Ly thân khác ly hôn như thế nào

Tại Việt Nam, tuy pháp luật hiện hành chưa quy định về ly thân, nhưng trên thực tế với tình trạng bạo lực gia đình, ngoại tình, bỏ mặc,…làm cho vợ chồng không sống chung với nhau hoặc một bên không muốn sống chung với bên kia, khi đó, ly thân là một giải pháp được các cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết những mâu thuẫn trong thời kỳ hôn nhân. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết liên quan đến ly thân trên thực tế.

I. Ly thân là gì? Điểm giống và khác nhau giữa ly thân và ly hôn?

1. Khái niệm ly thân?

Theo từ điển Luật học, ly thân được hiểu là “việc vợ chồng chấm dứt nghĩa vụ sống chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân chưa hoặc không chấm dứt”. Nghĩa vụ sống chung với nhau của vợ và chồng chính là cuộc sống chung của người đàn ông và người đàn bà khi kết hôn: chung nhà, chung chăn gối…Tất nhiên, vợ và chồng không nhất thiết phải ở chung, ăn chung, ngủ chung một cách liên tục, thường xuyên trong suốt thời kỳ hôn nhân; song, ít nhất giữa họ luôn phải có mối liên hệ sâu đậm về phương diện sinh hoạt vật chất và thân xác. Việc không chung sống liên tục trong thời gian dài được hiểu là vợ chồng sống ly thân với nhau.

Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 nói riêng, pháp luật Việt Nam nói chung thì không quy định về việc ly thân. Do vậy, pháp luật không thừa nhận việc vợ chồng ly thân, và trong thời gian "ly thân", vẫn được coi là thời kỳ hôn nhân của hai người. Vì vậy, nếu cuộc sống hôn nhân của bạn và chồng bạn không hạnh phúc và bạn không muốn tiếp tục sống cùng chồng, tuy nhiên chưa đến mức phải ly hôn thì bạn và chồng bạn có thể ly thân mà không cần thực hiện bất cứ thủ tục nào. Tuy nhiên, tại dự thảo Luật hôn nhân và gia đình [sửa đổi] trình Quốc hội khóa XIII đã dành một tiểu mục quy định về ly thân, theo đó ly thân được hiểu là tình trạng hôn nhân giữa vợ chồng không có nghĩa vụ chung sống với nhau được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận theo yêu cầu vợ chồng. Việc quy định như vậy cũng phù hợp với một số lý do sau:

Thứ nhất, ly thân không làm chấm dứt quan hệ hôn nhân, về mặt pháp lý, họ vẫn là vợ chồng, nó là giải pháp cần thiết để giải quyết những xung đột trầm trọng của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân, là khoảng thời gian cần thiết để vợ chồng suy nghĩ lại về quyết định của mình với hy vọng cứu vãn đời sống hôn nhân của mình

Thứ hai, để bảo đảm tính minh bạch của vợ chồng khi tham gia vào các quan hệ xã hội và thuận lợi cho công tác giải quyết các tranh chấp phát sinh giữa vợ chồng. Do đó, Tòa án là cơ quan phù hợp nhất để thực hiện việc công nhận tình trạng ly thân của vợ chồng.

Thứ ba, quyền ly thân gắn với quyền nhân thân của vợ chồng. Do đó, chỉ có vợ, chồng mới có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền công nhận ly thân giữa vợ chồng

2. Ly thân và ly hôn có điểm gì giống, khác nhau ?

+ Điểm giống nhau:

- Căn cứ ly thân và ly hôn: Về cơ bản, căn cứ để có thể đi đến quyết định ly thân của hai vợ chồng đều giống với căn cứ để ly hôn. Khi mâu thuẫn vợ chồng làm cho quan hệ hôn nhân lâm vào tình trạng nghiêm trọng, đời sống hôn nhân không thể kéo dài và mục đích hôn nhân không đạt được tuy nhiên xét về mức độ trầm trọng thì chưa đến mức để đôi bên phải ly hôn.

- Về mặt tình cảm của hai vợ chồng: Cả hai trường hợp này xét về mặt tình cảm của hai bên vợ chồng đều đã không còn mặn nồng với cuộc hôn nhân, đã đến mức không còn muốn chung sống không còn tôn trọng nhau và không muốn sinh hoạt cùng nhau như cặp vợ chồng khác.

