So sánh quyền an thái và quyền an vinh năm 2024

Roi Thuận truyền. Quyền An Thái” hay “Trai An Thái. Gái An vinh”, những câu ca dao tôi đã từng được một võ sư nhắc đến khi kể rằng, võ Bình Định đã một thời vang tiếng, chẳng những nam nhi mà ngay cả giới quần thoa cũng biết đi quyền múa roi. Đất Bình Định xưa nay vốn nổi tiếng với các bài quyền như Thần Đồng, Ngọc Trản, Lão Mai, Lão Hổ... Nhân năm mới Canh Dần, chúng tôi về miền đất võ xem những thế võ được coi là chân truyền của số ít môn phái.

So sánh quyền an thái và quyền an vinh năm 2024

Tìm về đất của bậc chân sư

Hẳn những ai đã từng đặt chân đến miền đất võ Bình Định sẽ được từ những cụ già đến những đứa trẻ nhỏ thuộc lòng “nhắc” dùm bạn về những miền đất An Vinh, An Thái nơi xuất thân của các vị võ sư vang danh một thời và cũng là nơi phát sinh các môn phái võ thuật Bình Định.

“ Roi Thuận truyền

Quyền An Thái”

Hay: “Trai An Thái.

Gái An vinh”, …

những câu ca dao tôi đã từng được một võ sư nhắc đến khi kể rằng, võ Bình Định đã một thời vang tiếng, chẳng những nam nhi mà ngay cả giới quần thoa cũng biết đi quyền múa roi. Nhưng sau nhiều biến cố lịch sử, võ Bình Đình bị giảm sút nhiều về phẩm cũng như về lượng. Về phẩm thì các bậc võ sư tài danh đã đến tuổi già, trong khi đó lớp người đi sau rất ít điều kiện nối gót đàn anh. Về lượng thì số học trò không được nhiều, trong khi đó các võ sư không dạy một cách phổ quát như quyền Anh hay các loại võ khác, hơn nữa theo thông lệ “bí truyền” mỗi võ sư giữ lại cho mình vài thế không dạy cho học trò nên dần dần bị thất truyền…

Nhân dịp Tết Canh Dần, Tôi đến hai xã An Thái, An Vinh (Bình Định) để được ‘mục sở thị’ những thế võ từ những võ sư từng lừng danh một thời nay đã đến tuổi thất thập cổ lai hy. Hai xã nằm ở bờ Nam và bờ Bắc con sông Côn, chỉ được nối với nhau bằng cây cầu tre được dân làng gom tiền tự làm. Cây cầu tre đơn giản cứ mỗi mùa nước lũ đầu nguồn sông Côn tràn về lại là không còn dấu vết và vẫn nơi đó dân làng đôi bờ lại làm lại cây cầu khác.

Ông Sáu Mùi, người làng An Thái vẫn rầu lòng ví von rằng: “cây cầu tre tôi vẫn đi hàng ngày qua bên An Vinh, ngay đến tiếng kẽo kẹt của những phên tre dưới mặt cầu đã trở nên quên thuộc nhưng chẳng mấy khi cây cầu được chứng kiến chọn hết được những lớp võ sư nổi danh ở hai vùng đất này. Vì cứ mùa lũ cây cầu cũ mất đi, cây cầu mới mọc lên. Cũng như những võ sư nổi danh một thời nay cũng “thất tán” khắp nơi. Thế hệ mới nay chỉ học võ như một hình thức rèn luyện sức khỏe…”.

Lời ví von của ông Sáu Mùi có lẽ còn sâu sắc hơn khi chúng tôi được nghe kể hoàn cảnh của các võ sư danh tiếng của miền đất võ –Bình Định Trần Dần, Hồ Sừng, Phan Thọ, Lâm Ngọc Phú…giờ vẫn “chân quê”, mộc mạc như cây cầu tre bắc qua đôi bờ An Thái –An Vinh.

