Thành tựu về văn hóa sau 20 năm đổi mới

Theo báo cáo tóm tắt của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Đình Khiển: Trước đổi mới, nền kinh tế nước ta đang trong tình trạng trì trệ và tăng trưởng thấp, sản xuất không đủ cho tiêu dùng, tích lũy; phần lớn phải dựa vào vay mượn từ bên ngoài… Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI được đánh dấu là một bước ngoặt lịch sử đổi mới tư duy và đường lối phát triển đất nước trong thời kỳ mới với nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

Qua 20 năm đổi mới chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng:

Công trình thủy điện Sơn La

Đất nước ra khỏi khủng hoảng kinh tế, đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh, tăng cường cơ sở vật chất, tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới. Kết thúc kế hoạch 5 năm [1986 - 1990], GDP tăng bình quân 4,4%/năm. Điều quan trọng là đã chuyển đổi cơ bản cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới, thực hiện một bước quá trình đổi mới kinh tế - xã hội và giải phóng sức sản xuất. Trong 5 năm [1991- 1995], nền kinh tế đã khắc phục được tình trạng trì trệ, suy thoái; tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân hàng năm tăng 8,2%, vượt mức kế hoạch đề ra. Thời kỳ 1996 - 2000, được xác định là bước quan trọng của phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; đã duy trì nhịp độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước GDP bình quân 7%/năm. Năm năm 2001 - 2005, đất nước vượt qua nhiều khó khăn thử thách đạt được GDP tăng bình quân 7,5%/năm. Đó là những thành tựu rất quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010.

Tạo dựng được những tiền đề phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thứ nhất, cân đối, tích lũy - tiêu dùng được cải thiện theo hướng giảm dần tỷ lệ tiêu dùng trong cơ cấu tích lũy - tiêu dùng, tăng khả năng tích lũy để đầu tư phát triển, bảo đảm mục tiêu vừa cải thiện mức sống của dân cư vừa tăng khả năng tích lũy để công nghiệp hóa.

Thứ hai, cải thiện một bước kết cấu hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, thủy lợi, thúc đẩy khả năng phát triển kinh tế và cải thiện đời sống dân cư.

Thứ ba, giáo dục và đạo tạo, khoa học và công nghệ phát triển khá.

Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã từng bước được hình thành; khuôn khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách, các chế tài quản lý kinh tế được đổi mới phù hợp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế để phát huy tiềm năng của từng ngành, từng vùng, từng thành phần kinh tế trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Cơ cấu ngành kinh tế đã từng bước chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát huy lợi thế so sách trong từng ngành, từng vùng làm tăng hiệu quả và chất lượng phát triển. Cơ cấu vùng chuyển dịch theo hướng phát huy các lợi thế. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ lệ lao động trong sản xuất thuần nông, tăng tỷ lệ lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ. Cơ cấu các thành phần kinh tế có sự dịch chuyển theo hướng sắp xếp lại và đổi mới khu vực doanh nghiệp Nhà nước.

Thúc đẩy phát triển kinh tế đối ngoại, tăng khả năng hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Hoạt động kinh tế đối ngoại đã có bước phát triển mạnh mẽ, đưa nước ta nhanh chóng hội nhập với kinh tế khu vực và thế giới, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ với các nước, các tổ chức tài chính quốc tế.

Giải quyết đáng kể các vấn đề xã hội và xóa đói giảm nghèo.

Công tác xóa đói giảm nghèo được sự quan tâm của các ngành, các cấp, đã trở thành phong trào sâu rộng trong quần chúng nhân dân, thực sự giúp các hộ nghèo đói giảm bớt khó khăn, từng bước tự vươn lên thoát cảnh đói nghèo và hòa nhập cộng đồng. Tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2005 [theo chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2001 - 2005] giảm xuống còn 7% trên tổ số hộ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng. Hoạt động văn hóa thông tin phát triển đa dạng, cải thiện đời sống văn hóa của nhân dân. Chính trị - xã hội ổn đinh; an ninh được củng cố, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được tăng cường một bước. Cải cách hành chính có những tiến bộ nhất định. Dân chủ xã hội tiếp tục được phát huy. Nhiều vụ tiêu cực, tệ nạn xã hôi, tội tham nhũng bị phát hiện và xử lý nghiêm…

Theo báo cáo của ông Trần Đình Khiển, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 là: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đạt được chuyển biến quan trọng về nâng cao hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển. Cải thiện rõ rệt đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân. Tạo được nền tảng để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Giữ vững ổn định chính trị, an toàn xã hội. Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.

Chủ Đề