Tại sao phải ngã quỵ vì tình

Thứ ba, 17/12/2019, 07:06 GMT+7

(Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp) Đột quỵ đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người và ở Việt Nam ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nó thường xuất hiện đột ngột, tỷ lệ tử vong cao và nhiều khi để lại hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, nếu nhận biết dấu hiệu sớm của bệnh sẽ giúp bạn hạn chế được những tác hại đáng tiếc.

Tại sao phải ngã quỵ vì tình

Tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ) là bệnh lý tổn thương một phần não, xảy ra đột ngột do các nguyên nhân: tắc nghẽn các mạch máu trên não, gây thiếu máu đến nuôi não. Nó có thể khiến một người đang khỏe mạnh bỗng dưng gục xuống, hôn mê, liệt nửa người, thậm chí dẫn đến tử vong hoặc sống với các di chứng nặng nề.

Theo thống kê, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong thứ ba (sau tim mạch và ung thư) và là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu. Ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc đột quỵ đang tăng cao một cách báo động. Theo đó, mỗi năm, Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ não mới.

Chính vì tính chất nguy hiểm của căn bệnh này, nên việc phòng ngừa nguy cơ xảy ra đột quỵ rất quan trọng. Đột quỵ không có triệu chứng báo hiệu kéo dài nên không ai có thể biết trước mình sẽ bị đột quỵ. Bạn hãy nắm vững những dấu hiệu sau đây là có thể phát hiện sớm chứng đột quỵ ở bản thân hay những người xung quanh để có thể cấp cứu kịp thời.

1. Dấu hiệu của người bị đột quỵ

- Dấu hiệu ở thị lực: Thị lực giảm, nhìn mờ dần cả hai mắt hoặc một mắt, tuy nhiên biểu hiện này không rõ ràng như các dấu hiệu yếu cơ mặt, yếu tay và các vấn đề về ngôn ngữ. Chỉ có người bệnh khi nhận thấy mình có dấu hiệu này thì nên yêu cầu được cấp cứu ngay.

– Dấu hiệu ở mặt: Mặt có biểu hiện thiếu cân xứng, miệng méo, nhân trung hơi lệch qua một bên so với bình thường, nếp mũi má bên yếu bị rũ xuống. Đặc biệt khi người bệnh nói hoặc cười thì sẽ thấy rõ dấu hiệu méo miệng và thiếu cân xứng trên mặt.

– Dấu hiệu yếu tay hoặc chân: Khi xảy ra đột quỵ, một triệu chứng hay gặp là một bên cánh tay hoặc chân (hoặc cả hai) đột ngột yếu đi, tê bì. Tình trạng này thường ảnh hưởng đến các chi ở bên đối diện vùng não xảy ra đột quỵ. Cảm giác của người bị đột quỵ là tay bị tê mỏi, khó cử động, khó thao tác, không nhấc chân lên được. Bạn có thể kiểm tra bằng cách mở rộng cả hai cánh tay trong 10 giây. Nếu một cánh tay bị rơi xuống thì có thể là chỉ báo yếu cơ - một dấu hiệu của bệnh.

– Dấu hiệu qua giọng nói: Người bị đột quỵ có thể gặp triệu chứng khó nói hoặc nói ngọng bất thường, môi lưỡi bị tê cứng, miệng mở khó, phải gắng sức thì mới nói được.
Hãy tự kiểm tra bằng cách lặp đi lặp lại một cụm từ. Bạn có bị nói líu, dùng từ sai hoặc không thể nói? Nếu điều này xảy ra thì nhiều khả năng bạn bị đột quỵ.

– Dấu hiệu qua nhận thức: Người bệnh có biểu hiện rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, mắt mờ, tai ù không nghe rõ.

– Dấu hiệu ở thần kinh: Người bệnh cảm thấy nhức đầu dữ dội. Đây là triệu chứng nặng và khá phổ biến của bệnh đột quỵ, nhất là người bệnh có tiền sử bị đau nửa đầu.

Tại sao phải ngã quỵ vì tình

Một số dấu hiệu khác:

- Tự nhiên chóng mặt: Hệ thống tuần hoàn sẽ gặp nhiều khó khăn, nếu tim quá yếu. Bộ não không nhận đủ oxy cần thiết. Điều đó sẽ làm bạn luôn cảm thấy chóng mặt, thậm chí đau đầu. Do đó bạn cần chú ý và đi chẩn đoán bệnh ngay khi có biểu hiện trên thường xuyên.
Nếu bạn bị chóng mặt, buồn nôn hoặc gặp khó khăn về đi lại thì bạn có thể nghĩ rằng mình bị say, song thực tế đó có thể là dấu hiệu của đột quỵ.

