Thủ tục bảo lãnh vay vốn ngân hàng

Đăng ký Đăng nhập

Mục lục bài viết

  • 1. Trách nhiệm khi bảo lãnh cho vay ngân hàng ?
  • 2. Tư vấn về vấn đề bảo lãnh Ngân hàng ?
  • 3. Thế chấp được sử dụng làm biện pháp bảo lãnh tại ngân hàng ?
  • 4. Cần tách bạch chủ thể hợp đồng trong giao dịch thế chấp bảo lãnh ?
  • 5. Tài sản bảo lãnh của bên thứ ba ngân hàng có được xử lý hay không ?

1. Trách nhiệm khi bảo lãnh cho vay ngân hàng ?

Thưa luật sư, Tôi có đứng ra bảo lãnh cho ông chú bên cạnh nhà vay ngân hàng agribank số tiền là 35.000.000 trước khi kí vào giấy bảo lãnh bên ngân hàng tôi có hỏi có vấn đề gì không: bên đại diện ngân hàng nói là không vẫn đề gì, sau này đóng lãi và trả nợ gốc là do bên ông Chú chịu trách nhiệm. Nên tôi đã ký vào giấy bảo lãnh, nhưng đã 2 tháng ông Chú không đóng lãi nên ngân hàng có đến tìm tôi. Vậy tôi muốn tổng đài trả lời giúp là tôi có phải trả lãi cho ông Chú kia không và nếu không trả thì tôi sẽ phải chịu trách nhiệm gì mà vấn đề bảo lãnh.

Vốn là do bên ngân hành mách cho phải có người đứng ra bảo lãnh mới vay tiếp được. Vì nể nên tôi đã đứng ra làm bảo lãnh cho Chú ấy ?

Chân thành cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn về pháp luật dân sự, gọi:1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng Công ty Luật Minh Khuê, đối với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được giải đáp và tư vấn như sau:

Bộ luật dân sự 2015 có định nghĩa bảo lãnh như sau:

Điều 335: Bảo lãnh

1. Bảo lãnh là việc người thứ ba [sau đây gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [sau đây gọi là bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

Điều 336: Phạm vi bảo lãnh

1. Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

2. Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, lãi trên số tiền chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.

4. Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Điều 342.Trách nhiệm dân sự của bên bảo lãnh

1. Trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Trường hợp bên bảo lãnh không thực hiện đúng nghĩa vụ bảo lãnh thì bên nhận bảo lãnh có quyền yêu cầu bên bảo lãnh thanh toán giá trị nghĩa vụ vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Theo những thông tin bạn cung cấp, bạn nhận bảo lãnh cho người chú vay ngân hàng số tiền 35 triệu đồng. Tùy vào hợp đồng bảo lãnh để xác định thời hạn cũng như phạm vi chịu trách nhiệm đối với nghĩa vụ bảo lãnh của bạn. Trong trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thì bạn phải chịu trách nhiệm với phần gốc và cả phần lãi của nghĩa vụ vay tiền nói trên. Việc ngân hàng liên hệ yêu cầu bạn thực hiện nghĩa vụ thay là hoàn toàn chính xác. Bạn phải có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ cho ngân hàng các khoản tiền gốc và tiền lãi của hợp đồng vay trên khi hợp đồng đó đến hạn thực hiện mà bên được bảo lãnh [ là ông chú hàng xóm ] không thực hiện hợp đồng

Sau khi bạn đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận bảo lãnh thì theo quy định tại Điều 340 Bộ luật dân sự 2015

Điều 340.Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Bên bảo lãnh có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi nghĩa vụ bảo lãnh đã thực hiện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, sau khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình,bạn có quyền yêu cầu người chú thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại cho mình khoản tiền mà bạn đã trả thay. Quan hệ về bảo lãnh được điều chỉnh theo quy định của Bộ luật dân sự. Nếu bạn muốn đòi lại tiền do đã thực hiện việc trả nợ cho ông chú theo hợp đồng bảo lãnh thì có thể kiện đòi lại tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự. Các giấy tờ bạn cần chuẩn bị cho việc khởi kiện bao gồm:

- Đơn khởi kiện

- Hợp đồng bảo lãnh của bạn với ngân hàng

- Giấy tờ, chứng từ chứng minh bạn đã thanh toán các trách nhiệm đến hạn cho người được bảo lãnh

- Các tài liệu và giấy tờ khác có liên quan.

