Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam

Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu trong truyện ngắn Hai đứa trẻ - Thạch Lam

Tâm trạng chờ tàu của nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam

Truyện ngắn “Hai đứa trẻ” được in trong tập “Nắng trong vườn” là một trong những sáng tác hay nhất của Thạch Lam. Truyện không có cốt truyện, tác phẩm giống như một “bài thơ trữ tình đầy xót thương”. Truyện khắc họa thành công tâm trạng Liên trong lúc chờ đoàn tàu chạy qua phố huyện.

Liên và An là hai đứa trẻ từng sống ở Hà Nội, rồi gia đình sa cơ thất thế nên trở về quê, một phố huyện nghèo hẻo lánh. Hai chị em trông coi một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu. Một gian hàng thuê lại của bà lão móm, ngăn ra bằng phên nứa dán giấy nhật trình. Liên chừng khoảng chín tuổi còn An khoảng bảy, tám tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng Liên đã có những toan tính cho cuộc sống. Có lẽ vì thế mà trong sâu thẳm tâm hồn cô bé này đã có những xúc cảm hết sức tinh vi về mọi vật, mọi việc ở phố huyện này.

Liên cảm nhận phố huyện xung quanh bóng tối tràn ngập, bủa vây, ánh sáng yếu ớt, tàn lụi. Những phận người trong mênh mông đêm tối của cuộc đời hiện ra với dáng vẻ lam lũ, cơ cực: chị Tý ngày mò cua bắt tép, tối đến dọn cái hàng nước; gánh phở của bác Siêu trở thành thức quà xa xỉ; gia đình bác xẩm với manh chiếu rách…Đó là những kiếp người bé nhỏ đáng thương. Và “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ”. Chính giữa cảnh điêu tàn như vậy của phố huyện, Thạch Lam đã miêu tả tâm trạng khắc khoải chờ đợi chuyến tàu của Liên.

Đêm nào, Liên và An cũng thao thức, hồi hộp đợi tàu. Trong con mắt của không ít người, đó là việc lẩn thẩn, vô nghĩa. Thế nhưng với trái tim giàu lòng trắc ẩn, Thạch Lam đã phát hiện ra những tâm sự sâu kín, những khát khao mãnh liệt của hai chị em. Đợi tàu trở thành một nếp sống, một nhu cầu tinh thần không thể thiếu. Đợi tàu để được thấy ánh sáng từ Hà Nội về và cũng là được trở về với vùng sáng ký ức lấp lánh, dịu êm, ngọt ngào của tuổi thơ. Đợi tàu để được cháy lên khát vọng mãnh liệt, mạnh mẽ, táo bạo: khát vọng đổi đời. Bởi vậy, Liên đợi chuyến tàu đêm đi qua không phải để bán được thêm phong diêm hay điếu thuốc mà để thoát khỏi thực tại nhàm chán buồn tẻ, đơn điệu dù chỉ trong khoảnh khắc.

Như vậy, trong hành động tưởng như vô thức ấy lại chứa đựng những ước mơ, những khao khát cao đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Dù buồn ngủ ríu cả mắt nhưng Liên và An vẫn cố thức để đợi chuyến tàu. Vì con tàu như đem một thế giới khác đi qua, chị em Liên lặng lẽ đón đợi tàu với bao xúc cảm vừa bâng khuâng, mơ hồ, vừa hồi hộp, háo hức. Chị em Liên đón đợi chuyến tàu như đón đợi phút giây giao thừa thiêng liêng mỗi khi Tết đến, xuân về. Cậu bé An buồn ngủ, mí mắt sắp sửa rơi mà vẫn còn dặn chị: “Tàu đến, chị gọi em thức dậy nhé!”.

Liên là cô gái nhạy cảm, tâm hồn dễ xao động. Khi An đã ngủ, chị ngồi yên lặng, cảm nhận đêm của quê, cảm nhận bầu trời ngàn sao lấp lánh, ánh sáng đom đóm, hay hoa bàng rụng xuống vai. Chị thấy tâm hồn mình yên tĩnh, có những cảm giác mơ hồ, không hiểu. Dường như cô bé đã hoàn toàn bứt mình ra khỏi cuộc sống mưu sinh cơ cực để đắm vào thế giới thần tiên, mộng mơ.

Nghe tiếng bác Siêu nói như reo lên: “Đèn ghi đã ra kia rồi”. Liên lắng tai nghe, lắng lòng mình để nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc con tàu đi qua. Những làn khói trắng sáng từ đằng xa rồi tiếp đến những tiếng hành khách ồn ã vọng tới, Liên ngay lập tức gọi em dậy để có thể nhìn thấy đoàn tàu rõ hơn. Vẫn như mọi khi cô nhận ngay ra “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, đồng và kền lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Một không gian rực rỡ, huyên náo, sang trọng hiện ra, đó là hình ảnh của cuộc sống sung túc, đẹp đẽ, của một Hà Nội rực sáng mà cô đã từng được sống.

Đoàn tàu rầm rộ, ồn ào khi tới, rồi cũng rầm rộ lao vào đêm tối. Liên cố nhìn theo đóm lửa xanh cho đến khi nó xa dần và khuất vào bóng đêm, đoàn tàu đi để lại niềm tiếc nuối trong lòng. Ở đây, Liên đợi tàu không phải lần đầu tiên, có lẽ từ ngày sống ở phố huyện đêm nào Liên cũng lặng lẽ chờ tàu đi qua, và có lẽ đêm nào trong cô cũng dâng lên những tiếc nuối như vậy. Trong tâm trạng cô bé có sự tương phản rõ rệt giữa hai cuộc sống: cuộc sống đẹp đẽ của ước mơ và cuộc sống nơi phố huyện. Qua đó ta mới thấy được khao khát thay đổi cuộc sống, khát khao đổi đời trong cô mãnh liệt đến thế nào.

Hình ảnh đoàn tàu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Nó là biểu tượng của thế giới hạnh phúc mà Liên, An cũng như người dân phố huyện đang khao khát hướng đến. Ánh sáng của đoàn tàu khác xa ánh sáng chỉ chiếu sáng “một quầng đất nhỏ” của chị Tý. Nó là ánh sáng của tia chớp rạch lên giữa đêm đen, như ánh sáng chói lòa của ngôi sao chổi vút qua bầu trời rồi mất hút vào đêm tối. Nhưng ánh sáng của đoàn tàu đủ sức soi rọi những phận đời, đánh thức họ, đánh thức cả những khao khát trong họ.

Thông qua tâm trạng chờ tàu của nhân vật Liên, Thạch Lam đã thể hiện niềm xót thương cho số phận những đứa trẻ và người dân phố huyện. Đồng thời ông cũng trân trọng, đồng tình với những mơ ước đổi đời tha thiết của họ. Liên và An cũng như bao người dân phố huyện khao khát đổi đời, khao khát được lên những chuyến tàu để thoát khỏi thực tại tăm tối, ê chề, lên tàu để đến với thế giới văn minh, thế giới của sung túc, no đủ. Ở đó sẽ không còn bóng tối, thế giới nơi đó sẽ ngập tràn ánh sáng và cuộc sống sẽ đáng sống hơn. Với Liên, con tàu còn đưa Liên trở về tuổi thơ êm đềm, thời quá khứ ngọt ngào của tuổi thần tiên, đồng thời thức dậy trong cô bé, niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

Từ cuộc sống của con người nơi phố huyện, trang văn của Thạch Lam còn rung lên tiếng nói tha thiết có sức lay tỉnh xâu xa trong tâm hồn người đọc: Hãy cứu lấy những đứa trẻ! Hãy thay đổi cuộc sống bế tắc này. Qua tâm trạng của nhân vật Liên khi chờ tàu, Thạch Lam đã gửi để thông điệp sâu sắc và ý nghĩa đến với người đọc: Vì vậy phải vượt thoát cuộc sống nghèo nàn, tù túng đơn điệu để vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây mới là cuộc sống thực sự của con người. Đồng thời qua đoạn trích cũng thể hiện tài năng bậc thầy của tác giả trong năm bắt và miêu tả tâm lí nhân vật.

Tác giả đã sử dụng thành công bút pháp miêu tả: miêu tả đoàn tàu khi qua lồng vào đó là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối; miêu tả tâm trạng nhân vật Liên với những nắm bắt tinh tế, nhanh nhạy khi đoàn tàu đi qua phố huyện và mơ ước đổi đời của em cũng như biết bao người. Hình ảnh giàu tính biểu tượng (đoàn tàu) chứa đựng nhiều thông điệp giàu ý nghĩa.

Thạch Lam là một nét riêng, một nét khác biệt không trộn lẫn của văn học lãng mạn. Giữa xã hội Tây Tàu lố lăng, kệch cỡm, văn chương chỉ là mua vui cho tầng lớp thị thành với những câu chuyện ngôn tình thống thiết, bi ai thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút của mình đến người lao động nghèo để trân trọng nâng niu những mơ ước khát khao đẹp đẽ của họ. Tình cảm nhân văn ấy được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ qua tâm trạng của nhân vật Liên đang chờ chuyến tàu đêm đi qua phố huyện.

    Thạch Lam là một nét chấm phá khác biệt của văn học lãng mạn. Giữa thời điểm người ta tìm cái lãng mạn ở cuộc sống thị thành thì Thạch Lam lại hướng ngòi bút của mình để trân trọng nâng niu những mơ ước khát khao đẹp đẽ của những con người nghèo khổ. Tình cảm nhân văn ấy được thể hiện rất rõ trong truyện ngắn Hai đứa trẻ khi Liên đang chờ chuyến tàu đêm đi qua phố huyện.

