Phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới

TĐKT - Từ ngày 27 - 29/12, Đoàn công tác của Ban Thi đua - Khen thưởng [TĐKT] Trung ương do đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trung ương dẫn đầu, đã tới kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới [NTM] tại tỉnh An Giang. Cùng đi có Tổng Biên tập Tạp chí TĐKT Phạm Hồng Long, các đồng chí là lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng, chuyên viên một số vụ, đơn vị thuộc Ban TĐKT Trung ương và cơ quan liên quan.

Đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trung ương phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh An Giang

Để triển khai có hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2016 - 2020, UBND tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch 27/KH - UBND ngày 19/1/2017 phát động phong trào thi đua "An Giang chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020". Đồng thời, tổ chức ký kết giao ước thi đua giữa các huyện với tỉnh, gắn trách nhiệm, nội dung xây dựng NTM của cấp ủy, chính quyền địa phương với nhiệm vụ, công việc thường xuyên; đưa nhiệm vụ xây dựng NTM vào chỉ tiêu thi đua, khen thưởng và đánh giá cán bộ hằng năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhận thức về chương trình xây dựng NTM trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng được nâng lên, giảm bớt tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Phong trào thực sự đi vào tâm thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao, từ đó thu hút nguồn lực vận động từ cộng đồng dân cư tham gia đóng góp tài lực và vật lực trong xây dựng NTM. Cảnh quan, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội và đời sống người dân được nâng lên rõ rệt.

Toàn tỉnh An Giang hiện có 61/119 xã đạt chuẩn NTM, 3/11 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, có 6 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là 11.757.495 triệu đồng. Qua 5 năm triển khai thực hiện Chương trình, người dân trên địa bàn tỉnh đã hiến trên 178.087 m2 đất ở, đất sản xuất nhằm phục vụ cho các công trình NTM.

Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long phát biểu tại buổi làm việc

Nhiều mô hình, cách làm hay đã được các ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh sáng tạo, vận dụng, mang lại hiệu quả cao như: Mô hình "Ấp tự quản bảo vệ môi trường", "Hành lang giao thông thông thoáng, mỗi nhà làm hàng rào cây xanh, cột cờ thẳng tắp", mô hình "Hội Mái ấm tình thương", mô hình "Đội thiện nguyện xây dựng cầu", mô hình "Nông dân giỏi tham gia phát triển sản xuất xây dựng NTM" gắn với tiêu chí ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, "Camera giám sát an ninh trật tự"...

Đặc biệt, An Giang đi đầu cả nước về vận động mua xe cứu thương miễn phí. Người người, nhà nhà tham gia đóng góp mua xe chuyển viện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, với đề án xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh, mỗi huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ít nhất 2 đội xây dựng nhà cho người nghèo và xây cầu nông thôn thiện nguyện. Nhờ đó, chỉ trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã xây dựng được 294 cây cầu, tổng chiều dài 9.570 m, tổng kinh phí 339,85 tỷ đồng, trong đó, vốn huy động từ các nguồn lực xã hội chiếm 78,1%.

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, đại diện tỉnh An Giang đề nghị Ban TĐKT Trung ương tiếp tục tham mưu Chính phủ ban hành kế hoạch phát động phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025", trong đó, chú trọng cơ chế khen thưởng cho các địa phương có thành tích nổi bật, thành tích cao trong quá trình triển khai thực hiện phong trào. Cần có cơ chế khen thưởng rõ ràng, tách bạch nguồn vốn đầu tư phát triển bằng giá trị công trình đối với những địa phương, đơn vị được khen thưởng cấp Nhà nước, nhằm khích lệ tinh thần, tạo động lực mạnh mẽ cho các địa phương phấn đấu.

