Quan điểm của Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng

Thi đua, khen thưởng là biện pháp tổ chức thực tiễn, một phương pháp tuyên truyền, giáo dục tích cực để động viên ý chí sáng tạo, ý chí quyết tâm, năng lực hoạt động thực tiễn của cán bộ,chiến sỹ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà cấp trên giao. Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”. Trong thời gian qua, hầu hết các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã duy trì nghiêm túc, phát huy được vai trò của công tác thi đua, khen thưởng vào thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch vững mạnh [TSVM] cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện [VMTD].

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có một số cơ quan, đơn vị cơ sở, công tác thi đua, khen thưởng duy trì còn mang tính hình thức, rập khuôn, máy móc, chưa tạo được động lực và sự tham gia của đông đảo cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Điều này thể hiện rõ ở nội dung, chỉ tiêu thi đua chung chung, chủ yếu sao chép nội dung của trên, chưa cụ thể hóa sát với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị. Hơn nữa, nhiều thời điểm, các phong trào thi đua còn “chồng lấn” nhau, phong trào này chưa kết thúc đã có phong trào khác, dẫn đến nhàm chán. Thậm chí có cơ quan, đơn vịlãnh đạo, chỉ huy không quan tâm nên xảy ra tình trạng các phong trào thi đua có “phát” nhưng không “động”. Đã vậy, sau mỗi đợt, mỗi phong trào, việc biểu dương khen thưởng chưa kịp thời, xét khen thưởng làm không đúng quy trình dẫn đến khen thưởng và đề nghị khen thưởng chưa đúng người, đúng việc; có những tập thể, cá nhân đáng khen thì không khen, không đáng khen lại được khen, từ đó làm phản tác dụng của khen thưởng, tạo tâm lý cho cán bộ, chiến sĩ không mấy mặn mà với các phong trào thi đua. Khí thế của phong trào thi đua chua cao, tính hiệu quả thấp, tác dụng giáo dục chưa thật sự sâu rộng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ do thực tế đơn vị đặt ra. Trong quá trình tổ chức thực hiện phong trào thi đua thiếu sự kiểm tra, giám sát của người chỉ huy các cấp, từ đó dẫn tới tình trạngphát động là do cấp trên còn thực hiện như thế nào là do cấp dưới. Đây chính là lời giải cho câu hỏi: “Vì sao, việc thực hiện các phong trào thi đua ở một số đơn vị cơ sở hiệu quả chưa cao”, “và tại sao, thi đua, khen thưởng nhiều nhưng những mô hình, kinh nghiệm ít được phổ biến rộng rãi”…

Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên là do các cấp ủy đảng và cán bộ chủ trì ở các cơ quan, đơn vị chưa nhận thức đúng đắn và coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phong trào thi đua. Việc tổ chức tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, chiến sĩ không có chiều sâu. Việc xây dựng, bồi dưỡng nhân rộng điển hình tiên tiến chưa được quan tâm đúng mức. Việc duy trì nền nếp, chế độ hoạt động của các ban, tổ thi đua có nơi chưa thường xuyên, nhận xét, đánh giá còn chung chung, thiếu cụ thể.

Để công tác thi đua, khen thưởng thực sự là “đòn bẩy”, kích thích cá nhân, tập thể hăng say hoạt động, phát huy hết tài năng của mình trong việc xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện thì cần phải thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau:

Một là, lãnh đạo, chỉ huy ở các cơ quan, đơn vị cần có nhận thức đúng về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong xây dựng đơn vị. Bản chất của thi đua, khen thưởng không phải là sự cạnh tranh, ganh đua mà là hình thành động cơ thi đua trong sáng, lành mạnh, vì lợi ích của mọi người, của tập thể và lợi ích của đơn vị. Động cơ thi đua là lực thúc đẩy bên trong của cán bộ, chiến sỹ trong quá trình thực hiện phong trào thi đua, là tổng hòa những nhân tố tình cảm, ý chí, niềm tin với phong trào thi đua. Động cơ thi đua hình thành trên cơ sở giác ngộ sâu sắc về mục đích, ý nghĩa và vai trò của thi đua, thể hiện sâu sắc nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ đối với sự lớn mạnh của đơn vị. Trên cơ sở xây dựng động cơ đúng mà xây dựng quyết tâm hoàn thành hoàn thành các chỉ tiêu, định mức của thi đua. Để làm được điều đó, chính ủy, chính trị viên ở đơn vị cơ sở phải tập trung giáo dục cho cán bộ, chiến sỹ nắm vững mục đích, ý nghĩa chính trị - xã hội của thi đua, những quan điểm của Đảng ta và của Chủ Tịch Hồ Chí Minh về thi đua, làm tốt việc giáo dục ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trên tình đồng chí vì lợi ích chung, kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng an thua, ganh đua, cục bộ, chạy theo thành tích, vì lợi ích động cơ cá nhân và những biểu hiện thiếu trung thực trong thi đua. Từ đó duy trì nghiêm túc thành chế độ, nền nếp, phát huy vai trò, chức năng hiệu quả của các ban, tổ thi đua theo đúng quy chế hoạt động.

Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức phong trào thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng là nhằm huy động sức mạnh tổng hợp, tạo ra sự nhất trí cao về nhận thức, tư tưởng, thống nhất hoạt động đồng bộ nhịp nhàng của các tổ chức trong thực hiện phong trào thi đua. Trước hết, phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, coi đây là yếu tố quyết định chất lượng và hiệu quả phong trào thi đua. Đối với đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp phải xác định đẩy mạnh phong trào thi đua là nhiệm vụ, chức trách của mình, phải nhận thức đúng vai trò quan trọng của thi đua,từ đó đề cao trách nhiệm, năng lực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Bản thân cán bộ chủ trì phải gương mẫu, thực sự là đầu tàu để cổ vũ, động viên, dẫn dắt cán bộ, chiến sỹ thuộc quyền tham gia phong trào thi đua. Đối với tổ chức đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của đoàn viên, thanh niên xung kích vào những nhiệm vụ chủ yếu, trọng tâm làm chuyển biến dứt điểm những khâu yếu, mặt yếu của đơn vị. Nội dung, hình thức thi đua phải phù hợp với khả năng, tâm lý, nguyện vọng của tuổi trẻ.

Ba là, tích cực, chủ động phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua. Điển hình tiên tiến là những tấm gương sinh động để giáo dục, thu hút mọi người tích cực tham gia thi đua, là nghệ thuật lấy phong trào chỉ đạo phong trào phát triển thành cao trào mạnh mẽ. Thông qua cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến để rút ra những sáng kiến hay, kinh nghiệm tốt, bổ ích cho việc động viên, thúc đẩy phong trào thi đua. Phát hiện điển hình tiên tiến là việc làm hết sức công phu, đòi hỏi người chỉ huy đơn vị phải đi sâu, đi sát với phong trào thi đua, tìm hiểu kỹ kinh nghiệm và thành tích của từng tập thể, cá nhân trong phong trào thi đua. Phải thông qua phong trào thi đua để phát hiện ra những điển hình tiên tiến. Khi điển hình tiên tiến xuất hiện, dù là còn mới, còn nhỏ phải nhanh chóng bồi dưỡng điển hình ngày một hoàn thiện, hoàn chỉnh, trở thành mẫu mực để toàn đơn vị học tập. Nội dung bồi dưỡng toàn diện trên tất cả các mặt, chú trọng bồi dưỡng về phẩm chất, năng lực, động cơ thi đua đúng đắn, ý thức trách nhiệm, biết giữ gìn và phát huy tác dụng trong mọi thời gian, có tinh thần tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, ý thức tổ chức kỷ luật trong thực hiện phong trào thi đua, khắc phục tư tưởng thỏa mãn, dừng lại, tự cao, tự đại, công thần địa vị. Bồi dưỡng các điển hình tiên tiến bằng nhiều biện pháp như giao nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ với động viên, khích lệ, đặt ra yêu cầu cao để họ phấn đấu rèn luyện. Tránh hiện tượng áp đặt, chủ quan cố tạo ra điển hình, khắt khe trong xây dựng điển hình hoặc đề cao quá mức phản tác dụng.


Bốn là, tổ chức sơ, tổng kết, bình công, báo công và khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào thi đua. Đây là biện pháp rất quan trọng, không thể thiếu trong tổ chức thi đua nhằm đánh giá đúng thành tích, kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện phong trào thi đua. Trong quá trình khen thưởng phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ từ trên xuống dưới, đảm bảo đúng nguyên tắc và đạt được các yêu cầu: Chính xác, dân chủ, kịp thời, công khai, xây dựng được tinh thần đoàn kết phấn khời, nêu cao tính tự phê bình và phê bình, đánh giá đúng người, đúng việc, tránh chủ quan, đơn giản, tranh công, đổ lỗi. Vấn đề mấu chốt trong công tác sơ, tổng kết phong trào thi đua là đúc rút tìm ra được những kinh nghiệm hay, chọn được tập thể và cá nhân tiên tiến xuất sắc, đồng thời khen thưởng đúng mức để động viên mọi người phấn đấu thực hiện tích cực hơn nữa.

Trên đây là một số nội dung, biện pháp cơ bản để phát huy vai trò của công tác thi đua, khen thưởng ở các cơ quan, đơn vị hiện nay. Những biện pháp trên ,tuy có vai trò, vị trí khác nhau nhưng đều có mối quan hệ biện chứng tác động qua lại với nhau và đều nằm trong tính chỉnh thể thống nhất. Thực hiện tốt biện pháp này là cơ sở tiền đề để thực hiện các biện pháp tiếp theo. Phát huy tốt vai trò của thi đua, khen thưởng sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện ở các cơ quan, đơn vị hiện nay và góp phần xây dựng nhân cách người quân nhân, xây dựng củng cố các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng vững mạnh toàn diện.