- Đau đầu nặng: Cơn đau đầu nặng, đột ngột là một triệu chứng hay gặp ở người bị đột quỵ.

- Yếu một bên cơ mặt: Yếu một bên cơ mặt, đột ngột có thể là dấu hiệu của đột quỵ. Để kiểm tra, các nhân viên cấp cứu có thể yêu cầu bạn cười hoặc nhe răng. Nếu một bên mặt của bạn chùng xuống hoặc không cử động thì có thể bạn bị tình trạng này.

- Khó thở hoặc tim đập nhanh: Một nghiên cứu về những khác biệt giới trong đột quỵ cho thấy phụ nữ dễ bị các triệu chứng khó thở hoặc tim đập nhanh khi đột quỵ.

2. Cách phòng ngừa bệnh đột quỵ

Tại sao phải ngã quỵ vì tình

Theo BS.CK1 Đặng Vắn Tuấn, Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu Bệnh viện Tâm Trí Đồng Tháp, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn phế hàng đầu, gây tử vong thứ ba sau tim mạch và ung thư.

Theo đó, mọi người, đặc biệt là người trên 50 tuổi nên khám sức khỏe định kỳ hàng năm để có thể phát hiện sớm và được bác sĩ tư vấn điều trị đúng cách để phòng những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

– Ổn định huyết áp ở những người mắc bệnh huyết áp cao: Huyết áp cao là nguyên nhân chính gây đứt mạch máu não, vì thế bệnh nhân cần được điều trị để ổn định huyết áp, tránh nguy cơ đột quỵ.

– Ổn định đường huyết: Bệnh tiểu đường là yếu tố gây mảng xơ vữa động mạch lớn, dẫn đến thiếu máu ở não. Ổn định đường huyết cũng là cách để phòng ngừa bệnh đột quỵ.

– Kiểm soát cholesterol trong máu.

– Bỏ thuốc lá, giảm uống rượu: Thuốc lá là nguyên nhân chính gây bệnh mạch máu não. Ngừng hút thuốc lá là đã giảm thiểu nguy cơ rất lớn gây đột quỵ.

– Thiết lập một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều rau xanh, ít dầu mỡ, ít cholesterol và muối.

– Thường xuyên vận động để rèn luyện thể chất.

– Ổn định trọng lượng cơ thể.

3. Giờ vàng khắc phục đột quỵ

3 giờ đầu tiên sau đột quỵ được xem là “thời gian vàng” do lúc này các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện, khả năng hồi phục rất cao. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại, khó phục hồi. Do vậy khi xuất hiện các triệu chứng đột quỵ cần đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Không nên áp dụng các phương pháp truyền miệng, dân gian hoặc sử dụng các loại thuốc không rõ tác dụng, những việc này sẽ làm chậm trễ thời gian vàng cho điều trị.

Nên cho bệnh nhân đột quỵ tập vận động càng sớm khi có thể. Trước đây, có nhiều quan niệm sai lầm khi bắt bệnh nhân nằm nguyên một tư thế, thậm chí không được nhúc nhích đầu sau khi bị đột quỵ. Hiện nay, các thầy thuốc đều khuyến cáo nên cho các bệnh nhân tập luyện sớm, có thể bắt đầu sau 24 hoặc 48 giờ, khi đã qua giai đoạn nguy hiểm. Ngoài ra việc tập vận động sớm có thể làm giảm các biến chứng khác như viêm phổi, loét do tì đè.

Hồi phục sau đột quỵ là một quá trình tự nhiên. Quá trình phục hồi đòi hỏi thời gian - phần lớn trong 3-6 tháng đầu, nhưng có thể tiếp tục tiến triển cho đến 2 năm hoặc lâu hơn. Vì vậy, bệnh nhân không nên mất hy vọng nếu bị tàn phế nặng.

4. Cách xử trí người bị đột quỵ

Khi phát hiện người có các dấu hiệu đột quỵ, cần xử trí đúng cách:

- Đỡ người bệnh để không bị té ngã chấn thương.

- Để người bệnh nằm xuống chỗ thoáng, nghiêng qua một bên nếu nôn ói; móc hết đàm nhớt cho bệnh nhân dễ thở.

- Gọi xe đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Không tự ý cho uống hoặc nhỏ thuốc hạ huyết áp hay bất kỳ loại thuốc nào khác.

- Không để nằm chờ xem có khỏe lại không.

- Không cạo gió, cắt lễ, cúng vái…

- Phải đưa người bệnh vào bệnh viện càng nhanh càng tốt để có thể cứu sống kịp thời các phần não chưa chết nhưng đang bị thiếu máu nuôi, đang bị sưng, hoặc bị chèn ép.

Nam giới có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 1,25 lần so với nữ giới nhưng nữ giới lại tử vong do đột quỵ nhiều hơn. Nam giới bị đột quỵ ở độ tuổi trẻ hơn và do đó, tỷ lệ được cứu sống cao hơn nữ giới. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ chỉ có ở phụ nữ gồm: mang thai, sinh nở, mãn kinh và uống thuốc ngừa thai. Những yếu tố nguy cơ trên thay đổi tùy thuộc vào mức dao động của hormon và các giai đoạn của cuộc đời.

Tại sao phải ngã quỵ vì tình

Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao là cách tốt nhất để tránh đột quỵ - Ảnh: CHÂU ANH

Bà con cần nhớ nguyên tắc là “Méo cười, ngọng nói, xuội tay / Mau gọi cấp cứu, đi ngay đừng chờ”. Đừng phí thời gian vào những việc vô ích. Điều trị sớm có thể cứu sống bệnh nhân đột quỵ và mang đến nhiều cơ hội hồi phục

TS.BS NGUYỄN BÁ THẮNG (BV Đại học Y dược TP.HCM)

Khi ngủ trưa dậy, tôi nhanh chóng đi tắm. Khi đó khắp cơ thể tôi lạnh buốt rồi ngã qụy ngay, sau đó méo miệng, không nói và cử động được. Lúc đó, người thân trong nhà thấy vậy lập tức đưa tôi đến ngay Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Được các bác sĩ điều trị, bây giờ sức khỏe tôi tốt, đi đứng và sinh hoạt bình thường

Ông Nguyễn Văn Năm (68 tuổi, quận 8, TP.HCM)

TS.BS Nguyễn Bá Thắng - trưởng đơn vị đột quỵ Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM - cho biết nguyên tắc "Mất thời gian là mất não" tại buổi tư vấn "Đừng gục ngã vì đột quỵ", do Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM tổ chức sáng 29-10.

"Tế bào thần kinh sẽ bị chết dần sau khi khởi phát đột quỵ. Cứ một phút trôi qua sẽ có khoảng 2 triệu tế bào não chết đi. Vì thế bệnh nhân cần được điều trị càng sớm càng tốt" - BS CKII Cao Văn Sang cho biết như vậy tại buổi sinh hoạt cộng đồng "Đột quỵ - phòng ngừa như thế nào?", do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tổ chức sáng cùng ngày.

Hai dạng đột quỵ

Đột quỵ (còn gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng tổn thương não cấp tính. Có hai dạng đột quỵ là đột quỵ thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não. Tuy nhiên, trên thực tế, đột quỵ thiếu máu não là dạng đột quỵ thường gặp hơn. Cứ 3 bệnh nhân đột quỵ sẽ có 2 người đột quỵ thiếu máu não.

Đột quỵ thiếu máu não xảy ra khi có cục máu đông do mảng xơ vữa tại mạch máu não hoặc từ nơi khác theo dòng máu di chuyển đến não gây tắc nghẽn mạch máu. Tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương, nếu để lâu tế bào sẽ chết. Trong khi đó, đột quỵ xuất huyết não xảy ra khi một mạch máu bị vỡ. Mức độ nghiêm trọng của đột quỵ tùy thuộc vào diện tích vùng não bị tổn thương và thời gian tế bào não không được cung cấp máu đầy đủ.

Tại sao phải ngã quỵ vì tình

10 bí quyết

1 - Nhận biết sớm biểu hiện: Méo miệng, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng. Yếu liệt tay chân, có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu bệnh nhân giơ hai tay, hai chân lên cao. Ngôn ngữ bất thường, giọng bị đơ đớ, có thể đề nghị bệnh nhân lặp lại cụm từ gì đó xem họ có hiểu và lặp lại được không. Đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.