Sau đó anh nộp đơn khởi kiện tại địa chỉ thường trú củai người được bảo lãnh.

Trân trọng cảm ơn!

2. Tư vấn về vấn đề bảo lãnh Ngân hàng ?

Chào luật sư!. Tôi có vấn đề sau mong nhận được sự tư vấn của luật sư. Đơn vị tôi có chứng thư bảo lãnh cho một doanh nghiệp [DN] vay vốn dài hạn tại một ngân hàng thương mại [NHTM] để đầu tư tài sản, tài sản sau khi hình thành sẽ thế chấp cho đơn vị tôi.

Giai đoạn đầu, sau khi tài sản hình thành DN hoạt động có trả được một phần lãi và vốn vay có bảo lãnh cho NHTM nhưng sau đó do hoạt động không hiệu quả nên DN đã không trả được nợ. Đơn vị tôi đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh [TH NVBL] 01 lần, trả phần nợ vay quá hạn của DN cho NHTM. Thời gian sau đó, DN vẫn tiếp tục không trả được phần nợ vay có bảo lãnh còn lại tại NHTM và cũng không trả lại cho đơn vị tôi phần tiền đơn vị tôi đã trả nợ thay cho DN đồng thời không đồng ý bán tài sản thế chấp tại 02 đơn vị để trả nợ nên NHTM và đơn vị tôi đã cùng khởi kiện DN để đòi nợ. NHTM đã khởi kiện DN cả 03 khoản vay. Đơn vị tôi khởi kiện DN phần tiền đơn vị tôi đã trả nợ thay cho DN tại NHTM. Do tài sản thế chấp cho 02 khoản vay riêng của DN tại NHTM có giá trị khá lớn nên tại phiên tòa sơ thẩm và phiên tòa phúc thẩm xử vụ kiện: NHTM kiện DN cả 03 khoản nợ vay và đơn vị tôi là “Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” đối với khoản nợ vay có bảo lãnh thì ông Giám đốc NHTM tự nguyện không yêu cầu Tòa án giải quyết về trách nhiệm bảo lãnh của đơn vị tôi cho DN trong vụ án này mà chỉ yêu cầu tòa án buộc DN trả nợ cho NHTM. Và Tòa án đã buộc DN phải có trách nhiệm trả cho NHTM cả tiền vốn và lãi của cả 03 hợp đồng vay [kể cả hợp đồng vay có bảo lãnh của đơn vị tôi], đồng thời duy trì các hợp đồng thế chấp tài sản của DN tại NHTM để đảm bảo cho việc thi hành án.

Năm 2014, sau khi có bản án, cơ quan thi hành án đã bán được tài sản vay có bảo lãnh thế chấp tại đơn vị tôi để chuyển trả nợ cho đơn vị tôi, phần tiền bán tài sản còn lại thi hành án đã chuyển NHTM để trả phần nợ vay có bảo lãnh còn lại của DN tại NHTM. Khoản nợ gốc vay có bảo lãnh còn lại của DN tại NHTM sau khi chuyển trả là 800 triệu. Hiện nay, sau 2,5 năm bán tài sản của DN thế chấp tại đơn vị tôi để thi hành án cho 02 đơn vị, NHTM lại tiếp tục có văn bản yêu cầu đơn vị tôi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản nợ còn lại và lãi với tổng số tiền yêu cầu là 5 tỷ đồng [trong đó vốn 800 triệu đồng] với lý do là tài sản thế chấp của 02 khoản vay ngắn hạn của DN bên NHTM không bán được và nếu bán được thì cũng không đủ thu nợ cho 02 khoản vay này của DN tại NHTM.

Kính đề nghị Quý Công ty hỗ trợ giải đáp giúp chúng tôi:

1/. Căn cứ nội dung tại 02 bản án của Tòa sơ thẩm và Tòa phúc thẩm thì trách nhiệm bảo lãnh của đơn vị tôi về việc bảo lãnh cho DN vay vốn tại NHTM có còn không ?

2/. Nếu đơn vị tôi từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh thì NHTM có quyền căn cứ chứng thư bảo lãnh trước đây để khởi kiện đơn vị tôi không ? 3/. Cách tính lãi của NHTM sau khi đã bán tài sản thế chấp tại đơn vị tôi để thi hành án có đúng không ?