ThS Trần Quốc Tịch

Nguồn: thiduakhenthuongvn.org.vn

Tuyenquang.gov.vn: Cách đây 70 năm, ngày 11/6/1948, chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" để lôi cuốn, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân phát huy truyền thống yêu nước, ý thức tự lực tự cường, vượt qua mọi gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc. Lời kêu gọi đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho đồng bào và chiến sỹ cả nước, đưa cách mạng Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang. Nhiều năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc cùng một số bài nói, bài viết của Hồ Chí Minh về thi đua vẫn vẹn nguyên giá trị, trở thành cơ cở để Đảng, Nhà nước ta bổ sung, hoàn thiện chủ trương, đường lối và chính sách pháp luật về công tác thi đua - khen thưởng trong giai đoạn mới.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

giai đoạn 2016-2018.      Ảnh: Thành Công


          Theo Hồ Chí Minh, thi đua là một trong những biện pháp của quá trình vận động cách mạng, có ý nghĩa sâu sắc, rộng lớn. Thi đua khơi dậy tiềm năng sáng tạo của con người và cải tạo chính bản thân con người. Thi đua là để mọi người làm nhiều việc tốt hơn. “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất".           Hồ Chí Minh cho rằng mục đích của thi đua là để thực hiện tốt nhiệm vụ cách mạng trong từng tình hình và điều kiện cụ thể. Mục đích thi đua trong thời kỳ kháng chiến khác với thời kỳ hoà bình. Nội dung thi đua phải toàn diện, xuất phát từ nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, phải thiết thực, gắn với nhiệm vụ cụ thể, hướng vào giải quyết các công việc của nhân dân và với công việc cụ thể của mỗi người.           Xuất phát từ quan điểm lấy dân làm gốc, Người nêu cách tổ chức các phong trào thi đua là “Phải dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân để gây hạnh phúc cho dân”, phải khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân trong từng giai đoạn cách mạng.             Về phương châm thi đua yêu nước: Người chỉ rõ: “thi đua chứ không phải ganh đua”. Cần thân ái đoàn kết, giúp đỡ nhau để đạt thành tích cao, khen thưởng đúng người đúng việc mới động viên, thúc đẩy được phong trào.           Từ quan điểm thi đua yêu nước của Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước đã ban hành các chỉ thị, luật, văn bản về thi đua, khen thưởng. Luật Thi đua, Khen thưởng [2003]; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng [2013] và các văn bản của Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng là cơ sở quan trọng để thực hiện công tác thi đua, khen thưởng. Các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước ngày càng hoàn thiện, bám sát yêu cầu thực tiễn của đất nước, tạo chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền và nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng. Nhiều phong trào thi đua yêu nước được triển khai ở tất cả các lĩnh vực của đời sống đã mang lại hiệu quả thiết thực. Công tác phát hiện, tôn vinh, bồi dưỡng và nhân rộng các tấm gương, điển hình tiên tiến được triển khai nền nếp, khoa học, kịp thời, có sức lan tỏa trong xã hội.           Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, tỉnh Tuyên Quang đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh… Trong thời kỳ đổi mới, các phong trào thi đua diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong mọi cấp, mọi ngành, mọi lĩnh vực. Đặc biệt, phong trào thi đua yêu nước 10 năm qua [2008-2018] đã mang lại hiệu quả rõ rệt, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Tiêu biểu là các phong trào: "Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới"; “Sáng tạo trẻ”;”Thi đua tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Xóa đói giảm nghèo”; “Dạy tốt - học tốt”;”Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; “Cựu chiến binh gương mẫu”;”Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc”; Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”... Trong 10 năm qua, có 01 tập thể và 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, 03 cá nhân được tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới; 09 tập thể và 08 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhì, Ba; 63 tập thể, 199 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; 01 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, 56 cá nhân được tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, 42 cá nhân được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, 07 cá nhân được tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú; 66 tập thể được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ Thi đua; 05 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc; 7 tập thể và 435 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua cho 417 tập thể…và nhiều Cờ thi đua, Bằng khen, Giấy khen, Giải thưởng cho các tập thể và cá nhân khác. Tại Hội nghị sơ kết 02 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/BCT ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đã có 25 tập thể và 26 cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Bằng khen...

          Thấm nhuần tư tưởng và những lời Bác dạy về thi đua yêu nước; thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng, trong giai đoạn tiếp theo, Tuyên Quang tiếp tục nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị ở cơ quan, đơn vị; Phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, hàng năm đều có những điển hình tiên tiến, tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc, có sức lan tỏa trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề