Nguyên nhân sinh viên đbscl

ND – Ðể đánh thức đồng bằng sông Cửu Long, có nhiều việc phải làm, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phải quan tâm đặc biệt.

Ðồng bằng sông Cửu Long [ÐBSCL] nổi tiếng là vựa lúa của cả nước, thiên nhiên đã ban tặng cho ÐBSCL vị trí địa lý thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản, giao thông. Hiện nay chúng ta mới chỉ khai thác một phần rất nhỏ thiên nhiên ban tặng cho con người, còn  hàng trăm năm nay vựa lúa này chưa  trở thành động lực thật sự cho phát triển khu vực giàu tiềm năng này. Hiện số hộ nghèo khu vực này chiếm 17,8% tổng số hộ nghèo của cả nước. Khó mà hình dung được nghèo đói lại tập trung ngay tại các vùng chuyên canh nông nghiệp trọng điểm như An Giang [chuyên canh lúa gạo, thủy sản] và Tiền Giang [cây ăn trái]. Ðể đánh thức vùng đất phì nhiêu có nhiều việc phải làm, trong đó việc đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ phải rất quan tâm.

Qua khảo sát vấn đề giáo dục vùng sông nước ÐBSCL còn nhiều bất cập, con em nông dân của 13 tỉnh ÐBSCL nhiều em chưa học xong tiểu học. Trong hai ngày 7 và 8-11, tại Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu khoa học Nam Bộ năm 2006 - 2008, Tiến sĩ Nguyễn Thị Quy [Viện Nghiên cứu giáo dục] đã công bố ÐBSCL có tỷ lệ nhập học thấp nhất nước [59,6%], thấp hơn cả vùng Ðông Bắc và Tây Nguyên. Nguyên nhân do trường lớp chưa được đầu tư đúng mức, một bộ phận thầy cô giáo chưa đạt chuẩn, bên cạnh đó thường xuyên bị ngập lụt, triều cường dẫn đến đời sống của người dân nơi đây vốn đã khó khăn lại càng khó khăn. Học phí cao dẫn đến nhiều gia đình nông dân vốn "quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" đã không lo đủ tiền cho con theo học.

Khảo sát tại Khu công nghiệp thành phố Cần Thơ, một số công nhân lao động ở các công ty may, công ty liên doanh khi đi xin việc phải nhờ người làm lý lịch, học việc theo kiểu "cầm tay chỉ việc" do không biết chữ.

Ông  Shih Kuan Lai Giám đốc Công ty may Kwong Lung - Meko cho biết: Ông đã đến Việt Nam đầu tư được hơn 20 năm trong ngành dệt may, công nhân ở đây rất chịu khó, chăm chỉ nhưng lại chậm hiểu do không đọc được tài liệu. Bởi họ xuất thân từ nông dân ra không được giáo dục đào tạo một cách bài bản. Ðể có công nhân, công ty chấp nhận trả một khoản tiền để họ đủ sống và hỗ trợ học nghề theo kiểu "cầm tay chỉ việc" làm được việc gì chắc việc đó và phải có người hướng dẫn chi tiết, cụ thể.

Qua tiếp xúc với một số công nhân nữ được biết: Họ chấp nhận mức lương thấp để có việc làm và bám trụ lại các khu công nghiệp, tránh cảnh sống bấp bênh nơi sông nước. Như vậy, nguồn nhân lực ở đây chưa được quan tâm một cách thỏa đáng, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề.

Ông Trần Oanh Liệt, Giám đốc Sở Nội vụ Cần Thơ cho biết: Cần Thơ xác định là trung tâm của 13 tỉnh ÐBSCL, chính vì vậy thành phố đã  trích ngân sách 8 triệu USD để đầu tư cho Ðề án 150, mục tiêu đào tạo 150 sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học có trình độ khá trở lên, lý lịch chính trị rõ ràng để cử đi học làm nòng cốt phát triển nguồn nhân lực trong tương lai ở các lĩnh vực: kinh tế, khoa học, năng lượng, điện tử, tự động hóa, giao thông, thủy lợi, nông - thủy sản... Hiện nay, Cần Thơ đã có 70 sinh viên được cử đi học tại các nước có trình độ khoa học kỹ thuật tiên tiến như: Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ấn Ðộ, Australia, Hà Lan... Sau hơn hai năm triển khai, đến nay đã có bốn sinh viên tốt nghiệp trở về Cần Thơ làm việc, năm 2009 tiếp tục có 49 sinh viên tốt nghiệp ở nước ngoài về Cần Thơ làm việc ở các cơ quan Nhà nước, Trung tâm đào tạo tại chức, Trường đại học Cần Thơ.