Tỉnh An Giang cũng đề nghị Ban TĐKT Trung ương tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm bố trí nguồn vốn đầu tư khen thưởng bằng công trình đối với 3 tập thể được khen thưởng cấp Nhà nước để tỉnh phân bổ về cho các địa phương triển khai thực hiện các công trình phúc lợi xã hội. Cụ thể, đối với tỉnh An Giang, định mức khen thưởng tỉnh dẫn đầu phong trào thi đua đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 30 tỷ đồng; đối với huyện NTM Thoại Sơn, đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 10 tỷ đồng; đối với xã Thoại Giang - huyện Thoại Sơn, đề nghị khen thưởng bằng công trình trị giá 1 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Lê Văn Vũ, Vụ trưởng Vụ TĐKT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban TĐKT Trung ương đánh giá cao và chúc mừng những kết quả nổi bật tỉnh An Giang đã đạt được trong triển khai thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” thời gian qua. Đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của tỉnh An Giang và cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến để báo cáo, nghiên cứu, tham mưu, đề xuất trong nội dung hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào giai đoạn tới.

Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Tạp chí Thi đua Khen thưởng Phạm Hồng Long cũng đề nghị tỉnh An Giang quan tâm giới thiệu, tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước, nhân rộng điển hình hình tiên tiến trên báo chí. Là cơ quan ngôn luận của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Tạp chí Thi đua Khen thưởng sẽ hỗ trợ địa phương đẩy mạnh công tác này trên các ấn phẩm của Tạp chí nói riêng và trên các cơ quan báo chí ở trung ương nói chung.

Tham quan thực tế mô hình nông trại Phan Nam [TP Long Xuyên]

Nhân dịp này, Đoàn công tác đã tham quan thực tế một số mô hình, điển hình tiêu biểu của tỉnh An Giang trong triển khai thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng NTM": Nông trại Phan Nam [TP Long Xuyên]; Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời...

Nguyệt Hà

Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động vào ngày 08 tháng 6 năm 2011 và được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2020, chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1 từ năm 2011 đến 2015 và giai đoạn 2 từ năm 2016 đến 2020. Các giai đoạn của chương trình được xây dựng bám sát với mục tiêu đến năm 2015 cả nước có 20% số xã, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 đã đề ra.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Quảng Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, mục tiêu của kế hoạch nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị chăm lo xây dựng nông thôn mới, vận động nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2020 với phương châm “phát huy nội lực là chính, nông dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới”. Thông qua việc tổ chức phong trào thi đua, sẽ góp phần xây dựng nông thôn mới Quảng Ninh phát triển đồng bộ, toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.

Người dân góp công làm đường giao thông tại huyện Tiên Yên

Theo kế hoạch đó, các sở, ngành, địa phương, đoàn thể trong tỉnh tổ chức phong trào thi đua hướng vào việc triển khai thực hiện hoàn thành 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới các cấp, phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, phát huy tối đa các nguồn lực tại địa phương phục vụ cho xây dựng nông thôn mới.

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh, trong thời gian qua, Hội Cựu chiến binh tỉnh đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới cho 200 học viên là cán bộ cơ sở và tuyên truyền viên Bản tin CCB Quảng Ninh của các địa phương. Hội Phụ nữ tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên hiến đất tham gia giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình công cộng được hơn 9.360m2 đất và đóng góp gần 50 triệu đồng để xây dựng các công trình công cộng, đường liên thôn; tổ chức tập huấn cho trên 200 học viên về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi; huy động được trên 9,9 tỷ đồng [47 ngôi nhà và 28 suất học bổng] và trao cho Hội người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh 129 triệu đồng để xây 3 nhà "Mái ấm tình thương" cho phụ nữ nghèo, tàn tật. Tỉnh Đoàn đã phát động, tổ chức chương trình "Huy động 50.000 ngày công thanh niên tình nguyện tham gia làm đường liên thôn, liên xóm theo tiêu chí nông thôn mới", tổ chức 116 đội thanh niên tình nguyện, làm mới 48,5 km đường, sửa chữa 40 km đường liên thôn... 

Hệ thống kênh mương nội đồng trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiên cố hóa.