Chân thành cảm ơn Quý Công ty!

Luật sư tư vấn Luật dân sự trực tuyến gọi: 1900.6162

Trả lời:

Luật Dân sự 2005quy định như sau

Điều 361. Bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba [say đây gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [sau đây gọi là bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.

Điều 363. Phạm vi bảo lãnh

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.

Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Điều 366. Quan hệ giữa bên bảo lãnh với bên nhận bảo lãnh

1. Bên nhận bảo lãnh không được yêu cầu bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi nghĩa vụ chưa đến hạn.

2. Bên bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh có thể bù trừ nghĩa vụ với bên được bảo lãnh.

Điều 367. Quyền yêu cầu của bên bảo lãnh

Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.

Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.

Căn cứ theo các quy định trên, khi đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. Nghĩa là khi đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho Doanh nghiệp trên mà đơn vị bạn không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì đơn vị bạn phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho Ngân hàng. Về phạm vi bảo lãnh phụ thuộc theo thỏa thuận của các bên và đơn vị bạn phải có nghĩa vụ bapr lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại cho Doanh nghiệp đó.

Và sau khi đơn vị bạn hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh với doanh nghiệp trên lúc này đơn vị bạn sẽ sẽ có quyền yêu cầu doanh nghiệp đó thực hiện nghĩa vụ đối với mình.

Theo thông tin bạn cung cấp, doanh nghiệp trên có 3 khoản vay tại Ngân hàng và đơn vị bạn đã bảo lãnh 1 trong 3 khoản vay trên. Việc bảo lãnh được chấm dứt theo quy định dưới đây:

Điều 371. Chấm dứt việc bảo lãnh

Việc bảo lãnh chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

1. Nghĩa vụ được bảo đảm bằng bảo lãnh chấm dứt;

2. Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;

3. Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;

4. Theo thoả thuận của các bên.

Căn cử theo quy định trên, việc bảo lãnh sẽ chấm dứt nếu đơn vị bạn thuộc một trong các trường hợp đó. Tuy nhiên theo như những gì bạn cung cấp không hề đề cập đến bất cứ thỏa thuận nào liên quan đến việc chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh đối với doanh nghiệp, mà chỉ có quyết định của Tòa án yêu cầu Doanh nghiệp phải thực hiện các nghĩa vụ trả nợ cho đơn vị bạn và Ngân hàng. Nên trong trường hợp này, nghĩa vụ bảo lãnh chưa chấm dứt và đơn vị bạn vẫn phải tiếp tục thực hiện việc bảo lãnh như đã thỏa thuận.

Trường hợp đơn vị bạn muốn từ chối việc bảo lãnh thì phải có sự thỏa thuận giữa các bên, trường hợp một trong các bên không đồng ý thì đơn vị bạn vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho tới khi việc bảo lãnh được chấm dứt.

Về câu hỏi liên quan đến cách tính lãi của Ngân hàng, Công ty chúng tôi chỉ hỗ trợ bạn liên quan đến lĩnh vực pháp luật chứ không tư vấn và hỗ trợ về nghiệp vụ chuyên ngành của Ngân hàng, do đó bạn có thể trực tiếp đến Ngân hàng đó để được hỗ trợ thêm.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

3. Thế chấp được sử dụng làm biện pháp bảo lãnh tại ngân hàng ?

Mong Luật sư tư vấn! Do cần vốn làm ăn nên ngày 10/5/2013, A đã vay ngân hàng B số tiền là 100 triệu với thời hạn là 1 năm. Để bảo đảm cho khoản vay này, C đã tự nguyện đứng ra bảo lãnh khả năng trả nợ cho A đối với ngân hàng B. Tuy nhiên, ngân hàng B yêu cầu C phải có tài sản bảo đảm.

Theo đó, C đã thế chấp căn hộ chung cư có giá trị 1 tỷ đồng cho ngân hàng B. Tuy nhiên, căn nhà này đã được C thế chấp để vay tại ngân hàng D số tiền 300 triệu. Khi thế chấp, C đã thông báo cho ngân hàng D. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, A đã không thanh toán đầy đủ số tiền cho ngân hàng B, nên ngân hàng B đã làm thủ tục để bán đấu giá căn hộ chung cư của C [lúc này, C đã thanh toán toàn bộ số nợ với ngân hàng D và đã xóa thế chấp ngôi nhà tại ngân hàng D].