Tiến sĩ Lê Việt Dũng, Phó hiệu trưởng ÐH Cần Thơ cho biết: Ðể ÐBSCL phát triển được, trước mắt cần tập trung đầu tư cho giáo dục - đào tạo nhiều hơn nữa. Vấn đề hiện nay đặt ra là tập trung thu hút các nhà khoa học, các nhà quản lý, ưu tiên phát triển giáo dục từ bậc tiểu học đến đại học, đào tạo đồng bộ các khâu: khoa học, giáo dục, cán bộ quản lý, đào tạo nghề để bảo đảm phát triển cân đối. Phát huy nguồn lực con người, cần phải có những giải pháp đồng bộ từ khâu thu hút nhân tài, đến vấn đề ổn định đời sống cho cán bộ, giáo viên cả trường vùng sâu lẫn trường ở thị xã, thị trấn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ giáo viên tiếp tục học lên cao học qua các chương trình đào tạo. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo, quản lý cần có một cái nhìn khách quan, tin tưởng ở lớp trẻ, giao việc cho thế hệ trẻ để họ phát huy tài năng, sở học phục vụ đất nước.

Thực tế cho thấy, ở đây giáo dục đào tạo vừa thiếu về số lượng, lại yếu về chuyên môn, đa số được đào tạo theo hệ 9+3, 12+2. Trong khi lực lượng lao động phổ thông dồi dào chiếm 22% dân số cả nước, 78%  thiếu chuyên môn, chỉ 14,33% qua đào tạo. Nguyên nhân của tình trạng chậm phát triển do một bộ phận người lao động được đào tạo nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, còn một phần nhỏ được đào tạo bài bản lại không trở về phục vụ quê hương. Nguyên nhân thì có nhiều, song chủ yếu là thiếu cơ chế khuyến khích thu hút nên các cử nhân, sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh và nhiều trường đại học khác đều ở lại thành phố mưu sinh, chấp nhận cuộc sống bấp bênh làm gia sư, dạy hợp đồng để bám trụ. Chương trình "Mekong 1000" là một tín hiệu vui cho ÐBSCL. Những lĩnh vực mà chương trình này ưu tiên đào tạo như: Công nghệ thông tin, công nghệ chế biến, công nghệ xây dựng, cầu đường, giao thông, cấp thoát nước, công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, công nghệ hóa, năng lượng, cơ khí chế tạo, quy hoạch và quản lý đô thị, tài chính, thương mại, ngân hàng, luật pháp, quản lý và hội nhập quốc tế...

Ðể  ÐBSCL phát triển bền vững không thể thiếu những chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực: khoa học, tài chính, ngân hàng, xã hội và nhân văn, nông lâm - thủy sản... Ðồng thời cũng cần những nhà khoa học chuyên hoạch định chiến lược cho vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ở khu vực ÐBSCL. Cần thay đổi cách nhìn về việc học của không ít người dân nơi đây. Ðất nước ta đang trên đà đổi mới, hội nhập và phát triển, cần có một nguồn nhân lực có trí tuệ, năng lực và trình độ cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thế mạnh của ÐBSCL có nguồn nhân lực dồi dào, nhưng cũng là điểm yếu do nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản nên không phát huy được tiềm năng thế mạnh của vùng đất. Việc chưa giải quyết một cách khoa học và hợp lý vấn đề đào tạo nhân lực dẫn đến chưa phát huy được tiềm năng kinh tế của "vựa lúa, vựa thủy sản, vựa trái cây" lớn nhất cả nước.

Ðình Liệu

Chủ Đề