Người sâu sắc là người như thế nào năm 2024

Chúng ta thường hay nói về người sâu sắc (deep people) và người nông cạn (shallow people), nhưng liệu ta đã thực sự hiểu được sự sâu sắc ấy là gì hay chưa? và làm thế nào để có thể tiếp cận được "độ sâu" đó?

Một trong những định nghĩa của từ “deep” là sâu sắc (profound), tức khả năng đi sâu vào các chủ đề tư tưởng và kiến thức, hoặc, có cái nhìn sâu sắc và hiểu biết sâu sắc. Mặt khác, nông (shallow) có nghĩa là hời hợt (superficial) hoặc thiếu chiều sâu.

Vì vậy, việc trở thành một người sâu sắc có nghĩa là, trở thành người có hiểu biết sâu rộng, thông tuệ, trong khi đó, một người nông cạn chỉ có sự hiểu biết hời hợt và thiếu sáng suốt. Nhưng điều này có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta và cách chúng ta liên hệ với thế giới và những người khác? Và làm thế nào chúng ta có thể trở nên sâu sắc hơn là nông cạn?

Tất nhiên, không phải ai cũng có thể có kiến thức và hiểu biết sâu rộng về mọi thứ. Không ai có thể nói một người là nông cạn chỉ vì họ không hiểu cơ học lượng tử. Vậy chúng ta thực sự muốn nói gì khi miêu tả một người là nông cạn hay sâu sắc?

Dưới Đây Là Năm Cách Thể Hiện Người Sâu Sắc Cư Xử Khác Với Người Nông Cạn:

1. Người sâu sắc nhìn xa hơn vẻ bề ngoài

Người sâu sắc là người như thế nào năm 2024

Thường thì chúng ta lấy ví dụ về những người nông cạn chỉ biết phán xét người khác dựa trên vẻ bề ngoài. Vì vậy, một người không kết bạn với một người không giàu có, hoặc không đẹp trai sẽ được mô tả là nông cạn.

Chúng ta thường nghĩ về những người sâu sắc là người quan tâm đến người khác vì giá trị của họ hơn là vẻ bề ngoài. Những người có khả năng "nhìn xa" hơn là chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài và đánh giá cao người khác vì những phẩm chất bên trong họ như lòng tốt, lòng trắc ẩn và trí tuệ.

2. Những người sâu sắc không tin tất cả những gì họ nghe hoặc đọc được

Một ví dụ khác về hành vi được xem là nông cạn, đó là khi một người tin tất cả những gì họ đọc hoặc nghe được, mà không tư duy phản biện hoặc tìm hiểu sâu để hiểu về nó. Những người sâu sắc không nhất thiết tin những gì họ nghe được, đặc biệt nếu những điều đó đi ngược lại thế giới quan của họ.

Đây là lý do tại sao những người sâu sắc nhận thấy những lời đồn đại và thông tin sai lệch rất khó chịu. Họ biết những quan điểm nông cạn này có thể gây tổn hại như thế nào. Những người sâu sắc nhìn vào sự thật đằng sau những câu chuyện thời sự và những câu chuyện phiếm. Họ đặt câu hỏi tại sao thông tin này lại được chia sẻ và nó phục vụ mục đích gì.

3. Người sâu lắng nghe nhiều hơn họ nói

Một câu tiếng Anh cổ: 'Con suối cạn thì tiếng nước róc rách lớn' (‘A shallow brook babbles the loudest’) là một phép ẩn dụ tuyệt vời cho sự khác biệt giữa người nông cạn và người sâu sắc. Nếu chúng ta dành toàn bộ thời gian để luyên thuyên, chúng ta sẽ không thể nghe thấy ý kiến và quan điểm của người khác.

Khi tất cả những gì chúng ta làm là phun ra không ngớt những ý kiến riêng của mình, thì chúng ta sẽ chẳng bao giờ có thể học được điều gì mới. Đây là một loại rào cản khiến ta khó có thể hiểu sâu hơn. Một câu khác, 'hai tai để nghe, một miệng để nói' (‘two ears for listening, one mouth for speaking’) là một châm ngôn sống hữu ích, nếu chúng ta muốn trau dồi chiều sâu của bản thân.