    Liên và An vốn là những đứa trẻ từng được sống ở Hà Nội, nơi thị thành ngập tràn ánh sáng và mơ ước. Nhưng gia đình sa sút, nên các em phải chuyển về nơi phố huyện nghèo nàn sinh sống. Xung quanh họ là những kiếp người nhỏ bé đáng thương, sống trong bóng tối: chị Tí ngày mò cua bắt ốc, đêm bán nước; bác Siêu với gánh phở luôn ế hàng, bà cụ Thi điên với tiếng cười khanh khách đầy ám ánh,… “Chừng ấy người trong bóng tối mong đợi một cái gì tươi sáng cho sự sống nghèo khổ của họ”. Và mong ước ấy được thể hiện rõ nhất trong cảnh Liên chờ đoàn tàu cuối cùng đi qua phố huyện.

    Liên đã từng sống cuộc sống sung sướng, hạnh phúc, được sống ở nơi tràn đầy ánh sáng, bởi vậy khi chuyển về đầy mặc dù đã quen với cái bóng tối ngập đầy khắp ngõ làng nhưng ở trong Liên vẫn dấy lên khát khao, hi vọng được hướng về Hà Nội xa xăm mà rực sáng. Liên đợi đoàn tàu đi qua không phải chỉ đến bán được thêm phong diêm hay điếu thuốc mà để thoát khỏi thực tại nhàm chán buồn tẻ, đơn điệu dù chỉ trong khoảnh khắc. Trong hành động tưởng như vô thức ấy lại chứa đựng những ước mơ, những khao khát cao đẹp của một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế đang trong tuổi mới lớn.

    Nghe tiếng bác Siêu: “Đèn ghi đã ra kia rồi” cùng lúc đó Liên cũng trông thấy ngọn lửa xanh biếc như ma trơi xuất hiện. Liên lắng tai nghe, lắng lòng mình để nắm bắt trọn vẹn khoảnh khắc con tàu đi qua. Những làn khói trắng sáng từ đằng xa rồi tiếp đến những tiếng hành khách ồn ã vọng tới, Liên ngay lập tức gọi em dậy để có thể nhìn thấy đoàn tàu rõ hơn. Vẫn như mọi khi cô nhận ngay ra “các toa đèn sáng trưng, chiếu sáng cả xuống đường. Liên chỉ thoáng trông thấy những toa hạng trên sang trọng lố nhố những người, dồng và kền vàng lấp lánh, và các cửa kính sáng”. Một không gian rực rỡ, sang trọng hiện ra trước mắt cô bé, đó là hình ảnh của cuộc sống sung túc, đẹp đẽ, của một Hà Nội rực sáng mà cô đã từng được sống. Nhưng nhanh chóng Liên cũng nhận ra những thay đổi của chuyến tàu đêm nay: “Chuyến tàu đêm nay không đông như mọi khi, thưa vắng người và hình như kém sáng hơn”. Cô cố nhìn theo đóm lửa xanh cho đến khi nó xa dần và khuất vào bóng đêm, đoàn tàu đi để lại niềm tiếc nuối trong lòng. Liên đợi tàu đây không phải lần đầu tiên, có lẽ từ ngày sống ở phố huyện đêm nào Liên cũng lặng lẽ chờ tàu đi qua, và có lẽ đêm nào trong cô cũng dâng lên những tiếc nuối như vậy. Qua đó ta mới thấy được khao khát thay đổi cuộc sống, khát khao đổi đời trong cô mãnh liệt đến thế nào. Khi đoàn tàu qua đến cả không gian bừng lên rực rỡ bao nhiêu thì lúc nó đi khỏi phố huyện đen tối, lắng lẽ bấy nhiều, cả không gian bị bao bọc bởi bóng tối, và những âm thanh ảm đạm: “Đêm tối vẫn bao bọc chung quanh, đêm của đất quê, và ngoài kia, đồng ruộng mênh mang và yên lặng”.

    Hình ảnh đoàn tàu mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Đó là hình ảnh của quá khứ đẹp đẽ, của thế giới thần tiên mà Liên đã từng được chung sống. Nó còn là biểu tượng của thế giới hạnh phúc mà Liên, An cũng như người dân phố huyện đang khao khát hướng đến. Thông qua hình ảnh đoàn tàu Thạch Lam đã thể hiện niềm xót thương cho số phận những đứa trẻ và người dân phố huyện. Đồng thời ông cũng trân trọng những mơ ước đổi đời tha thiết của họ.

    Tác giả đã sử dụng thành công bút pháp miêu tả: miêu tả đoàn tàu khi qua lồng vào đó là sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối; miêu tả tâm trạng nhân vật Liên với những nắm bắt tinh tế, nhanh nhạy khi đoàn tàu đi qua phố huyện và mơ ước đổi đời của em cũng như biết bao người. Hình ảnh giàu tính biểu tượng (đoàn tàu) chứa đựng nhiều thông điệp giàu ý nghĩa.

    Qua tâm trạng của nhân vật Liên khi chờ tàu, Thạch Lam đã gửi để thông điệp sâu sắc và ý nghĩa đến với người đọc: phải vượt thoát cuộc sống nghèo nàn, tù túng đơn điệu để vươn đến cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây mới là cuộc sống thực sự của con người. Đồng thời qua đoạn trích cũng thể hiện tài năng bậc thầy của tác giả trong năm bắt và miêu tả tâm lí nhân vật.