Tôn trọng phẩm giá và quyền của học sinh

Các nguyên tắc trong tư vấn giới tính, SKSS


Nguyên tắc 1: Tự nguyện

Phải có sự đồng ý của HS. Nguyên tắc này có ý nghĩa liên quan đến sự tự quyết định tham gia vào quá trình tư vấn. Mặt khác, nó gắn liền với kết quả mong muốn đạt được của tư vấn. Nếu HS không đồng ý, không tự nguyện, không có nhu cầu tham gia vào quá trình tư vấn thì dù nhà tư vấn có cố gắng đến đâu cũng không thể đem lại kết quả hoặc kết quả không cao. Sự đồng ý và tham gia của HS có ý nghĩa quyết định.

- Nguyên tắc 2: Tôn trọng

           Nhà tư vấn phải tôn trọng mọi người, tôn trọng HS của mình. Không được vì bất kì một lý do nào đó mà có thái độ coi khinh, miệt thị hoặc hạ thấp nhân phẩm của họ.

- Nguyên tắc 3: Tính cá thể

Xem xét vấn đề dưới góc độ cá nhân của từng người. Mỗi con người là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm riêng. Mỗi con người là một cá thể riêng biệt với những đặc điểm riêng. Nhất là trong góc độ tâm lý, tình cảm, những biểu hiện cá biệt càng rõ, phụ tuộc vào các yếu tố sinh học, vào môi trường sống và những đặc điểm phát triển riêng của họ. Nhà tư vấn cần quan tâm đến những vấn đề này để đưa ra mục tiêu và kế hoạch thích hợp.

- Nguyên tắc 4: Bảo đảm bí mật riêng tư

 Khi gặp hoàn cảnh, tình trạng khó khăn, HS có thể có những suy nghĩ, cảm xúc chưa chuẩn xác. Cũng có thể có những thông tin mà những người khác biết sẽ không có lợi cho các em. Việc đảm bảo sự bí mật riêng tư giúp cho HS thấy yên tâm, tin tưởng vào nhà tư vấn. Một phần trong nguyên tắc giữ gìn sự riêng tư là không tiết lộ những gì không cần thiết cho người khác không liên quan mà những điều này có thể không đem lại lợi ích cho HS.  Ví dụ, đối tượng tư vấn là trẻ VTN mang thai, muốn nạo phá thai nhưng không muốn cha mẹ mình biết. Trong trường hợp này, nhà tư vấn cần phân tích cho em hiểu sự cần thiết và lợi ích của việc cho gia đình [ít nhất là mẹ nên biết] vì nó liên quan đến sức khỏe, cả tính mạng của trẻ. Việc giữ bí mật riêng tư chỉ mang tính tương đối và trong những trường hợp, thông tin mà HS cung cấp có thể ảnh hưởng đến tính mang, sự an toàn của họ và những người khác hoặc vi phạm pháp luật,… thì việc tiết lộ thông tin cho người thứ 3 là cần thiết.

            - Nguyên tắc 5: Quyền tự quyết của HS

            Nguyên tắc quyền tự quyết đề cập đến quyền quyết định của HS trong việc xác định mục tiêu và các giải pháp nhằm đạt được mục tiêu. Nhà tư vấn chỉ nêu vấn đề, giúp HS nhìn ra một cách rõ ràng hơn tình trạng của họ, nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó và định hướng giúp họ tìm ra những cách giải quyết vấn đề của mình, tự quyết định cần điều chỉnh cảm xúc, suy nghĩ của mình, nhận thức được những hành động mình cần làm và thực hiện những hành động theo kế hoạch đặt ra. Trong các trường hợp HS không nhận ra, nhà tư vấn cần gợi ý, định hướng. Trong các trường hợp HS có định hướng sai, nhà tư vấn cần giúp chuyển hướng bằng cách phân tích nếu theo hướng suy nghĩ và giữ cảm xúc như vậy, các hậu quả không tốt sẽ dẫn đến đâu, tác động đến những ai và nếu theo hướng khác, kết quả đạt được sẽ tốt như thế nào. Nhiều trường hợp, HS không nhận ra định hướng đúng ngay mà nhà tư vấn phải kiên trì, sử dụng những kỹ năng cần thiết, tác động. Trong mọi trường hợp, quyết định cuối cùng về mục đích, các hoạt động và phương pháp đạt được các mục tiêu đặt ra phải do HS quyết định chứ không phải do nhà tư vấn.

             Mặc dù tốt nhất là tất cả các học sinh đều tham gia vào một cuộc thảo luận hay một hoạt động nào đó, nhưng các em cũng có quyền không tham gia vào môt hoạt động cụ thể hoặc không muốn trả lời một câu hỏi nào đó nếu điều đó làm các em cảm thấy khó chịu.

