Lá dong để được bao lâu

Ở những làng có truyền thống trồng lá dong trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, người dân dường như đón tết sớm hơn lệ thường. Từ trung tuần tháng 12 [âm lịch], lá dong đã vào mùa. Trên những ruộng lá dong xanh bạt ngàn đã thấp thoáng bóng người cắt lá với đôi tay thoăn thoắt, rộn rã tiếng nói cười của chủ vườn và khách phương xa đến đặt mua lá dong…

Xuôi theo đê sông Hồng, về thăm vùng đất bãi Quảng Châu [thành phố Hưng Yên], chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt của miền quê thuần nông với màu xanh mướt của những tàu lá dong đang tới thời thu hoạch, những vườn cam đường canh chín đỏ mọng… Ở các hộ gia đình, ai cũng tất bật chuẩn bị những vật dụng cần thiết cho việc thu hái lá dong dịp tết, người già cặm cụi chẻ lạt, phơi lạt để bó lá; người trẻ bận rộn cọ rửa thuyền, bể chứa nước để rửa lá… Ông Trần Văn Tứ [thôn 1, xã Quảng Châu] chia sẻ: “Chẳng biết cây lá dong gắn bó với người dân đất bãi tự bao giờ. Nhà trồng ít thì cũng có vài khóm lá để phục vụ nhu cầu của gia đình, nhà trồng nhiều thì vài ba sào. Với hơn 2 sào lá, mỗi vụ tết gia đình tôi cũng thu lãi được gần 15 triệu đồng.”


 

Lá dong là loại cây dễ trồng và dễ chăm sóc. Cây chỉ cần trồng một lần và cho thu hoạch trong nhiều năm. Cây ưa bóng râm nên bà con tận dụng trồng xen với chuối, nhãn, táo… Lá dong cho thu hoạch quanh năm. Ngày thường, lá dong là nguyên liệu để gói bánh răng bừa, giò, bánh nếp… Ngày tết nó là nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng. Ông Dương Hữu Ất, Phó chủ tịch UBND xã Quảng Châu cho biết: Cây lá dong không phải là cây trồng chủ lực của địa phương nhưng đó là cây trồng phụ mang lại thu nhập khá cho người dân. Cả xã, hầu hết các gia đình đều trồng lá dong, trong đó tập trung chủ yếu ở thôn 1 và thôn 2. Lá dong Quảng Châu đã có tiếng trên thị trường được các thương lái từ Hà Nội, Thái Bình, Hà Nam… về tận vườn thu mua. Tết Nguyên đán Nhâm Thìn 2012, lá dong có giá bán 500 – 700 đồng/1 lá, tùy loại, những hộ trồng nhiều thu lãi tới trên 30 triệu đồng. Năm nay, đến thời điểm này, tại các nhà vườn lá dong có giá dao động từ 600 – 900 đồng/lá, một mức giá khá “đẹp”, hứa hẹn một mùa lá dong thành công cho người dân.

Ngược lên phía Bắc của tỉnh Hưng Yên, chúng tôi về thăm làng Tuấn Dị [xã Trưng Trắc, Văn Lâm]. Những ngày giáp tết, sự yên bình vốn có của làng quê Tuấn Dị được thay thế bởi sự ồn ào, náo nhiệt, trên mọi nẻo đường làng, ôtô lớn, nhỏ xếp hàng dài chờ những chuyến lá dong đi khắp nơi. Bác Nguyễn Thị Bình vừa ngồi xếp lá vừa trò chuyện với chúng tôi: "Nhà tôi có 5 sào trồng lá dong. Nửa tháng cuối năm là thời điểm bận rộn nhất, gia đình tôi phải thuê thêm 2 nhân công cắt và bó lá mới kịp đơn đặt hàng của khách. Năm nay, cây dong cho lá đẹp nên bán được giá cao. Vụ này, gia đình tôi ước thu khoảng 30 triệu đồng.”

Ông Khương Văn Khoái, Trưởng thôn Tuấn Dị cho biết: "Cây lá dong “bén duyên” với đất và người Tuấn Dị tự lúc nào chẳng ai còn nhớ rõ. Qua năm này đến năm khác, dân làng vẫn “chung tình” với cây lá dong. Hiện, làng có trên 500 hộ dân thì khoảng 60% số hộ làm nghề trồng lá dong, với tổng diện tích trên 4 ha. Ngày nay, các hộ đã đưa lá dong từ vườn nhà ra ruộng, cây lá dong đã mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho người dân.” Theo những đôi tay nhanh nhẹn, khéo léo của người Tuấn Dị, từng phiến lá dong xanh mướt được xếp gọn gàng, theo xe tỏa đi các ngả đến các chợ tại Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… Khoảng chục năm trở lại đây, lá dong Tuấn Dị đã lên đường “xuất ngoại” đi các nước Nga, Đức và các nước Đông Âu để phục vụ bà con Việt kiều đón Tết. Bác Chu Thị Vân, một trong những hộ dân chuyên xuất khẩu lá dong, cho biết: “Từ gần chục năm nay, trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng, gia đình tôi đã phải tất bật thu cắt lá để xuất đi nước ngoài phục vụ cho bà con Việt Kiều gói bánh đón Tết Dương lịch. Lá dong “xuất ngoại” được chọn lựa kỹ càng, bản ngang lá rộng 23 cm, cuống cắt sát, bó tròn, buộc chặt… không nhúng qua nước mới tươi lâu và bền được".

Vài năm trở lại đây, các thương lái đã đưa lá dong rừng về tiêu thụ trên địa bàn tỉnh. Lá dong rừng thường rẻ hơn lá dong quê từ 300 – 500 đồng/ lá. Tuy nhiên, với ưu điểm vượt trội hơn lá dong rừng về chất lượng nên chưa năm nào lá dong quê mất giá trên thị trường. Chị Vũ Thị Thiết [xã Phương Chiểu, Tiên Lữ], một người có thâm niên trong nghề gói bánh chưng đặt, cho biết: “Tuy lá dong quê có đắt hơn lá dong rừng nhưng vì muốn bảo đảm chất lượng của bánh, giữ chân khách hàng, gia đình tôi chỉ chọn mua lá dong quê. Lá dong quê có phiến lá to và rộng, lá mỏng nhưng dai không giòn như lá dong rừng, có màu xanh óng ả. Bánh gói bằng loại lá này có màu xanh tự nhiên, thơm rền, không dễ bị ôi thiu. Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, gia đình tôi đã về đặt mua lá tại các thửa vườn để chuẩn bị đủ lá cho việc gói bánh chưng phục vụ nhu cầu khách đặt hàng.”

Chỉ tập trung thu hoạch trong vòng nửa tháng, nhưng vụ lá dong tết đã mang lại một cái tết sung túc, đủ đầy cho người dân các làng có truyền thống trồng lá dong. Tiếng cười giòn tan ẩn sau những tán lá xanh mướt như thể hiện niềm tin của người dân về một vụ lá dong được mùa.

 Thu Yến

Dưới chân Đỉnh Mười

Vượt qua hơn 16 đoạn suối, chiếc xe máy cà tàng đưa tôi đến thôn xa nhất của xã vùng sâu Tân Tiến, huyên Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Thôn 1, xã Tân Tiến có hơn 100 nóc nhà  của đồng bào dân tộc Dao, Tày, Kinh nằm nép mình trong thung lũng dưới chân Đỉnh Mười. Tối đến cả thôn trầm mặc trong sương núi và róc rách tiếng nước suối reo, từ những ô cửa sổ hắt ra ánh đèn dầu. Các cụ trong thôn cho biết, đây là thôn cuối cùng trong xã chưa có điện, sóng điện thoại thì phải chèo lên mỏm đồi mới nghe bập bõm. Năm nào cũng vậy, sau khi kết thúc một vụ sắn, ngô, gừng, đỗ tương… người dân sống dưới chân Đỉnh  Mười lại rủ nhau vào rừng kiếm lá dong bán, cho thu nhập không nhỏ. 

Hôm nay, như đã hẹn trước, tôi hăm hở cùng gia đình vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga, thôn 1, xã Tân Tiến lên rừng lấy lá dong. Con đường mòn gần 5km vắt vẻo qua sườn núi như làm bước chân tôi chụn lại. May quá, thời tiết khá lạnh nên những con vắt, con muỗi không làm phiền chúng tôi mấy. 

Chị Nguyễn Thị Nga  nói, miền Bắc Tuyên Quang đươc coi là “thủ phủ” của cây dong. Cây dong phân bố tập trung nhiều nhất trong các tán rừng già dưới chân dãy Cham Chu của huyện Hàm Yên, rừng đặc dụng Tát Kẻ-Bản Bung của huyện Na Hang, Lâm Bình và khu vực chân Đỉnh Mười-Ba Xứ của huyện Yên Sơn. Từ đây, lá dong theo đường bộ, đường thủy về thành phố Tuyên Quang, rồi về xuôi. 

Chị Nga bảo, cây dong là loại thực vật thân thảo, cao trung bình từ 1-1,5m, thuộc họ hoàng tinh. Cây ưa mọc dưới tán rừng già có độ ẩm cao, đẻ nhánh khỏe. Mỗi năm một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 6-7  lá. Cây dong có thể cho thu hoạch quanh năm, lá mọc tầm hai tháng là cắt được. Nhưng người ta thu hoạch lá dong rộ nhất vào dịp Tết Nguyên đán. Lá dong ngoài gói bánh chưng, bánh tét, bánh tẻ còn có thể dùng làm thuốc chữa say rượu, rắn cắn. Cây dong có hai loại, dong lông hay còn gọi là lá dong tẻ, còn dong nếp có hai mặt đều nhẵn nên người ta thường dùng để gói các loại bánh.

Chị Nguyễn Thị Nga [thôn 1, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn] sắp xếp lại các bó lá dong sau một ngày cùng chồng vào rừng lấy. 

Ở cánh rừng này, tôi thấy những người đi lấy lá dong mang cơm trưa đi ăn vì đường về nhà xa quá. Trung bình một ngày, một người cắt, bó, gùi về nhà được từ 500-800 tàu lá. Theo quy ước, cứ 25 tàu lá họ bó thành một bó nhỏ, 4 hoặc 8 bó nhỏ buộc thành một bum. Lá dong cắt về bảo quản đúng kỹ thuật có thể để được hơn một tháng. Người ta dùng lá cây bum, bum kín bó lá dong nhằm tránh nắng, gió, mưa làm hư hỏng. Về nhà, phần cuỗng họ đặt vào chậu nước sạch được thay thường xuyên, nhờ đó mà lá dong xanh rất lâu, không bị úa vàng.

Trước kia khi các cánh rừng già ở Đỉnh Mười bạt ngàn, lá dong cũng nhiều vô kể. Một vụ Tết, mỗi gia đình ở đây có thể lấy được hàng chục vạn tàu lá dong về bán. Giờ đây diện tích rừng già bị thu hẹp vì nhiều lý do như khai thác gỗ tự nhiên trước kia, do phát rẫy làm nương, do tăng diện tích rừng trồng cây keo, mỡ và sự thu, hái lá dong không đúng kỹ thuật, mỗi gia đình giờ cố gắng lắm cũng chỉ lấy được khoảng gần 1 vạn lá cho vụ Tết. Giá lá dong cũng vì thế mà liên tục tăng. Trước kia 25 nghìn đồng có thể mua được 100 lá, nay đã lên 70-75 nghìn. Lá dong không những được tiêu thụ nhiều ở Tuyên Quang mà giờ các lái buôn chở  trên  xe tải, thuyền co le về xuôi.

Đưa dong rừng về… vườn

Thấy diện tích cây dong trên rừng ngày càng bị thu hẹp, việc lấy lá dong bán cho khách hàng không còn được chủ động, bền vững như trước, là một người lấy lá dong rừng chuyên nghiệp, vào năm 2006 anh Phạm Văn Vấn ở thôn 3, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn - người đầu tiên trong xã đã nảy ra ý định đưa cây dong trên rừng về trồng thử nghiệm quanh nhà. Thấy cây vẫn phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng nên anh quyết định nhân rộng ra 20.000 khóm trên diện tích 4 sào. Anh trồng cây dong xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả theo phương châm vừa chống được cỏ dại, vừa tiếp kiệm đất, tạo độ ẩm cho cây trồng phát triển. Nhờ có vườn lá dong tại nhà nên anh bán lá dong quanh năm cho những người gói bánh chưng, bánh tẻ chuyên nghiệp với giá cả hạ hơn. Mỗi năm cho anh thu nhập 25 triệu đồng.

Vườn lá dong nhà anh Phạm Văn Vấn cho thu hoạch lá quanh năm. 

Theo anh Phạm Văn Vấn, cây dong rất dễ trồng. Mỗi năm cây đẻ nhánh theo cấp số nhân. Cây cũng ít mắc sâu bệnh, chỉ chú ý phòng sâu cuốn lá là được. Mật độ anh trồng 1 m2/khóm, sau một năm cây cho thu hoạch, lá dong tầm 2 tháng tuổi cắt là đẹp nhất. Hàng năm sau khi thu hoạch đại trà lá dong vào dịp tết, cây phải được chặt sát gốc. Như vậy, sang năm cây mới nảy mầm và cho sản lượng lá tốt. 

Bánh chưng có thể gói bằng nhiều loại lá, nhưng gói bằng lá dong vẫn là chuẩn nhất, mùi thơm của lá dong, màu xanh của lá dong quện vào gạo bánh tạo ra hương vị đặc trưng riêng. Ngày nay nhu cầu về lá dong, nhất là lá dong cho gói bánh chưng ngày tết càng lớn. Trong khi đó diện tích, sản lượng lá dong rừng đang bị thu hẹp một cách đáng báo động. 

Bởi vậy mà nhiều năm nay, toàn bộ số hộ thôn Tràng Cát, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội đã chuyển hơn 100 mẫu đất soi bãi hoa màu sang trồng chuyên canh cây dong. Theo người dân Tràng Cát, mỗi sào cây dong ở đây cho thu từ 20.000-30.000 tàu lá/năm. Với giá bán trung bình 80.000 đồng/100 tàu lá, thu về gần 20 triệu đồng/sào Bắc bộ. Cây  dong hầu như trồng không bị mất mùa, nguồn cầu ổn định nên thu nhập khá vững chắc.

Trở lại xã vùng sâu Tân Tiến, với điều kiện đất đai rộng, khí hậu phù hợp, con người chăm chỉ hoàn toàn có dủ khả năng mở một vùng chuyên canh lá dong lớn. Dong của Tân Tiến có thể trồng xen kẽ dưới tán rừng, tán vườn cây ăn quả cho thu nhập cao hơn trên cùng một đơn vị diện tích. Cây dong chắc chắn sẽ có chỗ đứng bền lâu và có khả năng là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn.

Lê Quang Hòa

Video liên quan

Chủ Đề