Câu hỏi:

1. Có bao nhiêu giao dịch được nói đến trong tình huống?

2. A có bắt buộc phải ký vào hợp đồng bảo lãnh không? Tại sao?

3. Việc ngân hàng B bán đấu giá căn hộ chung cư của C là đúng hay sai?

4. Xác định số tiền mà C phải trả cho ngân hàng B trong các trường hợp sau đây [giả sử C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nghĩa vụ của A đối với ngân hàng B]:
a. A chưa trả được đồng nào
b. A trả được 25 triệu
c. A trả được 50 triệu
d. A trả được 75 triệu

Trân trọng cảm ơn!

>> Luật sư tư vấn pháp luật Dân sự, ngâng hàng về bảo lãnh, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Điều 361 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:

"Điều 361. Bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba [say đây gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [sau đây gọi là bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình."

Các thăc mắc của bạn chúng tôi giải đáp như sau:

1. Có bao nhiêu giao dịch được nói đến trong tình huống?

Nếu không xét tới tính hợp pháp của biện pháp thế chấp tài sản của bên bảo lãnh thì sẽ có 04 giao dịch trong trường hợp trên. Cụ thể:

- Giao dịch vay tài sản giữa A với ngân hàng B.

- Giao dịch bảo lãnh giữa C và A.

- Giao dịch thế chấp tài sản của C với ngân hàng B.

- Giao dịch thế chấp tài sản của C với ngân hàng D.

2. A có bắt buộc phải ký vào hợp đồng bảo lãnh không? Tại sao?

Hợp đồng bảo lãnh là sự thỏa thuận của bên bảo lãnh nhận thực hiện thay nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh trước bên có quyền. Vì vậy, để xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên thì bắt buộc các bên phải ký vào hợp đồng bảo lãnh. Trong trường hợp không biết chữ thì phải lăn tay điểm chỉ. Vì vậy, A phải ký vào hợp đồng bảo lãnh.

3. Việc ngân hàng B bán đấu giá căn hộ chung cư của C là đúng hay sai?

"Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh. "

Với quy định này thấy rằng, C phải đem tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ thay A chứ không phải ngân hàng mang tài sản của C ra bán. Tuy nhiên, trong trường hợp này ngân hàng buộc C phải thế chấp ngôi nhà nên đối chiếu vào quy định hậu quả pháp lý của biện pháp thế chấp để xem xét.

"Điều 355. Xử lý tài sản thế chấp

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì việc xử lý tài sản thế chấp được thực hiện theo quy định tại Điều 336 và Điều 338 của Bộ luật này."

"Điều 336. Xử lý tài sản cầm cố

Trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ dân sự mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng thoả thuận thì tài sản cầm cố được xử lý theo phương thức do các bên đã thoả thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Bên nhận cầm cố được ưu tiên thanh toán từ số tiền bán tài sản cầm cố. "

Nếu theo quy đinh này thì việc làm của Ngân hàng là đúng pháp luật.

4. Xác định số tiền mà C phải trả cho ngân hàng B trong các trường hợp sau đây [giả sử C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nghĩa vụ của A đối với ngân hàng B]:

"Điều 363. Phạm vi bảo lãnh

Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh

Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác."

Do C chỉ cam kết bảo lãnh 50% nên dù A chưa trả được tiền, trả được 25 triệu hay 50 triệu thì C cũng chỉ phải thanh toán thay A 50 triệu đồng. Đối với trường hợp A đã thah toán được 75 triệu đồng thì C chỉ phải thanh toán 25 triệu đồng.

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email:Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

4. Cần tách bạch chủ thể hợp đồng trong giao dịch thế chấp bảo lãnh ?

Việc xác định đúng chủ thể trong giao dịch hợp đồng dân sự là hết sức cần thiết. Giúp dễ thực hiện hợp đồng cũng như xác định quan hệ tranh chấp [nếu có] sau này. Trong thời gian qua, do việc vận dụng ngôn ngữ pháp lý không rõ ràng tại các tổ chức tín dụng đã vô tình tiếp sức cho các phần tử cơ hội lừa đảo.