Chương V
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN CỦA HỌC SINH

Điều 33. Tuổi của học sinh trường trung học

1.         Tuổi của học sinh vào học lớp 6 là 11 tuổi. Tuổi của học sinh vào học lớp 10 là 15 tuổi. Đối với những học sinh được học vượt lớp ở cấp học trước hoặc học sinh vào cấp học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định thì tuổi vào lớp 6 và lớp 10 được giảm hoặc tăng căn cứ vào tuổi của năm tốt nghiệp cấp học trước.

2.         Học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh ở nước ngoài về nước có thể vào cấp học ở tuổi cao hơn 03 tuổi so với tuổi quy định.

3.  Học sinh không được lưu ban quá 03 lần trong một cấp học.

4.         Học sinh có thể lực tốt và phát triển sớm về trí tuệ có thể vào học trước tuổi hoặc học vượt lớp trong phạm vi cấp học. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

a]  Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.

b] Hiệu trưởng thành lập Hội đồng khảo sát, tư vấn gồm thành phần cơ bản sau: đại diện của Lãnh đạo trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường; giáo viên dạy lớp học sinh đang theo học.

c] Căn cứ kết quả khảo sát của Hội đồng khảo sát, tư vấn, hiệu trưởng xem xét, quyết định.

5. Học sinh trong độ tuổi quy định ở nước ngoài về nước, con em người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được học ở trường trung học tại nơi cư trú hoặc trường trung học ở ngoài nơi cư trú nếu trường đó có khả năng tiếp nhận. Việc xem xét đối với từng trường hợp cụ thể được thực hiện theo các bước sau:

a]  Cha mẹ hoặc người đỡ đầu có đơn đề nghị với nhà trường.

b]  Hiệu trưởng tổ chức khảo sát trình độ của học sinh và xếp vào lớp phù hợp.

Điều 34. Nhiệm vụ của học sinh

1.         Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

2.         Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.

3.  Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

4.         Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

5.         Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.

Điều 35. Quyền của học sinh

1.         Được bình đẳng trong việc hưởng thụ giáo dục toàn diện, được bảo đảm những điều kiện về thời gian, cơ sở vật chất, vệ sinh, an toàn để học tập ở lớp và tự học ở nhà, được cung cấp thông tin về việc học tập, rèn luyện của mình, được sử dụng trang thiết bị, phương tiện phục vụ các hoạt động học tập, văn hoá, thể thao của nhà trường theo quy định.

2.         Được tôn trọng và bảo vệ, được đối xử bình đẳng, dân chủ, được quyền khiếu nại với nhà trường và các cấp quản lý giáo dục về những quyết định đối với bản thân mình; được quyền chuyển trường khi có lý do chính đáng theo quy định hiện hành; được học trước tuổi, học vượt lớp, học ở tuổi cao hơn tuổi quy định theo Điều 33 của Điều lệ này.

3. Được tham gia các hoạt động nhằm phát triển năng khiếu về các môn học, thể thao, nghệ thuật do nhà trường tổ chức nếu có đủ điều kiện.

4.         Được nhận học bổng hoặc trợ cấp khác theo quy định đối với những học sinh được hưởng chính sách xã hội, những học sinh có khó khăn về đời sống và những học sinh có năng lực đặc biệt.

5. Được chuyển trường nếu đủ điều kiện theo quy định; thủ tục chuyển trường thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

6.         Được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Điều 36. Hành vi ứng xử, trang phục của học sinh

1.         Hành vi, ngôn ngữ, ứng xử của học sinh phải đúng mực, tôn trọng, lễ phép, thân thiện, bảo đảm tính văn hoá, phù hợp với đạo đức và lối sống của lứa tuổi học sinh trung học.

2.         Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.

Điều 37. Các hành vi học sinh không được làm

1.         Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác.

2.         Gian lận trong học tập, kiểm tra, thi, tuyển sinh.

3.         Mua bán, sử dụng rượu, bia, thuốc lá, chất gây nghiện, các chất kích thích khác và pháo, các chất gây cháy nổ.

4.         Sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép.

5.         Đánh nhau, gây rối trật tự, an ninh trong nhà trường và nơi công cộng.

6.         Sử dụng, trao đổi sản phẩm văn hóa có nội dung kích động bạo lực, đồi trụy; sử dụng đồ chơi hoặc chơi trò chơi có hại cho sự phát triển lành mạnh của bản thân.

7.         Học sinh không được vi phạm những hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Khen thưởng và kỷ luật

1.         Học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện được giáo viên, nhà trường và các cấp quản lý giáo dục khen thưởng bằng các hình thức sau đây:

a] Tuyên dương trước lớp hoặc trước toàn trường.

b] Khen thưởng các danh hiệu học sinh theo quy định.

c] Cấp giấy chứng nhận, giấy khen, bằng khen, nếu đạt thành tích nổi bật hoặc có tiến bộ vượt bậc trong một số lĩnh vực học tập, phong trào thi đua; đạt thành tích trong các kỳ thi, hội thi theo quy định và cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

d]  Các hình thức khen thưởng khác.

2.         Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

a] Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.

b]         Khiến trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

c] Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

{Trích điều lệ trường Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học}
[Ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/6/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo]

Video liên quan

Chủ Đề