+ Điểm khác nhau:

- Về mặt nhân thân: Ly thân không được pháp luật quy định, không được tòa án chấp thuận, khi giải quyết đơn ly thân Ly thân không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng về mặt pháp lý giống như trường hợp ly hôn mà chỉ chấm dứt quan hệ sống chung của hai vợ chồng như không sống chung hoặc sống chung nhưng không có đời sống kinh tế và không có đời sống tinh thần chung hoặc không giao tiếp với nhau,…

- Về mặt thủ tục: Do không được pháp luật thừa nhận cũng như không có quy định một cách cụ thể giống như việc như ly hôn nên thủ tục ly thân sẽ do các bên vợ chồng tự thỏa thuận, sắp xếp mà không phải ra Tòa. Trường hợp vợ chồng có nhu cầu phân chia tài sản chung mà trước đó không thể tự thỏa thuận được thì có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân.

Như vậy, khi vợ chồng không còn muốn tiếp tục chung sống với nhau thì không cần phải viết đơn xin ly thân cũng như thực hiện thủ tục xin ly thân như khi yêu cầu giải quyết ly hôn và quan hệ hôn nhân giữa họ cũng không chấm dứt như khi giải quyết ly hôn.

II. Thủ tục ly thân được thực hiện như thế nào

Luật hôn nhân và gia đình 2014 cũng như các văn bản hiện hành chưa có chế định về ly thân, cũng như không có bất kỳ các quy định nào của pháp luật về trình tự, thủ tục ly thân giữa hai vợ chồng. Hơn nữa ly thân cũng không phải là căn cứ bắt buộc trước khi giải quyết ly hôn. Do đó, bản chất của quá trình ly thân là việc chồng và vợ không cùng ở chung với nhau, ăn chung, sinh hoạt chung….

Mặt khác, việc ly thân giữa vợ và chồng không phải là một trong những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án được quy định tại Điều 28 Bộ luật dân sự 2015. Vì vậy không thể yêu cầu Tòa án giải quyết việc ly thân của mình. Quá trình ly thân do vợ chồng tự bàn bạc thỏa thuận. Vợ chồng có thể thỏa thuận việc ly thân bằng văn bản thông qua một mẫu đơn ly thân.

Dù ly thân trong khoảng thời gian bao lâu đi chăng nữa thì xét về mặt pháp luật, hôn nhân đó vẫn có giá trị pháp lý nên phát sinh quyền và nghĩa vụ với vợ chồng. Đây đơn thuần là thuật ngữ xã hội chứ không phải thuật ngữ pháp lý. Vì lẽ đó, khi muốn ly thân hai vợ chồng sẽ tự thương lượng thỏa thuận, thống nhất với nhau về các vấn đề có liên quan như quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản và con chung phát sinh trong thời kỳ ly thân, trách nhiệm của hai bên vợ chồng đối với người thân và con cái, đặc biệt là vấn đề cấp dưỡng. Ngoài ra không cần làm thủ bất kì thủ tục nào khác.

Dưới đây là gợi ý của chúng tôi về văn bản thỏa thuận về ly thân mà bạn có thể tham khảo như sau

-CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----

VĂN BẢN THỎA THUẬN VỀ LY THÂN

Họ và Tên của chồng, vợ:

Năm sinh của chồng, vợ : ........... Hiện cư ngụ tại: .....

Vào ngày ..../..../... Tôi có kết hôn với anh, chị .... sinh năm ..... cư ngụ tại .......

Chúng tôi đăng ký kết hôn tại: ...........................

Thời gian sống chung với nhau, chúng tôi có một cháu trai [gái] tên là ........ sinh năm .....

Trong cuộc hôn nhân này, chúng tôi thường xảy ra mâu thuẫn nhiều lần, nhưng không giải quyết được

Về nội dung thỏa thuận ly thân:

  • Tiền cấp dưỡng cho chồng hoặc vợ: mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng.
  • Tiền cấp dưỡng con cái: mức cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng.
  • Quyền nuôi con: vợ hoặc chồng thỏa thuận để một bên nuôi dưỡng, chăm sóc chon trong thời gian này
  • Quyền thăm nom: thời gian, số lần thăm…
  • Thỏa thuận về tài sản cá nhân
  • Thỏa thuận về các tài sản chung: do ai trực tiếp sử dụng, bảo quản…
  • Thỏa thuận về người chi trả thuế vụ
  • Thỏa thuận về việc trả nợ chung
  • Trách nhiệm của từng bên khi trong thời gian ly thân một bên phát sinh nợ
  • Thỏa thuận về việc vợ hoặc chồng có được hay không được phép đến nơi làm việc, chỗ ở của nhau
  • Các thỏa thuận khác…

....., Ngày ... tháng ... năm ...