Đất An Thái xưa đã nổi danh với những thế võ bí truyền. Là nơi có võ sư Diệp Trường Phát, tự Thoại Chi, dục danh là Tàu Sáu tổ sư của môn phái An Thái. Cụ có thân phụ là người Trung hoa, năm 13 tuổi được song thân cho qua Trung hoa học tập. Hơn 10 năm cụ luyện được hổ quyền và Long quyền cùng thập bát ban võ nghệ với các võ sư thuộc nam phái Thiếu lâm. Sau 15 năm ông trở về An Thái, mở trường dạy võ và đã góp công đào tạo nhiều người nổi tiếng trong vùng như Chín Kỳ, Năm Tường, Phó Tuần Chẩn, Ba Phùng. Cùng các thế hệ tiếp theo có Quách Cang, Diệp Bảo Sanh (con ông Diệp Trường Phát), Tạ Cảnh Thâm…

Võ sư Diệp Trường Phát và võ sư Hồ Nhu là hai cao thủ võ lâm lúc bấy giờ. Các cụ già ở An Thái kể lại, hai võ sư này đã nhiều lần gặp gỡ, trao đổi võ nghệ và kết quả cuối cùng phần thắng môn roi thường thuộc về Hồ Nhu, còn về quyền thuộc về Diệp Trường Phát.

Đến giờ những câu chuyện về “Võ thuật Bình Đình chân truyền” vẫn được lưu tiếng: “ Năm 1924 môn phái An Thái xuất hiện với nhiều đệ tử nổi danh như các võ sư: Ba Phùng, Chín Kỳ, Phó Tuần Chẩn…và võ sĩ Năm Tường. Năm Tường đã từng thánh đấu với một võ sĩ hạng nặng người ngoại quốc là Abadou tại Sài Gòn, (hằng ngày Abadou luyện võ bằng cách dùng tay không đánh chết 12 con bò). Lúc đầu Abadou đồng ý nhưng sau khi võ sĩ Năm Tường về Bình Định thọ giáo thêm với võ sư Tàu Sáu, trở lại Sài Gòn thì Abadou từ chối không dám giao đấu nữa. Khi ấy ngay cả nhà cầm quyền Pháp ở Sài Gòn cũng không chấp nhận cuộc tỉ thí võ đài trên vì sợ Abadou bị Năm Tường đánh hạ…” Võ sư Huỳnh Ngọc Sương, người làng An Vinh, kể lại.

Từ những năm đầu thế kỷ XX, vùng đất An Thái và xa hơn nữa là các huyện An Nhơn, Tây Sơn, Tuy Phước, phong trào võ nghệ đã phát triển khá mạnh, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của võ sư Diệp Trường Phát. Võ sư Huỳnh Ngọc Sương,cho biết: “ Tàu Sáu đã tiếp thu có chọn lọc tinh hoa võ thuật lâu đời của cả vùng rộng lớn An Thái - An Vinh - Thuận Truyền - Kiên Mỹ - Cảnh Hàng - Vân Sơn - Háo Lễ - Văn Quang - Nước Mặn - Hữu Phát - Kỳ Sơn… vì nó có cùng gốc gác là võ Bình Định - Tây Sơn nửa sau thế kỷ XVIII, góp phần hình thành hệ thống quyền thuật của môn phái khá chặt chẽ, được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng. Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miên công, là phần xuất sắc cao diệu chỉ được truyền thụ khi đã luyện qua Hổ quyền và Long quyền…”.

Mục sở thị Hổ quyền

Những thế quyền tinh hoa của Bình Định, Tây Sơn được đúc kết thành các bài thảo bộ nhằm giúp người tập luyện nhuần nhuyễn và hoàn chỉnh từng chiêu thức. Đất Bình Định có các bài quyền nổi tiếng như Thần Đồng, Ngọc Trản, Lão Mai, Lão Hổ... Ngoài ra, các võ sư tiền nhân còn nghiên cứu từ các loài vật trong tự nhiên, sáng tạo thành những bài hình tượng quyền như Ngũ cầm quyền (long, hổ, báo, xà, hạc), Linh miêu hý thử, Kim xà xuất động, Kim báo quyền, Mãnh hổ xuất sơn...

Với phái võ An Thái - Bình Định thì có đủ bốn môn: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Võ Sư Huỳnh Ngọc Sương kể rằng: “Ngày xưa muốn thành đạt môn Hổ quyền phải tập luyện ròng rã từ 1 đến 3 năm, Long quyền từ 4 đến 6 năm, Hầu quyền từ 7 đến 9 năm và Xà quyền từ 10 đến 12 năm. Một võ sinh tập từ 1 đến 3 năm thì chỉ mới đến trình độ tiểu thành, từ 4 đến 9 năm lên trung thành và từ 10 đến 12 năm mới đạt được bậc đại thành…”.