Đơn cử là những vụ tranh chấp có liên quan đến hoạt động thế chấp, vay vốn trên địa bàn Hà Nội, cũng như những vụ "gom sổ đỏ" của hàng nghìn hộ dân ở một số tỉnh để đi thế chấp chiếm đoạt tiền vay. Sự việc nổi cộm đến mức Ls. Trương Thanh Đức – Chủ tịch công ty luật Basico đã bút chiến qua bài viết “Đúng, sai của ủy quyền thế chấp” đăng trên Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, số ra tháng 3/2011 để phản bác lại bài viết “Hợp đồng ủy quyền, những vấn đề lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật” đăng trên tạp chí T. của tác giả N.V.B – Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo đó, Thẩm phán B nêu lên một vụ án “Ông Th. uỷ quyền cho ông D. được dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Th. để cầm cố, thế chấp vay vốn tại một Chi nhánh Ngân hàng ở thành phố Q”. Ông D. không trả được nợ vay và đã bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên các cấp Toà đã quyết định phát mại tài sản thế chấp của ông Th. để thu nợ cho ngân hàng.

Qua đó, Thẩm phán B đã cho rằng, có một loạt vấn đề đã bị nhận thức và áp dụng sai pháp luật trong vụ việc này như: Hợp đồng uỷ quyền sai trái; Hợp đồng tín dụng vi phạm pháp luật và có sự nhập nhằng giữa hợp đồng cầm cố, thế chấp và bảo lãnh. Ls. Đức lại đặt vấn đề: Chẳng lẽ, một vấn đề cơ bản và rõ ràng như hợp đồng uỷ quyền, mà từ chủ sở hữu cho đến phòng công chứng, từ ngân hàng cho đến một loạt cơ quan pháp luật tiến hành tố tụng là công an, viện kiểm sát và toà án mấy cấp, đều nhầm lẫn, sai trái [!?].

Cuộc bút chiến thú vị này bắt đầu từ lập luận của thẩm phán B cho rằng: ông D đã lợi dụng hợp đồng ủy quyền có chứng thực để vay tiền cho D thay vì cho Th. Ls. Đức phản bác: Thế chấp có thể được hiểu là một trong những quyền định đoạt khác đối với tài sản. Chủ sở hữu có thể trực tiếp thực hiện hoặc uỷ quyền cho người khác thực hiện quyền đó. Và kết luận, trong trường hợp này, đương nhiên ông Th. được uỷ quyền ký hợp đồng thế chấp và đã nhân danh ông D. ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ vay của mình.

Luật sư tư vấn pháp luật dân sự trực tuyến [24/7] gọi số: 1900.6162

Ls. Đức tiếp tục lập luận: Bản chất của vụ việc nói trên là ông D. vay vốn ngân hàng, có bảo đảm bằng thế chấp quyền sử dụng đất [theo uỷ quyền] của ông Th.. Trong vụ án nói trên, ông D. là người ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng “vay vốn cho chính bản thân mình” chứ không phải là “lợi dụng hợp đồng uỷ quyền có sự chứng thực của công chứng” để vay vốn ngân hàng. Vì là hợp đồng tín dụng giữa ông D. với ngân hàng, nên ông D. phải ký hợp đồng bằng chính tư cách của mình, chứ không thể nhân danh ông Th. để ký hợp đồng vay vốn. Vì vậy, ông Th. không có lý do gì lại phải ký vào hợp đồng tín dụng như thắc mắc của tác giả. Còn trong hợp đồng tín dụng có nhắc đến tên người thế chấp và tài sản thế chấp là hoàn toàn cần thiết và đúng pháp luật. Việc này cũng tương tự như trong hợp đồng thế chấp có nhắc đến tên người vay vốn và hợp đồng tín dụng. Ls. Đức tiếp tục quy kết: tác giả đã nhầm lẫn một cách cơ bản từ uỷ quyền ký hợp đồng thế chấp sang uỷ quyền ký hợp đồng tín dụng, nên mới cho rằng đã có sự “nhập nhằng” trong vụ việc nói trên. Trong trường hợp này, ông Th. chỉ ký một hợp đồng uỷ quyền thế chấp là đủ yếu tố pháp lý, chứ không có bất kỳ lý do nào bắt phải ký thêm một hợp đồng thế chấp hay hợp đồng “bảo lãnh” nữa.

