Những tấm gương tự học đã được xã hội vinh danh nhỏ những phát minh sáng chế phục vụ cuộc sống

Bác sĩ Nguyễn Văn Hiếu thăm khám bệnh cho người dân. [Nguồn: SGGP]

[Thanhuytphcm.vn] - Từ khắp mọi miền đất nước, 336 bạn trẻ cùng tụ hội tại TP mang tên Bác dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc 2018 - lần V. Mỗi bạn một hoàn cảnh, một câu chuyện riêng nhưng đều chung một nỗ lực phấn đấu noi gương Bác đã cùng nhau khắc họa hình ảnh đẹp về thế hệ thanh niên Việt Nam thời kỳ mới tiên phong, bản lĩnh, đoàn kết, sáng tạo và phát triển.

Nguyễn Văn Hiếu: chàng trai tình nguyện làm bác sĩ vùng cao

Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội và nhận được việc làm tại một bệnh viện giữa Thủ đô thế nhưng Nguyễn Văn Hiếu lại viết đơn tình nguyện tham gia Dự án 585 của Bộ Y tế “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Và 9 tháng qua, Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên - vùng cực Tây Tổ quốc với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - có sự phục vụ tận tụy của anh bác sĩ trẻ người Mê Linh, Hà Nội. “Lúc viết đơn tôi chỉ có một suy nghĩ được đi và cống hiến, sẵn sàng nhận nhiệm vụ ở bất cứ nơi đâu cần có sự phục vụ của mình. Quá trình tham gia các hoạt động tình nguyện, công tác xã hội suốt những năm đại học đã giúp tôi trưởng thành, nhận thức sâu sắc mình không thể chỉ sống cho riêng mình”, Nguyễn Văn Hiếu lý giải đơn giản về sự lựa chọn của mình.

“Tôi quan niệm phải luôn phát triển bản thân ngày một tốt hơn để làm được nhiều việc có ích cho xã hội. Làm việc tại địa phương miền núi còn nhiều khó khăn, tôi chủ động học ngôn ngữ của đồng bào để dễ giao tiếp và thăm khám bệnh. Không chỉ nỗ lực rèn luyện chuyên môn mà còn phải hỗ trợ đội ngũ nâng cao năng lực, củng cố tinh thần đoàn kết, trách nhiệm để làm tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình, phục vụ tốt cho đồng bào, cho xã hội”, Nguyễn Văn Hiếu bộc bạch. Nếu có điều gì phải băn khoăn có lẽ là phải xa gia đình nhỏ của mình nhưng nếu được lựa chọn lại Hiếu vẫn sẽ đi, vẫn muốn gắn bó với những người bệnh lam lũ, nói không sỏi tiếng Kinh nơi “ngã ba biên giới” này.

Nguyễn Thị Ngọc Linh: nữ chiến sĩ công an với công việc thầm lặng

Công tác tại Phòng Hồ sơ - Nghiệp vụ Công an tỉnh Lâm Đồng, Thượng úy Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết, công tác chính của mình và các đồng nghiệp là lưu trữ từ hồ sơ ngày xưa của địch để lại đến hồ sơ hiện hành của các đối tượng tội phạm đang hoạt động trên toàn tỉnh; cung cấp hồ sơ tiền án tiền sự của đối tượng cho cơ quan điều tra trong quá trình điều tra, truy tố xét xử.

Nữ chiến sĩ công an Nguyễn Thị Ngọc Linh tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2018

Không trực tiếp giải quyết những vấn đề an ninh trật tự bề nổi, nhưng đây lại là công việc quan trọng và không ít áp lực. “Làm công việc này nếu không khách quan, không công minh, không có tinh thần trách nhiệm cao thì rất có thể dẫn tới cung cấp không đầy đủ hoặc sai lệch thông tin tội phạm, từ đó không tìm được đối tượng hoặc bỏ lọt tội phạm; không giúp được công an điều tra truy tìm được tung tích nạn nhân, bỏ qua những trường hợp nạn nhân mất tích và có thể dẫn tới cả việc oan sai. Vì vậy, đòi hỏi người chiến sĩ PV47 chúng tôi phải rất cẩn thận, tỉ mỉ, luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công việc, góp phần đảm bảo an ninh trật tự địa phương”, Nguyễn Thị Ngọc Linh cho biết.

Chọn lựa khoác lên mình đồng phục công an nhân dân với Ngọc Linh chính là lựa chọn của lòng đam mê và nhiệt huyết, của tinh thần đề cao công lý. Vinh dự và tự hào là đại diện cho tuổi trẻ Lâm Đồng đến với Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác, Nguyễn Thị Ngọc Linh càng nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của tuổi trẻ đối với quê hương, tự nhắc nhở mình không ngừng rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là người chiến sĩ công an nhân dân, xứng đáng với niềm tin và sự mong mỏi của Bác Hồ đối với thế hệ trẻ.