Hưởng ứng lời kêu gọi của UBND tỉnh, ngay từ những ngày đầu tiên khi Chương trình được triển khai, cộng đồng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia thực hiện. Tính đến nay, đã có 12 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cam kết hỗ trợ xi măng, gạch cho chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng số vật liệu là 700 tấn xi măng; 1.525.000 viên gạch chỉ và 2.000m2 gạch lát nền [giá trị khoảng 2,9 tỷ đồng]. Số nguyên vật liệu này đã phân bổ cho 13 xã thuộc thị xã Quảng Yên, huyện Đông Triều và huyện Tiên Yên. Bằng nguyên vật liệu được hỗ trợ, các địa phương đã huy động nhân dân đóng trên 1.500 m3 đá cấp phối để đổ mặt đường và lót đường, 1.400 m3 đá bê tông, trên 800 m3 cát; đồng thời, người dân cũng góp trên 4.000 ngày công để tổ chức triển khai hoàn thành, đưa vào sử dụng 51 công trình các loại, bao gồm: xây dựng 35 tuyến đường giao thông ngõ, xóm dài 6.781 m; xây tường bao cho 17 nhà văn hóa dài 1.773 m; xây mới 02 nhà văn hóa; xây mới 1.275 m kênh mương các loại. Tổng giá trị các công trình hoàn thành khoảng 10 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng hướng đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, có các sản phẩm, dịch vụ ưu đãi dành cho nông thôn; ủng hộ tiền và vật chất khác tài trợ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ các sản phẩm của doanh nghiệp theo hình thức hỗ trợ bằng hiện vật như Công ty Cổ phần giống cây trồng Quảng Ninh hỗ trợ 1,4 tấn thóc giống, Vinacomin hỗ trợ xây dựng trường mầm non xã Yên Thọ, huyện Đông Triều; Viettel Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng cầu treo; Công ty cổ phần xi măng Cẩm Phả tài trợ 100 tấn xi măng cho huyện Đầm Hà để hỗ trợ nhân dân xây dựng, hoàn thành các công trình đường giao thông nông thôn và nhiều doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng chợ dân sinh, hỗ trợ xây dựng khuôn viên nhà văn hóa, hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà, đào tạo hàng trăm lao động nông thôn...

Ngoài ra, các doanh nghiệp ngành than cũng đã có thỏa thuận với các địa phương về việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp như Công ty CP than Mông Dương tiêu thụ sản phẩm cho nông dân xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà; Công ty CP than Hà Lầm tiêu thụ miến dong cho nông dân huyện Bình Liêu… VNPT Quảng Ninh cũng đã cam kết hỗ trợ cung cấp thiết bị và lắp đường truyền internet đến nhà văn hoá thôn bản.

Với vai trò là chủ thể xây dựng nông thôn mới, người nông dân khắp nơi hăng hái tham gia phát triển sản xuất [Ảnh: mô hình trồng rau an toàn tại TX Quảng Yên]

Tại hội nghị lần thứ 3 năm 2012 của Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm đánh giá kết quả công tác thời gian qua và triển khai một số nội dung công việc trong thời gian tới, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã khẳng định tầm quan trọng của sức mạnh đại đoàn kết trong việc triển khai thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng chí cho rằng: "Sức mạnh đó được hiện thực hóa bởi sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân trên khắp địa bàn tỉnh".

Do đó, để phong trào ngày càng có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Trong đó, người dân phải phát huy được vai trò làm chủ thể, biến lợi thế của chính mình thành nguồn lực, tích cực hóa những vấn đề tiêu cực, vươn lên thoát nghèo, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Có thể thấy, Chương trình xây dựng nông thôn mới tại Quảng Ninh đã và đang mang lại những kết quả thiết thực. Chương trình đã góp phần làm nên một khối đại đoàn kết đồng lòng, nhất trí trong không chỉ riêng trong công tác thực hiện chương trình mà còn trong nhiều những nội dung phát triển kinh tế-xã hội khác. Sự đồng lòng đó sẽ chính là một trong những nhân tố quyết định đưa chương trình cán đích thành công, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2015./.

Video liên quan

Chủ Đề