Nếu kết luận như Thẩm phán B, thì hàng vạn hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản được ký kết trên cơ sở uỷ quyền thế chấp từ trước đến nay đều vô hiệu do vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật. Và như vậy cũng đồng nghĩa với việc hợp đồng uỷ quyền nói chung, hợp đồng uỷ quyền thế chấp nói riêng không có giá trị pháp lý [!?]. Chỉ có Thẩm phán B mới hiểu và nhận xét không đúng về nội dung và hình thức của hợp đồng uỷ quyền để ký hợp đồng thế chấp vay vốn ngân hàng. Nếu các thẩm phán khác của Toà án cũng phán xử như tác giả, thì thật là một thảm hoạ đối với ngành ngân hàng.

Nhân tiện Ls. Đức nhắc đến nội dung và hình thức của hợp đồng ủy quyền, tôi muốn nói rõ về chủ thể của loại hợp đồng này. Về nguyên tắc, chủ sở hữu tài sản [SHTS] có thể ủy quyền cho người khác mua bán, thế chấp… tài sản của mình. Tuy nhiên, người được ủy quyền không được nhân danh chính mình, mà nhân danh chủ SHTS để đàm phán, ký kết. Phải thể hiện rõ ý chí của chủ SHTS và báo cho bên ủy quyền về việc thực hiện công việc đó, theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự [BLDS] về nghĩa vụ của bên được ủy quyền. Người được ủy quyền được nhân danh và vì lợi ích của người uỷ quyền, xác lập giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện. Bởi pháp luật dân sự quy định người ủy quyền phải là chủ SHTS:

- Khoản 1 Điều 320 BLDS: Vật bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự phải thuộc quyền sở hữu của bên bảo đảm và được phép giao dịch;

- Khoản 1 Điều 342 BLDS: Thế chấp tài sản là việc một bên [sau đây gọi là bên thế chấp] dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ dân sự đối với bên kia [sau đây gọi là bên nhận thế chấp];

- Điều 715 BLDS: Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là sự thoả thuận của các bên, theo đó bên sử dụng đất [sau đây gọi là bên thế chấp] dùng quyền sử dụng đất của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự với bên kia [bên nhận thế chấp], chứ không phải với kiểu lập luận ngược đời xưa nay hiếm của ông luật sư là “đương nhiên ông Th. được uỷ quyền ký hợp đồng thế chấp và đã nhân danh ông D. ký hợp đồng thế chấp với ngân hàng để bảo đảm cho nghĩa vụ trả nợ vay của mình”!. Hay kiểu “Bản chất của vụ việc nói trên là ông D. vay vốn ngân hàng, có bảo đảm bằng thế chấp quyền sử dụng đất [theo uỷ quyền] của ông Th.”. Chính sự nhằm lẫn việc bảo đảm bằng… ủy quyền mới đáng sợ! Ngay điểm lập luận này, chắc bản thân ông luật sư cũng ngờ ngợ nhận ra đây là giao dịch bảo lãnh nhằm bảo đảm khoản vay rồi chăng?!

Nếu như ông luật sư cho rằng Thẩm phán B đã nhầm lẫn một cách cơ bản từ uỷ quyền ký hợp đồng thế chấp sang uỷ quyền ký hợp đồng tín dụng thì tôi e rằng, bản thân ông đã nhầm lẫn về các chủ thể trong hợp đồng thế chấp và hợp đồng bảo lãnh tiền vay? Theo quy định của pháp luật hiện hành, việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản sở hữu [TSSH] của chính người vay, thì gọi là thế chấp, việc bảo đảm tiền vay bằng TSSH của người khác thì gọi là bảo lãnh! Bởi nghĩa vụ của bên bảo lãnh được quy định như sau:

- Điều 369 BLDS: Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh;

- Khoản 1 Điều 4 của Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm: Tài sản bảo đảm do các bên thoả thuận và thuộc sở hữu của bên có nghĩa vụ hoặc thuộc sở hữu của người thứ ba mà người này cam kết dùng tài sản đó để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ đối với bên có quyền…