Trần Văn Đông: mong muốn góp sức phát triển quê nhà

“Quê tôi ở huyện Bát Xát - một huyện vùng cao biên giới của Lào Cai - một tỉnh miền núi còn rất nhiều khó khăn, thiếu hụt tất cả từ cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật đến nguồn nhân lực chất lượng cao để phát triển. Ra trường, tôi sẽ về làm việc tại huyện nhà, mong muốn góp phần nhỏ bé của mình vào việc xây dựng quê hương. Tôi mong rằng huyện nhà sẽ có thêm nhiều mô hình phát triển kinh tế phát huy thế mạnh của địa phương, đặc biệt ở lĩnh vực du lịch và ẩm thực, cũng như các lớp đào tạo nghề phù hợp nhu cầu và tạo việc làm tại chỗ để những lao động trẻ không phải tha hương mà lựa chọn gắn bó và phát triển ngay trên mảnh đất quê hương”, Trần Văn Đông [dân tộc Giáy], sinh viên năm 4 ngành Quản lý đất đai Đại học Nông Lâm Thái Nguyên [tỉnh Thái Nguyên] chia sẻ dự định tương lai.

Sinh viên Trần Văn Đông tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2018

Với Trần Văn Đông, có mặt tại TP mang tên Bác dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác cùng những đại diện xuất sắc nhất của tuổi trẻ cả nước và đến với Trường Sa qua “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” cùng Trung ương Đoàn vào tháng 4 vừa qua là những “chuyến đi ý nghĩa nhất cuộc đời”. “Được đặt chân đến những hòn đảo xa xôi, gặp gỡ những chiến sĩ ngày đêm đối mặt với sóng gió, hiểm nguy giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương, mà nhiều người cũng còn rất trẻ như mình, tôi thấy khâm phục ý chí người lính đảo, thấy mình trưởng thành hơn qua chuyến đi, càng thấy mình phải sống có trách nhiệm hơn với những hy sinh thầm lặng đó”, Trần Văn Đông chia sẻ.

Lý A Tủa: làm việc hết mình bằng cái tâm

Bí thư Xã đoàn, Chủ tịch Hội Thanh niên xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái Lý A Tủa nhiều năm liên tiếp được tuyên dương điển hình tiên tiến làm theo lời Bác và có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi tỉnh Yên Bái. Lần đầu đến thăm TP mang tên Bác, anh cán bộ Đoàn người H’Mông không khỏi vui mừng và tự hào khi đưa hình ảnh năng động vượt khó của tuổi trẻ vùng cao đến Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác.

Cán bộ Đoàn Lý A Tủa tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác 2018

Lý A Tủa cho biết, do địa bàn thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, đặc biệt là nguy cơ sạt lở đất, hàng năm, Xã đoàn Púng Luông đều tổ chức thanh niên tình nguyện giúp di dời nhà dân đến vùng an toàn, giúp sửa chữa nhà dân bị hư hỏng, tu sửa đường giao thông, khai hoang ruộng bậc thang… “Chúng tôi ở nông thôn vùng cao nhiều khó khăn lắm: trình độ người dân còn hạn chế, việc tiếp thu thông tin, kiến thức, học công nghệ chưa nhiều và còn chậm. Bản thân tôi luôn nỗ lực làm tốt nhiệm vụ được giao, vai trò của một cán bộ Đoàn, một thủ lĩnh thanh niên, cố gắng tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, những chính sách, mô hình hay đến bà con, tập hợp và phát huy thanh niên địa phương tham gia các phong trào, các công trình, phần việc thanh niên giúp xây dựng bản làng”, anh Lý A Tủa chia sẻ.

Và còn nhiều lắm những tấm gương tuổi trẻ đầy nhiệt huyết lấy việc học tập Bác làm kim chỉ nam soi đường trong học tập, lao động và cuộc sống đời thường. Tin rằng từ 336 ngọn lửa thanh xuân hôm nay, khát vọng cống hiến, sống đẹp, sống có ích sẽ lan tỏa và thổi bừng sức trẻ cho công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh như kỳ vọng của Bác Hồ.

Ngọc Tuyết

Tin liên quan

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy Dệt 8/3 Hà Nội nhân dịp nhà máy chuẩn bị khánh thành và chính thức bước vào sản xuất [8.3.1965]