Trước giao thừa đón Tết Canh Dần, ông Sáu Mùi dẫn chúng tôi đến thăm nhà võ sư Trần Dần khi cả nhà ông đang dọn dẹp căn nhà nhỏ để đón Tết . Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy nhưng dáng ông vẫn thật nhanh nhẹn. Ít nói, nhưng khi nhắc đến thời trai trẻ, ông kể liền một mạch cho chúng tôi nghe câu chuyện khi 32 tuổi ông hạ ván bậc Ngũ đẳng của Đại Hàn. “Thời đó, quân đội Hàn đánh thuê cho Mỹ mang võ thuật đến Bình Định để dạy nhưng khi bị tôi đánh gục tên có bậc Ngũ đẳng thì bọn Hàn vội vàng bỏ không dạy nữa…”.

Trước lời đề nghị của chúng tôi, ông Dần bước ra sân đi một bài quyền, vừa ra thế võ vừa giảng giải kỹ càng cho những người tự nhận là không mấy am hiểu về võ thuật như chúng tôi: “Hổ Quyền được ứng với một con vật trong Đồ hình Bát Quái 8 con vật, gồm: Hổ, hạc, nhạn, gà, chim phụng, rắn, long, khỉ. Mỗi con vật ứng với một quẻ, được thiết lập ở một hướng khác nhau, trong đó ở quẻ con hổ (trong võ học gọi là Hổ tấn-tức là “bộ ngựa” con cọp). Tư thế này như hổ chuẩn bị tấn công: vai trái xoay nghiêng, tiến chân trái về phía trước, chân phải trụ vững phía sau. Xoay 2 bàn chân song song về hướng tay phải. Mắt mở to đầy uy lực và nhìn sang trái. Hạ người xuống thấp (bộ hạ), 2 tay vận nội công đưa về trước ngực, lòng bàn tay hướng về phía trước, sau đó dồn toàn bộ các thành công lực vào các đầu ngón tay (các ngón tay cong đều, hơi hở ra như móng hổ đang vồ mồi - trong võ học gọi là Hổ trảo)…”

“ …Trong môn phái An Thái có Thảo Tam Cước Hổ, tức là ba bước chân cọp chứ không phải là con cọp có ba chân. Thảo này thuộc Hổ quyền, khi ra đòn ta di chuyển nhẹ nhàng và tránh phải vướng vúi chân của đối phương trong khi ta công hay thối lui. Nói theo tiếng nhà nghề thì tránh được sự gài ngựa vì trong khi giao đấu ta bị địch gài ngựa thì sẽ lâm vào cảnh tấn thối lưỡng nam và nếu không phá giải kịp thì khó mà thoát khỏi đối phương đánh ngã…”.

Ông Sáu Mùi nói rằng : “ Lâu rồi mới thấy ông Dần biểu diễn cho người ngoài xem, vì lâu nay Sở Văn hóa Thông tin vẫn về mời ông đi dự các liên hoan võ thuật nhưng ông đều từ chối. ”.

Rời khỏi đất An Thái, An Vinh khi dân làng ở đây đang chuẩn bị những trò chơi ngày Tết. Mỗi dịp Tết đến, dân An Thái có trò chơi "phá giàn tranh heo" để thi thố sức khỏe và sự nhanh nhẹn của các võ sĩ. Những người dự thi đứng chung quanh giàn, chờ người trưởng trò chặt đứt dây giữ giàn buộc con heo quay rơi xuống. Người dự thi phải dùng mọi thủ pháp, miếng võ, sức mạnh và sự nhanh nhẹn để đoạt bằng được con heo. Ai tranh được, vác chạy một mạch về thôn mình là thắng cuộc, được mọi người tôn vinh và trọng nể. Hy vọng rằng những truyền thống tốt đẹp nơi miền đất võ sẽ tiếp tục sản sinh ra những võ sư nổi tiếng tiếp nối những tâm huyết của các bậc chân sư truyền lại.