Ngôn ngữ học tri nhận là gì năm 2024

Ngôn ngữ học nhận thức [không phải Ngôn ngữ học nhận thức, Cognitive Linguistics] hay Ngôn ngữ học tri nhận là một khuynh hướng ngôn ngữ học ra đời vào những năm 80 của thế kỉ XX với nhiệm vụ trung tâm là nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy của con người, nghiên cứu cách con người nhận thức thế giới [thế giới thực tại, thế giới phi thực tại] qua lăng kính ngôn ngữ và văn hóa. Do đó đối tượng nghiên cứu chính của ngôn ngữ học tri nhận không chỉ là những hiện tượng có thể quan sát trực tiếp được, mà còn cả những hiện tượng không thể quan sát trực tiếp được như tri thức, ý thức, tinh thần, ý chí v.v., những cái được gọi là những biểu tượng tinh thần. Trong các cơ chế của ngôn ngữ có phản ánh những cấu trúc của tư duy và sự thể hiện chúng bằng vật chất dưới dạng những kí hiệu [Armstrong, Stokoe, Wilcox 1950]. Thuộc phạm vi của ngôn ngữ học tri nhận là những cơ sở «tinh thần» của sự thông hiểu và sản sinh lời nói, ở đó sự hiểu biết ngôn ngữ tham gia vào việc chế biến thông tin. Kết quả của những nghiên cứu trong lĩnh vực ngôn ngữ học tri nhận cung cấp chìa khóa để khám phá những cơ chế tri nhận của con người nói chung [Deane 1992], đặc biệt là những cơ chế phạm trù hóa và ý niệm hóa thế giới [Smith 1993]. Ngôn ngữ học tri nhận không thừa nhận quan điểm truyền thống về sự tự trị của ngôn ngữ học. Tính tự trị của nó có cơ sở trong tư tưởng cho rằng hệ thống ngôn ngữ có thể được miêu tả và thuyết giải trong phạm vi chính bản thân mình, hay như F. de. Saussure khẳng định trong “Giáo trình ngôn ngữ học đại cương” [“Cours de linguistique générale”]: "Ngôn ngữ học có đối tượng chân chính và duy nhất là ngôn ngữ xét trong bản thân nó và vì bản thân nó" [“la linguistique a pour unique et véritable objet la langue envisagée en elle-même et pour elle-même”], mà không cần phải quan tâm đến những hiện tượng khác như là tâm lí, tư duy, bộ não, giải phẫu và sinh lí học con người, xã hội, tộc người v.v. Tính tự trị, và hơn thế nữa, tính võ đoán của ngữ pháp tạo sinh thường không cho phép chấp nhận sự đánh giá bất cứ luận thuyết nào giải thích các hiện tượng ngôn ngữ mà dựa vào những hiện tượng ngoài ngôn ngữ, những luận thuyết ấy đều bị cho là không phải ngôn ngữ học. Ngôn ngữ học tri nhận thì ngược lại thiết lập mối liên hệ mật thiết với tất cả các khoa học tri nhận: tâm lí học tri nhận, văn hóa học, thần kinh học, nhận thức luận, triết học, trí tuệ nhân tạo v.v., lôi cuốn vào phạm vi nghiên cứu của mỉnh cả những hiện tượng ngoài ngôn ngữ. Chính vì vậy ngôn ngữ học tri nhận được xem là môn khoa học liên ngành. Ngôn ngữ học tri nhận, một mặt, liên hệ chặt chẽ với viêc nghiên cứu hiện tượng tri nhận trong tất cả các bình diện ngôn ngữ học: từ vựng, ngữ pháp, âm vị, mặt khác, nghiên cứu sự hiểu biết, tri thức trong đầu con người, tạo ta những phương thức miêu tả thế giới, truyền đạt thông tin về thế giới [Soames 1988, Schwarz 1992]. Vào những năm 60-70 thế kỉ XX ở Mĩ tồn tại và phát triển mạnh lí thuyết tạo sinh-cải biến do N.Chomsky khởi xướng [x. mục từ Chomsky]. Thuộc khuynh hướng đó có một loạt công trình nghiên cứu về ngữ nghĩa học nổi tiếng, chẳng hạn, của Katz, Fodor 1963, Katz, Postal 1964, Bierwisch 1967 v.v. Liên quan đến thuyết tạo sinh-cải biến, người ta dẫn ra ví dụ của Katz và Postal về phân tích ngữ nghĩa của từ tiếng Anh bachelor ‘kẻ độc thân’. Theo hai ông, từ này có bốn nét nghĩa: [con người], [nam giới], [đứng tuổi], [đến lúc này [thời điểm nói] chưa có vợ]. Hai ông khẳng định rằng bất kì một thực thể nào có bốn nét nghĩa đó thì đều có thể được biểu hiện bằng từ “kẻ độc thân”. Nếu thiếu một trong bốn nét nghĩa đó hoặc một nét nghĩa nào đó bị phủ định, chẳng hạn, [đứng tuổi], thì cá thể đó không thể được gọi là “kẻ độc thân”. Cách phân tích này tất nhiên có ưu điểm là có thể miêu tả quan hệ tỉ lệ giữa các từ, chẳng hạn, giữa các từ cậu bé và cô bé, chồng và vợ. Song nó cũng có những nhược điểm nhất định, ví dụ, nó không loại trừ những câu không thể chấp nhận được như Đức Giáo hoàng La Mã là một kẻ độc thân; Khi cậu tròn 18 tuổi, cậu sẽ trở thành kẻ độc thân v.v. Nguyên nhân chính là các tác giả của cách phân tích này dựa vào một cách tiếp cận cổ điển đối với việc phạm trù hoá có gốc gác từ thời cổ đại Hy Lạp và thống trị trong tâm lí học, triết học, ngôn ngữ học một thời gian dài [x. mục từ Categorization - phạm trù hoá]. Tuy vậy không vì thế mà có thể phủ định hoàn toàn những thành tựu của lí thuyết tạo sinh-cài biến. Ngôn ngữ học tri nhận và lí thuyết tạo sinh-cải biến là hai học thuyết tồn tại song song với nhau, tuy ngôn ngữ học tri nhận ra đời hơi muộn hơn một chút . Hai hình hệ ngôn ngữ học này không chống đối, loại trừ nhau, mà là hai mặt mâu thuẫn của một sự thống nhất. Đại biểu của cả hai trào lưu ngôn ngữ học này đều lấy mục đích cuối cùng là nhận thức bản chất của ngôn ngữ con người, song hướng đi của họ nhằm tìm bản chất của ngôn ngữ là khác nhau. Nếu thuyết tạo sinh-cải biến chủ trương đi vào chiều sâu của cấu trúc ngôn ngữ [những "cấu trúc sâu"] trên cơ sở những dữ kiện ngôn ngữ quan sát trực tiếp được và hình thức hoá chúng đến độ lí tưởng gần giống như những công thức toán học, thì các nhà ngôn ngữ học tri nhận đi theo một hướng hoàn toàn khác. Đối tượng nghiên cứu của họ là ngôn ngữ thường nhật của con người ở dạng tự nhiên nhất với cả những dữ kiện ngôn ngữ có thể quan sát trực tiếp được và cả những dữ kiện không thể quan sát trực tiếp được như trí tuệ, tri thức, ý niệm, ý thức v.v. Có thể hình dung các hướng nghiên cứu của hai học thuyết này - tạo sinh-cải biến và tri nhận - giống như những hướng nghiên cứu của vật lí học: một hướng đi sâu vào thế giới vi mô - nguyên tử và các hạt cơ bản, một hướng khác đi vào thế giới vĩ mô - vũ trụ và các tinh cầu. Hai hướng ngược nhau, nhưng cùng nhằm một mục đích - nghiên cứu cấu trúc và sự vận động của vật chất. Công bằng [và đúng hơn cả] là nhận xét của Beilin 1997, theo đó quyển sách của N. Chomsky "Syntactic Structures" không những đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong ngôn ngữ học, mà còn gây ảnh hưởng cơ bản đến sự phát triển của những lĩnh vực khoa học khác như tâm lí học, triết học, giáo dục học, xã hội học, nhân học, lí thuyết trí tuệ nhân tạo và làm một "cú hích" cho sự xuất hiện khoa học tri nhận [cognitive science]. Chúng ta có cơ sở khoa học để tin rằng ngôn ngữ học tri nhận và thuyết tạo sinh-cải biến cuối cùng sê gặp nhau ở một điểm nào đó mà ở đó sẽ phát hiện ra những quy luật chi phối hoạt động của con người hướng tới không chỉ "giải thích thế giới" mà còn "cải tạo thế giới" [K. Mac]. Nếu tri nhận luận сó đối tượng nghiên сứu là trí tuệ, tư duy, và các quá trình tinh thần của con người, thì ngôn ngữ học tri nhận thiết lập mối quan hệ giữa đối tượng ấy với ngôn ngữ tự nhiên mà con người sử dụng trong giao tiếp thường nhật. Ở đây thật đúng lúc, nếu ta nhắc lại quan niệm của F. de Saussure về mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Ông viết: "Ngôn ngữ xét như là tư duy được tổ chức trong chất liệu âm thanh. Để thấy rõ rằng ngôn ngữ chỉ có thể là một hệ thống những giá trị thuần tuý, thì chỉ cần xem hai yếu tố được vận dụng trong cách hoạt động của ngôn ngữ: các ý niệm và các âm. Về phương diện tâm lí, nếu trừu xuất sự thể hiện ra bằng từ ngữ, tư duy của chúng ta chỉ là một khối vô hình thù và không tách bạch. Các nhà triết học và các nhà ngôn ngữ học xưa nay vẫn đồng ý với nhau mà thừa nhận rằng nếu không có sự hỗ trợ của các dấu hiệu, thì chúng ta sẽ không thể nào phân biệt được hai ý một cách rõ ràng và nhất quán. Xét bản thân nó, tư duy cũng tựa hồ một đám tinh vân, trong đó không có gì được phân giới một cách tất nhiên. Không làm gì có những ý niệm được xác lập từ trước, và không có gì tách biệt, trước khi ngôn ngữ xuất hiện. Trước cái địa hạt mông lung này, âm thanh tự nó có phải là những thực thể được phân định từ trước không? Không. Vai trò đặc biệt của ngôn ngữ đối với tư duy không phải là tạo nên một phương tiện ngữ âm vật chất để biểu hiện những ý niệm, mà là làm trung gian giữa tư duy và ngữ âm trong những điều kiện như thế nào mà sự kếnhững phương thứct hợp của hai cái đó tất nhiên dẫn đến chỗ cái này phân định đơn vị cho cái kia. Tư duy, vốn hỗn mang tự bản chất nó, buộc lòng phải trở thành chính xác trong khi được phân định ra. Như vậy đây không phải là tư tưởng được vật chất hoá, cũng không phải là âm thanh được tinh thần hoá; đây là một sự kiện có phần huyền bí, là cái "tư duy - âm thanh" bao hàm những sự phân chia, và ngôn ngữ cấu tạo nên những đơn vị cho nó bằng cách tự hình thành ra giữa hai cái khối không có hình thù... Ngôn ngữ còn có thể so sánh với một tờ giấy: mặt phải là tư duy, mặt trái là âm thanh; không thể cắt mặt phải mà không đồng thời cắt luôn cả mặt trái; trong ngôn ngữ cũng vậy, không thể nào tách biệt âm thanh ra khỏi tư tưởng, mà cũng không thể tách biệt tư tưởng ra khỏi âm thanh; chỉ có thể đạt đến chỗ đó bằng một sự trừu tượng hoá mà kết quả sẽ làm một công việc tâm lí học thuần tuý hoặc ngữ âm-âm vị học [phonologie] thuần tuý" [Saussure 2005: 217-219]. Ngôn ngữ học tri nhận xuất hiện cách đây ba mươi năm như một cách tiếp cận đặc biệt đối với việc nghiên cứu ngôn ngữ, nghiên cứu những hệ thống ý niệm của con người và những phương thức tri nhận. Đơn vị tối thiểu của ngôn ngữ học tri nhận không phải là từ, cũng không phải là câu, mà là ý niệm [x. mục từ Concept – Ý niệm]. Tất nhiên ngôn ngữ có vai trò vai trò trong việc cấu trúc hóa những phạm trù ý niệm cơ bản như không gian và thời gian, những cảnh và sự kiện, những thực thể và quá trình, sự chuyển động và vị trí, động lực và quan hệ nhân-quả. Nó cũng liên quan đến việc cấu trúc hóa những phạm trù tưởng tượng và cảm xúc được quy cho các tác thể tri nhận như sự chú ý và phối cảnh, ý chí và chủ định. Ngôn ngữ học tri nhận thừa nhận quan niệm cho rằng nghiên cứu ngôn ngữ là nghiên cứu cách sử dụng ngôn ngữ, song phải là thứ ngôn ngữ tự nhiên được người dân thường sử dụng trong giao tiếp thường nhật. Thứ ngôn ngữ tự nhiên này là cái lăng kính phản chiếu cách con người suy nghĩ, ý niệm hóa thế giới, tóm lại, phản chiếu cách con người tri nhận thế giới. Đồng thời, ngôn ngữ học tri nhận cũng chủ trương rằng cùng với ngôn ngữ tự nhiên của con người và liên quan chặt chẽ với ngôn ngữ là yếu tố văn hóa dân tộc mà người bản ngữ đại diện. Với ý nghĩa đó, văn hóa cũng có cương vị là công cụ [hoặc phương tiện tri nhận], cũng nghĩa là cái lăng kính phản chiếu sự tri nhận thế giới của con người. Phương thức tri nhận thứ ba [cùng với ngôn ngữ và văn hóa] làm thành một trong những cơ sở của ngôn ngữ học tri nhận là kinh nghiệm [x. mục từ Experientialism – Kinh nghiệm luận]. Tri nhận là một hoạt động thực tiễn của con người nhằm kiến tạo tri thức về thế giới bằng kinh nghiệm của chính mình thông qua bản thân mình. Cái cách tri nhận này được gọi là nhập thân ý niệm [x. mục từ Conceptual Embodiment – Nhập thân ý niệm]. Trong quãng thời gian ngôn ngữ học tri nhận tồn tại cho đến nay đã có đến hàng trăm tác giả nghiên cứu các bình diện khác nhau của hình hệ tri nhận, nổi bật trong số đó là những công trình của Len Talmy 2000, của R. Langacker 1987, 1991 về cấu trúc tri nhận của ngữ pháp, của G. Lakoff và M. Johnson 1980 về ẩn dụ, về các gestalts ngôn ngữ học, về phạm trù và điển dạng, của Fillmore 1982, 1985 về ngữ nghĩa học frame, của Fauconnier 1985, 2002 về không gian tinh thần, về thuyết hội nhập ý niệm [cùng với M. Turner] v.v

Tóm lại, theo Fauconnier, ngôn ngữ học tri nhận hoạt động bên ngoài cấu trúc có thể nhìn thấy được của ngôn ngữ và nghiên cứu những thao tác tri nhận rất phức tạp ở hậu trường, điều đó tạo ra ngữ pháp, ý niệm hóa, ngôn bản và sự suy nghĩ trực tiếp. Khả năng lí thuyết của ngôn ngữ học tri nhận thâm nhập vào bản chất của sự vật có cơ sở ở sự quan sát kinh nghiệm rộng rãi trong nhiều văn cảnh và ở công việc thực nghiệm trong tâm lí học và thần kinh học. Những kết quả của ngôn ngữ học tri nhận, đặc biệt là của lí thuyết ẩn dụ và lí thuyết hội nhập ý niệm được ứng dụng rộng rãi cho các hiện tượng phi ngôn ngữ học.

Chủ Đề