khu vực chùa Am Các như hiện vật liên quan đến tôn giáo (tượng Phật bằng đá, chân tảng đá hoa sen, bàn thờ đá); những địa danh và di tích liên quan đến tôn giáo: (Khe Mõ có mõ đá, chuông đá; Tảng/phiến đá khắc hình tượng Phật); đặc biệt là 19 di tích phát hiện trong hố khai quật với các tòa ngang dãy dọc, quy mô lớn, có bộ mái với những đầu đao cong, các phù điêu, tượng rồng, diềm mái, Do đó, có thể khẳng định chắc chắn rằng, di tích kiến trúc chùa Am Các là hiện hữu và có quy mô to lớn, với một lịch sử phát triển bốn đến năm thế kỷ. Dù ra đời vào thời điểm nào, thì đây vẫn là một trung tâm tôn giáo tín ngưỡng lớn, không chỉ cho Nghi Sơn, Thanh Hóa mà với cả nước.

Bên cạnh đó, kết quả điều tra thám sát và khai quật khảo cổ học cho đến nay đều có chung nhận định rằng, chùa Am Các bên cạnh vai trò là một trung tâm tôn giáo lớn, còn là một tiền đồn quân sự từ thời Trần đến thời Lê Trung Hưng không chỉ ở Nghi Sơn, Thanh Hóa mà có đóng góp to lớn trong lịch sử quốc gia Đại Việt đương thời. Kết quả khai quật đã phát hiện được số lượng khá lớn đồ gốm sứ, mặt bằng kiến trúc thời Trần có thể hình chữ “Công”, cống thoát nước xây bằng gạch chữ nhật thời Trần, các bó nền kiến trúc sử dụng chất liệu tại chỗ (đá mồ côi) và kỹ thuật xây dựng mang truyền thống thời Trần và đặc biệt là di tích tường bao/nội-ngoại tự và những bức tường ngăn không gian chức năng của thành trong/nội tự, cùng với loại đá và kỹ thuật xây dựng như các kiến trúc, đã minh chứng cho sự tồn tại của kiến trúc nhà Trần ở đây. Do vậy, Am Các có thể là một loại hình tiêu biểu của một thành phòng ngự trong chiến lược biển của nhà Trần.

Theo Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VHTTDL) Trần Đình Thành, trên cơ sở các kết quả khai quật, việc xây mới ngôi chùa mới có thể làm bên ngoài nền móng khảo cổ để vừa bảo vệ được di tích khai quật, phục vụ cho nghiên cứu lâu dài, đảm bảo nguyên tắc về bảo tồn di sản. Trước mắt, khu vực khảo cổ học di tích chùa Am Các sẽ được lấp lại để phục vụ cho công tác bảo tồn. Vì vậy, lãnh đạo Cục Di sản văn hoá đề nghị, chính quyền địa phương và các ban ngành cần hoàn thiện hồ sơ di sản; gìn giữ, phát huy các hiện vật đã được khai quật. Bên cạnh đó, PGS. TS Bùi Mình Trí - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh Thành đề nghị lãnh đạo xã, Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hoá xem xét đầu tư số hoá 3D di tích để gìn giữ giá trị gốc của di tích; phục vụ quá trình tuyên truyền, giới thiệu, phát huy giá trị của chùa Am Các góp phần phát triển du lịch tâm linh, sinh thái.

Kết quả của cuộc khai quật đã góp phần cung cung cấp những cơ sở khoa học cho công tác quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích chùa Am Các trong tương lai, phục vụ cho chiến lược phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế của địa phương, góp phần xây dựng địa điểm chùa Am Các trở thành một danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cấp quốc gia. Sau khi cuộc khai quật kết thúc, chính quyền địa phương cần tiếp tục phối hợp với các nhà khoa học, có kế hoạch triển khai phát huy giá trị di tích một cách bài bản, theo đúng các quy định.