Chữ ký bên A

Chữ ký bên B

IV. Các câu hỏi thường gặp về ly thân

1. Ly thân có chấm dứt mối quan hệ vợ chồng hay không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 57, Điều 65 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ:

- Ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

- Thời điểm vợ hoặc chồng chết. Trong trường hợp Tòa án tuyên bố vợ hoặc chồng là đã chết thì thời điểm hôn nhân chấm dứt được xác định theo ngày chết được ghi trong bản án, quyết định của Tòa án.

Như vậy, việc ly thân hiện nay không làm chấm dứt quan hệ vợ chồng. Khi ly thân, vợ chồng vẫn phải đảm bảo các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quan hệ giữa vợ và chồng theo quy định của pháp luật.

2. Có được quen người mới trong khoảng thời gian ly thân?

Theo phân tích ở trên cho thấy cho dù đã ly thân nhưng lúc này quan hệ hôn nhân vẫn chưa chấm dứt, hai người vẫn được coi là vợ chồng về mặt pháp lý. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, quan hệ vợ chồng chỉ thật sự chấm dứt khi có quyết định ly hôn của tòa án hoặc thời điểm vợ hoặc chồng chết.

Mặt khác, theo quy định tại điểm c Khoản 2 Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định một trong các hành vi bị cấm như sau“…c] Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; …”

Do đó, trong thời gian ly thân, vợ hoặc chồng có quan hệ tình cảm với một người khác mà lại chung sống như vợ chồng với người khác thì sẽ là hành vi vi phạm pháp luật. Còn nếu chỉ là việc yêu đương nam nữ với nhau mà không chung sống như vợ chồng thì không vi phạm pháp luật, mà đó chỉ là hành vi vi phạm về đạo đức, hay còn gọi ngoại tình.

Như vậy, có thể thấy khi xã hội ngày càng phát triển thì kéo theo đó là những hệ lụy với những mối quan hệ vô cùng phức tạp, điều đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mỗi gia đình, do không hài hòa được cuộc sống vợ chồng, nhiều cặp vợ chồng đã chọn giải pháp ly thân để giải quyết mâu thuẫn. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình nước ta [Luật HN&GĐ năm 2014] vẫn chưa thật sự ghi nhận chế định ly thân. Do đó, về vấn đề này còn gặp nhiều khó khăn trên thực tiễn. Để được giải đáp cụ thể và phù hợp với trường hợp mà bạn đang gặp phải, hãy liên hệ với NPLaw chúng tôi – Hãng luật uy tín với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình.

Khái niệm ly thân là gì?

Ly thân mô tả quan hệ vợ chồng theo đó hai người không còn chung sống, ăn ở với nhau, nhưng vẫn chưa ly hôn. Vợ chồng thường tự thỏa thuận với nhau để sống ly thân chứ không cần phải ra tòa, và trên pháp lý thì họ vẫn là vợ chồng.

Vợ chồng ly thân bao lâu thì được ly hôn?

Trong pháp luật Việt Nam hiện hành không có bất kỳ quy định nào về thời gian ly thân hay ly thân bao lâu thì được đơn phương ly hôn.

Ly hôn và ly dị khác nhau như thế nào?

Ly hôn [hay còn gọi là ly dị] là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật. Khi hai người đồng thuận ly hôn thì Tòa án sẽ ban hành Quyết định công nhận thuận tình ly hôn, nếu một bên có yêu cầu ly hôn hoặc có tranh chấp khi ly hôn thì Tòa án sẽ tổ chức xét xử và ban hành Bản án.

Vợ chồng ly thân là như thế nào?

Thủ tục ly thân theo quy định của pháp luật hiện nay. Ly thân được hiểu là vợ chồng không còn chung sống và sinh hoạt chung với nhau trong khi quan hệ hôn nhân của họ vẫn còn hiệu lực về mặt pháp lý.

Chủ Đề