Lúa chét là lúa như thế nào vì sao hai ông cháu lại đi mót lúa chét

Mùa lúa chét

Mạnh Hoài Nam

[TBKTSG Online] Cánh đồng vùng rốn lũ quê tôi một năm sản xuất hai vụ lúa, vụ đông xuân gối đầu qua vụ hè thu. Riêng vụ hè thu hoạch cắt lúa xong rồi bỏ hoang qua ba tháng mùa mưa lụt, đến cuối tháng 12 mới sạ lại vụ đông xuân. Thời gian ruộng bỏ hoang, từ gốc rạ ra lá non phát triển thành cây lúa rồi tròn mình [làm đòng] trổ gié gọi là lúa chét [lúa tái sinh].

Cánh đồng lúa chét quê tôi, trông không khác gì đồng lúa gieo sạ bình thường. Ảnh: Mạnh Hoài Nam

Cắt lúa hè thu xong, má vát đọt tre khô hay có khi là nhánh cây ra cắm giữa ruộng gọi là cắm chét. Nếu không cắm chét, tưởng ruộng bỏ hoang, mấy người chăn vịt chạy đồng thả vịt lội qua lội lại ngã rạp gốc rạ. Vịt thả đồng thì nhánh cây cắm chét làm hung làm dữ với người chăn vịt, còn bò thả đồng thì không ăn nhằm gì. Ruộng nhà tôi rộng 1 giạ giống [1.000 m2], cạnh đường nội đồng, có năm bò trong xóm lùa ra thả ngoài đồng, trẻ con chận bò [chăn bò] ham chơi, thả bò ăn qua ăn lại, cuối vụ đám lúa chét chỉ còn bằng cái nong tre, về sau má làm thế chặt mấy cây tre vát ra ruộng đào lỗ trồng trụ rào ngăn lại.

Ruộng lúa chét má bỏ công nuôi từng gié vậy mà năm trúng năm trật. Có năm bước qua tháng 11, lúa trổ đòng lác đác chưa kịp ngậm sữa thì nước lụt tràn đồng, gié lúa chét ngâm nước bạc tử đòng, cuối vụ má ra ruộng mót từng bó lúa chét trổ đòng muộn. Lúa chét hứng nước trời, có năm nắng hạn thì lúa chín háp. Chú Ba Ngã làm việc ở trên tỉnh về thăm quê, ghé nhà Chín Bình uống nước trà, nhìn ra cánh đồng, thấy gié lúa chét cụt ngủn, hỏi thì cậu bảo: Làm lúa chét khoán trắng cho trời, được hột nào mừng hột nấy.

Nhà tôi của chìm của nổi chỉ có giạ giống ruộng, qua mùa thu hoạch bán một ít lúa lấy tiền trả phân thuốc còn lại để dành ăn giáp hạt. Chị tôi lấy chồng ở xã bên vừa ra riêng, gia cảnh còn túng thiếu, chị về thăm chơi, mùa mưa lụt không làm gì ra tiền má nhắm mắt bán bao lúa lấy tiền cho chị. Hôm bà ngoại bệnh, lúa trong bồ sắp cạn, má nhín nửa bao lúa bán mua thuốc cho ngoại, chờ mùa lúa chét bù lại.

Thường cuối tháng 11 là hết lụt, năm đó lụt lớn tràn qua tháng 12. Lúa chét mới chín đỏ đuôi thì nước lụt từ sông tràn vô đồng, lúa ngã rạp, bùn nằm trên lúa. Sau lụt không có cơn mưa dội bùn, gié lúa mốc trụi. Nước lụt rút cả xóm ra đồng cắt lúa gánh về. Lúa muối bùn, sức đàn ông cậu Chín Bình gánh một đầu bốn bó lúa dò dẫm bước trên bờ ruộng cong vênh. Má tôi ráng gánh một đầu hai bó lúa, bước tréo chân trên bờ ruộng trơn trợt về chất đống ở hàng ba.

Ăn cơm trưa xong, má ra hàng ba đạp lúa. Ra sức đạp từ trưa đến chiều vét sạch dưới bậc thềm không đầy 2 thúng lúa. Má ước tính, nếu sàng sảy bỏ lúa lép ra dồn lại còn hơn thúng lúa chắc. Bùn bám đầy, má bưng lúa ra sông đãi bùn rồi dẹp bàn ghế phòng khách qua một bên để dành chỗ phơi lúa sợ ẩm mốc.

Sau đó trời nắng, má phơi lúa trong nong tre cho khô rồi đem xay gạo. Má vốc trong lồng bàn tay vốc gạo xem gạo trong hay nát rồi úp xuống bàn tay kia, cứ thế má san qua sớt lại nắm gạo chảy đều đều, trầm trồ: Làm ra được thúng lúa chét năm trầy mười trật, vậy mà hột gạo trọng suông. Rồi má kể, năm má mang thai đứa con đầu lòng bị sốt rét hành hạ, cánh đồng trước nhà bỏ hoang, không có gạo ăn phải ăn sắn thay cơm, cái thai còn non ngày non tháng đành lọt ra khỏi lòng mẹ. Đứa con xúc con xảo đó má chôn sau trảng gò.

Cách đây 3 năm, tôi về thăm quê, chiều ghé nhà cậu Chín Bình nhìn ra cánh đồng nước xăm xắp dưới những giề đất cục trải dài. Bên kia bờ mương là cánh đồng vắng mênh mông, hỏi thì cậu Chín Bình bùi ngùi nói, ngành nông nghiệp vận động nông dân không để lúa chét vì cho rằng làm cầu nối sâu bệnh cho vụ sau nên thu hoạch lúa hè thu xong, cày vùi gốc rạ.

Năm nay tôi về lại thăm quê, nhìn ra cánh đồng lúa chét xanh mượt mà, hỏi thì cậu Chín Bình bảo, vụ lúa hè thu mất mùa vì rừng đầu nguồn bị chặt phá nên hồ đập khô nước không đủ nước tưới, lúa lép xẹp. Qua vụ hè thu, cả cánh đồng cắm chét để bù lại. Làm lúa chét hiện nay đầu tư phân bón chứ không khoán trắng cho trời như trước.

Nhà cậu Chín Bình cặp vách với đồng ruộng. Chiều, nhiều người trong xóm đến nhà cậu ngồi uống nước trà ở hàng ba nhìn cánh đồng đơm lên màu xanh, đoán già đoán non, giống như buổi hội thảo đầu bờ: năm nay chắc được mùa lúa chét.

BÌNH LUẬN Hủy trả lời

Bình luận:
Vui lòng nhập bình luận của bạn
Tên:*
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây
Email:*
Bạn đã nhập một địa chỉ email không chính xác!
Vui lòng nhập địa chỉ email của bạn ở đây
Website:

Lưu tên, email và trang web của tôi trong trình duyệt này cho lần tiếp theo tôi nhận xét.

+ = fourteen

Video liên quan

Chủ Đề