Như vậy, cả hai loại hợp đồng nêu trên đều có chung thuộc tính là tài sản bảo đảm phải thuộc sở hữu của chính mình. Nhưng do chủ thể hợp đồng giao dịch khác nhau nên hệ quả pháp lý cũng khác nhau: Với hợp đồng ủy quyền thế chấp thì quyền tài sản thế chấp phải giao nộp ngay khi hợp đồng được công chứng cho bên nhận thế chấp; đối với hợp đồng bảo lãnh thì chủ SHTS chỉ phải giao nộp tài sản bảo đảm khi bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đủ nghĩa vụ trả nợ của mình. Có không sự thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa Bộ luật dân sự, Luật Đất đai và Nghị định 163/2006/NĐ-CP,… Hay tâm lý lo ngại quy định lỏng lẻo về nghĩa vụ bảo lãnh của chủ HSTS sẽ là “một thảm hoạ” mà các ngân hàng đang lảng tránh hợp đồng bảo lãnh? >> Tham khảo dịch vụ liên quan: Dịch vụ soạn thảo và công chứng hợp đồng;

[1] “Đúng, sai của ủy quyền thế chấp” đăng lại ngày 03/07/2011by Civillawinfor

Luật Minh Khuê [biên tập]

5. Tài sản bảo lãnh của bên thứ ba ngân hàng có được xử lý hay không ?

Xin chào Luật Minh Khuê! Em gặp phải tình huống như thế này, mong luật sư tư vấn giúp em ạ. A đã vay ngân hàng B số tiền là 100 triệu với thời hạn là 1 năm. Để bảo đảm cho khoản vay này, C đã tự nguyện đứng ra bảo lãnh khả năng trả nợ cho A đối với ngân hàng B. Tuy nhiên, ngân hàng B yêu cầu C phải có tài sản bảo đảm. Theo đó, C đã thế chấp căn hộ chung cư có giá trị 1 tỷ đồng cho ngân hàng B. Tuy nhiên, căn nhà này đã được C thế chấp để vay tại ngân hàng D số tiền 300 triệu. Khi thế chấp, C đã thông báo cho ngân hàng B. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, A đã không thanh toán đầy đủ số tiền cho ngân hàng B, nên ngân hàng B đã làm thủ tục để bán đấu giá căn hộ chung cư của C [lúc này, C đã thanh toán toàn bộ số nợ với ngân hàng D và đã xóa thế chấp ngôi nhà tại ngân hàng D].

Em muốn hỏi rằng: A có bắt buộc phải ký vào hợp đồng bảo lãnh không? Tại sao? Và việc ngân hàng B bán đấu giá căn hộ chung cư của C là đúng hay sai?

Em xin cảm ơn ạ.

Trả lời:

Thứ nhất, về ký kết hợp đồng bảo lãnh:

Căn cứ Điều 361 Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 của Quốc hội quy định như sau:

“Bảo lãnh là việc người thứ ba [say đây gọi là bên bảo lãnh] cam kết với bên có quyền [sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh] sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ [sau đây gọi là bên được bảo lãnh], nếu khi đến thời hạn mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ. Các bên cũng có thể thoả thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ của mình.”

Theo Điều 362 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về hình thức bảo lãnh như sau:

“Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.”.

Như vậy, theo quy định trên thì khi hợp đồng bảo lãnh lập thành văn bản riêng thì A không bắt buộc phải ký tên trong hợp đồng đó. Nếu hợp đồng bảo lãnh ghi trong hợp đồng chính thì đương nhiên phải có chữ ký của A.

Thứ hai, xử lý tài sản của bên bảo lãnh:

Căn cứ Điều 369 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định về xử lý tài sản như sau:

“Điều 369. Xử lý tài sản của bên bảo lãnh

Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.”

Trong trường hợp của bạn anh trai chỉ bảo lãnh cho bạn tại ngân hàng A nên khi bạn không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì ngân hàng A có quyền đấu giá tài sản bảo lãnh của anh trai bạn. Còn đối với ngân hàng B thì anh trai bạn đã thanh toán hết nợ và xóa thế chấp nên ngân hàng B không có quyền bán đấu giá tài sản bảo lãnh [ngôi nhà của anh trai bạn].

Như vậy, theo quy định trên thì ngân hàng B không có quyền bán đấu giá tài sản bão lãnh [căn hộ chung cư của C].

Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật dân sự miễn phí qua Email để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

Bộ phận tư vấn pháp luật Dân sự - Công ty luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề