Theo quy định của Hiến pháp Việt năm 2013 Tòa án nhân dân có máy cấp

[Pháp lý] - Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới. Một trong những điểm mới là những quy định về cách thức tổ chức quyền lực nhà nước. Khoản 3 Điều 2 đã xác định:“Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Trong đó, Điều 102 đã quy định “Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp”.

Phiên tòa xét xử vụ án đánh bạc ngàn tỷ tại Phú Thọ.]

Thực hiện quyền tư pháp

Hiến pháp năm 2013 đã xác định rõ Quốc hội là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp [Điều 69], Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp [Điều 94], Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp [Điều 102] và nhiệm vụ của Tòa án theo đó cũng có thay đổi.

Điều 102 quy định:

“1. Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp.

2. Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án khác do luật định.

3. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến ở nước ta, quyền tư pháp và cơ quan thực thi quyền tư pháp được quy định rõ. Theo đó, có thể hiểu rằng, Tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp, là cơ quan xét xử duy nhất của Nhà nước, chỉ có Tòa án là cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật bằng chế tài nhà nước, giải quyết các tranh chấp bằng quyền lực nhà nước. Do vậy, khi nói đến quyền tư pháp là nói đến quyền của Tòa án và chỉ là Tòa án; Cơ quan thực hiện quyền tư pháp duy nhất chỉ là Tòa án.

Quy định của Hiến pháp đã làm thay đổi nhận thức về chức năng, vai trò, nhiệm vụ và tổ chức của hệ thống Tòa án, để bảo đảm cơ quan này thực sự là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. [theo TS Đinh Thế Hưng, ThS Nguyễn Ngọc Mai - tác giả bài “Tổ chức thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp 2013”, Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử, ngày 01 tháng 12 năm 2018]

Hiến pháp năm 2013 cũng bổ sung các nhiệm vụ của Tòa án với tư cách cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, Tòa án thông qua chức năng xét xử thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong đó, nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là hai điểm mới của Hiến pháp 2013 về Tòa án và quyền tư pháp.

Hiến pháp 2013 còn có quy định mới về nhiệm vụ của Tòa án: TANDTC thực hiện việc tổng kết thực tiễn xét xử, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Quy định này mở đường cho việc thực hiện nhiệm vụ của cải cách tư pháp là TANDTC phát triển án lệ và cho việc tiếp tục nghiên cứu để trao chức năng giải thích pháp luật cho Tòa án, đảm bảo để Tòa án thực sự là “cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.

Ngoài ra, về nguyên tắc độc lập xét xử, Hiến pháp 2013 đã bổ sung theo hướng làm rõ nội dung của nguyên tắc này: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, Hội thẩm”. Theo đó, độc lập tư pháp được xem xét ở 3 phương diện: độc lập của quyền tư pháp, độc lập của Tòa án và độc lập của Thẩm phán.

Về cách thức thực hiện quyền tư pháp, Hiến pháp năm 2013 đã có những quy định mới. Nếu Hiến pháp năm 1992 tại Điều 132 quy định: “Quyền bào chữa của bị cáo được đảm bảo” thì Hiến pháp năm 2013 đã quy định thêm cả quyền bào chữa của bị can, khoản 7 Điều 103 quy định “Quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo đảm”. Ngoài những nguyên tắc tố tụng đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, như nguyên tắc Tòa án xét xử công khai trừ trường hợp do luật định, nguyên tắc khi xét xử sơ thẩm có Hội thẩm tham gia, nguyên tắc Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, nguyên tắc Tòa án xét xử tập thể và quyết định theo đa số, Hiến pháp năm 2013 còn xác định thêm: “Nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm” [khoản 5 Điều 103] và “Chế độ xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được bảo đảm” [khoản 6 Điều 103].

Triển khai trong thực tế

Để bảo đảm tính độc lập của Tòa án, Hiến pháp năm 2013 không quy định Chánh án Tòa án địa phương chịu trách nhiệm báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân như quy định của Hiến pháp năm 1992.

Thực hiện chủ trương tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân [TAND] năm 2014 đã thành lập thêm Tòa án nhân dân cấp cao [TANDCC] trong hệ thống TAND, có chức năng xét xử phúc thẩm các bản án của TAND tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ, chưa có hiệu lực pháp luật, bị kháng nghị, kháng cáo và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và tương đương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ bị kháng nghị theo quy định của luật tố tụng.

Lực lượng Luật sư đông đảo tham gia phiên tòa xét xử vụ chạy thận tại Hòa Bình.]

Do việc thành lập thêm TANDCC nên TANDTC không còn thẩm quyền xét xử phúc thẩm các bản án của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và TAND cấp tỉnh cũng không còn thẩm quyền xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm các bản án của TAND cấp huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Các thẩm quyền nói trên theo Luật Tổ chức TAND năm 2014 được chuyển cho TANDCC.

Để tăng cường việc bảo vệ các quyền con người và quyền công dân, mà đặc biệt là quyền của phụ nữ và trẻ em, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã thành lập thêm Tòa gia đình và người chưa thành niên trong TAND cấp tỉnh, TANDCC và có thể thành lập tòa này ở TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Để tăng cường tính độc lập và ổn định nghề nghiệp của Thẩm phán, Luật tổ chức TAND năm 2014 cũng đã kéo dài thời gian từ nhiệm kỳ thứ hai của Thẩm phán từ 5 năm lên 10 năm [Điều 74].

Những vấn đề đặt ra

Những quy định mới của Hiến pháp năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ của TAND là những bước tiến tích cực.

Tư pháp là thành trì bảo vệ tự do, hay nói cách khác, tư pháp - tòa án chính là thành trì để bảo vệ công lý. Con người sống thành xã hội, nên khi xảy ra những mâu thuẫn, cần phải có sự phân giải đúng sai, để gìn giữ sự bình an của xã hội. Quyền của một người nào đó phải bị tước bỏ, nếu người đó vi phạm quyền của người khác. Đó là lẽ công bằng, công bằng tức là công lý. Xét xử vì công lý khác với xét xử không vì công lý, mà vì một thứ gì đó, như để bảo vệ nhà vua chẳng hạn. Xét xử không vì công lý thì tòa án trở thành công cụ, thiết chế bảo vệ quyền lợi của nhóm lợi ích thân quen của vua chúa, của quan chức nhà nước. Và thuật ngữ “chủ nghĩa thân hữu” đã được hình thành để chỉ những hành vi của nhóm lợi ích nói trên.

Một khi quyền con người đã được ghi nhận, thì quyền đó phải được bảo vệ. Thiết chế bảo vệ quyền con người là nhà nước, với một bộ phận chuyên biệt được gọi là tòa án đảm nhiệm việc phân xử các vụ việc.

Sự phán xử tranh chấp một cách hoà bình của thiết chế công, mà ngày nay được gọi là Toà án là giải pháp thay thế, trong đó các sự kiện được phân tích kỹ lưỡng và việc tự biện hộ cho mình, cũng như các lý lẽ khác có thể bào chữa hay giải thích, được xem xét và cân nhắc. Đó là một biện pháp công bằng được thành lập để giải quyết một cách hoà bình các tranh chấp. Với nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp này, Toà án có tác dụng thiết lập nên trật tự lâu dài cho một xã hội.

Thể chế Toà án là một thể chế rất đặc biệt trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Không những nó được hưởng quy chế phân quyền như các cơ quan lập pháp và hành pháp, mà còn phải độc lập hoàn toàn trước hai cơ quan này. Mặc dù nhiều nhà nước dân chủ tư sản được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng trên thực tế, hành pháp và lập pháp vẫn có sự phối kết hợp với nhau ở một mức độ nhất định, chỉ có tư pháp - do chức năng xét xử, bao giờ cũng được độc lập. Sức mạnh của nhà nước pháp quyền tuỳ thuộc nhiều vào sự độc lập của hệ thống tư pháp.

GS.TS. Nguyễn Đăng Dung nhận định: Theo quy định của Hiến pháp, TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, thì chúng ta phải có những thay đổi căn bản. Ví dụ như, đã từng có tranh luận về việc khi tuyên án, Tòa án nên nhân danh ai hoặc nhân danh cái gì để ra phán quyết. Có ý kiến cho rằng, Tòa án tuyên bố như hiện nay “nhân danh nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” là chưa hợp lý, mà lẽ ra phải tuyên bố là “nhân danh công lý”. Theo chúng tôi, Tòa án là một trong những thiết chế mà thông qua đó, pháp luật được hóa thân và hiện hữu một cách đầy đủ nhất của công lý. Do trong thực tế, khái niệm “pháp luật” và “công lý” không nhất thiết phải đồng nhất, nên sẽ là hợp lý hơn nếu quan niệm rằng, phán quyết của Tòa án là thứ phán quyết nhân danh công lý. Về cơ bản, công lý đó phải lấy pháp luật làm cơ sở tối thượng để hình thành nên các phán quyết của mình. [theo Nguyễn Đăng Dung - tác giả bài “Tòa án thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý”, Tạp chí Tổ chức nhà nước, ngày 19/3/2015].

Nếu để cho Tòa án phán quyết theo công lý, thì nguyên tắc hoạt động, tổ chức của Tòa án phải khác căn bản với nguyên tắc tổ chức và hoạt động vì chế độ, vì nhà nước. Trong thực tế trước đây và hiện nay, chúng ta đã và đang tiến hành nhiều cuộc cải cách tư pháp, nhưng nhiều vấn đề vẫn còn chưa được giải quyết. Việc một số nơi cảnh sát điều tra vẫn tiếp tục lạm dụng quyền lực bắt, giữ người nghi là tội phạm, việc quá phụ thuộc vào lời nhận tội của nghi phạm, những khó khăn của Luật sư trong việc tiếp cận thân chủ đang bị tạm giam, tạm giữ, cùng những khó khăn mà Luật sư gặp phải trong việc tiếp cận hồ sơ truy tố và khó khăn trong việc thu thập những chứng cứ gỡ tội... là những ví dụ thể hiện tư pháp vẫn nằm trong vòng khép kín của từng cơ quan nhà nước, thậm chí còn nằm trong sự phối kết hợp giữa Công an điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án trong việc xét xử các vụ án.

“Mục đích vì công lý của Tòa án đã được xác định rõ trong quy định của Hiến pháp. Đây là một trong những thành công lớn của Hiến pháp năm 2013. Nhưng khẳng định đó cần phải được cụ thể hóa bằng những chủ trương chính sách cụ thể, hữu hiệu kèm theo và phải được thể chế hóa thành các quy định của các đạo luật dưới Hiến pháp. Trước hết là các Luật Tổ chức Tòa án, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát, Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự”… GS.TS. Nguyễn Đăng Dung chốt lại.

Minh Khôi

Video liên quan

Chủ Đề