4. Những người sâu sắc suy nghĩ thông qua hậu quả của hành vi

Những người nông cạn đôi khi không hiểu được lời nói và hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Mọi thứ chúng ta làm đều có tác động đến người khác và mặc dù chúng ta cần sống thật với chính mình, nhưng đó không phải là lý do để làm tổn thương người khác.

Bạn đã bao giờ nghe ai đó đưa ra chỉ trích thô tục, nhưng họ bào chữa cho mình bằng cách nói rằng, họ chỉ là "trung thực", hoặc hành xử "đúng với bản thân họ" hay chưa?

Bất cứ khi nào tôi sắp sửa phạm phải điều này, tôi liền nhớ lại những gì mẹ tôi thường nói với tôi - "Nếu con không thể nói điều gì tốt đẹp, thì đừng nói gì cả".

Lời nói của chúng ta có thể khiến người khác tổn thương sâu sắc, vì vậy chúng ta nên hết sức cẩn thận về cách sử dụng từ của chúng ta.

Hành động của chúng ta cũng phản ánh con người ta ra sao, vì vậy nếu ta mong muốn trở thành người sâu sắc, chúng ta nên hành động một cách trọn vẹn và có trách nhiệm.

5. Người sâu sắc cố gắng vượt qua cái tôi của họ

Người sâu sắc là người như thế nào năm 2024

Những người sâu sắc hiểu rằng hành vi của họ thường bị dẫn dắt bởi nhu cầu của bản ngã - phải tốt hơn những người khác. Đôi khi, chúng ta hạ thấp người khác để khiến bản thân cảm thấy khá hơn. Thông thường, sự thôi thúc chỉ trích sẽ đến từ cảm giác bản thân không đủ tốt.

Ví dụ, khi chúng ta thấy ai đó thừa cân, chúng ta có thể chỉ trích người đó, nhưng thông thường, chúng ta chỉ làm điều này nếu bản thân có vấn đề về cân nặng. Một ví dụ khác là khi chúng ta thấy ai đó là 'cha mẹ tồi'. Trong nội tâm, chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm: chúng ta có thể không phải là cha mẹ hoàn hảo nhưng ít nhất cũng không xấu như 'cha mẹ tồi' đó!

Những người sâu sắc thường nhìn về những bất an trong quá khứ để họ có thể biểu lộ lòng trắc ẩn với những người đang gặp khó khăn hơn là phán xét họ.

Tóm lại

Hãy đối mặt với mọi hoàn cảnh. Rằng, không ai trong chúng ta là những sinh vật có trí tuệ sâu sắc hoàn hảo. Chúng ta là con người và chúng ta liên tục mắc sai lầm. Chúng ta đánh giá người khác và chỉ trích họ theo thời gian. Tuy nhiên, trau dồi cách nói và cư xử sâu sắc hơn có thể sẽ mang lại lợi ích cho chúng ta và những người xung quanh.

Để nhớ chọn lòng trắc ẩn thay vì phán xét, có một câu nói của người Mỹ bản địa sẽ giúp bạn dễ nhớ “đừng bao giờ đánh giá một người khi bạn chưa trải mình trong hoàn cảnh của người đó”. (‘never judge a man until you have walked two moons (months) in his moccasins (shoes)’). Chúng ta không bao giờ có thể hiểu rõ được trải nghiệm của người khác, ta không bao giờ biết được bản thân sẽ đối mặt ra sao nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Vì vậy, để thực sự trở thành ‘người sâu sắc’, chúng ta nên cố gắng nuôi dưỡng sự đồng cảm và lòng trắc ẩn sâu sắc đối với người khác.

--

Tác giả: Kirstie Pursey

Link bài gốc: 5 Traits That Separate Shallow People from Deep Ones

Dịch giả: Phan Thị Bảo Hân - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Phan Thị Bảo Hân - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.