Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em

Viêm phổi ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và sức đề kháng của trẻ. Nếu không điều trị dứt điểm viêm phổi, bệnh sẽ tái đi tái lại nhiều lần, khiến quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn. Vậy vì sao bệnh viêm phổi tái phát nhiều lần và hướng xử trí là gì?

Nội dung bài viêt

  • 1. Tổng quan bệnh viêm phổi ở trẻ
  • 2. Nguyên nhân gây viêm phổi
    • 2.1. Viêm phổi do vi khuẩn
    • 2.2. Viêm phổi do virus
    • 2.3. Viêm phổi do kí sinh trùng và nấm
  • 3. Các nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần
    • 3.1. Các yếu tố về tự nhiên, môi trường và xã hội
    • 3.2. Các yếu tố thuộc về cách thức chăm sóc trẻ
      • Những sai sót trong quá trình chăm sóc trẻ cũng là tác nhân khiến bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát như:
    • 3.3. Tình trạng kháng kháng sinh
  • 4. Hướng xử trí khi bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát nhiều lần
    • 4.1. Về vấn đề điều trị
    • 4.2. Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà
    • 4.3. Vệ sinh
    • 4.4. Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần

1. Tổng quan bệnh viêm phổi ở trẻ

Viêm phổi là bệnh gây tổn thương nhu mô phổi, kèm theo các dấu hiệu ho, khó thở, nhịp thở nhanh, đau ngực…các triệu chứng này thay đổi theo tuổi. Đây là một bệnh lý nhiễm trùng phổ biến, có tỉ lệ mắc và tỉ lệ tử vong cao đặc biệt là ở trẻ dưới 5 tuổi.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Bệnh viêm phổi ở trẻ có thể tái phát nhiều lần

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2000 thì trung bình mỗi trẻ mắc 0,28 đợt/ năm, tỉ lệ này khác nhau giữa các khu vực. Ở các nước Đông Nam Á thì tỉ lệ này cao gấp 7 lần ở các nước phát triển. Việt Nam là nước thứ 9 có tỉ lệ mắc viêm phổi hàng năm cao nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của các cơ sở y tế trong nước, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu mà trẻ được đưa đến khám cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ.

2. Nguyên nhân gây viêm phổi

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh: vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng.

2.1. Viêm phổi do vi khuẩn

  • Đây cũng là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phổi ở trẻ, vi khuẩn hay gặp nhất là Streptococcus pneumoniae (phế cầu) chiếm khoảng 30 – 35% số trường hợp, tiếp đến là Haemophilus influenzae (chiếm khoảng 10 – 30%), ngoài ra còn có một số tác nhân gây bệnh khác như Straphylococcus aureus, Streptococcus pyogens…
  • Ở trẻ nhỏ hơn 2 tháng tuổi còn có thể gặp các vi khuẩn gram âm đường ruột như: E.coli, Klebsiella pneumoniae
  • Ở trẻ từ 5 – 15 tuổi, bệnh còn có thể gây ra bởi các vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma pneumoniae, Clamydia pneumoniae, Legionella pneumoniae…

2.2. Viêm phổi do virus

Các virus thường gặp gây viêm phổi ở trẻ em là virus hợp bào hô hấp (RSV), virus cúm A, B;  á cúm adenovirus. Nhiễm virus đường hô hấp còn có thể gây ra viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn.

2.3. Viêm phổi do kí sinh trùng và nấm

Có thể gặp viêm phổi do Candida, Toxoplasma…

Trong điều trị viêm phổi ở trẻ em, WHO khuyến cáo nên dùng kháng sinh để điều trị tất cả các trường hợp trẻ viêm phổi. Bởi về nguyên tắc, đối với các viêm phổi do vi khuẩn gây ra bắt buộc phải dùng kháng sinh để điều trị, nếu do virus thì dùng kháng sinh sẽ không có tác dụng. Song trên thực tế, rất khó để phân biệt viêm phổi do vi khuẩn hay do virus hoặc có sự kết hợp cả virus và vi khuẩn gây bệnh.

3. Các nguyên nhân khiến trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần

Ngày nay có rất nhiều tác nhân làm trẻ tái phát nhiều lần bệnh viêm phổi như:

3.1. Các yếu tố về tự nhiên, môi trường và xã hội

  • Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột khiến bệnh viêm phổi của trẻ tái phát
  • Nguồn nước, nguồn không khí ngày càng nhiều ô nhiễm và nhiều khói bụi.

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em
Các yếu tố về vệ sinh, môi trường, khói thuốc lá có thể làm bệnh viêm phổi của trẻ tái phát (Ảnh: Internet)

  • Môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh
  • Tiếp xúc trực tiếp với khói thuốc lá từ những người xung quanh (hút thuốc thụ động)

3.2. Các yếu tố thuộc về cách thức chăm sóc trẻ

Những sai sót trong quá trình chăm sóc trẻ cũng là tác nhân khiến bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát như:

  • khi trẻ ra mồ hôi nhiều không thay quần áo ngay khiến trẻ bị “mồ hôi ngấm ngược”
  • sử dụng thiết bị làm mát sai cách
  • cho trẻ ra ngoài vào sáng sớm hoặc đêm muộn
  • Trẻ sinh thiếu tháng
  • trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm
  • các trẻ không được tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch, không được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt
  • các trẻ có dị tật bẩm sinh đường hô hấp, trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn và bệnh dễ tái lại nhiều lần hơn.

Như vậy, trẻ em không phải là “người lớn thu nhỏ” như quan niệm của nhiều người. Các cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể của trẻ đều còn rất non yếu và chưa hoàn thiện, do đó trẻ dễ bị các tác động làm khởi phát viêm phổi và khiến cho bệnh dễ tái đi tái lại nhiều lần.

3.3. Tình trạng kháng kháng sinh

Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng kháng sinh vài năm trở lại đây đã làm cho tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam đáng báo động. Sử dụng tràn lan, không hợp lí các kháng sinh gây ảnh hưởng không nhỏ tới người bệnh đặc biệt với trẻ nhỏ.

Mặt khác, thói quen tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc ngoài cộng đồng của cha mẹ cũng là một trong những nguyên nhân của việc điều trị không triệt để bệnh viêm phổi làm cho bệnh tái phát nhiều lần ở trẻ và làm tình trạng kháng kháng sinh ngày một trầm trọng hơn.

4. Hướng xử trí khi bệnh viêm phổi ở trẻ tái phát nhiều lần

4.1. Về vấn đề điều trị

  • Cha mẹ tuyệt đối không tự ý mua thuốc kháng sinh, thuốc giảm ho điều trị cho con tại nhà.  Bởi ho là phản xạ sinh lí để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở.
  • Việc sử dụng kháng sinh để điều trị viêm phổi cho trẻ cũng cần tuân theo chỉ định của bác sĩ để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh ở trẻ và giúp cho việc điều trị tối ưu và triệt để hơn.
  • Khi trẻ có các dấu hiệu của viêm phổi, cha mẹ nên đưa trẻ tới cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị

4.2. Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà

  • Nếu trẻ sốt ≥ 38,5°C, cho trẻ uống thuốc hạ sốt (các lần uống thuốc cách nhau từ 4 đến 6h) hoặc có thể chườm ấm (nhiệt độ nước thấp hơn nhiệt độ cơ thể trẻ khoảng 2 độ C)
  • Phương pháp vỗ rung cho trẻ khi bị ho có đờm giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng nhờ vào phản xạ ho của trẻ.
  •  Có thể dùng quất hấp mật ong, hoa hồng bạch hấp đường phèn, gừng, húng chanh cho trẻ uống để giảm ho

4.3. Vệ sinh

  • Vệ sinh mũi miệng: nên sử dụng các loại khăn giấy mềm dùng 1 lần để lau đờm hoặc dãi trẻ . Nếu dùng khăn xô thì phải đặc biệt chú ý vệ sinh khăn sạch sẽ, việc dùng đi dùng lại khăn xô đã nhiễm bẩn và không được giặt sạch sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn/ virus bám trên khăn quay trở lại cơ thể bé.
  • Vệ sinh nhà cửa, đồ chơi, đồ dùng, quần áo của trẻ.
  • Người chăm sóc cần rửa tay sạch sẽ khi chăm sóc và chuẩn bị đồ ăn cho trẻ.

4.4. Chế độ dinh dưỡng khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần

  • Cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt và đa dạng bữa ăn để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, nên chia nhiều bữa trong ngày, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.