Nhà máy hạt nhân ở Việt Nam

Việc tiếp tục phát triển điện hạt nhân hay không vẫn còn chờ cấp thẩm quyền quyết định, song nhiều chuyên gia cho rằng, với ưu điểm của điện hạt nhân và bối cảnh mới, Việt Nam cũng cần nghiên cứu và lựa chọn thời điểm thích hợp để tái khởi động.

Những bước đệm cần thiết

Việc phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam đã được xem xét lần đầu tiên tại Hội nghị Trung ương 2 [Khóa VIII] ngày 24 tháng 12 năm 1996. Hội nghị đã xác định “Chuẩn bị tiền đề khoa học cho việc sử dụng năng lượng nguyên tử sau năm 2020”.

Ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận tại Nghị quyết số 41/2009/QH12. Theo đó, Việt Nam dự định xây dựng 2 nhà máy có tổng công suất trên 4.000 MW sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất đã được kiểm chứng, dự định sẽ đưa tổ máy thứ nhất vận hành vào năm 2020. Công nghệ dự định xây dựng và sử dụng cho hai nhà máy điện hạt nhân được chuyển giao từ Nga và Nhật Bản, hai quốc gia hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, do tình hình phát triển kinh tế vĩ mô của Việt Nam có nhiều thay đổi so với thời điểm quyết định đầu tư dự án. Mặt khác, Việt Nam cần nguồn vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhằm tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, cũng như giải quyết các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra, chính vì vậy tại Nghị quyết số 31/2016/QH14 ngày 22/ 11/ 2016 Quốc hội cũng đã thông qua "Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận".

Trước thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết "Dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận", Việt Nam đã tổ chức thực hiện các công việc như: Đã quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy điện hạt nhân; Trình Thủ tướng Chính phủ hồ sơ phê duyệt địa điểm và Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đã được tư vấn quốc tế hoàn thiện và nộp cho EVN để thẩm tra; Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất thế hệ 3+ của Nga là loại lò AES-2006 [VVER-1200/V491] cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và lựa chọn hai loại công nghệ là ATMEA1 [liên doanh Nhật và Pháp] và AP1000 [Mỹ] để xem xét tiếp cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2; Cơ sở hạ tầng chuẩn bị cho thi công và dự án di dân tái định cư đang được thực hiện đồng bộ.

Đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực cấp quản lý, Việt Nam đã cử 362 sinh viên đi học trình độ đại học các ngành năng lượng nguyên tử [NLNT] tại Liên bang Nga; cử hơn 200 lượt cán bộ, giảng viên thuộc các trường đại học được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ đại học trong lĩnh vực NLNT sang nghiên cứu chuyên sâu tại Hungary. Đã tổ chức 46 khóa bồi dưỡng ở trong và ngoài nước cho khoảng 420 lượt cán bộ của các Bộ, cơ quan liên quan.

Về đào tạo nhân lực cho các dự án nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận: EVN đã cử đi đào tạo hơn 275 sinh viên cho nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1; Cử 28 cán bộ sang Nhật Bản đào tạo dài hạn 2 năm để trở thành cán bộ nòng cốt của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Bên cạnh đó, EVN cũng đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước cho hơn 500 lượt cán bộ, cử nhiều lượt cán bộ đi bồi dưỡng ngắn hạn về quản lý và kỹ thuật tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Nga...

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phục vụ xây dựng nhà máy điện hạt nhân: Về cơ bản, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã ban hành tương đối đầy đủ các các Nghị định, Quyết định Thông tư để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc khởi công xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên.

Về công tác thông tin tuyên truyền, Chính phủ đã có Quyết định số 370/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2013 phê duyệt Đề án thông tin, tuyên truyền về phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước quốc tế quan trọng nhất trong lĩnh vực hạt nhân; chỉ trong giai đoạn 10 năm từ năm 2006, Việt Nam đã gia nhập/ký mới 5 công ước quốc tế, tham gia 2 sáng kiến về an ninh hạt nhân; hợp tác với IAEA trong việc phát triển cơ sở hạ tầng điện hạt nhân, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến hạt nhân; Các Bộ, ngành đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia đối tác [LB Nga và Nhật Bản] và các quốc gia có kinh nghiệm trong phát triển điện hạt nhân như Mỹ, Pháp…

Trong báo cáo giám sát về việc thực hiện Nghị quyết 31 năm 2016 của Quốc hội, mới đây, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá điện hạt nhân được các quốc gia công nhận là điện sạch, phát thải khí nhà kính rất thấp sau Hội nghị COP 26. Việt Nam xem xét phát triển điện hạt nhân trong giai đoạn tiếp theo sẽ góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển kinh tế độc lập, tự chủ và bảo đảm an ninh hệ thống điện với nhu cầu đa dạng nguồn phát. Tuy nhiên, cần có đánh giá đầy đủ, khoa học, chính xác thực trạng và dự báo cung cầu năng lượng.

“Trước mắt, cần có chủ trương của Đảng và từ đó tính toán quy hoạch điện hạt nhân và nghiên cứu tái khởi động dự án ở Ninh Thuận vào thời điểm thích hợp” – Báo cáo của Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Để chuẩn bị cho quá trình này, cơ quan thẩm tra của Quốc hội đề nghị Chính phủ xem xét tạm giữ quy hoạch với các vị trí dự kiến xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 cho đến khi có quyết định chính thức. Bởi thực tế, việc chọn địa điểm xây dựng nhà máy đưa vào quy hoạch là quá trình lâu dài, tuân thủ quy định chặt chẽ và rất tốn kém.

Những đề xuất, kiến nghị

Căn cứ tình hình thực tế đã triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận như trên, căn cứ vào sự phát triển của điện hạt nhân trên thế giới, thì việc chọn thời điểm để tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân là vấn đề cấp thiết đặt ra. Một số chuyên gia đề xuất, kiến nghị Chính phủ và các cơ quan chức năng, đơn vị tư vấn lập Quy hoạch điện VIII như:

Thứ nhất, Tiếp tục xem xét đưa điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII với công nghệ lò nước nhẹ, thế hệ 3+ đã được kiểm chứng, để có cơ sở chuẩn bị cho việc tái khởi động xây dựng nhà máy điện hạt nhân [trong giai đoạn sau năm 2030] và giữ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất về điện hạt nhân mà Việt Nam đã đào tạo.

Thứ hai, đề nghị Chính phủ giữ các địa điểm Phước Dinh [dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1] và Vĩnh Hải [dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2] tại tỉnh Ninh Thuận cho việc phát triển điện hạt nhân trong tương lai.

Rà soát lại các địa điểm còn lại [6 địa điểm trong 8 địa điểm đã được quy hoạch tại Quyết định số 906/QĐ-TTg ngày 17 tháng 6 năm 2010 Thủ tướng Chính phủ], đây là những địa điểm đã được xem xét so sánh, vì vậy cần phải có kế hoạch sử dụng cụ thể sao cho phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh, địa phương có quy hoạch dự án.

Thứ ba, chỉ đạo hoàn thiện xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về điện hạt nhân cho công tác thẩm định và phê duyệt địa điểm xây dựng nhà máy. Trong thời gian tới, chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ cho công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân như sửa đổi Luật Năng lượng Nguyên tử và các văn bản liên quan khác …

Thứ tư, có cơ chế, chính sách cho sinh viên tốt nghiệp đào tạo các chuyên ngành điện hạt nhân trở về nước, đặc biệt chú trọng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên được đào tạo nâng cao. Mặt khác, cần nghiên cứu, xây dựng lại kế hoạch đào tạo dài hạn nhân lực cho chương trình phát triển điện hạt nhân.

Thứ năm, cần tiếp tục tuyên truyền về điện hạt nhân, tạo sự ủng hộ và đồng thuận của công chúng phục vụ cho chương trình phát triển điện hạt nhân của Việt Nam.

Giáo sư, Viện sỹ, TSKH Trần Đình Long: Đối với Việt Nam, việc phát triển điện hạt nhân cần có sự cân nhắc ở cấp lãnh đạo cao nhất. Do đó, các cơ quan làm quy hoạch, tư vấn cho Chính phủ cần nghiên cứu thấu đáo, tìm ra các lý lẽ đầy đủ nhất để tham mưu cho Đảng, Nhà nước trong vấn đề này. Chúng ta cũng có thể tranh luận công khai, thảo luận, thậm chí lấy ý kiến người dân rộng rãi. Riêng tôi thấy cần phát triển điện hạt nhân.

Chủ Đề