2 - Đừng chủ quan cơn thiếu máu não thoáng qua. 

Trong nhiều trường hợp, người có triệu chứng đột quỵ chỉ bị "thoáng qua", khoảng một giờ sau đó giảm dần, nhưng không vì vậy mà nghĩ rằng mình đã khỏe. Vì sự tắc nghẽn mạch máu nhỏ sẽ khiến một phần nhỏ mô não bị thiếu máu tạm thời và sớm được phục hồi nhờ cục máu đông tự vỡ (do kích thước nhỏ), hoặc mô não này có thể nhận được dòng máu từ một nhánh mạch máu cạnh bên. 

Tuy nhiên, cứ 10 bệnh nhân có cơn thiếu máu não "thoáng qua" thì sẽ có 1 người xuất hiện đột quỵ thật sự trong một tuần kế tiếp.

3 - Xác định thời gian khởi bệnh đột quỵ.

4 - Giữ bệnh nhân nằm yên, tránh bị té ngã, sau đó cho bệnh nhân nằm đầu cao 30 độ.

5 - Đưa bệnh nhân đến ngay các trung tâm có thể can thiệp đột quỵ não cấp tính để được điều trị kịp thời.

6 - Nếu bệnh nhân lơ mơ, hôn mê: cần xem bệnh nhân thở bình thường, thở nhanh, thở chậm hay ngừng thở. Nếu ngừng thở thì cần hô hấp nhân tạo, vì cấp cứu hô hấp là việc đầu tiên phải làm để đảm bảo đủ oxy cho tim và não.

7 - "Thời gian vàng" để cấp cứu tính từ triệu chứng khởi phát cơn đột quỵ là sáu giờ. Thời gian tốt nhất là ba giờ sau khi xảy ra cơn đột quỵ. 

Với sự tiến bộ của y học, ngày nay người ta có thể dùng thuốc làm tan cục máu gây ra tắc mạch máu não. Tuy nhiên, nó chỉ được dùng cho những người bệnh đến viện sớm trong vòng 4,5 giờ sau khi khởi phát bệnh. 

Từ 4,5-6 giờ chỉ còn có thể áp dụng thông mạch bằng dụng cụ rút huyết khối. 

Nếu muộn hơn, không còn thông mạch được nữa thì việc điều trị rất khó khăn, khả năng tiên lượng xấu rất cao.

8 - Tuyệt đối đừng chờ đợi với hi vọng cơn đột quỵ sẽ qua đi, hoặc cho bệnh nhân uống thuốc linh tinh... Theo các bác sĩ, khi có các dấu hiệu nghi bị đột quỵ, cần đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế càng nhanh càng tốt.

9 - Tự uống thuốc hạ huyết áp là tự hại mình.

10 - Đột quỵ thiếu máu não hiện có thể được điều trị nếu cấp cứu kịp thời. Khi thấy người nhà có dấu hiệu của đột quỵ, việc cần làm của người thân là gọi ngay cấp cứu.

Những sai lầm khi cứu người đột quỵ

1 - Không được tự ý điều trị cho bệnh nhân dù chỉ là bấm huyệt, châm cứu, cạo gió, cắt lễ... Vì những động tác này có thể làm chậm trễ việc điều trị, khiến bệnh ngày càng trầm trọng hơn.

2 - Không được cho bệnh nhân ăn uống để đề phòng nôn ói, trào ngược thức ăn vào đường thở sẽ rất nguy hiểm.

3 - Không tự ý dùng thuốc hạ áp hay ngậm thuốc huyết áp dưới lưỡi. Bởi vì đột quỵ có hai dạng đột quỵ do thiếu máu não và đột quỵ xuất huyết não, nếu bệnh nhân đột quỵ do thiếu máu thì khi ngậm thuốc dưới lưỡi sẽ làm tuột huyết áp, các tĩnh mạch càng thiếu máu, làm tăng nguy cơ tử vong hơn. 

Ngoài ra, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân dẫn tới đột quỵ, nhưng nó là sự ảnh hưởng của một quá trình dài. 

Ở thời điểm đột quỵ do tắc mạch máu thì cơ thể sẽ có cơ chế tự động tăng huyết áp để bằng mọi cách "khơi thông" dòng máu. Nếu uống thuốc hạ huyết áp vào thời điểm này sẽ đi ngược cơ chế tự nhiên của cơ thể và làm mất thêm thời gian.

M.KHANG - X.MAI