Từ xưa đến nay, trong cuộc sống, việc nêu gương luôn được coi là một phương pháp giáo dục hết sức hiệu quả, đặc biệt với các dân tộc phương Đông. Giáo dục Nho giáo trước đây coi tu thân và gương mẫu là vấn đề quan trọng hàng đầu đối với việc giáo dục con người và quản lý xã hội. Người xưa cho rằng giáo dục trước hết phải bằng tấm gương sống của chính mình, rồi sau đó mới bằng lời nói. Trong gia đình, con cái chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ông bà, cha mẹ, anh chị. Trong nhà trường, thầy cô phải là gương sáng với học trò. Ở các tổ chức, tập thể, những người lãnh đạo phải làm gương cho cấp dưới...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng nêu gương có một vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[1] và “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”[2].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: Nêu gương là bản thân mình phải làm gương trong công việc từ nhỏ đến lớn, phải “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” và thường xuyên khắc phục những hạn chế khuyết điểm của bản  thân. Trong tác phẩm Đường kách mệnh, viết từ những năm 20 của thế kỷ trước, và trong các bài nói, bài viết sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Mỗi đảng viên, cán bộ cũng như mỗi người cần nhận thức và giải quyết tốt ba mối quan hệ đối với mình, với người và với công việc. Trong đó, đối với bản thân, không được tự mãn, kiêu ngạo mà luôn học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm tự phê bình mình như rửa mặt hằng ngày để phát huy ưu điểm, nhận ra khuyết điểm để sửa chữa. Đối với người, phải có thái độ chân thành, khiêm tốn, thật thà, đoàn kết, và có tình thương yêu, bao dung, độ lượng. Đối với công việc, phải luôn giữ nguyên tắc công tư phân minh, phải để việc công lên trước việc tư, đã nhận việc gì thì không sợ khó, không sợ khổ, phải tận tâm tận lực hoàn thành tốt.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu gương không chỉ hô khẩu hiệu. Khi giáo dục cán bộ làm công tác dân vận, Người căn dặn “Tuyên truyền phải miệng nói tay làm, phải tùy hoàn cảnh mà tổ chức giúp đỡ Nhân dân thật sự, không phải chỉ dân vận bằng diễn thuyết”[3].

Việc nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh bao hàm trọn vẹn từ việc lớn như chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước, quy định của tập thể, đến những việc bình thường hằng ngày như ăn, ở, mặc, sử dụng phương tiện đi lại... nhất nhất Người đều nêu gương sáng hết sức tiết kiệm, giản dị, không cường điệu... mà tự nhiên như không khí, cơm ăn, nước uống hàng ngày.

Nhớ lại, khi nước nhà vừa giành được độc lập năm 1945, để giải quyết nạn đói đang hoành hành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi đồng bào cả nước: “Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó [mỗi bữa một bơ] để cứu dân nghèo”[4] và Người nêu gương “tôi xin thực hành trước” rất nghiêm túc, cho dù phải làm việc nhiều, sức khỏe lại giảm sút bởi trải qua trận ốm nặng trước đó. Những đồng chí từng phục vụ bên Bác kể: Một lần tướng Tiêu Văn của quân đội Tưởng Giới Thạch mời chiêu đãi Bác Hồ vào đúng bữa cơ quan nhịn ăn để góp gạo cứu đói, dù anh em có báo cáo với Bác là phần gạo của Bác đã cho vào hũ gạo cứu đói rồi, nhưng Bác vẫn quyết định “nhịn ăn một bữa” vào ngày hôm sau.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dạy cán bộ, Nhân dân chống chủ nghĩa cá nhân. Cả cuộc đời, Người không chấp nhận sự đề cao, tung hô. Tháng 7.1969, Bộ Chính trị họp ra Nghị quyết về việc tổ chức bốn ngày lễ lớn của năm: Ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khi biết tin này, Bác đề nghị “Bác chỉ đồng ý ba phần tư nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19.5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu học sinh đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí.” [5] 

Suốt đời, Người đã phấn đấu cho ước nguyện và mục tiêu cao cả “làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[6]. 

Để việc nêu gương đạt kết quả thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương “Lấy gương người tốt, việc tốt để hằng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[7]. Năm 1969, trước khi đi xa, Người góp ý cho các đồng chí ngành văn hóa tuyển chọn những gương tốt tiêu biểu để xuất bản thành sách "Người tốt, Việc tốt". Bác nhấn mạnh rằng, cần nêu gương những người có những hành động bình thường mà anh hùng, xứng đáng được học tập, tôn vinh, ai ai cũng có thể làm theo. 

Thực hiện lời dạy của Bác và noi theo gương sáng của Người, các thế hệ Việt Nam tiếp nối nhau phấn đấu thi đua cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Hôm nay biết bao tấm gương bình dị mà cao quí đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tôn vinh, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. 

Từ ý nghĩa to lớn của việc nêu gương nhằm xây dựng Đảng luôn trong sạch vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, trong số nhiều giải pháp, Đảng ta luôn đề cao vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp. Đây là giải pháp đúng đắn và cũng là yêu cầu bức thiết trong tình hình hiện nay. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng viết: "Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; bằng công tác tuyên truyền, thuyết phục, vận động, tổ chức, kiểm tra, giám sát và bằng hành động gương mẫu của đảng viên…” [8]

Cuộc vận động Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh đã góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa thực sự như mong muốn đặt ra. Trong đó, việc nêu gương của cán bộ, đảng viên đòi hỏi phải trở thành việc làm thường xuyên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các ngành, các cấp. 

______________________

[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2011, t.1, tr.284

[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.6, tr.16

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.7, tr.219

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.33

[5].Bác Hồ sống mãi với chúng ta, Nxb Chính trị quốc gia, 2005, t.2, H, tr. 220.

[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.4, tr.187

[7]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd, t.15, tr.672

[8]. Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Báo Nhân dân  ngày 16.5.2021.

Video liên quan

Chủ Đề