Những kỹ năng sống cần thiết cho học sinh tiểu học

Chia sẻ Facebook Chia sẻ Google Plus Chia sẻ Twitter Chia sẻ Zalo Tới khu vực bình luận

Những kỹ năng sống cần thiết của học sinh tiểu học

Trong xã hội hiện đại, việc thiếu kỹ năng sống sẽ khiến trẻ giống như gà công nghiệp. Tuy nhiên, việc giáo dục kỹnăng sống cho học sinh ở các trường tiểu học hiện vẫn chưa thực sự được coi trọng. Vì thế, cần phải xác định các kỹnăng sống cần thiết cho trẻ để từ đó tiến hành tổ chức hoạt động giáo dục có hiệu quả cao nhất.


Kỹnăng sống còn có thể được coi như là những nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh. Người có kỹ năng phù hợp sẽ vững vàng hơn trước những khó khăn, thử thách... Ngược lại người thiếu kỹ năng sống sẽ khó khăn hơn trong xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh, sẽ khó khăn hơn trong hợp tác cùng làm việc, giải quyết những nhiệm vụ chung và thường bị vấp váp, dễ bị thất bại trong cuộc sống.


Trẻ em là tương lai của xã hội, do đó cần phải tạo điều kiện để trẻ phát triển toàn diện. Đặc biệt, đối với học sinh tiểu học thì việc trang bị các kỹ năng sống giúp trẻ rèn luyện kỹ năng tư duy, cách ứng xử trong đời sống, kỹ năng xử lý tình huống để trẻ có thể tự phát triển về nhận thức cũng như nhân cách bản thân sau này. Việc rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh tiểu học đòi hỏi phải có sự nhẫn nại và không ngại thử thách.


Trong bài viết này, bản thân tác giả đã nhiều năm tham gia giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh các cấp nên nhận thấy rằng các nhóm kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất trong quá trình giáo dục cho học sinh tiểu học, giúp trẻ cân bằng và tích cực hơn trong học tập cũng như trong cuộc sống bao gồm: kỹ năng tự phục vụ; kỹ năng phòng tránh nguy hiểm và kỹ năng giao tiếp.


Ở nhóm kỹ năng tự phục vụ gồm các bài dạy xoay quanh việc nhận biết nội dung kiến thức - hành động liên quan tới việc tổ chức các hoạt động tự động chăm sóc bản thân trẻ. Dù kỹ năng tự phục vụ của học sinh tiểu học đã tốt hơn rất nhiều so với trẻ mầm non, tuy nhiên các em vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn và chưa chủ động trong sinh hoạt hàng ngày.


Nhóm kỹ năng này gồm có 3 kỹ năng cụ thể là: Kỹ năng nhận diện cơ thể và chăm sóc cơ thể giúp trẻ biết phân biệt các bộ phận trên cơ thể cũng như chức năng của các bộ phận và biết cách chăm sóc, bảo vệ các bộ phận trên cơ thể mình như tắm rửa, mặc quần áo, đi vệ sinh. Các kỹ năng trong sinh hoạt gia đình giúp trẻ biết được ý nghĩa của việc giúp đỡ bố mẹ một số công việc đơn giản mà trẻ có thể làm. Từ đó dạy trẻ thực hành một số kỹ năng phù hợp với độ tuổi như quét nhà, dọn dẹp và gấp quần áo, rửa bát, nhặt rau, lau chùi đồ đạc, trang trí nhà cửa. Kỹ năng sử dụng đồ vật giúp trẻ biết tên, công dụng, cách sử dụng một số đồ vật sinh hoạt hàng ngày nhằm giúp trẻ rèn luyện giác quan, vận động và khả năng sử dụng khéo léo đôi bàn tay.


Nhóm kỹ năng phòng tránh nguy hiểm bao gồm các bài dạy hướng dẫn kiến thức - thực hành xoay quanh hoạt động giúp trẻ nhận diện - phòng tránh và xử lý khi gặp tình huống nguy hiểm - xâm phạm tới sự an toàn của trẻ. 6 kỹ năng cụ thể trong nhóm này là: Kỹ năng phòng tránh xâm hại; Kỹ năng xử lý khi đi lạc; Kỹ năng phòng chống hỏa hoạn; Kỹ năng xử lý khi bị thương; Kỹ năng ở nhà một mình; Kỹ năng ăn uống lành mạnh.


Đối với nhóm kỹ năng giao tiếp sẽ gồm các bài dạy và hướng dẫn thực hành liên quan tới các kiến thức và kỹ năng hoạt động tương tác với người thân, thầy cô, bạn bè, hàng xóm... nhằm giúp trẻ thiết lập vòng tròn giao tiếp lành mạnh. Trong nhóm kỹ năng giao tiếp có 8 kỹ năng cụ thể là: Kỹ năng chào hỏi; Kỹ năng đặt câu hỏi; Kỹ năng thuyết trình; Kỹ năng làm quen; Kỹ năng giao tiếp với người lớn tuổi; Lịch sự trong giao tiếp; Ý thức khi ở nơi công cộng; Kỹ năng làm việc nhóm.


Trẻ em là đối tượng được ưu tiên chăm sóc và bảo vệ. Tuy nhiên, trẻ lớn lên mỗi ngày và dần tự lập nên rất cần được trang bị hệ thống các kỹ năng sống cần thiết cho bản thân. Vì vậy, việc xác định rõ ràng các kỹ năng sống cơ bản cần giáo dục trẻ không chỉ giúp nhà trường xây dựng, lựa chọn nội dung, phương pháp giáo dục phù hợp mà còn giúp gia đình có định hướng và cách dạy dỗ, ứng xử với con trẻ một cách phù hợp nhằm giúp trẻ phát triển lành mạnh và toàn diện.


Đoàn Thị Hạ

Trường CĐSP Hưng Yên

    Video liên quan

    Bài Viết Liên Quan

    Chủ Đề