Người việt nam không đánh mất bản sắc văn hóa

Hội thảo Văn hóa với chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa” do Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức ngày 17/12.

Làng quê đậm chất văn hoá sẽ hút khách đến khám phát nét tinh hoa

Tham luận tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan đề cập đến một điều đáng để chúng ta “suy ngẫm”, đó là Chương trình Làng Mới - Saemaul Undong của Hàn Quốc khi làm thay đổi diện mạo nông thôn, được UNESCO vinh danh là di sản văn hoá nhân loại.

“Vì sao một chương trình đổi mới nông thôn lại chứa đựng giá trị lan tỏa toàn cầu? Đấy chính là nhận thức về văn hoá như “sức mạnh mềm”, “nguồn lực mềm”, thúc giục sự thay đổi một địa phương, một đất nước”, bộ trưởng nhấn mạnh.

Trở lại nông thôn Việt Nam, ông Hoan nói, nhiều nơi hiện đại hơn, nhưng dường như thô ráp, vô hồn “đồng phục hoá”, lạc lõng với khung cảnh làng quê.

“Thật trăn trở trước sự “sao chép” thiếu chọn lọc. Đường hoá phố, phố trong làng, vui mừng xen lẫn tiếc nuối. Làng cao lên, làng to ra, nhưng con người lại dần xa nhau”, Bộ trưởng bày tỏ.

Theo ông, nông thôn là nơi cân bằng cảm xúc. Con người hạnh phúc khi sống trong không gian đầy cảm xúc với những con đường làng quanh co, rộng thoáng, “cây chen lá, đá chen hoa”, mương nước trong veo, những tường rào gỗ mộc mạc phủ mảng dây leo…

Khi con người mưu cầu cuộc sống vật chất tốt hơn, thì không tránh khỏi xung đột về lợi ích, tính cố kết cộng đồng dần mất đi, sự so đo, đố kỵ làm rạn nứt tình làng nghĩa xóm.

“Con người luôn tồn tại hai trạng thái cảm xúc: tích cực và tiêu cực. Văn hoá giúp cân bằng cảm xúc, tạo ra cảm xúc tích cực, hạn chế cảm xúc tiêu cực”, Bộ trưởng nhìn nhận.

Không chỉ là nơi cân bằng cảm xúc, nông thôn còn là không gian văn hoá [vật thể và phi vật thể]. Vì vậy, theo Bộ trưởng, nông thôn cần được xem là tài nguyên phát triển và di sản.

“Tôi rất ấn tượng câu khẩu hiệu của đất nước làm nên kỳ tích Saemuel Udong: “Nông nghiệp là sinh mạng. Nông thôn là tương lai”. Theo đó, xây dựng nông thôn mới hướng đến hai mục tiêu chính. Thứ nhất, để người làng quê trân quý những giá trị truyền thống cha ông để lại. Thứ hai, để nông thôn trở thành tài nguyên phục vụ phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Làng quê giàu bản sắc, đậm chất văn hoá, sẽ là sức hút khách phương xa tìm đến khám phát những nét tinh hoa”, Bộ trưởng chia sẻ.

Nhấn mạnh khi “lấy người dân làm trung tâm”, Bộ trưởng cho rằng, cần xây dựng không gian sinh hoạt chung cho cư dân nông thôn.

“Xây dựng nông thôn mới là vun đắp tinh thần con người. Khi và chỉ khi người dân được học, hiểu và cảm thụ được, thì mới tự giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá. Khi và chỉ khi văn hoá len lỏi vào từng gia đình, thì những danh hiệu “văn hoá” mới đi vào thực chất và biến thành nguồn vốn phục vụ phát triển. Khi và chỉ khi những giá trị văn hoá được thế hệ trẻ trân trọng đón nhận và phát triển phù hợp xu thế thời đại, văn hoá mới mãi trường tồn”, ông nói.

Từ đó, Bộ trưởng kiến nghị, cần có Chương trình Mục tiêu Quốc gia về “gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá nông thôn trong tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước”.

Cạnh đó, cần có những chương trình giảng dạy văn hoá nông thôn trong các đoàn thể, tổ chức xã hội, chú trọng nhóm đối tượng học sinh là thế hệ tiếp nối, giữ gìn cho dòng chảy văn hoá dân tộc liên tục.

“Chúng ta đang đối mặt với những hiện tượng báo động trong xã hội gần đây như: Bạo lực gia đình, bạo hành trẻ em, xung đột đường phố. Đã có những đứt gãy văn hoá nông thôn”, Bộ trưởng lưu ý.

Ngoài ra, cần xây dựng những tiêu chí về văn hoá nông thôn có thể đo lường được; trao quyền cho người dân trong sứ mạng giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá.

“Chúng ta cùng nhau hành động, đừng để bản sắc dân tộc mất dần đi trong nỗi tiếc nuối, trong lời cảm thán “giá như””, Bộ trưởng phát biểu.

Đổi mới tư duy để bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số

Với đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm cho hay, văn hóa cũng “đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc”.

Trong đó, nhiều giá trị văn hóa vốn được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo của các dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một như các lễ hội dân gian, phong tục tập quán truyền thống dần ít được thực hành, các sinh hoạt văn hóa dân gian như dân ca, dân vũ bị suy giảm, nhiều nhạc cụ dân tộc không còn được nhiều người am hiểu yêu thích…

Đáng lưu ý, quá trình tiếp biến văn hoá đã làm xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng, không lành mạnh trong các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở giới trẻ.

“Văn hóa lai căng, không lành mạnh, tâm lý chối bỏ các giá trị văn hóa truyền thống, chạy theo xu hướng mới, hình thành lối sống mới, hiện đại và thực dụng ở một bộ phận thanh niên nhưng lại ít quan tâm đến các giá trị văn hóa truyền thống”, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm nêu dẫn chứng.

Trước những biến đổi đó, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm cho rằng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số là một trong những nhiệm vụ quan trọng.

Theo ông, phải chú trọng nâng cao nhận thức, năng lực, chất lượng lập pháp của Quốc hội về văn hóa; xem văn hóa là mục tiêu, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá của quá trình phát triển.

“Trong quá trình hoạch định chính sách cần xác định đúng các mục tiêu văn hóa cần đạt được và đánh giá đầy đủ tác động văn hóa trước khi ban hành các chính sách, pháp luật, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước”, ông nói.

Thêm nữa, cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số.

Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đặc biệt đề nghị, tiếp tục cụ thể hóa các nội dung chính sách bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số rất ít người [có số dân dưới 10.000 người] các dân tộc thiểu số tại các khu vực tái định cư dự án thủy điện liên thông, kết nối toàn diện với các chương trình, dự án có liên quan.

Chủ Đề