Mấy câu nói nổi tiếng thường được gọi là gì

Tiếng Việt vốn phong phú và giàu nhạc điệu. Từ xa xưa, ông cha ta đã đưa ngôn ngữ thơ văn vào cuộc sống thường nhật bằng những câu ca dao, tục ngữ đúc kết từ những kinh nghiệm trong lao động sản xuất, những mối quan hệ xã hội bằng những câu nói có vần hoặc không vần điệu nhưng cô đọng, dễ nhớ, dễ thuộc mang tính đại chúng cao, đặc biệt gắn liền với tính cách của người Việt: dí dỏm, trào lộng, ẩn dụ.

NHỮNG CÂU NÓI VUI THỜI BAO CẤP

Xếp hàng thời bao cấp. Ảnh: Tư liệu.

Đôi dép cao su được làm từ vỏ xe ô tô vốn là hàng độc quyền của bộ đội Cụ Hồ. Ban đầu, các chiến sĩ vùng Thừa Thiên dùng trước, rồi lan ra Quảng Trị, Quảng Bình. Về sau, nó phổ biến ra Liên khu 4, Liên khu 3 và đều được gọi là dép Bình Trị Thiên. Câu nói: “Dép lốp Bình Trị Thiên tóe lửa” nhắc nhớ về những người đang ngày đêm xông pha nơi chiến trường khói lửa tạo nên linh hồn của những đôi “dép râu” thần thánh một thời.

Nhưng có lẽ, ghi dấu sâu sắc nhất phải là những câu nói truyền miệng độc đáo, dí dỏm của thời kinh tế quan liêu bao cấp trong ký ức những người dân miền Bắc. Thành ngữ “xếp gạch” bắt nguồn từ thời kỳ những năm 70, 80 thế kỷ trước. Thời đó, ai cũng biết và trải qua nỗi khổ của việc xếp hàng chờ nhận lương thực. Các hộ gia đình ngày ấy có khi phải xếp hàng từ mờ sáng đến tận trưa hoặc chiều tối mới đến lượt nên thường cắt cử một người canh chỗ hoặc để một cục gạch ghi tên mình ở một chỗ trong dãy hàng. Chỉ cần một chút sơ sẩy là cái chỗ quý giá bị người khác chen vào ngay lập tức, đồng nghĩa với việc mất lượt lĩnh thực phẩm cả tháng cho gia đình. Hiện nay, thành ngữ này vẫn được nhiều người sử dụng nhưng có chút cải biên: “đặt gạch”.

Câu nói “Mặt nghệt như mất sổ gạo” cũng nói lên cái khổ của một thời. Sổ gạo, tên gọi đầy đủ là “Sổ mua lương thực” được cấp cho các hộ gia đình tính trên đầu người để lĩnh lương thực trong tháng: “Nhất gạo nhì rau/Tam dầu tứ muối/Thịt thì đuôi đuối/Cá biển mất mùa/Đậu phụ chua chua/Nước chấm nhạt thếch/Mì chính có đếch/Vải sợi chưa về/Săm lốp thiếu ghê”. Cái gì cũng thiếu! Vì vậy ai sơ ý, làm mất “sổ gạo” thì cả nhà sẽ lâm vào tình trạng đói ăn cả tháng, thậm chí là nhiều tháng, cho đến khi được cấp sổ khác. Thế nên, vẻ mặt ai đó bị “mất sổ gạo” là thể hiện sự đau khổ tột cùng và nó cũng trở thành câu thành ngữ độc đáo thuộc về thời bao cấp.

Thời đó, những người phải làm việc xa nhà hoặc vợ con ở quê, còn mình ở khu tập thể, ăn cơm tập thể nên cũng luôn mong ngóng ngày về kiểu “Mắt thứ Hai, tai thứ Bảy”. Bởi lẽ khi đó, nước ta còn quy định tuần làm việc 48 giờ, công chức chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật nhưng mới thứ Bảy, tâm trạng đã nhấp nhổm muốn về nhà. Trước khi về, người ta phải làm những thủ tục đặc trưng của thời bao cấp: “Mỗi thứ Bảy cắt cơm/Bơm xe/Nghe thời tiết/Liếc đồng hồ/Thồ bao gạo/Cạo bộ râu/Xâu quai dép/Tránh mặt sếp/Tót lên yên [xe đạp]/Guồng như điên/Về với vợ!”. Còn cô vợ ở nhà thì sao? Nàng sẽ: “Mau tắm rửa/Sửa lông mày/Thay quần áo/Báo thêm cơm/Chêm chân giường/Mắt hấp háy…”. Những câu nói trào lộng ấy phản ánh chân thực phần nào tình yêu thủy chung, lãng mạn một thời của ông bà, cha mẹ chúng ta, dù trong hoàn cảnh thiếu thốn, gian nan vẫn luôn hóm hỉnh, lạc quan, yêu đời.

VÀ NHỮNG CÂU NÓI CỦA GIỚI TRẺ

Thời cách mạng công nghiệp 4.0, những câu nói gây sốt trong giới trẻ cũng gắn liền với các trào lưu của mạng xã hội. Những câu nói này thường liên quan đến những diễn viên, ngôi sao ca nhạc và nhanh chóng trở nên phổ biến, được nhiều người dùng trên mạng xã hội, sau đó là xuất hiện trong đời sống hàng ngày.

Hiện nay, nhiều người hay dùng 2 từ “cạn lời” để thể hiện trạng thái không còn gì để nói trước một thái độ, hành động nào đó. Thế nhưng, ít ai biết nó được thốt lên đầu tiên bởi danh hài Chí Tài trong tiểu phẩm hài “Đến thần tiên cũng nổi điên”. Chủ nhân của câu nói “Mình thích thì mình làm thôi” là ca sĩ khiến dân tình luôn chú ý mỗi khi xuất hiện: Sơn Tùng M-TP. Câu nói này cũng được nhiều người sử dụng khi muốn thể hiện một thái độ, hành động theo ý thích của riêng mình, bất chấp những sự cản ngăn, ràng buộc. Hay cụm từ “Sau tất cả mình lại về với nhau” bắt nguồn từ video ca nhạc Sau tất cả [sáng tác Khắc Hưng, do Erik thể hiện] cũng được sử dụng như một thành ngữ chỉ sự tái hợp trong bao dung và tha thứ từ câu chuyện tình yêu của các cặp đôi.

Rồi thì “Thả tym” là câu nói dễ thương được các bạn trẻ dùng để nói khi muốn thể hiện cảm xúc yêu thương, ủng hộ một hành động, thái độ nào đó. Câu “Chỉ để đây và không nói gì thêm” là phiên bản tiếng Việt của câu nói “I’m just going to leave this here” rất nổi tiếng, lần đầu được sử dụng trong bài viết của một tạp chí ở Anh từ tháng 9-2008 bỗng thành trào lưu vài năm trở lại đây. Nhiều người nhận xét, sức hút của câu nói này nằm ở chỗ kích thích sự tò mò của cư dân mạng nên những bài viết, ảnh kèm theo sẽ nhận được nhiều lượt xem hơn…

Có thể nói rằng những câu nói tưởng như trào lộng nhất thời đã có sức lan tỏa tích cực, chứa đựng một phần văn hóa lịch sử của dân tộc, khắc họa tính cách của người Việt Nam: dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn kiên cường, hóm hỉnh, lạc quan và yêu thiết tha ngôn ngữ của dân tộc mình.

Chủ Đề